Nhân vật

Ali Ghodsi – nhà khoa học dữ liệu “tình cờ thành tỉ phú”

2 năm trước
Tác giả Kenrick Cai

Ali Ghodsi góp phần tạo ra đoạn mã đột phá. Giờ đây, công ty khởi nghiệp của anh trị giá 28 tỉ đô la Mỹ, và học giả này trở thành tỉ phú.

Share
this:

Ali Ghodsi đang rất hạnh phúc khi nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Berkeley vào thời điểm anh góp phần tạo ra đoạn mã đột phá. Anh muốn tặng miễn phí đoạn mã đó. Nhưng chẳng có nhiều người muốn nhận nếu anh không tính tiền. Giờ đây, công ty khởi nghiệp của anh trị giá 28 tỉ đô la Mỹ, và học giả này trở thành tỉ phú, nổi tiếng là một trong những CEO giỏi nhất thung lũng Silicon.

Đó là vào tháng 11.2015, Databricks, công ty phần mềm hai năm tuổi do nhóm bảy nhà nghiên cứu từ Berkeley gây dựng, khi đó đã có tiếng tăm nhưng doanh thu lại thấp.

Nhóm lãnh đạo lúng túng đưa ra các ý tưởng đã được thay đổi hết lần này đến lần khác. Họ đã cố gắng huy động vốn suốt năm tháng qua, nhưng giới đầu tư vẫn nghi ngờ, thận trọng với doanh số ít ỏi của công ty. Nhận thấy không còn lựa chọn nào khác, Pete Sonsini – đối tác của NEA, nơi từng đầu tư vào Databricks – ra tay cứu công ty với khoản đầu tư khẩn cấp 30 triệu đô la Mỹ.

Nội dung họp bàn tiếp theo: một người chủ mới. CEO Ion Stoica, nhà đồng sáng lập, đồng ý từ chức và trở lại làm giáo sư tại ĐH California-Berkeley. Rõ ràng cần đề bạt gấp một giám đốc điều hành nhiều kinh nghiệm ở thung lũng Silicon, giống như đối thủ cạnh tranh chính của Databricks, Snowflake, đã làm hai lần trên hành trình đạt đến định giá IPO kỷ lục đối với một công ty phần mềm (33 tỉ đô la Mỹ) hồi tháng 9.2020.

Tuy nhiên, họ không làm thế. Thay vào đó, theo đề xuất của Stoica và những nhà đồng sáng lập khác, họ chọn Ali Ghodsi, nhà đồng sáng lập lúc đó đang làm phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật.

Ben Horowitz nhớ lại: “Dĩ nhiên một số thành viên còn lại trong hội đồng quản trị phản ứng, cho là chuyện đó không có ý nghĩa gì. Vì đổi nhà sáng lập kiêm giáo sư này lấy một người y hệt như vậy thì không khác gì nhau.” Horowitz là nhà đầu tư đầu tiên vào công ty, và ban đầu, chính ông cũng hoài nghi việc giao công ty cho một học giả không có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp. Họ thỏa hiệp là để Ghodsi làm thử một năm.

Rồi chính Horowitz cũng phải công nhận Ghodsi, 42 tuổi, hói đầu, mày râu nhẵn nhụi, đã trở thành CEO giỏi nhất trong danh mục đầu tư bao gồm hàng trăm công ty của Andreessen Horowitz. Databricks đã và đang trở thành khoản đầu tư thành công nhất trong lĩnh vực phần mềm của công ty đầu tư mạo hiểm này, với mức định giá gần đây là 28 tỉ đô la Mỹ, gấp 110 lần so với thời điểm Ghodsi tiếp quản.

Databricks hiện có hơn năm ngàn khách hàng, và Forbes ước tính công ty đang trên đà tiến tới mức doanh thu hơn 500 triệu đô la Mỹ trong năm 2021, cao hơn nhiều so với khoảng 275 triệu đô la Mỹ trong năm rồi. Công ty góp mặt trong danh sách AI 50 mới nhất của Forbes, xếp thứ năm trong danh sách Cloud 100 năm ngoái và có thể sớm IPO, được kỳ vọng sẽ là một trong những thương vụ IPO sinh lợi nhất trong lịch sử ngành phần mềm.

Hiện tại, màn thể hiện thần kỳ của Ghodsi đã tạo nên ít nhất ba nhà sáng lập tỉ phú – chính bản thân anh, Stoica, 56 tuổi và quản lý bộ phận kỹ thuật Matei Zaharia, 36 tuổi – tất cả đều sở hữu lượng cổ phần từ 5% đến 6%, trị giá từ 1,4 tỉ đô la Mỹ trở lên, theo ước tính của Forbes.

Đó là kỳ tích đáng kinh ngạc, và càng kinh ngạc hơn nữa khi thực tế nhiều nhà sáng lập ban đầu, đặc biệt là Ghodsi, thường quá say mê hoạt động nghiên cứu đến mức xem việc thành lập công ty hoặc thu phí sử dụng công nghệ của họ – một đoạn mã dự đoán tương lai tốt nhất có tên là Spark – chỉ là chuyện miễn cưỡng phải làm.

Khi các nhà nghiên cứu cung cấp công nghệ này cho các công ty dưới dạng công cụ mã nguồn mở, họ được hồi đáp là mã này chưa “sẵn sàng ứng dụng trong doanh nghiệp.” Nói cách khác, Databricks cần phải thương mại hóa.


Các tiến sĩ dữ liệu
Bảy người đồng sáng lập của Databricks – sáu người trong số họ có bằng tiến sĩ về Khoa học máy tính – lần đầu làm việc cùng nhau trong phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của ĐH UC Berkeley. Đứng, từ trái sang: Arsalan Tavakoli, 37 tuổi, lãnh đạo nhóm kỹ sư hỗ trợ khách hàng; Ion Stoica, 56 tuổi, chủ tịch điều hành và CEO ban đầu; Andy Konwinski, 37 tuổi, phó chủ tịch quản lý sản phẩm; Reynold Xin, 35 tuổi, kiến trúc sư phần mềm chính; Patrick Wendell, 32 tuổi, phó chủ tịch kỹ thuật. Ngồi, từ trái sang: Ali Ghodsi, 42 tuổi, CEO; Matei Zaharia, 36 tuổi, quản lý bộ phận kỹ thuật. – “Chúng tôi luôn coi mình là mafia Berkeley,” Ghodsi nói.

“Chúng tôi là những người lập dị đến từ Berkeley, và chỉ muốn thay đổi thế giới,” Ghodsi nói. “Giống như chúng tôi nói với họ là dùng miễn phí phần mềm của chúng tôi đi. Họ trả lời là họ muốn trả một triệu đô la Mỹ.”

Phần mềm tiên tiến của Databricks sử dụng trí thông minh nhân tạo để kết hợp những kho dữ liệu đắt tiền (data warehouse – chứa dữ liệu có cấu trúc dùng trong phân tích dữ liệu) với những hồ dữ liệu (data lake – kho dữ liệu thô, rẻ tiền) tạo ra một kiến trúc mới được gọi là “lakehouses” (không có khoảng cách giữa các từ, tuân thủ truyền thống ngôn ngữ của giới nghiện công nghệ).

Người dùng cung cấp dữ liệu của họ và AI đưa ra dự đoán tương lai. Ví dụ, John Deere lắp đặt cảm biến trong thiết bị nông nghiệp của mình để thu thập các số liệu như nhiệt độ động cơ và số giờ sử dụng. Databricks sử dụng dữ liệu thô này để dự đoán thời điểm máy kéo có thể bị hỏng.

Các công ty thương mại điện tử sử dụng phần mềm này để đề xuất những thay đổi trên trang web của họ nhằm đẩy mạnh doanh số bán hàng. Databricks còn có khả năng phát hiện các tác nhân độc hại – cả trên sàn giao dịch chứng khoán lẫn mạng xã hội.

Ghodsi cho biết Databricks sẵn sàng lên sàn chứng khoán. Theo Sonsini, công ty đang hướng đến doanh thu gần một tỉ đô la Mỹ trong năm tới. Ghodsi cho biết, trong tương lai, 100 tỉ đô la Mỹ là cột mốc khả thi, kể cả khi ước tính thận trọng.

Phép toán rất đơn giản: Thị trường AI dành cho doanh nghiệp đang trị giá hàng ngàn tỉ đô la Mỹ và chắc chắn còn phát triển lớn hơn nhiều. Ghodsi chia sẻ, giả sử một công ty chỉ cần có được 10% thị trường, thì doanh thu của họ sẽ “hơn trăm tỉ nhiều.”

Bốn năm sau cuộc chiến Iran-Iraq, khi lãnh đạo đầu tiên của nền Cộng hòa Iran Ayatollah Khomeini đàn áp các đối thủ chính trị để ổn định vị thế cầm quyền, gia đình Ghodsi, thuộc tầng lớp thượng lưu, trở thành mục tiêu của cuộc cách mạng này và buộc phải bỏ lại của cải để trốn sang Thụy Điển, quốc gia đầu tiên cấp thị thực cho họ.

Khi đó là năm 1984, đối với cậu bé 5 tuổi Ali Ghodsi, ký ức về quê hương chỉ là một mớ âm thanh hỗn tạp của tiếng bom và tiếng còi báo động, và sự khởi đầu của một hành trình lưu lạc kéo dài hàng chục năm.

Thời gian đầu, gia đình anh di chuyển liên tục giữa những khu ký túc xá sinh viên giá rẻ, vì luôn bị đuổi khỏi nhà chỉ trong vòng vài tháng khi chủ nhà phát hiện ra cả một gia đình đang sống trong một gian phòng, thay vì những cô cậu sinh viên. Đôi khi, họ còn phải chịu những ác ý, thóa mạ – những từ ngữ xúc phạm như “svartskalle,” một từ lóng mang tính miệt thị để chỉ những người nhập cư da màu (nghĩa đen là “đầu đen”).

Việc chuyển từ khu vực nghèo khổ này sang khu vực nghèo khổ khác tại Stockholm khiến Ghodsi và em gái phải liên tục chuyển trường và kết bạn mới. Khả năng giao tiếp xã hội khéo léo mà anh có được hiện nay là kết quả của việc sớm tiếp cận những mối tương quan đa dạng giữa người với người.

Những tố chất của một thiên tài kỹ thuật nhen nhóm trong anh từ sớm. Cha mẹ của Ghodsi không đủ khả năng để mua quà mới cho con. Họ tìm mua được cho anh chiếc Commodore 64 cũ (thiết bị máy tính dân dụng với đầu đọc có thể đọc được băng trò chơi điện tử) với mức giá cực rẻ do hộc băng bị hỏng không sửa được. Cậu học trò lớp bốn tò mò bắt đầu đọc những quyển sách hướng dẫn và nhanh chóng biết cách tự lập trình trò chơi. Ghodsi cười nói: “Tôi là một trong những kẻ nghiện công nghệ.”

Anh mang theo tình yêu đó vào ĐH Mid Sweden tại thành phố Sundsvall yên bình. Ghodsi tiếp tục học tại trường thêm một năm để lấy bằng thạc sĩ kỹ thuật máy tính và quản trị kinh doanh. Sau đó, anh được nhận vào học viện Công nghệ hoàng gia KTH Thụy Điển, tương đương học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và học viện Công nghệ California (CalTech), nơi anh lấy bằng tiến sĩ khoa học máy tính năm 2006.

Năm 2009, Ghodsi, 30 tuổi, đến Hoa Kỳ làm giảng viên thỉnh giảng tại ĐH UC Berkeley, và có ấn tượng đầu tiên về thung lũng Silicon. Bất chấp sự sụp đổ của bong bóng dot-com chín năm trước và cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra, nơi đây vẫn là đỉnh cao của những đổi mới. Facebook chỉ mới năm năm tuổi và chưa lên sàn. Airbnb và Uber bước vào năm đầu tiên. Một số công ty mới nổi khác bắt đầu khoa trương rằng công nghệ của họ có thể đánh bại con người trong một số lĩnh vực.

“Hóa ra là chỉ cần bạn dùng lại những thuật toán mạng nơ-ron xưa cũ từ thập niên 1970, nhưng đưa vào nhiều dữ liệu hơn và kết hợp với phần cứng hiện đại, thì sẽ đạt được kết quả phi thường,” Ghodsi nói.

Không giống nhiều doanh nhân tương lai khác không sinh ra tại Hoa Kỳ, Ghodsi được ở lại Hoa Kỳ nhờ loại thị thực dành cho cá nhân kiệt xuất. Ở Berkeley, anh chung nhóm với Matei Zaharia, lúc đó là nghiên cứu sinh 24 tuổi, trong dự án xây dựng công cụ phần mềm Spark dùng để xử lý dữ liệu. Bộ đôi muốn làm tương tự như các công ty công nghệ lớn đang làm với mạng nơ-ron nhưng với giao diện đơn giản hơn.

Zaharia nói: “Nhóm chúng tôi thuộc những người đầu tiên tìm cách đơn giản hóa cách thức làm việc với những tập dữ liệu rất lớn, phục vụ những người không hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật phần mềm.”

Spark hóa ra còn tốt hơn cả mong đợi. Năm 2014, công cụ này lập kỷ lục thế giới về tốc độ sắp xếp dữ liệu, và mang về cho Zaharia giải thưởng luận văn khoa học máy tính xuất sắc nhất năm. Họ công bố mã nguồn miễn phí với kỳ vọng nhiều doanh nghiệp sẽ sử dụng công cụ của mình, nhưng rồi nhanh chóng nhận ra chẳng mấy ai quan tâm đến nó.

Sau các cuộc họp tại những nhà hàng Ấn Độ nhỏ từ năm 2012, nhóm nòng cốt gồm bảy học giả đồng ý thành lập Databricks. Hai học giả nổi tiếng Scott Shenker và đồng nghiệp Ion Stoica người Romania, cố vấn luận án cho chàng trai Zaharia người gốc Romania, là những người có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp.

Stoica là giám đốc điều hành của Conviva – công ty khởi nghiệp phát video trực tuyến trị giá 300 triệu đô la Mỹ, còn Shenker là CEO đầu tiên của Nicira – công ty công nghệ mạng được VMware mua lại năm 2012 với giá khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ.

Stoica đảm nhiệm vị trí CEO, và Zaharia là quản lý bộ phận kỹ thuật. Chỉ tham gia hội đồng quản trị thay vì làm việc toàn thời gian cho công ty, Shenker là người sắp xếp cuộc gặp lần đầu giữa Ben Horowitz (nhà đầu tư giai đoạn đầu của Nicira) với nhóm nghiên cứu, những người hầu như không mấy mặn mà với ý tưởng này.

“Chúng tôi suy nghĩ và tuyên bố: ‘Chúng tôi không muốn lấy tiền từ ông ấy vì ông ấy không phải là nhà nghiên cứu,’” Ghodsi kể. “Chúng tôi muốn nhận tài trợ hạt giống, có thể là vài trăm ngàn đô la Mỹ, sau đó tập trung lập trình trong vòng một năm xem có thể làm được gì.”

Một ngày hè nọ, tại văn phòng mới gần khuôn viên ĐH California, nhóm nhà sáng lập đứng ngồi không yên trong phòng họp, cân nhắc xem sẽ từ chối bao nhiêu tiền đầu tư. Horowitz đến nơi trễ hơn một tiếng so với lịch họp. “Giao thông ở Berkeley thật tệ,” ông càu nhàu trước khi vào thẳng vấn đề: “Tôi sẽ không thương lượng với các anh. Tôi chỉ đưa ra một đề nghị, nhận hoặc từ chối.” Đề nghị đó là 14 triệu đô la Mỹ với mức định giá gần 50 triệu đô la Mỹ. Không thể từ chối số tiền quá lớn này.

Horowitz giải thích: “Những ý tưởng như thế này có giới hạn về mặt thời gian. Trong đa số trường hợp, nên bắt đầu bằng số tiền đầu tư hạt giống, nhưng với những người này thì không.”

Đến chiều thứ sáu tuần sau, nhóm những kẻ nghiện công nghệ đa thế hệ – vào thời điểm đó, độ tuổi của nhóm là từ 24 đến 48 tuổi – lại họp. Nhưng lần này, một trong số họ đang đặt tay lên phím F5, phím bấm làm mới trang web hiển thị số dư tài khoản ngân hàng của Databricks. “Và rồi, bất thình lình, nó hiển thị con số ‘14-0-0-0-0-0-0,’” Ghodsi nhớ lại. “Chúng tôi rất kinh ngạc. Thu nhập của tôi lúc đó khoảng từ 57 tới 58 ngàn đô la Mỹ, vậy nên đây là số tiền rất lớn.”

Stoica nhanh chóng thuyết phục được Sonsini, đối tác của NEA và là cựu sinh viên ĐH California, làm nhà đầu tư mạo hiểm thứ hai nhờ mối quan hệ có từ thời Stoica còn ở Conviva.

Công ty của Sonsini là cổ đông lớn nhất trong Conviva, và nhà đầu tư này đã mua cổ phần của Databricks vì nhận thấy tiềm năng của công ty – năm 2014, doanh thu của công ty gần như bằng 0. (“Tôi cũng đã lên kế hoạch đầy đủ để dẫn đầu đợt tài trợ đầu tiên, nhưng Horowitz đã đi trước một bước,” ông nói.) Khoản đầu tư 33 triệu đô la Mỹ nâng mức định giá của công ty khởi nghiệp lên đến 250 triệu đô la Mỹ, chỉ sau 13 tháng thành lập.

Dự đoán mức tăng trưởng mạnh trong tương lai, Databricks chuyển trụ sở chính từ khu văn phòng khiêm tốn ở Berkeley lên tầng 13 tòa nhà chọc trời ngay tại khu phố tài chính San Francisco. Họ chẳng hề quan tâm đến con số 13 đen đủi. Ghodsi nói: “Có lẽ nhờ vậy mà chúng tôi thương lượng được mức giá rẻ hơn, và chúng tôi nghĩ, ‘Tuyệt vời!’”

Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tháng, vận rủi xuất hiện. Horowitz nói: “Chúng tôi mất quá nhiều thời gian để đưa sản phẩm ra thị trường.” Những doanh nghiệp lớn hơn như Amazon Web Services và Cloudera đều đã tích hợp Spark vào sản phẩm của riêng họ mà không cần đến Databricks. “Mọi đối thủ cạnh tranh của chúng tôi bắt đầu nói họ yêu thích Spark như thế nào,” Ghodsi nói. “Nhưng chúng tôi gần như không có doanh thu.”

Sau khi tiếp quản công ty vào tháng 1.2016, Ghodsi nhanh chóng thực hiện ba giải pháp. Thứ nhất: kiện toàn nhóm bán hàng với những nhân viên biết cách chào hàng cho CIO của các doanh nghiệp. Thứ hai: cơ cấu nhóm quản lý cấp cao của Databricks gồm “những người trước đây đã từng làm việc đó.” Thứ ba: xây dựng những tính năng độc quyền cho phần mềm để nhân viên bán hàng giỏi giang có thứ để bán.

Khi đó, đã có quá nhiều người tiếp cận được công nghệ của họ. Ghodsi nói: “Chúng tôi chẳng có thứ gì đặc biệt vì những công ty khác đã có trọn bộ tính năng của Spark miễn phí.”

Trong vòng một năm, Databricks có một nhóm điều hành hoàn toàn mới, bao gồm những nhà công nghệ kỳ cựu từng giúp chèo lái thành công nhiều công ty như AppDynamics và Alteryx. Ghodsi cho những giám đốc điều hành cũ cơ hội tiếp tục gắn bó nếu họ sẵn sàng báo cáo cho người thay thế vị trí của mình. Ông nói: “Nếu đủ thông minh, họ sẽ bỏ cái tôi của mình sang một bên.” Chỉ hai trong số bảy giám đốc điều hành cũ rời công ty.

Nền tảng mới của Databricks gây tiếng vang nhờ khai thác phần cốt lõi của Spark tốt hơn so với những nền tảng sao chép. “Người khác hầu như không hiểu Spark,” Ghodsi nói. Vì nhóm sáng lập là những người tạo ra Spark, họ đã xây dựng và kết hợp những tính năng mới vào Databricks rất lâu trước khi phát hành cho công chúng: “Chúng tôi luôn đi trước những người khác một hoặc hai năm.”

Doanh số bán hàng tăng mạnh, đạt 12 triệu đô la Mỹ năm 2016. “Năm đầu tiên thành công đến mức chắc chắn Ali sẽ tiếp tục nắm vị trí CEO,” Horowitz nói. Niềm tin hồi phục, nhà đầu tư nổi tiếng đã gửi thư giới thiệu tới CEO Satya Nadella của Microsoft, tuyên bố Databricks là công ty tiên phong trong cuộc cách mạng về AI và dữ liệu lớn. Nadella phản hồi ngay lập tức.

Ghodsi, người từng cố gắng tiếp cận giám đốc của Microsoft trong nhiều năm cho biết: “Ông ấy chuyển lá thư cho hàng loạt nhân viên cấp cao của Microsoft, và đột nhiên họ vô cùng sốt sắng hợp tác với chúng tôi.”

Hai bên tích hợp Databricks trực tiếp vào Azure, dịch vụ đám mây trị giá 59,5 tỉ đô la Mỹ (doanh số bán hàng trong năm 2020) của Microsoft. Nhóm bán hàng của Microsoft hiện dùng cụm từ “Azure Databricks” khi chào hàng cho các khách hàng tiềm năng, và năm 2019, Microsoft đầu tư vào công ty của Ghodsi.

Ghodsi cho biết, cách hoạt động của Databricks không có nhiều bí ẩn: Chỉ cần cung cấp lượng lớn dữ liệu vào các thuật toán để huấn luyện các mô hình AI về cách phân tích và đưa ra dự đoán. “Cách làm của chúng tôi không phải giống như loại nước xốt bí mật ghê gớm mà không có ai biết.”

Nhưng các đối thủ cạnh tranh, bắt đầu chậm hơn họ, lại thường phải cố gắng để bắt kịp họ về mặt xử lý dữ liệu hoặc các công cụ trí tuệ nhân tạo. Ghodsi nói: “Là những nhà học thuật, chúng tôi chỉ nghĩ về điều lớn lao: Tương lai sẽ đi về đâu? Việc này gần giống như khoa học viễn tưởng.”

Trong suốt thời gian đó, Databricks bận rộn phát triển mở rộng hơn nữa ngoài Spark. Năm 2018, họ phát hành nền tảng mã nguồn mở MLflow để quản lý các dự án máy học và một năm sau đó công bố Delta Lake, biến các kho dữ liệu đắt tiền hiện có thành các hồ dữ liệu để các công ty không phải bắt đầu lại từ đầu. Cả hai đều thành công.

Ghodsi nói, Spark chỉ là 5% lý do khách hàng cần đến Databricks.
“Mọi công ty mã nguồn mở khác vẫn chỉ cung cấp bất kỳ sản phẩm mã nguồn mở nào mà họ bắt đầu. Databricks làm được những thứ vượt xa cả Spark,” theo Horowitz, người mà khoản đầu tư ban đầu vào công ty đã giúp ông đứng ở vị trí 38 trong danh sách Midas năm 2021 của Forbes về các nhà đầu tư công nghệ hàng đầu. Giả sử Andreessen Horowitz nắm giữ toàn bộ cổ phần của mình, khoản đầu tư 14 triệu đô la Mỹ ban đầu hiện giờ có trị giá 8,9 tỉ đô la Mỹ.

Tháng 02.2021, Databricks gọi được một tỉ đô la Mỹ giúp củng cố vị trí là một trong những công ty khởi nghiệp giá trị nhất thế giới. Các khoản tiền mới giúp công ty có nguồn ngân sách khổng lồ để cạnh tranh giành hợp đồng từ các công ty lớn nhất hành tinh.

Không có đối thủ cạnh tranh nào lớn hơn Snowflake, doanh nghiệp cung cấp kho dữ liệu trên đám mây mới niêm yết mà cách đây ba năm có quan hệ đối tác kinh doanh với Databricks. Thậm chí ngày nay, 70% người dùng Databricks cũng là khách hàng của Snowflake, theo nhà phân tích công nghệ Brent Bracelin của Piper Sandler. Nhưng cả hai đang bắt đầu cạnh tranh với nhau.

“Dĩ nhiên, Snowflake là một công ty vô cùng tuyệt vời, nhưng họ có một CEO chuyên nghiệp,” Horowitz nói. “Ông ấy sẽ làm ở đó bao lâu? Chắc không lâu nữa đâu.” Với đội ngũ sáng lập vẫn gắn bó với nhau hoàn toàn, “không ai trong mảng phần mềm doanh nghiệp có thể vượt qua Databricks.”

“Mọi điều Databricks làm mà tôi nghĩ là lựa chọn tốt về mặt kỹ thuật trong ba hoặc bốn năm qua, đều là cái mà Snowflake đã làm từ tám năm trước,” Christian Kleinerman, phó chủ tịch cấp cao về sản phẩm của Snowflake, phát biểu đả kích tính năng kho dữ liệu mới của Databricks. Tuy nhiên, ông thừa nhận động thái tiếp theo của Snowflake, một trung tâm thu nhận dữ liệu người dùng đưa vào các công cụ AI, sẽ được vận dụng theo những cách “rất giống” với Databricks.

Theo như Ghodsi thấy, Snowflake chỉ là một trong bốn đối thủ cạnh tranh chính. Những đối thủ khác là các công ty nhóm Big Three trong mảng đám mây: Amazon, Microsoft và Google. Điều này tạo ra tình huống khó khăn, vì cả ba đều là nhà đầu tư của Databricks. Nhưng tất cả các công ty này đều đã xây dựng các bộ phân tích dữ liệu của riêng mình từ lâu.

Ghodsi nhận thức được các nguy cơ cạnh tranh từ cả những gã khổng lồ công nghệ đã thành danh lẫn những kẻ phá bĩnh mới. “Tôi nghĩ rằng hầu hết những người biết tôi sẽ nói với bạn rằng tôi là CEO hoang tưởng nhất mà họ từng gặp,” anh bày tỏ sự tán thành sâu sắc với câu nói nổi tiếng từ giám đốc lâu năm của Intel, Andy Grove.
“Đó là điều bình thường đối với tôi, bởi vì tôi lớn lên trong chiến tranh. Nếu bạn nhìn thấy mọi người chết trên đường phố khi còn nhỏ, bạn sẽ hiểu rằng mọi thứ đều có thể thay đổi vào bất kỳ lúc nào.”

Hằng năm, Ghodsi yêu cầu nhân viên của mình thực hiện luyện tập cho tình huống khẩn cấp, lập các kế hoạch hành động chi tiết trong trường hợp thị trường đã bị khai thác hết hoặc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, những kế hoạch dự phòng đó giúp Databricks quản lý sự hỗn loạn cực độ khi đại dịch khiến quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đáng lý phải diễn ra trong vài năm, giờ chỉ mất vài tháng.

Databricks đang mở các văn phòng và xây dựng đội ngũ gồm các kỹ thuật viên và nhân viên bán hàng trên toàn cầu, từ Úc và Ấn Độ đến Nhật Bản và Thụy Điển.

Tại Bay Area, trước mắt, Ghodsi có mối bận tâm khác, quan trọng hơn nhiều: bệnh ung thư thận của con trai mình. Sau một lần đưa con đến phòng cấp cứu vào nửa đêm, Ghodsi đã suy ngẫm về hiện tại. Công nghệ và dữ liệu đã phát triển đến mức giúp Ghodsi và vợ phát hiện ra khuynh hướng di truyền của căn bệnh này ở con trai họ trước khi các khối u xuất hiện. Các công ty như Databricks đang giúp các công ty dược phẩm và chăm sóc sức khỏe tiến hành bước tiếp theo: sử dụng AI để đẩy nhanh tốc độ khám phá các phương pháp điều trị mới.

“Nếu điều này xảy ra cách đây 10 hoặc 15 năm, có thể thằng bé sẽ phải chết. Bạn sẽ không thể phát hiện ra bệnh cho đến khi con nôn mửa và ung thư di căn khắp cơ thể,” Ghodsi nói. “Loại công nghệ này có thể giúp ích.”

Biên dịch: Quỳnh Anh
(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 95, phát hành tháng 7.2021.