Magazine

Xu hướng: Cách kiếm triệu đô từ tài sản tỉ đô của Jeff Bezos trên Amazon

Nhiều nhà đầu tư giàu có đang đổ xô đặt cược vào những nhà bán hàng bên thứ ba của Amazon. Làn sóng này sẽ biến đổi ngành bán lẻ mãi mãi.

Share
this:

Chỉ sau vài giờ đăng tin trên sàn môi giới trực tuyến, St. George đã bị vây trong những cuộc điện thoại. Quãng thời gian ông dự kiến nghỉ ngơi để thăm gia đình ở Ohio biến thành cuộc thương lượng kéo dài với những nhà môi giới, công ty quản lý tài sản gia đình và nhà đầu tư cá nhân.

Cuối cùng, người thắng cuộc là Thrasio – công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Họ gửi bản phác thảo điều khoản, điều kiện ngay trong tuần và yêu cầu phản hồi vào ngày hôm sau.

St. George, 52 tuổi, cho biết: “Họ không hề vòng vo… Bạn nhận một tấm séc giá trị và điều đó thật tuyệt vời. Đó là một chuyến đi.” Năm 2018, ông bán Angry Orange với giá 1,4 triệu đô la Mỹ, cộng với chi phí cho kỳ nghỉ kéo dài gần một tháng ở Hawaii và một chiếc thuyền câu cá mới.

Tuy nhiên, tấm séc đó chẳng là gì so với lợi nhuận kỳ vọng của Thrasio. Công ty nhanh chóng cải tổ hoạt động của Angry Orange và từ đó tăng doanh thu hằng năm lên gấp tám lần, đạt mức 16,5 triệu đô la Mỹ.

Hai doanh nhân khởi nghiệp liên tục đã thành lập Thrasio – đặt theo tên của Thraso, chiến binh dũng cảm trong thần thoại Hi Lạp – vào tháng 7.2018 với một sứ mệnh duy nhất: thu gom nhà bán hàng bên thứ ba trên Amazon.

Trong hai năm qua, họ chi hơn 100 triệu đô la Mỹ để nhanh chóng thâu tóm gần 100 doanh nghiệp, doanh thu tăng trưởng vượt mức 400 triệu đô la Mỹ. Công ty đang bán hơn 10 ngàn mặt hàng trên nền tảng bán lẻ trực tuyến lớn nhất quốc gia, bao gồm súng mát-xa, gậy đi bộ đường dài và nhiều thứ khác.

Josh Silberstein – 45 tuổi, đồng CEO của Thrasio – cho biết: “Chúng tôi là ‘hiệp sĩ trắng’ trong hệ sinh thái này.” Nhà đồng sáng lập Carlos Cashman, 48 tuổi, giải thích: “Amazon là nơi khơi mào tinh thần kinh doanh và sản sinh doanh nhân mạnh mẽ nhất trên thế giới từ trước tới nay… Và rồi, mọi việc bắt đầu phức tạp khi những công ty này đạt đến quy mô nhất định, đó là lúc chúng tôi xuất hiện.”

Silberstein và Cashman không đơn độc. Nhiều người bỗng nhiên tin những doanh nghiệp nhỏ trên Amazon sẽ mang lại cơ hội lớn.

Theo Jason Guerrettaz – đồng sáng lập của trang web môi giới WebsiteClosers.com, trong 24 tháng qua, đã có từ 10-15 công ty huy động được hơn 100 triệu đô la Mỹ trở lên, tổng giá trị ít nhất là 1,5 tỉ đô la Mỹ, nhằm mua lại những nhà bán hàng bên thứ ba trên Amazon.

Trong số đó có một công ty do cựu giám đốc điều hành Wayfair thành lập và một công ty của nhà sáng lập Charming Charlie, công ty kinh doanh phụ kiện từng hai lần nộp đơn xin phá sản.

Những doanh nhân này và những người ủng hộ họ – gồm cả quỹ đầu tư doanh nghiệp tư nhân uy tín như Advent International và JPMorgan; công ty đầu tư mạo hiểm lớn như Khosla Ventures; nhà đầu tư cá nhân như Spencer Rascof – đồng sáng lập Zillow; Elie Seidman là cựu CEO Tinder và Tucker Kain là giám đốc điều hành của đội bóng chày Los Angeles Dodgers – đang đặt cược hàng triệu đô la Mỹ vào cơ hội thu được lợi nhuận lớn từ hàng tỉ đô la Mỹ của nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos.

“Cơn sốt trong thị trường này thực sự điên rồ,” Guerrettaz nhận xét. Ông nói những nhà bán hàng chỉ nhận được khoảng 50 đề nghị mua lại trong một hoặc hai năm trước đây, hiện đang thu hút được từ 200 – 300 đề nghị chỉ trong vòng một tiếng ngay sau khi đăng tin.

“Mỗi ngày, chúng tôi có thể nhận từ 20 – 25 thư điện tử từ nhiều nhóm khác nhau nhắc chúng tôi là họ có nguồn vốn dồi dào, họ là bên mua và đang tìm kiếm những thỏa thuận.”

Đó là một phần trong quá trình chuyển đổi tất yếu sang mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Amazon hiện là công ty giá trị thứ ba thế giới, vốn hóa thị trường đạt 1,57 ngàn tỉ đô la Mỹ, chỉ sau Apple (2,03 ngàn tỉ đô la Mỹ) và Microsoft (1,64 ngàn tỉ đô la Mỹ).

Theo Marketplace Pulse, năm 2019, gã khổng lồ có trụ sở tại Seattle đã bán tổng số lượng hàng hóa trị giá 335 tỉ đô la Mỹ, tăng 21% so với năm trước. Theo eMarketer, Amazon chiếm khoảng 40% tổng chi tiêu cho thương mại điện tử của Hoa Kỳ.

Đồng CEO của Thrasio, Carlos Cashman – người từngbán hoặc đưa lên sàn chứng khoán sáu công ty phần mềm của mình – hướng đến việc thực hiện những thương vụ thâu tóm nhanh chóng và không gây tổn thương. Có tới 98% bản phác thảo điều khoản, điều kiện được chấp thuận, và trung bình, người bán sẽ nhận séc trong vòng 43 ngày

Những nhà bán hàng độc lập trên sàn thương mại điện tử này góp phần rất lớn trong thành công đó. Có hơn hai triệu nhà bán hàng bên thứ ba trên toàn thế giới. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, từ tháng 5.2019 đến tháng 5.2020, những doanh nghiệp này đã bán được khoảng 3,4 tỉ món hàng qua Amazon, so với con số 2,7 tỉ năm ngoái.

Tại Hoa Kỳ, có hơn 30 ngàn nhà bán hàng đạt doanh thu ít nhất một triệu đô la Mỹ/năm và nhiều nhà bán hàng phó thác hoạt động logistics phức tạp của ngành bán lẻ vào tay Amazon: giao hàng, trả hàng và dịch vụ khách hàng.

Nhìn chung, những doanh nghiệp nhỏ này rất quan trọng với Amazon, chiếm khoảng 60% doanh số bán hàng, tăng gấp đôi tỉ lệ so với một thập niên trước.

Và đại dịch có lợi cho những công ty này: Theo Amazon, trong ngày Prime Day (sự kiện bán hàng kéo dài 48 giờ hằng năm của Amazon) hồi tháng mười, những nhà bán hàng bên thứ ba đã có hai ngày huy hoàng nhất từ trước đến nay với doanh thu tăng gần 60% so với năm ngoái, đạt mức 3,5 tỉ đô la Mỹ.

Tất nhiên, trói buộc số phận vào gã khổng lồ thương mại điện tử sẽ mang lại một số rủi ro. Thị trường mua bán của Amazon có hàng trăm quy tắc, liên tục thay đổi, mà doanh nghiệp phải tuân theo. Amazon cấm bạn để hết hàng lưu kho, phản hồi khách hàng quá chậm hoặc khiến họ nghi ngờ bạn đang thao túng những bài đánh giá. Nhẹ nhất là hạ bậc xếp hạng tìm kiếm của bạn, tệ nhất bị tạm ngừng hoạt động trên nền tảng.

Còn có một mối đe dọa rõ ràng hơn: Amazon nhận ra thành công của bạn và tung sản phẩm có thương hiệu riêng để cạnh tranh, chẳng hạn như cốc cà phê và khăn trải giường thương hiệu “AmazonBasics.”

Amazon nhiều lần bị cáo buộc lén lút khai thác dữ liệu nhằm tìm kiếm cơ hội triệt hạ những nhà bán hàng hàng đầu. Ngoài ra, nhiều người cũng cáo buộc Amazon ép nhà bán hàng chấp thuận những điều khoản khó hiểu và đột ngột ngừng hoạt động của họ mà không đưa ra lời giải thích nào.

Gần đây, cả Hạ viện Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã đưa ra nhiều báo cáo cáo buộc Amazon thực hiện những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. (Chẳng có gì ngạc nhiên khi Amazon phản bác những tuyên bố này, lập luận rằng họ chẳng có lý do nào để sao chép sản phẩm từ nhà bán hàng bên thứ ba, những sản phẩm chiếm phần lớn doanh số bán hàng của họ, và rằng họ chỉ xem xét thông tin tổng hợp chứ không phải soi mói từng nhà bán hàng riêng biệt.)

“Dù có bao nhiêu đánh giá tiêu cực đi nữa thì vẫn không thể phủ nhận rằng họ đã tạo ra cỗ máy kinh doanh lớn nhất thế giới,” Sebastian Rymarz – cựu nhà đầu tư doanh nghiệp tư nhân, giám đốc điều hành mảng công nghệ tài chính, đồng sáng lập Heyday nhằm thâu tóm những nhà bán hàng – nói.

“Amazon có đang đàn áp những nhà bán hàng và sử dụng dữ liệu để cạnh tranh không? Tôi chắc chắn là có… Nhưng bạn cần đặt những vết đen đó bên cạnh những gì tốt đẹp mà họ tạo ra. Đó là một nền tảng với hàng trăm tỉ đô la Mỹ tổng giá trị hàng hóa, hàng triệu nhà bán hàng và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn vài lần so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế phát triển nhanh nhất.”

Làn sóng mới của những nhà đầu tư chuyên nghiệp này cho thấy những nhà bán lẻ trên nền tảng Amazon đang có sức hút lớn dù nằm dưới quyền điều hành của những kẻ nghiệp dư.

Đây chính là một trong những điểm sáng lớn nhất. Chris Fryburger, nhà sáng lập nReach – trụ sở tại thành phố Cincinnati, giúp kết nối nhà bán hàng trên Amazon với luật sư, công ty tiếp thị và các chuyên gia khác – cho biết: “Có rất ít thương hiệu như Amazon mà khi nhìn vào, bạn có thể nói rằng không thể khai thác được gì nữa… Không ai thực sự khai thác tốt Amazon.”

Là nhân viên kỳ cựu của Fundbox, công ty công nghệ tài chính chuyên cấp tín dụng cho những doanh nghiệp nhỏ, Rymarz tận mắt chứng kiến nhiều nhà bán hàng trực tuyến thành công, phát triển nhanh chóng phải ngừng kinh doanh chỉ vì một tờ hóa đơn. “Đó là lời nguyền của người chiến thắng,” anh chia sẻ.

Tại Fundbox, anh giúp tăng tốc quy trình cho vay bằng cách tích hợp phần mềm của họ vào những nền tảng kế toán như QuickBooks của Intuit, nền tảng quản lý sổ sách của nhiều doanh nghiệp nhỏ. Năm 2019, anh đến Seattle gặp những giám đốc điều hành của Amazon để bàn về mối quan hệ đối tác tương tự cho nhà bán hàng bên thứ ba của họ.

Rymarz – 36 tuổi, gia nhập Fundbox năm 2014 sau thời gian làm việc tại Goldman Sachs và TPG chia sẻ: “Tôi thấy mình như bị mù mờ về thế giới bên ngoài. Thị trường mua bán của Amazon dường như trở nên lớn mạnh chỉ sau một đêm.” Anh bắt đầu nghiên cứu nhà bán hàng và nhanh chóng nhận ra hầu hết quy mô nhà bán hàng cá nhân vẫn còn rất nhỏ, ngay cả khi Amazon thu được rất nhiều từ họ.

Dù Amazon cung cấp rất nhiều công cụ cho nhà bán hàng, nhưng vẫn còn khoảng cách, đặc biệt là khi sử dụng dữ liệu để có cái nhìn tổng quan về cạnh tranh và quyết định khi nào nên sử dụng những đòn bẩy khác nhau, chẳng hạn như tăng chi tiêu quảng cáo hoặc giá cả. Rymarz nói: “Khởi đầu thì dễ… Phát triển mới khó.”

Hào hứng với kết quả nghiên cứu, Rymarz rời Fundbox hồi tháng sáu và đến tháng bảy đã huy động được 175 triệu đô la Mỹ từ những nhà đầu tư uy tín như General Catalyst, Khosla và Arbor Ventures để thành lập Heyday, nhằm mua lại, ra mắt và phát triển nhà bán hàng bên thứ ba. Anh tích cực mua lại những nhà bán hàng có doanh thu từ 1-25 triệu đô la Mỹ mà anh tin là có tiềm năng lớn hơn gấp 10 lần.

Anh cũng đang chuẩn bị tung ra vài thương hiệu mới của riêng mình trên Amazon, tuy nhiên không có thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về những thương hiệu này được tiết lộ. “Bạn sẽ thấy những thương hiệu tương tự Warby Parker xuất hiện trên Amazon,” anh nói. “Bạn sẽ thấy hàng trăm công ty đi theo mô hình của Anker.”

Những toan tính với thực vật
Chanaratsopon, nhà sáng lập Charming Charlie, đang cố gắng xây dựng “Nestlé trong mảng thực phẩm nguồn gốc thực vật” bằng cách mua lại những thương hiệu bán bánh mì kẹp thịt nhân tạo, và đồ ăn nhẹ theo chế độ ăn keto trên Amazon.

Anker – nhà sản xuất bộ sạc và pin điện thoại có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc – là nhà bán hàng độc lập thành công nhất trên Amazon từ trước đến nay và cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào nền tảng này. Năm 2019, Anker chỉ đạt doanh thu dưới một tỉ đô la Mỹ và vừa lên sàn chứng khoán Trung Quốc vào tháng 8.2020. Hiện tại, công ty có giá trị gần 11 tỉ đô la Mỹ.

Nếu Anker là nhà bán hàng bên thứ ba thành công nhất, thì Thrasio có thể tự hào với vị trí dẫn đầu danh sách những công ty chuyên thâu tóm nhà bán hàng. Chỉ trong hơn hai năm, họ huy động được hơn 500 triệu đô la Mỹ từ nhiều nhà đầu tư, trong đó có Advent International – công ty đầu tư tư nhân khổng lồ có trụ sở tại Boston, Jason Finger – nhà sáng lập Seamless, và Craig Kallman – CEO của Atlantic Records, tính cả vòng gọi vốn 260 triệu đô la Mỹ được công ty công bố hồi tháng 7.2020 với mức định giá một tỉ đô la Mỹ. Họ hiện là một trong 25 nhà bán hàng lớn nhất trên Amazon.

Theo Silberstein, chìa khóa thành công là chiến lược “chặn và bắt” hiệu quả. Ngay sau khi mua lại doanh nghiệp, Thrasio đưa họ vào cái gọi là “băng chuyền.” Trong khoảng 34 ngày, khoảng năm nhân viên chủ chốt sẽ dựa trên một danh sách – gồm 503 đề mục, tổng hợp từ những giải pháp tối ưu – để phân chia nhiệm vụ cho nhóm những chuyên gia hàng đầu về chuỗi cung ứng, pháp lý và những bộ phận khác khi cần. Ví dụ: nhóm sáng tạo đảm bảo mỗi phần tin đăng lên có ít nhất bảy hình ảnh độ phân giải cao, chiếm 80% hoặc 90% phần diện tích trang được phân bổ (hình ảnh lớn hơn mang lại nhiều lượt truy cập hơn).

Sau khi mua Angry Orange, Thrasio giới thiệu bao bì mới bóng bẩy và hợp tác với những người có ảnh hưởng trong giới yêu thích thú cưng như Two Himalayan Cats với những bài đăng dễ thương trên mạng xã hội vừa làm tăng số lượt truy cập vừa bán được hàng, giúp thúc đẩy mọi tỉ lệ chuyển đổi chủ chốt. Thrasio cũng đưa ra thêm vài chục từ khóa tìm kiếm mới liên quan đến sản phẩm (chẳng hạn như “cat urine odor eliminator” và “pet candle”) và đưa nhiều sản phẩm của Angry Orange đứng đầu danh sách kết quả tìm kiếm trên Amazon.

Hiện tại, họ đang tung ra những sản phẩm phụ trợ như hộp xịt có đèn tia cực tím, do nhận thấy những người nuôi thú cưng thường mua sản phẩm khử mùi cùng với đèn tia cực tím để khoanh vùng nước tiểu trên thảm. Những động thái nhỏ này sẽ tạo ra doanh thu lớn. David Mussafer, chủ tịch Advent International cho biết: “Chúng tôi có thể giúp các công ty theo nhiều cách mà họ không thể thực hiện ở quy mô một công ty nhỏ.”

Trong nhiều thập niên, những gã khổng lồ về sản phẩm hàng tiêu dùng như Unilever và Procter & Gamble phải trả những khoản phí khổng lồ để chiếm lĩnh vị trí đẹp nhất trên kệ của cửa hàng tạp hóa và chi mạnh cho quảng cáo trên TV nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng. Trong thế giới kỹ thuật số, điều đó chẳng mấy quan trọng. Silberstein, CEO của Thrasio, phát biểu: “Nếu bạn nghĩ về lợi thế cạnh tranh mà Procter & Gamble, Unilever và Newell có được cách đây 15 năm, và thắc mắc điều gì là yếu tố quan trọng ở thời điểm hiện tại, thì câu trả lời là không có điều gì tái áp dụng được cả.”

Amazon là lựa chọn đầu tiên của phần lớn người Mỹ khi cần mua bất cứ món hàng cơ bản nào. Trong thế giới kỹ thuật số, chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm giúp đưa sản phẩm đứng đầu danh sách kết quả tìm kiếm của Amazon, và các bài đánh giá trực tuyến đóng vai trò quan trọng. “Khách hàng nói với chúng tôi rằng họ quan tâm đến những bài đánh giá hơn là tên thương hiệu,” Chris Bell – cựu giám đốc điều hành của Bain Capital và Wayfair, thành lập Perch, công ty chuyên thâu tóm nhà bán hàng, cho biết. “Họ quan tâm đến những bài đánh giá hơn những đoạn quảng cáo trên truyền hình.”

Một số giám đốc điều hành bán lẻ truyền thống đang kêu gọi cùng hành động, trong đó có Charlie Chanaratsopon, từng nổi tiếng một thời. Năm 2004, ở tuổi 26, ông mở cửa hàng phụ kiện thời trang nữ đầu tiên của mình. Trong vòng chưa đầy một thập niên, tài sản của ông ước đạt nửa tỉ đô la Mỹ với gần 300 cửa hàng Charming Charlie rực rỡ trên khắp nước Mỹ, cửa hàng nào cũng bật nhạc ầm ĩ trong khi người mua xem qua những chiếc khăn quàng cổ giá 15 đô la Mỹ và kính râm giá chín đô la Mỹ.

Ở thời kỳ đỉnh cao năm 2014, chuỗi cửa hàng của Chanaratsopon đạt doanh thu 550 triệu đô la Mỹ. Nhưng ông thất bại thảm hại khi tập trung vào những trung tâm mua sắm ở ngoại ô; ông từ chức năm 2017, ngay trước khi công ty tuyên bố phá sản lần đầu tiên. Năm 2019, họ lại nộp đơn xin phá sản và tuyên bố đóng cửa tất cả cửa hàng vào tháng bảy năm đó.

Giờ đây, Chanaratsopon tuyên bố sẵn sàng “cưỡi sóng, đạp gió” trên Amazon. Hồi tháng chín, Boosted Commerce – công ty do ông và chuyên gia công nghệ Keith Richman đồng sáng lập tháng 1.2020 – huy động được 87 triệu đô la Mỹ và, cho tới nay, đã mua lại 10 công ty bán hàng loạt sản phẩm, từ thiệp chúc mừng đến sữa tắm chống nấm trị ngứa. Ông và Richman nói rằng họ chọn những doanh nghiệp này một phần do có đánh giá tốt và xếp hạng tìm kiếm cao.

“Tôi không phải là vận động viên khúc côn cầu, nhưng như Wayne Gretzky từng nói, bạn phải trượt đến nơi quả bóng sẽ tới,” Chanaratsopon chia sẻ. “Trước đây, người ta chú ý đến các trung tâm mua sắm. Giờ đây, mối quan tâm đã chuyển sang Amazon. Chúng tôi tin rằng mình đang mua bất động sản kỹ thuật số trên đại lộ số 5.”

Dù mọi chuyện có vẻ tuyệt vời nhưng vẫn có rất nhiều thất bại. Richard Jalichandra, một giám đốc điều hành công nghệ 58 tuổi, từng quản lý BodyBuilding.com, công ty thực phẩm bổ sung trực tuyến đã bại trận trước những đối thủ trên Amazon. Những đối thủ cạnh tranh lớn như GNC và The Vitamin Shoppe đã chuyển sang nền tảng này, nhưng mối đe dọa thực sự lại đến từ vô số doanh nghiệp gia đình đang rao bán sản phẩm mang thương hiệu riêng của họ. Jalichandra, từng điều hành công ty ứng dụng tập luyện có tên là MapMyFitness, được Under Armour mua với giá 150 triệu đô la Mỹ năm 2013 nhớ lại: “Điều đó giống như bạn bị giết bởi hàng ngàn vết cắt nhỏ xíu.”


Đó là khi ông quyết định đồng hành thay vì chống trả. Năm 2017, ông thành lập 101 Commerce và huy động được hơn 10 triệu đô la Mỹ trong năm tiếp theo từ những quỹ đầu tư mạo hiểm bao gồm Next Coast Ventures, công ty có trụ sở tại Austin, Texas. Mục tiêu táo bạo của công ty: mua 101 nhà bán hàng trên Amazon trong hai năm.

Công ty của ông phân tích 400 thương vụ mua lại tiềm năng chỉ trong hai tháng và hoàn tất 10 thương vụ. Sau đó, nhà đầu tư của ông chùn tay, cho rằng sẽ phí phạm thời gian, tiền bạc và nguồn lực khi phải xoay xở với hàng tá thương hiệu.

Năm 2019, Jalichandra rời công ty và 101 Commerce hợp nhất với Goja, do nhà bán hàng độc lập kỳ cựu đến từ Florida điều hành, có công nghệ và nhân lực tại chỗ để giám sát và tối ưu hóa danh sách. Tại thời điểm sáp nhập, JPMorgan, Next Coast và nhiều nhà đầu tư khác đã đầu tư thêm 20 triệu đô la Mỹ vào công ty.

Hiện tại, công ty có 110 nhân viên chuyên quản lý những thương vụ mua lại mới. Thomas Ball, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Next Coast nói: “Tôi không biết những công ty khác đang làm như thế nào, vì rủi ro và khối lượng công việc không hề nhỏ… Không thể nướng xong một chiếc bánh trong 20 phút ở nhiệt độ 500 độ C. Bạn phải nướng trong một giờ ở 150 độ C”.

Một vấn đề khác là giá cả tăng cao vì có quá nhiều tiền nhưng lại có quá ít thỏa thuận tốt. James Thomson, cựu giám đốc điều hành và giám đốc chiến lược trên nền tảng Amazon tại Buy Box Experts – công ty có trụ sở tại Utah, chuyên hỗ trợ bán hàng trên Amazon – chia sẻ: “Mặc dù tôi không thích, nhưng phải thừa nhận rằng những thương hiệu không có giá trị kinh doanh cao sẽ có giá rất cao.”


“Lo ngại của tôi đối với mô hình này là bạn không có gì chắc chắn lâu dài.” Chris Yates, nhà điều hành Centurica – công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm định cho những thương vụ mua lại trực tuyến – cho biết: “Bạn đang trông chờ Amazon cho phép bạn tham gia kinh doanh cùng họ.”

Hiện tại, Amazon tuyên bố họ rất vui khi chia sẻ không gian của mình. Người phát ngôn của Amazon cho biết: “Sự xuất hiện của loại hình công ty này cho thấy phương thức bán hàng với Amazon mang lại cơ hội lớn cho những doanh nghiệp nhỏ trong quá trình xây dựng thương hiệu và tiếp cận hàng triệu khách hàng.”

Tuy nhiên, một số công ty đã có chiến lược phòng ngừa rủi ro: chẳng hạn, ngoài Amazon, Boosted Commerce còn chào bán sản phẩm trên eBay, Facebook Marketplace, Walmart.com và một trang web độc lập do Shopify hỗ trợ.

Tuy nhiên, do Amazon vẫn đang thống trị mảng bán lẻ trực tuyến nên hầu hết những công ty thâu tóm nhà bán hàng đều quyết định chấp nhận rủi ro.

Lợi nhuận thu được khi “cưỡi lên lưng” con quái vật khổng lồ của Bezos cũng lớn như vậy. Silberstein, CEO của Thrasio, phát biểu: “Nếu chúng tôi chốt lời ở mức 10 tỉ đô la Mỹ, tôi sẽ tự cho mình điểm C–trừ. B–cộng nếu chúng tôi chốt ở mức 25 tỉ đô la Mỹ. Và A–trừ nếu chúng tôi chốt ở mức từ 50 đến 100 tỉ đô la Mỹ.”

Biên dịch: Quỳnh Anh

(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 92, phát hành tháng 4.2021.