Nhanh chóng số hóa mô hình vận hành, thực hiện bán hàng đa kênh là hai xu hướng quan trọng của ngành bán lẻ trong năm 2022, theo kết quả khảo sát hàng năm của Sapo với hơn 15.000 nhà bán lẻ trên cả nước.
Có 47% nhà bán hàng tham gia khảo sát tin tưởng rằng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi và 14,5% kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Tuy nhiên, vẫn có 9,4% bi quan về tình hình kinh doanh của họ năm nay. Các tác động bao gồm dịch bệnh, giãn cách cục bộ ảnh hưởng tới nhiều khu vực, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể mới omicron sẽ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế.
Cùng với chuyển đổi số và bán hàng đa kênh, có hai xu hướng cũng được các nhà bán lẻ nhắc tới trong năm 2022: Thứ nhất, hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, mô hình mua nhanh bán gọn sớm đi vào thực tiễn. Thứ hai, chiến lược bán lẻ đặt khách hàng cá nhân lên hàng đầu thúc đẩy tối ưu hóa trải nghiệm và ứng dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng.
Kết thúc năm 2021, khảo sát của Sapo cho thấy hơn 75% nhà bán hàng cho biết doanh thu không tăng trưởng so với năm 2020, trong đó hơn 37% bị giảm sút doanh thu trên 30%. Tương tự năm 2020, ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú (F&B) suy giảm lớn nhất với 80% chủ nhà hàng, quán ăn không chỉ sụt giảm doanh thu, cắt giảm nhân viên mà nhiều còn phải tạm đóng cửa hoặc ngừng kinh doanh vô thời hạn.
Tỷ lệ nhà bán hàng tăng trưởng doanh thu chỉ xấp xỉ 24%, giảm 40% so với năm 2019. Chỉ 7% cho biết họ không gặp ảnh hưởng hoặc có sự tăng trưởng ngay trong mùa dịch (chủ yếu là kênh tạp hóa – siêu thị mini, hàng thực phẩm và chăm sóc sức khỏe).
Khoảng 11% nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử và các kênh trực tuyến cho biết vẫn tăng trưởng doanh thu ngay trong mùa dịch, dù tỷ trọng này giảm so với năm 2020 nhưng vẩn thể hiện ưu thế của hình thức kinh doanh này trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế.
Giải pháp được các nhà bán lẻ ưu tiên lựa chọn trong năm 2021 là chuyển đổi kinh doanh từ offline lên online, tăng 9%, chiếm gần 73% câu trả lời. Trong đó, 30% cho biết sẽ áp dụng quy trình vận hành mới để phù hợp với trạng thái phòng chống Covid-19 và 27,2% nói rằng họ triển khai kênh bán hàng thay thế hoặc bán hàng đa kênh.
Hơn 36% chủ nhà hàng, quán ăn cho biết “chuyển khoản” là phương thức thanh toán phổ biến nhất tại cửa hàng của họ. Đồng thời, sự phát triển đa dạng, cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều thương hiệu và chương trình khuyến mãi hấp dẫn của các ví điện tử đã đưa hình thức này lên tốp ba loại hình thanh toán được chấp nhận nhiều nhất.
Nhìn chung, hơn 89% nhà bán hàng đánh giá rất tích cực về các hình thức thanh toán không tiền mặt, coi đó là xu hướng tương lai. Tuy nhiên, hơn 10% chủ cửa hàng gặp khó khăn trong đối soát, chi phí duy trì cao và cho rằng không cần thiết. Nhóm nghiên cứu từ Sapo dự báo, trong thời gian tới rất nhiều công cụ thanh toán mới ra mắt thị trường sẽ linh hoạt và giảm thiểu khó khăn cho các nhà bán hàng.
Dịch vụ vận chuyển trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà bán hàng để tối ưu chi phí, tăng tỷ lệ đơn hàng thành công và hoàn thiện quy trình vận hành. 51% nhà bán hàng chọn phương án linh hoạt giữa các đơn vị vận chuyển hoặc tự giao hàng để hạn chế khó khăn. Tuy nhiên, 22,3% cho biết vẫn loay hoay chưa có cách khắc phục hiệu quả.
Các đơn vị chuyển phát nhanh lớn vẫn được ưu tiên sử dụng nhất (2,1/3 điểm). Lý do: các đơn vị này đáp ứng được ba yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn hình thức vận chuyển: thời gian giao hàng; chất lượng giao nhận và giá cả.
3 năm trước
Chính thức ra mắt Hiệp hội Logistics TP.HCM1 năm trước
Bán lẻ hiện đại: Bán sự hài lòng1 năm trước
Bed Bath & Beyond nộp đơn xin phá sản1 năm trước
5 tháng trước
Thương hiệu mì ăn liền Nongshim mở rộng mảng logistics