Doanh nghiệp

Gia tộc Tang ươm mầm thế hệ doanh nhân kế tiếp cho Hong Kong

2 năm trước
Tác giả John Kang

Tỉ phú ngành giày dép Tang Yiu cùng với thành viên trong gia tộc đang đầu tư vào nhiều startup công nghệ ở Hong Kong.

Share
this:

Gần 30 năm qua, Tang Yiu âm thầm xây dựng doanh nghiệp trị giá hàng tỉ đô la ở Hong Kong chuyên bán giày nữ trên khắp Trung Quốc. Tỉ phú ít người biết đến – xếp thứ 37 trong danh sách Người giàu ở Hong Kong mới nhất của Forbes, chỉ đứng sau Robert Miller, đồng sáng lập Duty Free Shoppers và Michael Ying, cựu chủ tịch Esprit – một trong những doanh nhân thành công nhất Hong Kong.

Giờ đây, công ty ít được biết đến của ông trùm 87 tuổi này đang đầu tư vào một vài startup triển vọng nhất của thành phố và giúp ươm mầm thế hệ doanh nhân Hong Kong kế tiếp.

Trước khi đầu tư thành lập công ty thứ hai, Tang là sáng lập và chủ tịch Belle International, công ty bán lẻ giày dép nữ lớn nhất ở Trung Quốc tính theo doanh thu. Được thành lập tại Hong Kong năm 1991, giày của Belle ngày càng phổ biến nhờ vào nhu cầu gia tăng trong tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Belle điều hành hơn 20.000 cửa hàng ở Trung Quốc, bán các thương hiệu như Joy & Peace, Mirabell và Staccato, đồng thời phân phối các thương hiệu quần áo thể thao bao gồm Adidas và Nike.

Năm 2007, Belle niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong, huy động được 1,1 tỉ USD với giá trị vốn hóa 6,5 tỉ USD. Đó là một trong những đợt niêm yết nổi tiếng nhất ở Hong Kong năm đó, cùng với sự góp mặt của ông trùm bất động sản Hong Kong Lý Triệu Cơ (Lee Shau Kee) và chủ tịch tập đoàn xa xỉ phẩm LVMH Bernard Arnault. Nhờ đó, Tang trở thành tỉ phú. CEO của Belle, Sheng Baijiao, cũng trở thành tỉ phú năm 2013, khi giá cổ phiếu công ty tăng cao.

Tang Yiu (trái) và Sheng Baijiao (phải) tại buổi lễ niêm yết của công ty Belle International ngày 23.5.2007. Edward/Forbes Wong/South China Morning Post Via Getty Images/Forbes

Nhưng khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ thương mại điện tử, công việc kinh doanh của Belle bắt đầu gặp khó khăn. Năm 2017, Tang bán Belle cho tập đoàn do các công ty cổ phần tư nhân của Trung Quốc Hillhouse (nổi tiếng với các khoản đầu tư vào Baidu, Didi và Tencent) và CDH (được tách ra từ tập đoàn tài chính China International Capital Corporation; các khoản đầu tư khác của CDH bao gồm Li Ning, Midea và SenseTime) dẫn đầu trong một thương vụ trị giá 6,8 tỉ USD. Đây là một  trong những thương vụ mua lại lớn nhất ở châu Á thời điểm đó. Tang kiếm được hơn 1 tỉ USD từ việc bán và rời công ty.

Trong bài phát biểu của Zhang Lei, người sáng lập và CEO Hillhouse, trích dẫn lời Tang trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận: “Tôi không quan tâm liệu tôi có còn sở hữu Belle nữa hay không, tôi cũng chẳng để ý đến tiền. Điều tôi quan tâm là liệu công ty có thể phát triển dưới sự dẫn dắt của đối tác tuyệt vời, có thể chèo lái doanh nghiệp hơn 100.000 nhân viên tìm lại vinh quang trong quá khứ và mở ra cơ hội mới hay không.”

Một vài tháng sau khi bán Belle, con trai của Tang, Clement, từng là giám đốc điều hành tại công ty, đồng sáng lập ParticleX, một quỹ đầu tư và tăng tốc khởi nghiệp. Quỹ được công ty của Tang, Shine Works Investment, đầu tư. “Shine Works đặt ra sứ mệnh thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, hỗ trợ các ý tưởng kinh doanh sáng tạo và quan trọng nhất là nuôi dưỡng thế hệ doanh nghiệp công nghệ mới với tham vọng toàn cầu dựa trên những lợi thế độc đáo của Hong Kong và Thâm Quyến,” theo thông điệp của ParticleX trên website.

Kể từ khi ra mắt năm 2017, đến nay ParticleX đã đầu tư 8 triệu USD vào 34 startup. Tổ chức tăng tốc hỗ trợ các startup trên khắp thế giới — bao gồm Trung Quốc, Estonia, Đức, Singapore, Đài Loan, Anh và Mỹ — nhưng hỗ trợ nhiều startup nhất ở Hong Kong. Trong số 34 startup trong danh mục, khoảng 20 công ty ở Hong Kong.

Một vài startup ở Hong Kong triển vọng nhất bao gồm Ampd Energy, Dayta AI, Farm66, MediConCen và RaSpect Intelligence Payment. Năm công ty này nằm trong số 10 startup Hong Kong trong Forbes Asia 100 to Watch năm nay, danh sách các công ty nhỏ và startup đang phát triển nổi bật ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một cửa hàng giày của công ty Belle International ở Bắc Kinh, Trung Quốc.  BERNARDO DE NIZ/Bloomberg News/Forbes

Chẳng hạn Ampd Energy, startup bảy năm tuổi chuyên phát triển máy phát điện cho cần cẩu xây dựng, đã mở rộng thị trường sang Singapore đầu năm nay. Máy phát điện của công ty, thải ra ít khí nhà kính và ít gây tiếng ồn hơn so với máy phát điện diesel truyền thống, đã được công ty phát triển bất động sản Singapore Far East Organization sử dụng từ tháng 10. 2021.

Đồng sáng lập kiêm CEO Ampd Energy, Brandon Ng, được vinh danh trong Danh sách 30 Under 30 Asia Class of 2017 của Forbes, nói với Forbes Asia công ty sẽ mở rộng thị trường sang Úc và Châu Âu trong năm tới.

MediConCen, startup ba năm hoạt động sử dụng công nghệ blockchain để tự động hóa các yêu cầu trả tiền bảo hiểm y tế, hợp tác với ZA, ngân hàng kỹ thuật số Hong Kong nhận đầu tư từ công ty bảo hiểm trực tuyến Trung Quốc ZhongAn, ra mắt chương trình thành viên y tế vào tháng 7. Năm nay, MediConCen cũng giành giải vàng tại Giải thưởng công nghệ thông tin và truyền thông của Hong Kong và được Deloitte vinh danh là một trong 20 công ty Ngôi sao đang lên tại Hong Kong.

Mặc dù gia tộc Tang có lịch sử về kinh doanh bán lẻ và giày nữ nhưng ParticleX lại tập trung vào các startup công nghệ. “Thế hệ thứ hai của gia đình đam mê công nghệ — có thể cải thiện cuộc sống con người và mang lại sự tốt đẹp hơn,” Mingles Tsoi, giám đốc khảo sát của ParticleX, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của công ty ở WeWork.

Tsoi, người giám sát chiến lược và hoạt động tại ParticleX, cũng cho biết Clement Tang có bằng cử nhân và thạc sĩ vật lý, và Simon Tang (thành viên trong gia đình Tang) cũng theo học vật lý. “Hai thành viên sáng lập trong gia đình đều là sinh viên chuyên ngành vật lý nên họ có đầu óc khoa học,” Tsoi cho biết thêm. Người đồng sáng lập thứ ba, Ringo Lam, có bằng thạc sĩ về kỹ thuật thông tin và là CEO của Epoque, một startup công nghệ thời trang liên kết với Belle, trước khi đồng thành lập ParticleX.

Từng là giám đốc mảng dịch vụ khởi nghiệp và đổi mới tại KPMG, Tsoi đặc biệt quan tâm đến các startup công nghệ dữ liệu trong các ngành khác nhau, ví dụ như quản lý tài sản. RaSpect Intelligence Inspection, là một trong năm startup ở Hong Kong được ParticleX đầu tư trong danh sách Forbes Asia 100 to Watch, đang kết hợp AI, công nghệ cảm biến IoT và robot để kiểm tra các tòa nhà để tìm các rủi ro. Startup 4 năm này cho biết đây là phương pháp chính xác hơn, nhanh hơn và rẻ hơn so với việc kiểm tra truyền thống.

Mingles Tsoi, giám đốc khảo sát của ParticleX. COURTESY OF MIT HONG KONG INNOVATION NODE/FORBES

ParticleX hiện đang hợp tác với tập đoàn phát triển bất động sản Hong Kong Chinachem Group, công viên Khoa học và Công nghệ Hong Kong và đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cùng những đối tác khác để kết nối các startup công nghệ bất động sản với các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng.

Trong khi Hong Kong bị chỉ trích vì không tạo ra được các startup công nghệ thành công, đặc biệt so với đối thủ trong khu vực là Singapore, Tsoi vẫn hy vọng về không gian khởi nghiệp của thành phố, nhờ vào các trường đại học. Tsoi, người đã làm việc tại trung tâm khởi nghiệp của đại học Trung Văn Hong Kong, cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều giáo sư và hiện họ đã cởi mở hơn. Họ không chỉ hài lòng với công việc giảng dạy và nghiên cứu mà còn có đam mê lẫn những ý tưởng rất hay.”

Tsoi chỉ ra SenseTime là một ví dụ, một trong những startup AI có giá trị nhất thế giới. SenseTime được Tang Xiao’ou và Wang Xiaogang thành lập năm 2014. Cả hai đều là giáo sư kỹ thuật tại đại học Trung Văn Hong Kong và hai trong số nghiên cứu sinh của Tang, Xu Li và Xu Bing.

Nhận đầu tư từ Alibaba, quỹ Vision Fund của SoftBank và nhà đầu tư nhà nước Singapore Temasek, SenseTime đang trên đà trở thành kỳ lân công nghệ Hong Kong đầu tiên niêm yết vào ngày 30.12. Startup AI này kỳ vọng sẽ huy động được 767 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Hong Kong.

“SenseTime là một kỳ lân tăng trưởng ở Hong Kong. Chính quyền Hong Kong đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều và chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ đại học Trung Văn Hong Kong,” Wang, đồng sáng lập SenseTime, nói với South China Morning Post.

“Các trường đại học có thể tạo ra sự đổi mới và những người giỏi. Tôi nghĩ SenseTime là một câu chuyện rất hay,” Tsoi cho biết thêm.

Biên dịch: Gia Nhi