Nhà sản xuất tấm lợp Impack Pratama Industri đang tìm cách giành thị phần từ các đối thủ sản xuất tấm lợp kim loại thông qua các sản phẩm nhựa tiên tiến.
Cây cầu đi bộ bắc qua con phố sầm uất ở khu thương mại trung tâm Jakarta từng là công trình đổ nát, nơi có nhiều tệ nạn, người bán hàng rong và kẻ móc túi. Giờ đây, với thiết kế xoắn ốc rực rỡ gồm nhiều tấm hình chữ nhật màu trắng được chiếu sáng bằng ánh đèn đa sắc vào ban đêm, cầu vượt đi bộ Gelora Bung Karno trở thành nơi thu hút những người thích selfie.
Cây cầu được cải tạo, khai trương vào tháng 2.2019, sử dụng vật liệu lợp nhựa tiên tiến do Impack Pratama Industri sản xuất, cùng với kim loại.
Việc một vật liệu xây dựng tầm thường trở thành hiện tượng trên Instagram là chuyện hiếm thấy. Tuy nhiên, công ty Impack có trụ sở tại Jakarta đã làm được điều đó nhờ tạo ra các tấm nhựa độc quyền mà họ gọi là SolarTuff, vừa bền, trong suốt và có nhiều màu sắc.
Đó là một trong những đổi mới mà công ty mang đến cho một ngành công nghiệp vốn ít thay đổi. Bên cạnh việc dẫn đầu về tấm lợp nhựa, Impack còn sản xuất vật liệu trần, sàn, ống, tấm ốp bên ngoài và tấm ốp bằng nhôm.
Các sản phẩm của Impack chứng minh được chất lượng, giúp lợi nhuận công ty tiếp tục tăng ngay cả trong đại dịch COVID-19, đưa công ty lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp có doanh thu dưới một tỉ đô la Mỹ tốt nhất châu Á năm 2023 (BUB).
Trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng trên tầng 38 tòa nhà Altira Business Park ở Jakarta vào tháng 6.2023, chủ tịch Haryanto Tjiptodihardjo, 60 tuổi, cho biết: “Niềm tin, độ tin cậy, độ bền và thương hiệu đóng vai trò rất quan trọng trong ngành kinh doanh vật liệu xây dựng.” Tjiptodihardjo, sở hữu phần lớn cổ phần tại Impack, có tài sản ròng ước tính khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ.
Năm ngoái, lợi nhuận ròng của Impack tăng 50% lên 307 tỉ rupiah (khoảng 20 triệu đô la Mỹ), trong khi doanh thu tăng 26% lên 2,8 ngàn tỉ rupiah (hơn 182 triệu đô la Mỹ), phần lớn đến từ vật liệu lợp và trần nhà.
Ba phần tư doanh số bán hàng đến từ nội địa, phần lớn là ở Java; còn lại từ xuất khẩu sang 12 quốc gia, bao gồm Úc, Kuwait, Bangladesh và Thái Lan.
Cổ phiếu niêm yết ở Indonesia giảm khoảng 6% trong năm qua và gần đây giao dịch ở mức 340 rupiah (0,022 đô la Mỹ) – gần như đã tăng gấp ba lần so với năm 2020. Ezaridho Ibnutama, nhà phân tích tại công ty Henan Putihrai Sekuritas có trụ sở ở Jakarta, cho biết sự sụt giảm gần đây phản ánh sự hoài nghi của nhà đầu tư đối với lĩnh vực vật liệu cơ bản nhưng đồng thời cũng ghi nhận hiệu suất dài hạn vững chắc của cổ phiếu.
Tjiptodihardjo kỳ vọng lợi nhuận thuần sẽ tăng thêm 27% trong năm nay nhờ doanh thu tăng 18%. Công ty dường như đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu đó, với lợi nhuận thuần nửa đầu năm tăng 46% lên 213 tỉ rupiah (hơn 13,8 triệu đô la Mỹ), trong khi doanh thu tăng 3% lên 1,4 ngàn tỉ rupiah (khoảng 91 triệu đô la Mỹ).
Dự kiến tăng trưởng đến nhờ thâm nhập thị trường tấm lợp ở Indonesia – nơi chất liệu kim loại chiếm ưu thế, cũng như từ thị trường tấm lợp nhựa chưa được khai thác bên ngoài thị trường Java.
Theo công ty Allied Market Research có trụ sở tại Hoa Kỳ, thị trường tấm lợp kim loại toàn cầu sẽ đạt 33,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 3,5%. Ngược lại, thị trường tấm lợp làm bằng polycarbonate, loại nhựa mà Impack chuyên sản xuất, có quy mô nhỏ hơn 1/10, đạt mức 2,6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2031, nhưng tăng trưởng với CAGR nhanh hơn, 5,7%.
Tjiptodihardjo ước tính doanh số bán tấm lợp mái nhà bằng kim loại ở Indonesia vào khoảng một tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Ông nói: “Chỉ cần chúng tôi có thể khai thác 10% của thị trường kim loại thôi thì kết quả cũng khá đáng kể.”
Impack đang phân bổ chi tiêu của số vốn 280 tỉ rupiah (hơn 18,2 triệu đô la Mỹ) cho năm 2023, một phần trong số đó sẽ được sử dụng để xây hai nhà máy mới, một ở Java và một ở Melbourne. Cả hai dự kiến bắt đầu hoạt động vào nửa đầu năm 2024, bổ sung vào 10 nhà máy của Impack tại Indonesia, Úc, New Zealand, Malaysia và Việt Nam.
Tjiptodihardjo cho biết công ty cũng sẽ tăng cường mạng lưới phân phối bằng cách mở chi nhánh mới và hợp tác với nhiều nhà cung cấp hơn. Ông nói thêm rằng các sản phẩm được bán bên ngoài thị trường Java, trung tâm kinh tế của Indonesia và là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số, sẽ có giá phù hợp với thị trường.
Nhà phân tích Ibnutama cho biết các nhà máy mới sẽ giúp Impack “đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng sau đại dịch.” Nhưng ông cũng đồng ý rằng kế hoạch giành thêm thị phần từ tấm lợp kim loại sẽ phụ thuộc vào khả năng “bổ sung thêm nhiều nhà cung cấp có mạng lưới phân phối rộng khắp bên ngoài Java.”
Theo Tjiptodihardjo, sự đổi mới và táo bạo là chìa khóa thành công của Impack. Ông gia nhập công ty vào năm 1987 sau khi lấy bằng cử nhân về kỹ thuật hệ thống và công nghiệp tại đại học Nam California và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh từ đại học Woodbury, California.
Vào thời điểm đó, Impack, do cha ông, Handojo Tjiptodihardjo, 89 tuổi, thành lập năm 1981, chuyên sản xuất bao bì dùng trong in ấn, quảng cáo, đồ uống và các ngành công nghiệp khác. Khi làm việc ở bộ phận xuất khẩu, Tjiptodihardjo biết đến nhà phân phối vật liệu xây dựng Mulford Plastics có trụ sở tại Sydney, đại lý của Impack tại Úc và New Zealand.
Theo đề xuất của Tjiptodihardjo, Impack mua Mulford Plastics vào năm 1990, có được mạng lưới phân phối ở Úc và New Zealand. Các loại vật liệu xây dựng do Mulford bán cũng đã thúc đẩy lợi nhuận của Impack. Một trong những sản phẩm đó là tấm lợp polycarbonate dạng sóng sản xuất tại Israel.
Tjiptodihardjo tự tin rằng loại mái lợp này có thể thay thế tấm lợp kim loại ở Indonesia. Tấm lợp nhựa có ưu điểm đáng kể so với kim loại là nhẹ, mờ và chịu nhiệt. Tuy nhiên, loại tấm lợp này có thể sẽ đắt hơn và không bền, tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm.
Impack bắt đầu sản xuất tấm lợp polycarbonate dưới thương hiệu SolarTuff vào năm 1992 bằng cách mở rộng nhà máy hiện có và bổ sung thêm máy móc mới. Tjiptodihardjo nói: “Có lẽ đó là một bước đi táo bạo. Đây là tấm lợp mái nhà bằng polycarbonate dạng sóng đầu tiên ở Indonesia và Đông Nam Á.”
Theo nghiên cứu thị trường của chính công ty, Impack hiện nắm giữ 90% thị trường nội địa về tấm lợp polycarbonate, thống trị so với đối thủ gần nhất là SBP, chi nhánh tại Indonesia của công ty Sumitomo Bakelite Nhật Bản.
Kể từ đó, Impack tiếp tục sử dụng nhựa để chế tạo ra các sản phẩm cải tạo nhà cửa, không chỉ tấm lợp mà còn cả trần, sàn, đường ống và tấm ốp. Tjiptodihardjo cho biết nhựa “có thể được chế tạo thành bất kỳ sản phẩm hoặc hình dạng nào, tùy thuộc vào các công cụ và khuôn mẫu sẵn có.” Ông cho biết thêm, phạm vi ứng dụng sẽ vô tận, “sản phẩm bạn tạo ra chỉ bị giới hạn vì sự đổi mới của chính bạn.”
Năm 2015, Impack mua lại Alderon có trụ sở tại Jakarta, công ty bán các tấm lợp mái làm từ một loại vật liệu xây dựng bền và nhẹ gọi là uPVC. Impack quyết định tự sản xuất các tấm này bằng các nhà máy hiện có. Doanh thu của Alderon tăng vọt, từ mức khoảng 40 tỉ rupiah (khoảng 2,6 triệu đô la Mỹ) vào thời điểm mua lại lên gần một ngàn tỉ rupiah (hơn 65 triệu đô la Mỹ) vào năm 2022.
Hiện nay, Impack cho biết họ chiếm 70% thị trường tấm lợp uPVC trong nước, so với 15% của đối thủ cạnh tranh gần nhất, Sumber Djaja Perkasa tại Đông Java. Brian Tanudjaja, giám đốc tiếp thị của Sumber Djaja Perkasa, từ chối bình luận về thị phần của công ty mình, nhưng nhắn tin rằng thị trường tổng thể có triển vọng tích cực, vì “quy mô thị trường thực tế của tấm lợp mái uPVC ở Indonesia chưa đến 10% tổng nhu cầu về mái nhà.”
Tjiptodihardjo có ba người con trai, trong đó con cả Phillip, 28 tuổi, là người thừa kế được chỉ định, đồng thời là giám đốc kinh doanh chiến lược và công nghệ tại Impack. Phillip cho biết mặc dù các sản phẩm của Impack có mức giá cao hơn so với vài đối thủ nhưng khách hàng vẫn tin dùng.
“Người Indonesia rất quan tâm đến thương hiệu, đặc biệt là các sản phẩm vật liệu xây dựng,” anh nói trong cuộc phỏng vấn riêng vào tháng 6.2023. “Họ chi nhiều tiền hơn cho những sản phẩm chất lượng có thể sử dụng được lâu dài.”
Ngoài Impack, cha của Tjiptodihardjo còn thành lập Pabrik Cat Tunggal Djaja Indah sản xuất sơn và Dolphin Food & Beverages, chuyên sản xuất kẹo và đồ ăn nhẹ. Ông đã rút lui khỏi các hoạt động điều hành hằng ngày và trao lại Impack cho Tjiptodihardjo, còn Tunggal Djaja Indah và Dolphin được chuyển giao cho một người con trai khác, Boediono, 55 tuổi.
Tjiptodihardjo cho biết ông “tự hào và hạnh phúc” khi cây cầu đi bộ Gelora Bung Karno sử dụng vật liệu của Impack được người dân địa phương cũng như khách du lịch đánh giá cao. Ông nói: “Tôi nghĩ đây là chìa khóa để giữ gìn hoạt động kinh doanh của chúng tôi cho các thế hệ tiếp theo, đồng thời đảm bảo sự đóng góp cho người dân và quốc gia của chúng tôi.”
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43