Ảnh hưởng từ tình hình khó khăn chung của nền kinh tế Trung Quốc khiến các công ty công nghệ nước này mất dần sức hút với nhiều nhà đầu tư.
Các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, từng mang về nguồn lợi nhuận khổng lồ cho những nhà đầu tư toàn cầu trong một năm qua, đang mất dần sức hút với nhiều nhà đầu tư ban đầu. Triển vọng ảm đạm của ngành công nghệ Trung Quốc thúc giục các nhà đầu tư nên chốt lợi nhuận càng sớm càng tốt.
Doanh nghiệp game và mạng xã hội khổng lồ niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong Tencent là một ví dụ. Vào ngày 8.9, Naspers, tập đoàn Internet châu Phi lần đầu rót vốn vào Tencent cách đây 2 thập kỷ trước, thông báo đã nhượng lại 1,1 triệu cổ phiếu trong công ty, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 28%.
Động thái này cho thấy Naspers không chỉ từ bỏ cam kết không bán cổ phần trước đó, mà còn tiết lộ nhiều thương vụ giao dịch khác chuẩn bị diễn ra. Prosus – công ty đầu tư quốc tế của Naspers tại Hà Lan – có dự định chuyển thêm 192 triệu cổ phiếu trị giá gần 7,6 tỉ USD vào Hong Kong Central Clearing and Settlement System.
Tuy Naspers cho biết tập đoàn này bán cổ phiếu nắm giữ trong Tencent để đầu tư vào chương trình mua lại cổ phiếu, các nhà phân tích đưa ra lý do khác mà cũng có thể tác động đến việc SoftBank bán bớt cổ phần ở doanh nghiệp khổng lồ ngành thương mại điện tử Alibaba và Berkshire Hathaway giảm tỉ lệ sở hữu hãng sản xuất xe điện (EV) BYD.
“Việc các tập đoàn đầu tư toàn cầu giảm tỉ lệ sở hữu trong công ty công nghệ phản ánh sự thay đổi mang tính chu kỳ quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Rất khó để ghi nhận trở lại mức tăng trưởng vượt trội từng mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ từ các công ty công nghệ,” Brock Silvers, giám đốc đầu tư (CIO) của Kaiyuan Capital có trụ sở tại Hong Kong, cho biết.
Vào tháng 8.2022, Tencent báo cáo doanh thu lần đầu tiên giảm xuống kể từ năm 2014. Tuy vậy, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến có thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng hay không vẫn còn là ẩn số vào thời điểm hiện tại.
Mảng kinh doanh game chủ lực tiếp tục đối mặt với áp lực từ cơ quan quản lý tại “quê nhà” Trung Quốc và bộ phận quảng cáo từng phát triển nhanh chóng gặp khó khăn khi nền kinh tế của quốc gia tỉ dân tăng trưởng chậm lại sau khi liên tục áp đặt các lệnh phong tỏa và lĩnh vực bất động sản tụt dốc.
Bên cạnh Tencent, gã khổng lồ ngành thương mại điện tử Alibaba, chủ sở hữu của sàn thương mại điện tử Đông Nam Á Lazada và chuẩn bị đầu tư vào châu Âu, cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ thị trường quốc tế. Vào ngày 8.9, Tencent nâng tỉ lệ sở hữu trong Ubisoft, nhà sản xuất loạt game Assassin’s Creed, lên 11% trong thỏa thuận định giá công ty game của Pháp ở mức 10 tỉ USD. Thương vụ này diễn ra chỉ một tuần sau khi Tencent mua lại 16,25% cổ phần của công ty phát triển game Elden Ring FromSoftware với giá trị không được tiết lộ.
Tuy vậy, Tencent và Alibaba chưa thể thuyết phục các nhà đầu tư rằng hai công ty này có thể quay trở lại vị thế vốn có, với giá cổ phiếu của mỗi công ty giảm hơn 30% trong hơn 12 tháng qua. Khi tâm lý tiêu cực bao trùm thị trường, BYD cũng đối mặt với những câu hỏi về việc liệu công ty có thể duy trì đà tăng trưởng hay không.
BYD, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến của tỉ phú Wang Chuanfu, báo cáo kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2022 vượt kỳ vọng, nhưng không thể ngăn nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett giảm số cổ phần của Berkshire Hathaway trong hãng xe này.
Kenny Ng, chuyên gia phân tích sinh sống tại Hong Kong của Everbright Securities, nhận định một phần nguyên do có thể từ P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) hơn 100 lần và định giá của công ty cao hơn những gì mang lại.
Thêm vào đó, các chính sách ưu đãi của chính phủ, như miễn thuế tiêu dùng khi mua xe điện (EV), có thể tạo ra ít tác động trong tương lai khi sự quan tâm của người tiêu dùng giảm dần.
“Ngành công nghiệp có thể không tăng trưởng như nửa đầu năm 2022. Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ, nhưng rất khó để duy trì đà tăng trưởng như chúng tôi đã ghi nhận trong 6 tháng đầu năm, ít nhất là về ngắn hạn,” Kenny Ng cho biết.
Theo các nhà phân tích, các nhà đầu tư lớn sẽ đặt mục tiêu thu về lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay.
“Khi các nhà đầu tư tổ chức đối mặt tới tình hình bất ổn tương đối lớn, đặc biệt là những nhà đầu tư đã rót vốn trong giai đoạn đầu, sẽ chuyển hướng sang đảm bảo lợi nhuận,” Kenny Ng cho biết. Ông bổ sung thêm Naspers, SoftBank và Berkshire Hathaway đều thu về nguồn lợi nhuận lớn từ thị các công ty công nghệ Trung Quốc.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cac-nha-dau-tu-dan-mat-niem-tin-vao-cong-ty-cong-nghe-trung-quoc)
9 tháng trước
2 năm trước
Tỉ phú Jack Ma từ bỏ quyền kiểm soát Ant Group9 tháng trước
Tài sản của tỉ phú giao đồ ăn Vương Hưng giảm 6,6 tỉ USD1 năm trước
Nhóm BRICS mở rộng thêm thành viên