multi-media / Megastory

Mark Zuckerberg đang trưởng thành qua “khoảnh khắc Bill Gates”

Đứng trước ngưỡng cửa tuổi bốn mươi, Mark Zuckerberg đang trải qua “khoảnh khắc Bill Gates” của riêng mình. Anh dần cho thấy phong thái trưởng thành, khôn ngoan hơn và vực dậy công ty của mình bằng sự tự tin đáng kinh ngạc. Đây là ván cược lớn của anh vào những thay đổi trong đời sống thường ngày của con người ở tương lai – và di sản của chính anh.

Bên trong phòng họp vách kính mang tên Aquarium, Mark Zuckerberg ngồi phân tích những mặt lợi và hại của một chủ đề đã đưa anh trở thành tâm điểm trong năm 2023: võ thuật tổng hợp (MMA).

Lần này, Zuckerberg tập trung nói về sự khác biệt giữa các đòn đánh vào đầu và phần khác trên cơ thể. “Việc bị đánh vào mặt không đau mấy, nhưng lại làm cho não của bạn tổn thương,” Zuckerberg nói đùa nhưng vẻ mặt lại nghiêm túc.

Thông tin về trận so găng trên võ đài với Elon Musk, điều mà mọi người cho rằng sẽ không bao giờ thành hiện thực, đã giúp Mark Zuckerberg một lần nữa thu hút sự chú ý, dù theo cách ngớ ngẩn nhất, nhưng cũng mang lại lợi ích về mặt kinh doanh. Trong phần lớn sự nghiệp của mình, các quyết định sai lầm và các vụ bê bối gây ảnh hưởng nặng nề đến nền dân chủ đã làm lu mờ những thành tựu to lớn mà Zuckerberg đạt được.

Tuy nhiên, trận đấu trong lồng sắt với Elon Musk lại trở thành cơ hội hiếm hoi để Mark Zuckerberg trở thành người hùng và CEO Tesla vào vai phản diện. Qua đó cho thấy Zuckerberg đã chững chạc hơn, từ một “CEO có tính trẻ con” trở thành nhà lãnh đạo tạo ảnh hưởng tích cực đến xã hội của Meta.

“Điều quyết định số phận của bạn không nằm ở đối thủ, mà là cách bạn thực hiện,” anh cho biết.

Sự thay đổi này đến vào đúng thời điểm. Mark Zuckerberg sẽ bước sang tuổi bốn mươi vào tháng 5.2024, có giá trị tài sản 108 tỉ đô la Mỹ (xếp thứ tám trong danh sách Forbes 400). Anh thành lập tổ chức từ thiện với mục đích tạo ra sức ảnh hưởng tối đa và cam kết thay đổi Meta, một trong những công ty quan trọng nhất thế giới mà Zuckerberg kiểm soát gần như hoàn toàn.

Xét theo nhiều khía cạnh, Zuckerberg đang trải qua sự thay đổi tương tự như Bill Gates. Cả hai đều bỏ học tại Harvard để thành lập những công ty công nghệ quan trọng trong lịch sử thế giới. Giống như Zuckerberg, Bill Gates từng được xem là “thần đồng” trong lĩnh vực công nghệ.

Cũng như Zuckerberg, Bill Gates khiến người khác hâm mộ, tạo ra những kẻ thù và làm dấy lên những lo ngại về tình trạng độc quyền trên chặng đường bền bỉ không ngừng vươn tới đỉnh cao của mình.

Đến khi bước vào tuổi 40, Bill Gates đã thay đổi cách thế giới nhìn nhận về ông. Tỉ phú này từ một nhà lãnh đạo độc đoán đã trở thành nhà hảo tâm ở quy mô toàn cầu, nhờ đó Microsoft và di sản của ông đều được đánh giá cao.

Vậy nếu điều này có thể xảy ra với Zuckerberg thì sẽ như thế nào? Daniel Ek, nhà sáng lập Spotify, một người bạn và cũng là đồng nghiệp của Mark Zuckerberg, mô tả lại những yếu tố đã dẫn đến một Zuckerberg như hiện nay.

Theo Daniel Ek, có ba phiên bản Mark Zuckerberg. Đầu tiên là phiên bản “The Social Network Mark,” ám chỉ đến phim The Social Network ra mắt vào năm 2010. Trong phim, Mark Zuckerberg được khắc họa là thiên tài ngạo mạn và hai mặt. Tiếp đến là phiên bản Cambridge Analytica hay ‘Mark xấu xa’,” gợi lại vụ bê bối thu thập dữ liệu cá nhân.

Phiên bản thứ ba là Mark Zuckerberg của hiện tại. “Tính cách của anh ấy chân thực hơn rất nhiều trước công chúng,” Ek cho biết, nhấn mạnh ba phiên bản Zuckerberg mà mình đưa ra đến từ góc nhìn của dư luận, không phải quan điểm cá nhân.

“Mark đã học được nhiều điều trong những năm qua và ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê mới lại dấy lên trong anh ấy. Mark nhận ra trách nhiệm của bản thân khi điều hành một nền tảng có tầm ảnh hưởng lớn. Nhưng vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng của Mark trước đây, một người chấp nhận rủi ro và theo đuổi những mục tiêu tham vọng, ngay cả khi mọi người nói với anh ấy rằng ‘điều này sẽ không thành công đâu.’”

Một ví dụ điển hình là khoản đầu tư 100 tỉ đô la Mỹ vào metaverse, dự án vũ trụ ảo rộng lớn nhưng chưa chứng minh được hiệu quả và có thể phải mất bảy năm nữa mới có lợi nhuận.

Mark Zuckerberg cho biết đã áp dụng các nguyên tắc của võ thuật vào cuộc sống và cách anh điều hành Meta. Võ thuật chú trọng vào các giá trị về tinh thần kỷ luật, tôn trọng và sống có mục đích. Phiên bản thứ ba của Zuckerberg sẽ dựa vào một nguyên tắc khác của MMA: sự tự nhận thức về bản thân. “Thử thách thực sự trong cạnh tranh không phải đánh bại người khác, mà là vượt qua giới hạn của bản thân. Bạn chỉ đang cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình,” Zuckerberg cho biết.

Mark Zuckerberg có rất nhiều tự do để theo đuổi quá trình tái sinh này. Về mặt chuyên môn, không một ai có thể can thiệp vào hành động hoặc quyết định của Zuckerberg bởi cấu trúc cổ phiếu của Facebook chia làm hai lớp, gồm loại A và B.

Trong đó, cổ phiếu loại B có quyền biểu quyết cao hơn loại A. Cấu trúc này giúp anh kiểm soát hoàn toàn công ty, khi anh nắm 99% cổ phiếu loại B và có 61% quyền biểu quyết tại Facebook. Điều này đồng nghĩa anh vừa không thể bị sa thải, vừa không phải chịu trách nhiệm.

Khi được hỏi “liệu các cổ đông khác có thể hợp lực để bỏ phiếu chống lại Mark không?” Dustin Moskovitz, đồng sáng lập Facebook, cho biết “không thể nào đâu.”

Theo Sean Parker, cựu chủ tịch Facebook và đồng sáng lập Napster, đó là thái độ cứng rắn của phiên bản “Social Network Mark” trong cách điều hành công ty, thể hiện qua danh thiếp ban đầu của Mark, trên đó ghi dòng chữ “I’M CEO, BITCH” (Tao là CEO đấy…đồ khốn).

Trong những năm đầu Zuckerberg điều hành Facebook, anh khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì quyền kiểm soát để định hướng công ty. Zuckerberg nhớ lại năm 2006, thời điểm Yahoo đề nghị mua lại Facebook với giá một tỉ đô la Mỹ. “Khi tôi từ chối bán lại công ty, tôi đoán rằng lúc đó các nhà đầu tư muốn thay đổi đội ngũ lãnh đạo. Nhưng họ đã không thể làm điều đó,” Zuckerberg cười mỉm đắc ý khi chia sẻ.

Mark Zuckerberg nhìn nhận quyền kiểm soát của mình như điều tích cực, không phải vấn đề. “Rất nhiều công ty trên thế giới có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, nhưng lại không có cơ cấu lãnh đạo hay hội đồng quản trị giúp họ đưa ra những quyết định đầy tham vọng cho tương lai. Facebook là doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà sáng lập,” Zuckerberg cho biết.

Cơ cấu lãnh đạo của Facebook đã giúp công ty thực hiện thành công một vài thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nổi bật. Ban đầu được nhận định là quyết định táo bạo, những thương vụ mua lại này giờ đây được đánh giá tích cực với sự tôn trọng (WhatsApp), tò mò (Oculus) hoặc kinh ngạc (Instagram). Trong đó, Instagram là một trong những thương vụ mua lại doanh nghiệp tốt nhất thế kỷ 21.

Tuy vậy, những thành công này, khi Facebook phát hành công khai lần đầu (IPO) vào năm 2012 với giá trị vốn hóa thị trường khi đó gần 82 tỉ đô la Mỹ, đã dẫn đến phiên bản “Mark xấu xa,” giai đoạn có thể tóm gọn bằng một chữ: ngạo mạn.

Vào giữa những năm 2010, Zuckerberg đã thực hiện chuyến đi đến khu vực Trung Tây nước Mỹ, nơi anh gặp những ngư dân, nông dân và lính cứu hỏa. Anh thực hiện chuyến đi này để lắng nghe chia sẻ từ nhiều cộng đồng khác nhau. Trong khi đó, tại trụ sở chính ở Menlo Park, California, mạng xã hội Facebook của anh, công cụ kết nối tốt hơn bất kỳ nền tảng nào khác, đã bị sử dụng sai mục đích khiến gây ảnh hưởng xấu đến quy trình dân chủ.

Đó là chuyện nghiêm trọng. Năm 2014, thuật toán của Facebook bị chỉ trích đã kích động bạo lực đối với nhóm dân tộc thiểu số Rohingya ở Myanmar, dẫn đến nạn diệt chủng tại quốc gia này. Vào năm 2016, Cambridge Analytica, đơn vị cố vấn cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump, đã thu thập trái phép dữ liệu của người dùng Facebook để tạo hồ sơ cử tri trước thềm cuộc bầu cử tổng thống.

Cũng trong năm 2016, xuất hiện thông tin cho rằng các tổ chức tại Nga đã dùng Facebook để lan truyền thông tin sai sự thật và gây ảnh hưởng đến cử tri. Trong năm 2021, “người thổi còi” Frances Haugen đã tố giác rằng ban lãnh đạo Facebook nhận thức rõ sản phẩm của công ty có ảnh hưởng tiêu cực nhưng lại ưu tiên lợi nhuận và tăng trưởng hơn sự an toàn của người dùng.

“Di sản của Mark Zuckerberg sẽ được định hình từ những ảnh hưởng tiêu cực của Facebook lên quy trình dân chủ. Thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu Facebook không tồn tại. Đối với một người có rất nhiều cơ hội để dùng Facebook tạo ra sự thay đổi tích cực như Zuckerberg, đó là bi kịch,” Roger McNamee, nhà đầu tư sớm của Facebook, chỉ trích cả nhà sáng lập lẫn công ty.

Đó là toàn bộ những gì có khả năng diễn ra. Việc nắm quyền biểu quyết đã giúp Zuckerberg “nghiễm nhiên” không phải chịu những hậu quả từ sai lầm. “Chúng tôi đã mắc phải sai lầm lớn khi không nhìn nhận đủ sâu rộng về trách nhiệm của mình. Đây là sai lầm của tôi và tôi xin lỗi. Tôi là nhà sáng lập, điều hành Facebook và chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra,” Zuckerberg phát ngôn tại phiên điều trần của quốc hội Mỹ hồi năm 2018. Anh đã lên tiếng xin lỗi về vụ bê bối Cambridge Analytica.

Nhưng đối mặt với hậu quả và trả giá cho hành động của bản thân là hai điều khác nhau. Mặc cho những quyết định sai lầm, Zuckerberg vẫn nhận về sự ủng hộ từ các công ty quản lý tài sản lớn như Vanguard, BlackRock và Fidelity, đặc biệt là khi họ nhận thấy anh mang lại kết quả tuyệt vời không thể chối cãi cho các cổ đông của Meta.

Tuy ghi nhận kết quả giao dịch thấp hơn chỉ số S&P 500 gần mười sáu điểm phần trăm, nhưng xét theo giai đoạn năm và mười năm, cổ phiếu Meta lại tốt hơn chỉ số này lần lượt là 31 và 367 điểm phần trăm.

Về lý thuyết, việc nắm quyền lực tuyệt đối có thể mang lại lợi ích cho một doanh nghiệp. “Không nhiều công ty trên thế giới có thể đưa ra những quyết định hoặc đầu tư dài hạn như Meta,” Zuckerberg cho biết. Nếu một nhà lãnh đạo như Zuckerberg thiếu đi sự tự nhận thức về bản thân, tác động từ quyết định của họ sẽ chuyển từ tích cực sang tiêu cực như Daniel Ek mô tả về phiên bản “Mark xấu xa,” đặc biệt là nếu người CEO này duy trì quyền lực trong nửa thế kỷ.

“Tôi nghĩ rằng mình sẽ còn điều hành Meta trong thời gian dài nữa,” Zuckerberg cho biết.

Rất khó để xác định chính xác khoảnh khắc hay yếu tố quyết định sự trưởng thành của một người nào đó. Nhưng khi nhìn vào Zuckerberg, chúng ta có thể phán đoán sự thay đổi của anh diễn ra trong tháng 9.2021.

Đó là thời điểm cổ phiếu Facebook chạm ngưỡng cao nhất lịch sử, vốn hóa thị trường đạt gần 1.100 tỉ đô la Mỹ và Zuckerberg sở hữu khối tài sản gần 136 tỉ đô la Mỹ. Zuckerberg khi đó quyết định đầu tư vào metaverse (vũ trụ ảo) và đổi tên công ty thành Meta Platforms vào tháng 10.2021. Quyết định này thể hiện niềm tin của Zuckerberg rằng metaverse sẽ là tương lai của Internet. Đó là quyết định đầy táo bạo của nhà sáng lập công ty.

Nhưng quyết định đó dẫn đến hậu quả xấu. Trong mười bốn tháng tiếp theo, cổ phiếu Meta giảm tới 75% khi công ty báo cáo doanh thu sụt giảm lần đầu tiên và lợi nhuận thuần hạ 41%. Hệ quả là Zuckerberg mất đi 33 tỉ đô la Mỹ trong khối tài sản ròng.

Một tác nhân góp phần đẩy Meta vào khó khăn là việc Apple cập nhật chính sách cho hệ điều hành iOS trong năm 2021, khiến các công ty công nghệ gặp trở ngại trong việc ghi nhận hoạt động của người dùng trên nhiều ứng dụng khác nhau. Bên cạnh đó, Meta đang chịu sức ép cạnh tranh từ TikTok.

Trong năm 2022, Mark Zuckerberg có hướng đi khác thay vì thúc đẩy các chiến lược, kế hoạch và đưa ra những lời xin lỗi kiểu nửa vời. Sau khi tăng lượng nhân sự từ 33.600 lên 87 ngàn trong vòng bốn năm, hồi tháng 11.2022, Zuckerberg thông báo cho thôi việc hơn 11.000 nhân viên, tương đương 13% lao động của Meta.

Meta cắt giảm thêm 10 ngàn nhân viên trong tháng 3.2023. “Trong năm vừa qua, chúng tôi đã đưa ra những quyết định khó khăn. Rõ ràng đó không phải điều mà tôi muốn làm,” Zuckerberg thừa nhận.

“Chúng tôi đã nỗ lực điều chỉnh cấu trúc hoạt động của công ty với hai mục tiêu chính. Mục tiêu đầu tiên là nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm mới. Thứ hai, ổn định tài chính để đứng vững trước những thách thức. Tình hình tài chính tốt sẽ cho phép tiếp tục phát triển tầm nhìn của mình, chủ yếu là các khoản đầu tư lớn vào AI và metaverse,” Zuckerberg cho biết.

Đến nay, Meta vẫn kiên định với tầm nhìn đó, kể cả khi metaverse được cho là dự án thất bại và bản thân Zuckerberg thừa nhận rằng sẽ mất khoảng mười năm nữa để tạo ra lợi nhuận. Meta đã thiệt hại khoảng 40 tỉ đô la Mỹ khi đầu tư vào bộ phận Reality Labs để phát triển thế giới ảo.

Mặc dù vậy, Zuckerberg cho biết công ty sẽ không từ bỏ metaverse. Horizon Worlds, ứng dụng thực tế ảo được phát triển miễn phí cho bộ kính VR Meta Quest, từng được kỳ vọng mở ra thời kỳ mới của những trải nghiệm phong phú và các cuộc hội họp trong thế giới ảo, đã không hoàn thành mục tiêu về lượng người dùng trong năm 2022.

Theo báo cáo nội bộ của Meta được Wall Street Journal trích dẫn, Horizon Worlds ghi nhận chưa đến 200 ngàn người dùng, thấp hơn chỉ tiêu 500 ngàn người/năm. “Nếu có quyền quyết định, có lẽ tôi đã đưa ra hướng đầu tư khác cho Reality Labs,” Susan Li, giám đốc tài chính của Meta, cho biết.

Susan Li cho biết chia sẻ của cô sẽ không làm cho Zuckerberg cảm thấy bất ngờ, vì anh khuyến khích nhân viên tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến. Zuckerberg đã tiếp nhận những lời chỉ trích, thực hiện những sự thay đổi cần thiết và mang lại những tác động tích cực cho Meta trên thị trường chứng khoán.

Giá cổ phiếu của Meta tăng gấp ba lần kể từ khi chạm mức thấp hơn vào cuối năm 2022, nhờ động thái mua lại số cổ phiếu trị giá khoảng 38 tỉ đô la Mỹ từ đầu năm ngoái. Các nhà phân tích đều dự báo doanh thu của Meta trong năm 2023 sẽ tăng 14% lên 133 tỉ đô la Mỹ và lợi nhuận thuần đạt 34 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 50%, gần bằng với kết quả tài chính tốt nhất của Meta cách đây hai năm. Việc cổ phiếu tăng giá trở lại giúp Zuckerberg lọt vào tốp 10 tỉ phú giàu nhất toàn cầu.

Mark Zuckerberg xem metaverse là một phần trong tầm nhìn dài hạn cho Meta bao gồm VR (thực tế ảo), AR (thực tế tăng cường) và trí tuệ nhân tạo (AI). Giống như Bill Gates, người từng mô tả “sự phát triển của AI cũng sẽ trở nên quan trọng như máy vi tính và Internet” trong buổi phỏng vấn với Forbes hồi tháng 2.2023, Zuckerberg nhìn nhận việc ứng dụng rộng rãi công nghệ này sẽ mang đến những sự thay đổi lớn.

Cũng như nhiều tập đoàn công nghệ khác, Meta đã phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) riêng để huấn luyện AI. Có tên gọi Llama 2, mô hình ngôn ngữ lớn này là sản phẩm mã nguồn mở và sẽ được tích hợp vào nhiều sản phẩm khác nhau của Meta.

Zuckerberg cho biết “AI sẽ được tích hợp vào mọi khía cạnh trên thế giới số,” nhấn mạnh quá trình phát triển của AI bắt đầu từ sự ra đời của trợ lý thông minh đến việc tạo ra hình ảnh phản chiếu của đồng nghiệp trong các buổi họp. Zuckerberg cũng hình dung AI sẽ tạo ra các nhân vật ảo tồn tại trong nhiều nền tảng của Meta.

“Những nhân vật AI này sẽ có tài khoản riêng trong Instagram và Facebook. Người dùng có thể tương tác với các nhân vật này trên WhatsApp, Messenger và Instagram. Các AI sẽ có nhân dạng ảo trong thế giới VR,” Zuckerberg cho biết.

Zuckerberg thừa nhận AI là khoản đầu tư có tính rủi ro cao đòi hỏi nguồn lực lớn. Nhưng Zuckerberg là cổ đông có sức ảnh hưởng rất lớn lên hướng đi của công ty và anh rất kiên nhẫn chờ đợi kết quả lâu dài. “Việc phát triển kính AR sẽ mất nhiều thời gian.

Phần lớn ngân sách của Reality Labs được phân bổ vào việc phát triển sản phẩm này. Khi các nhà đầu tư hỏi công ty đang đầu tư vào những gì? Câu trả lời là chúng tôi đang cố gắng đưa một siêu máy tính vào mắt kính bình thường,” anh cho biết.

Nếu Meta phát triển được công nghệ mới trước những đối thủ cạnh tranh, công ty có thể mở ra một thị trường mới. Ngược lại, nếu thất bại, công ty sẽ chịu thiệt hại lớn về tài chính như những khoản đầu tư trước đó, đơn cử như điện thoại Facebook, thiết bị gọi video chuyên dụng Portal đã dừng triển khai và tiền mã hóa Libra không thành công.

“Công ty trải qua nhiều thất bại và liên tục tạo ra những thứ mà chúng tôi tin rằng mọi người sẽ thích. Nhưng không phải sản phẩm nào cũng được đón nhận và chúng tôi tự hỏi ‘tại sao mọi người không thích cái này?’ Chúng tôi lặp đi lặp lại quá trình suy ngẫm như vậy, liên tục điều chỉnh sản phẩm cho đến khi tìm ra phiên bản phù hợp với thị trường. Đó là điều chúng tôi rất giỏi,” Andrew “Boz” Bosworth, giám đốc công nghệ của Meta, cho biết.

Nếu hai phiên bản đầu tiên đến từ góc nhìn của dư luận, phiên bản Mark Zuckerberg thứ ba chắc hẳn đã nhận ra cách Bill Gates thay đổi hình ảnh thông qua những dự án vì cộng đồng khi bước sang tuổi 40. Vào năm 2010, Zuckerberg, khi đó mới 26 tuổi, đã trở thành một trong những người đầu tiên tham gia Giving Pledge, nỗ lực từ thiện do Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng, kêu gọi các tỉ phú cam kết đóng góp tối thiểu một nửa tài sản làm từ thiện.

“Bill Gates có niềm tin rất lớn rằng bạn nên có sự chuẩn bị từ khi còn trẻ nếu muốn làm từ thiện hiệu quả khi lớn tuổi hơn,” Zuckerberg cho biết.

Vào năm 2015, Zuckerberg và vợ Priscilla Chan đã cam kết đóng góp 99% cổ phần trong Facebook cho sứ mệnh từ thiện của mình, tổ chức Chan Zuckerberg Initiative (CZI). Cam kết này được ghi trong lá thư gửi con gái của họ trước ngày cô bé chào đời. Hiện tại, số cổ phiếu được cam kết có tổng giá trị vào khoảng 103 tỉ đô la Mỹ.

Vợ chồng Zuckerberg cũng đã quyên tặng số tiền trị giá 4,2 tỉ đô la Mỹ. Nếu cả hai thực hiện đúng cam kết của mình, CZI sẽ trở thành một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, chỉ sau quỹ do Bill Gates và vợ cũ Melinda French Gates thành lập. Quy mô của CZI có thể lớn hơn nữa tùy thuộc vào kết quả kinh doanh của Meta trong tương lai.

Priscilla Chan đã mô tả CZI là “một cơ hội không thể tin được,” trong đó tổ chức này hoạt động theo mô hình của công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) thay vì một quỹ từ thiện truyền thống. Điều này không chỉ giúp CZI quyên tặng tiền, mà còn thực hiện các khoản đầu tư vào những công ty vì lợi nhuận phù hợp với mục tiêu của tổ chức. CZI cũng tài trợ cho việc vận động chính sách.

Việc hoạt động theo hình thức LLC đồng nghĩa vợ chồng Zuckerberg không được miễn giảm thuế ngay lập tức nhưng cũng không phải báo cáo các hoạt động của mình. Hai người sẽ được giảm thuế khi chuyển tài sản từ LLC sang quỹ từ thiện của CZI (hiện quản lý số tài sản bảy tỉ đô la Mỹ tính đến lần nộp thuế gần nhất), nhưng bắt buộc phải tiết lộ thông tin về hoạt động.

CZI có mục tiêu hỗ trợ nghiên cứu khoa học về chữa trị, kiểm soát hoặc ngăn ngừa mọi loại bệnh đến cuối thế kỷ 21. “Tìm ra cách giải quyết những vấn đề có vẻ như bất khả thi đối với người khác là sự tưởng thưởng,” Chan cho biết.

Chan Zuckerberg Initiative có kế hoạch phát triển một trong những mạng lưới máy tính AI lớn nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học đời sống phi lợi nhuận. Việc này nhằm phát triển bản đồ tế bào người hoàn chỉnh để hiểu rõ về cách chúng hoạt động khi khỏe mạnh lẫn bị bệnh.

Chan Zuckerberg Institute for Advanced Biological Imaging, tổ chức do vợ chồng Zuckerberg thành lập đặt tại Redwood City, California, đang phát triển kỹ thuật mới quan sát tế bào ở độ phân giải cao để giúp phát hiện bệnh sớm hơn.

Tư duy mở rộng như vậy đã thay đổi cách Zuckerberg điều hành. Khi tài trợ cho các đơn vị nghiên cứu về bệnh tật, Zuckerberg của hiện tại theo đuổi lối sống lành mạnh để nâng cao chất lượng cuộc sống, tập thể dục gần như mỗi ngày và ngủ đủ tám tiếng. Thông qua việc tập jiujitsu và MMA, anh đã tiếp cận mọi thứ theo hướng tôn trọng và có suy tính kỹ hơn.

Zuckerberg tin rằng nếu đạt được những gì mà CZI đã cam kết, dù chỉ một phần nhỏ, anh có thể sửa chữa lỗi lầm của mình trong mười năm qua. “Ngay cả khi chỉ làm được 1/3 những gì đã cam kết, tôi cho rằng điều đó vẫn tạo ra rất nhiều giá trị cho thế giới,” Zuckerberg cho biết.