Bất động sản

Nguồn cung bất động sản TP.HCM xuống thấp nhất trong ba năm

2 năm trước
Tác giả Giang Thanh

Thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận sụt giảm mạnh về nguồn cung do tác động của đại dịch COVID-19.

Share
this:

Trong quý 3/2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam, dẫn đến các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội được áp dụng. Chịu ảnh hưởng trực tiếp, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận sụt giảm mạnh về nguồn cung và lượng tiêu thụ ở hầu hết các phân khúc chủ chốt như đất nền, căn hộ, nhà phố/biệt thự.

Theo CBRE trong quý 3 chỉ có hai dự án thuộc phân khúc cao cấp thực hiện mở bán qua kênh bán hàng trực tuyến. Số lượng căn bán được trong quý đạt 1.582 căn, giảm 68% so với quý 3/2020 do nguồn cung sụt giảm. 9 tháng đầu năm tại TP.HCM ghi nhận 8.956 căn bán, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020. Các hạn chế khi thực hiện giao dịch bất động sản trực tuyến cũng như tâm lý thận trọng của cả chủ đầu tư và khách hàng khiến nguồn cung chào bán rơi xuống mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây.

CBRC đánh giá mặc dù thị trường bất động sản tiêu cực trong ngắn hạn do dịch bệnh, tình hình vẫn xuất hiện một số tín hiệu khả quan. Các kênh bán hàng trực tuyến như ứng dụng điện thoại và mạng xã hội được đầu tư bài bản hơn. Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp đạt mức 2.271 USD/m2, xấp xỉ 53 triệu đồng (chưa bao gồm thuế), tăng 17% so với cùng kỳ.

Trong đó, theo CBRE tất cả các phân khúc đều ghi nhận giá bán tăng. Phân khúc hạng sang ghi nhận mức tăng giá cao nhất 8% theo năm nhờ dự án Grand Marina và giai đoạn tiếp theo của The River mở bán. Các phân khúc còn lại có mức tăng giá trung bình trong khoảng từ 2% – 4% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường căn hộ bán TP.HCM, Nguồn cung chào bán (CBRE)

Trong khi đó CTCP DKRA Việt Nam đánh giá bối cảnh siết chặt giãn cách xã hội tại các tỉnh thành, phía nam khiến hình thức bán hàng online được áp dụng phổ biến. Hiệu quả dù chưa đạt kỳ vọng như cách bán hàng truyền thống, nhưng đã góp phần thay đổi xu hướng bán hàng, giữ cho thị trường vẫn hoạt động và không rơi vào trạng thái trầm lắng. Bên cạnh đó, thị trường cũng xuất hiện các mô hình đầu tư mới trên nền tảng công nghệ thu hút thêm số lượng lớn nhà đầu tư vốn nhỏ lẻ tham gia.

Ở phân khúc đất nền, theo DKRA trong quý 3, thị trường TP.HCM và vùng lân cận ghi nhận nguồn cung sụt giảm đáng kể, nguồn cung tương đương khoảng 4.1% so với quý 2, tỷ lệ tiêu thụ chỉ bằng 1.5% cùng kỳ năm trước. Khi TP.HCM trải qua năm quý liên tục thiếu vắng nguồn cung mới do các ách tắc pháp lý, nguồn cung trong quý vừa qua tập trung chủ yếu ở thị trường Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo DKRA, với thị trường đất nền, thị trường thứ cấp có dấu hiệu giảm giá cục bộ ở một số dự án và khu vực, mức giảm khoảng 5% – 7% so với giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

Với thị trường căn hộ tại địa phương, theo DKRA, thị trườngLong An ra mắt căn hộ mức giá khoảng 1 tỷ đồng/căn nằm trong khu đô thị được phát triển bài bản, thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng. Mức giá sơ cấp ở các dự án không có nhiều biến động so với quý trước. Song hầu hết các chủ đầu tư đều ban hành các chính sách chiết khấu bán hàng mùa dịch, lịch thanh toán giãn cách nhằm kích cầu thị trường sơ cấp.  

Với phân khúc nhà phố/biệt thự khu vực các tỉnh giáp ranh TP.HCM, Đồng Nai vẫn dẫn đầu nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường.. Theo ghi nhận, phân khúc nhà phố/biệt thự đang được chào bán tiếp tục xu hướng dịch chuyển ra các vùng giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương,…

Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, các dự án tập trung ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc, Bình Thuận và Khánh Hòa. Sức mua chung toàn thị trường ở mức khá thấp, đa số giao dịch tập trung ở những dự án lớn được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn uy tín và pháp lý minh bạch.