Startup Fintech Bud mở rộng quy mô kinh doanh từ việc hợp tác với những công ty khác để tận dụng nguồn khách hàng sẵn có.
Câu chuyện khởi nghiệp quen thuộc về một nhà sáng lập trẻ tuổi mang ý tưởng kinh doanh to lớn và bỏ công việc hiện tại để theo đuổi giấc mơ, đầu tư tiền dành dụm và tuyển dụng những người bạn thân nhất. Họ làm việc liên tục, xây dựng công nghệ tuyệt vời, đặt tâm huyết vào doanh thu và tiếp thị. Tuy vậy, lại không mấy hiệu quả.
Đó là câu chuyện về Bud, ứng dụng được tạo ra nhằm hỗ trợ cho người tiêu dùng đưa ra quyết định về tài chính tốt hơn dựa trên thông tin tài chính được cá nhân hóa để giúp họ quản lý tiền bạc, ít nhất là phiên bản đầu tiên.
“Chúng tôi đã tạo ra mô hình B2C tuyệt vời, nhưng công nghệ quan trọng để mở rộng quy mô còn chưa tồn tại vào năm 2017 và nhanh chóng cạn kiệt ngân sách.” CEO Edward Maslaveckas lý giải.
Không từ bỏ, Maslaveckas quyết định đánh cược toàn bộ mọi thứ vào thay đổi cơ bản. “Thay vì cố gắng thuyết phục người tiêu dùng, chúng tôi cần phải có những doanh nghiệp khác sử dụng công nghệ của công ty. Chúng tôi nên hợp tác với những công ty có sẵn hàng triệu khách hàng thay vì cạnh tranh với các startup công nghệ khác.” anh cho biết.
Startup này sử dụng nền tảng công nghệ để xây dựng ứng dụng và chuyển đổi thành mô hình B2B. Đây là một canh bạc nhưng đem lại “quả ngọt”. Chỉ vài tháng sau khi thay đổi trọng tâm, Bud nhận về 1,5 triệu bảng Anh (2 triệu USD) trong vòng hạt giống từ Banco Sabadell và Outward VC. Trước đó, vào năm 2019, Bud đã huy động 15 triệu bảng Anh (20 triệu USD) từ những nhà đầu tư như HSBC và Goldmand Sachs.
Phiên bản đầu tiên dựa trên giới thiệu về sản phẩm tài chính phù hợp vào đúng thời điểm cho khách hàng, giúp họ tiết kiệm thời gian và tiền bạc khi lực chọn mức giá tốt nhất. Tuy vậy, truy cập vào dữ liệu khách hàng vào giai đoạn đầu là một điều khó khăn.
“Chúng tôi phải dựa vào kỹ thuật gỡ dữ liệu, có thể không ổn định và cần rất nhiều sự tập trung để vận hành trơn tru. Kỹ thuật này cũng ít an toàn hơn so với hiện nay, khi khách hàng phải cung cấp tài khoản đăng nhập vào ngân hàng để sử dụng dịch vụ.” Maslaveckas giải thích.
Tuy nhiên, để những doanh nghiệp khác đón nhận công nghệ của họ là một điều khó khăn. Vào năm 2017, ngân hàng mở (Open Banking) chưa chứng minh hiệu quả ở quy mô lớn và không một ai muốn là người đầu tiên thua lỗ. Các ngân hàng chậm ứng dụng công nghệ và giao diện lập trình (API) cho ngân hàng mở đầu tiên gặp rất nhiều vấn đề kỹ thuật. Do đó, thách thức chỉ là lặp lại quá trình từ ý tưởng theo quy mô nhỏ và hỗ trợ ngân hàng, cũng như OBIE (Thực thể Bổ sung Ngân hàng Mở) để API ổn định.
HSBC là ngân hàng đầu tiên đầu tư vào ứng dụng nổi tiếng này cho bộ phận khách hàng First Direct. “Chúng tôi được chọn để cung cấp nền tảng công nghệ cho ứng dụng và bắt đầu ghi nhận tốc độ tăng trưởng. Nhiều năm trước, chúng tôi huy động vốn từ Goldman Sachs, HSBC và một vài cái tên khác trong vòng gọi vốn Series A. Điều đó chắc chắn đã tạo thêm động lực. Phần còn lại có tác động từ việc kết hợp thị trường ngày càng phát triển và công nghệ của chúng tôi còn mạnh mẽ hơn nữa.” Maslaveckas cho biết.
Vào tháng 1.2018, ngân hàng mở có hiệu lực, thu hút toàn bộ ngân hàng tại Anh cho phép khách hàng chia sẻ dữ liệu tài chính tới đơn vị cung cấp dịch vụ và ngân hàng khác được ủy quyền, thông qua sự đồng thuận từ họ. Trong năm 2018, thị trường ngân hàng mở toàn cầu đạt 7,29 tỉ USD doanh thu, và được kỳ vọng thu về 43,15 tỉ USD vào năm 2026.
Một trong những tác động chính từ ngân hàng mở là khi nền tảng này nhìn thấy cơ hội cải thiện quá trình kinh doanh hoặc trải nghiệm khách hàng sử dụng trực tiếp dữ liệu.
“Cách mọi người kiếm và chi tiêu tiền bạc đang thay đổi nhanh chóng và chúng tôi đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân từ những yếu tố kinh tế-xã hội như nền kinh tế gig. Điều này sẽ đem lại bất lợi rất lớn cho những ai hình thành mối quan hệ mới với tiền, do hệ thống không được thiết lập để đánh giá công bằng. Ngân hàng mở đang và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng cực kỳ lớn lên điều đó.” Maslaveckas cho biết.
Một tác động khác là về văn hóa làm việc. Khả năng tiếp cận dữ liệu rộng rãi hơn đã thay đổi cái cách các tổ chức tư duy về dữ liệu có sẵn. Bud có khả năng tiếp nhận mọi nguồn dữ liệu, không chỉ ngân hàng mở và giao dịch trị giá hàng tỉ USD vận hành qua hệ thống mỗi năm, với một nửa từ những tổ chức chỉ muốn nắm bắt nguồn dữ liệu có sẵn tốt hơn. “Họ gửi dữ liệu đến, chúng tôi cải thiện, thu gọn và đưa vào ngữ cảnh, tạo ra những hiểu biết có giá trị về khách hàng và gửi ngược trở lại,” Maslaveckas cho biết.
Hiện nay, Bud có các khách hàng gồm HSBC, ANZ, Credit Karma và Dozens. Công ty đang làm việc với 1,5 triệu người tiêu dùng, xử lý 75 triệu giao dịch/ngày, có hơn 80 nhân sự và vừa mở văn phòng tại Úc.
“Đây chỉ mới là khởi đầu và năm 2022 sẽ là lúc chúng tôi hướng đến những thị trường mới. Theo lộ trình, chúng tôi đã hợp tác với Úc và nhiều quốc gia khác, cũng như tăng gấp đôi khả năng cho sản phẩm thông minh. Qua đó chúng tôi có thể tạo ra sự thấu hiểu tốt hơn nữa trong giao dịch dữ liệu.” anh cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/startup-fintech-bud-kinh-doanh-tu-hop-tac-voi-cong-ty-khac)
2 năm trước
Dự đoán kỳ lân kế tiếp