multi-media / Megastory

Chiến lược kinh doanh: Chia tách để tăng trưởng

Quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới Sequoia chia tách, trong đó các quỹ của Sequoia tại Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á được tái lập thành các công ty đầu tư mới là HongShan và Peak XV Partners.

Quỹ đầu tư mạo hiểm có sức ảnh hưởng nhất thế giới chia tách thành các đơn vị riêng biệt. Sequoia – nổi tiếng với những khoản đầu tư sớm vào các hãng công nghệ Mỹ như Airbnb, WhatsApp và Zoom, bên cạnh những tập đoàn quốc tế như ByteDance và GoTo thông qua hai chi nhánh ở Trung Quốc và Ấn Độ – sẽ tách thành ba công ty hoạt động độc lập gồm Sequoia Capital, HongShan và Peak XV Partners.

Thông tin trên được ban lãnh đạo của Sequoia xác nhận trong một lá thư có chữ ký của ba giám đốc hợp danh Roelof Botha, Neil Shen và Shailendra Singh gửi tới các nhà đầu tư. Theo đó, Sequoia Capital sẽ hoạt động tại Mỹ và châu Âu, trong khi HongShan tập trung vào Trung Quốc và Peak XV Partners đầu tư tại Ấn Độ và Đông Nam Á. Việc thay đổi này sẽ bắt đầu từ tháng 3.2024.

Trong những buổi phỏng vấn riêng với Forbes, ba nhà lãnh đạo chia sẻ rằng quyết định tách Sequoia thành ba đơn vị độc lập đã được thảo luận từ nhiều tháng trước đó. Nguyên nhân được đưa ra là do xung đột về danh mục đầu tư khởi nghiệp của các quỹ, tình trạng lẫn lộn về thương hiệu khi thực thi chiến lược hoạt động riêng biệt, và môi trường đòi hỏi phải tuân thủ quy định ngày càng phức tạp. Đồng thời, họ cũng thừa nhận có một phần lý do đến từ tình hình địa chính trị đang dần căng thẳng hơn.

“Mọi thứ dường như trở nên khó khăn hơn. Nhưng đây không phải động tác giương ‘cờ trắng’ và nói rằng chúng tôi đã thất bại. Đó giống như một thắng lợi hơn, nếu nghĩ rằng chúng tôi tách ra thành những đơn vị hoạt động độc lập hoàn toàn để có thể phát triển hơn nữa,” Botha cho biết.

Thành lập vào năm 1972 với số vốn ban đầu ba triệu đô la Mỹ, Sequoia trở thành cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ tại thung lũng Silicon khi thực hiện các khoản đầu tư sớm vào những công ty như Apple, Cisco, Google và Nvidia trong nhiều thập niên qua, ghi nhận giá trị tài sản tăng lên hàng chục tỉ đô la Mỹ.

Vào giữa những năm 2000, Sequoia vươn ra ngoài biên giới nước Mỹ, thành lập các chi nhánh tại Trung Quốc và Ấn Độ thông qua hợp tác với những quỹ đầu tư nội địa. Năm 1999, Sequoia thành lập quỹ đầu tư tại Israel, nhưng sau đó dừng hoạt động. Những quỹ đầu tư khác, gồm Sequoia China cùng quỹ tiền thân của Sequoia India and Southeast Asia, phát triển thành thương hiệu lớn tại các khu vực đó.

Trong khi chi nhánh tại Mỹ của Sequoia (đã mở rộng sang châu Âu và Israel) có những thương vụ đầu tư nổi bật như Airbnb, DoorDash, Snowflake, Whats App và Zoom, thì Sequoia China có thể tự hào với danh mục đầu tư thành công riêng, bao gồm Alibaba, Meituan và ByteDance – công ty mẹ của nền tảng TikTok. Sequoia India cũng đã rót vốn cho các doanh nghiệp nổi tiếng như Byju’s, GoTo và Zomato, bên cạnh những công ty khởi nghiệp khác.

Sequoia thường xuyên đóng góp phần lớn các thành viên cho Midas List – danh sách thường niên của Forbes xếp hạng những nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới. Trong danh sách năm 2023, Sequoia có 10 đại diện với Neil Shen giữ vị trí đầu trong bốn năm liên tiếp.

Từ khi thành lập, Sequoia đã xem các chi nhánh như các đơn vị độc lập, trong đó mỗi quỹ có quy trình hoạt động riêng và tự quyết định về việc đầu tư. Giám đốc của mỗi chi nhánh sẽ không đánh giá thương vụ đầu tư tiềm năng của chi nhánh khác, nhưng vẫn dùng chung hệ thống hỗ trợ về pháp lý, tài chính và quan hệ nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng cơ bản cùng với cổng thông tin trực tuyến cho các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư của các chi nhánh này có thể đầu tư vào chi nhánh khác, và các giám đốc cũng thường đầu tư với tư cách cá nhân vào các doanh nghiệp trong danh mục của nhau. Tuy nhiên, những người đứng đầu cho biết, vẫn có sự khác biệt, trong đó các chi nhánh điều chỉnh theo hướng địa phương hóa nhiều hơn và phát triển phần mềm quản lý riêng.

Trong thời gian tới, ba quỹ độc lập này sẽ thiết lập cơ sở hạ tầng riêng và những người đứng đầu sẽ không rót vốn vào quỹ của nhau. Mọi hoạt động chia sẻ lợi nhuận (cũng như hỗ trợ) giữa các quỹ sẽ không còn hiệu lực từ ngày 31.12. Sequoia từ chối đưa ra bình luận về thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận trước đó.

Sau hơn hàng chục năm thành công trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, những thông tin gần đây đã ít nhiều ảnh hưởng đến danh tiếng của Sequoia. Hai chi nhánh tại Mỹ và châu Âu bị đặt câu hỏi về việc hậu thuẫn tài chính cho Elon Musk mua lại Twitter và khoản đầu tư thất bại vào sàn giao dịch đã phá sản FTX.

Ngoài ra, ngay trước thời điểm thị trường điều chỉnh, vào tháng 2.2022, chi nhánh tại Mỹ chuyển đổi sang mô hình huy động tài chính khác thông qua Sequoia Capital Fund, khi phân bổ vốn từ quỹ đầu tư lớn và quỹ đầu tư mở, cho phép giữ vốn cổ phần lâu hơn.

Sau khi xuất hiện bản tin từ The Information, Sequoia cũng xác nhận đã cho phép các nhà đầu tư rút vốn đầu tư một lần (Một nguồn tin thân cận cho biết Sequoia làm như vậy để hỗ trợ những người cần tiếp cận thanh khoản do thị trường thay đổi). Theo một hồ sơ, quỹ đầu tư này sở hữu số tài sản có giá trị hơn 13 tỉ đô la Mỹ.

Trong khi đó, chi nhánh tại Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển bất chấp mối quan hệ địa chính trị giữa các nước, đặc biệt là quan hệ Mỹ – Trung, trở nên căng thẳng hơn. Vào tháng 5.2023, Forbes đưa tin Sequoia China vẫn là cổ đông lớn của ByteDance với 10% cổ phần có giá trị hàng chục tỉ đô la Mỹ.

Chi nhánh tại Mỹ cũng là cổ đông của ByteDance thông qua quỹ đầu tư thành lập từ nhiều năm trước đó để rót vốn cho các công ty mới nổi trên toàn thế giới. Tuy nhiên trong những năm gần đây, ByteDance đã vấp phải làn sóng chỉ trích và chịu sự giám sát nghiêm ngặt từ các nhà lập pháp Mỹ.

Năm 2020, Doug Leone – cựu giám đốc toàn cầu của Sequoia, phụ trách chi nhánh tại Mỹ và châu Âu, đã vận động hành lang để chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump cho phép ByteDance tiếp tục hoạt động tại Mỹ. Trong năm 2022, Sequoia đã thuê một công ty tư vấn đặt tại Washington để hỗ trợ quá trình này.

Neil Shen vẫn nằm trong ban lãnh đạo của ByteDance và từ chối đưa ra bình luận cụ thể về khoản đầu tư này. Shen phủ nhận thông tin rằng việc Sequoia tách ra sẽ giúp ByteDance phát hành công khai lần đầu (IPO) dễ dàng hơn ở Hong Kong và bất kỳ nơi nào khác.

“Đó không còn là những doanh nghiệp non trẻ. Tôi không muốn quá tự tin về khả năng Sequoia có thể giúp một công ty IPO thuận lợi chỉ vì chúng tôi sở hữu lượng cổ phần đáng kể,” ông cho biết.

Trong những buổi phỏng vấn riêng, Botha, Shen và Singh đều phủ nhận căng thẳng địa chính trị là chất xúc tác cho quyết định tách Sequoia. Thay vào đó, cả ba đều cho rằng bất đồng quan điểm giữa các công ty trong danh mục đầu tư là yếu tố lớn hơn.

Các công ty nổi bật trong mỗi danh mục đầu tư từng cạnh tranh với nhau, như trường hợp của Stripe (Mỹ) và Airwallex (Trung Quốc) với công ty nhận vốn đầu tư từ Sequoia India. Khả năng xảy ra tình trạng này sẽ ngày càng nhiều hơn, khi các doanh nghiệp đặt tại Trung Quốc và Ấn Độ muốn mở rộng ra thị trường quốc tế sớm hơn, và mô hình làm việc từ xa đang phổ biến đã xóa mờ đi ranh giới địa lý.

Botha chia sẻ, một công ty trong danh mục đầu tư của Sequoia tại Mỹ gần đây đã phàn nàn về việc đối thủ cạnh tranh nhận đầu tư từ chi nhánh Ấn Độ từng tuyên bố với các khách hàng tiềm năng rằng mình chính là khoản cược lớn trong danh mục này của Sequoia.

“Thật khó xử phải không? Là khách hàng, bạn đang muốn mua công nghệ từ một công ty mà bạn nghĩ Sequoia đã ghi nhận tiềm năng. Nhưng rồi lại có hai công ty tuyên bố được Sequoia rót vốn, và điều này khiến khách hàng cảm thấy bối rối,” Botha cho biết.

Chia sẻ từ văn phòng làm việc của mình ở Singapore, Singh lưu ý rằng tình trạng rối ren như vậy có thể phát triển theo hai hướng. Singh ví dụ về trường hợp một công ty công nghệ nổi tiếng (không nêu tên) tại Mỹ, từng phàn nàn với chi nhánh ở Mỹ về công ty khác nhận vốn đầu tư từ Sequoia India có thể trở thành đối thủ cạnh tranh trong tương lai. Nhưng đội ngũ của ông đã đầu tư vào công ty này trước đó một năm và sau đó Sequoia India đã thoái vốn, mà công ty kỳ lân ở Mỹ cũng chẳng tung ra sản phẩm cạnh tranh nào.

Singh dự đoán, tình trạng tương tự có thể xảy ra trong bối cảnh bùng nổ các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay (Sequoia là nhà đầu tư của OpenAI thông qua chi nhánh tại Mỹ). “Nếu không thể tiếp cận và rót vốn vào các công ty AI chỉ vì sự xung đột giữa những nhà sáng lập, điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến chúng tôi,” Singh cho biết.

Sequoia India and Southeast Asia và Sequoia China cũng có những hướng phát triển khác nhau. Mặc dù có cùng các thành viên góp vốn khi đánh giá những khoản đầu tư mới tại ba khu vực hoạt động, nhưng hai quỹ này hoàn toàn tách biệt về việc huy động vốn, trong đó Sequoia India and Southeast Asia thu hút 2,86 tỉ đô la Mỹ và Sequoia China gọi được chín tỉ đô la Mỹ.

Theo Shen, phần lớn là vốn đầu tư từ nước ngoài, cùng với một phần huy động từ các tổ chức của Mỹ, nhưng không có khoản đầu tư nào từ Trung Quốc. Và trong khi chi nhánh tại Mỹ tập trung đầu tư giai đoạn đầu, với thông báo rót vốn hạt giống 195 triệu đô la Mỹ hồi tháng 1.2023, thì chi nhánh tại Trung Quốc lại thiên về các khoản đầu tư ngoài lĩnh vực công nghệ, như mảng cơ sở hạ tầng, đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các quỹ phòng hộ.

Tại Mỹ và châu Âu, Sequoia – được cố nhà sáng lập Don Valentine lấy theo tên cây hồng sam nổi tiếng của California, với mong muốn quỹ đầu tư này phát triển lâu hơn tuổi thọ của ông – vẫn sẽ giữ nguyên tên gọi hiện nay. Tương tự, Sequoia Heritage (văn phòng quản lý tài sản gia đình) và Sequoia Capital Global Equities (công ty hoạt động đan xen theo hai mô hình đại chúng và tư nhân) cũng không thay đổi tên.

Singh cho biết, Sequoia India có tên gọi mới là Peak XV Partners, bắt nguồn từ tên gọi ban đầu của núi Everest. Trong khi đó, Sequoia China, nghĩa là hồng sam theo tiếng Trung, sẽ sử dụng tên phiên âm tiếng Anh “HongShan.” Neil Shen cho biết: “Nhiều doanh nhân Trung Quốc có lẽ còn không biết cách đánh vần từ Sequoia.”

Neil Shen nhận định, sẽ không có sự thay đổi đáng kể về số lượng nhà đầu tư của HongShan. “Nếu nhà đầu tư cảm thấy không thoải mái, họ sẽ không đầu tư vào Trung Quốc. Tôi không nghĩ rằng việc chọn một cái tên mới sẽ tạo ra sự khác biệt. Hầu hết các nhà đầu tư đang nhìn từ góc độ lợi nhuận và hiệu suất,” Shen cho biết.

Vì các quỹ của Singh được đăng ký tại Mauritis, quốc gia đặt ra giới hạn mỗi quỹ chỉ có dưới 100 thành viên góp vốn, nên những thành viên góp vốn của Peak XV cũng tham gia đầu tư ở các chi nhánh khác của Sequoia, dẫn đến sự trùng lặp. Ông cho rằng chuyện này có thể sẽ vẫn tiếp diễn.

“Chúng tôi yêu quý Sequoia, nhưng thương hiệu của chúng tôi được hình thành từ các mối quan hệ và tôi tin tưởng thương hiệu riêng của mình sẽ phát triển mạnh. Chúng tôi sẽ tăng trưởng một cách tích cực,” Singh cho biết.

Về phần Sequoia Capital, Botha khẳng định chắc chắn quỹ này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các lợi thế sẵn có của mình (chẳng hạn như những thành công trước đây). Roelof Botha vẫn đặt niềm tin vào Elon Musk, đồng nghiệp cũ tại Paypal và đồng hương Nam Phi, đồng thời cho rằng FTX chỉ là thất bại nhỏ so với những khoản đầu tư thành công khác.

Botha không cảm thấy hối hận về quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động của Sequoia, cho dù điều đó đồng nghĩa với việc quỹ đầu tư này phải giữ cổ phần trong các công ty suốt thời gian dài sau khi chúng được niêm yết rồi ghi nhận giá cổ phiếu giảm. “Liệu chúng tôi có thể đẩy mạnh phát triển không? Chắc chắn rồi, đó là điều bình thường thôi. Nếu xét đến hiệu quả từ các khoản đầu tư và công ty nhận vốn từ chúng tôi, khó mà nhận định rằng chúng tôi đang ở thế yếu,” ông cho biết.

Hướng về tương lai, Botha kỳ vọng các đơn vị độc lập sẽ hợp tác với nhau, kể cả khi không còn mối liên hệ đặc biệt nào. “Đó là thành công lớn, vì bản thân chúng tôi cũng là những doanh nhân và góp phần tạo ra thêm bốn doanh nghiệp tuyệt vời, đang dẫn đầu trong lĩnh vực mà mình tham gia,” Botha cho biết, đề cập đến những doanh nghiệp trước đó của chính mình.

Nhận định về Sequoia Capital, ông nói: “Suốt một thập niên qua, tôi chưa từng hào hứng với việc đầu tư vào công nghệ ở Hoa Kỳ và châu Âu đến thế này. Điều này làm tôi nhớ lại những ngày đầu của Internet.”

———————————————–

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 121, tháng 9.2023