Kinh doanh

ITC và CMA CGM lập liên doanh cung cấp vận chuyển sà lan 

2 năm trước
Tác giả Minh Tâm

Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC) và CMA CGM Inland Services (CCIS), thành viên tập đoàn CMA CGM, lập liên doanh cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng sà lan giữa cảng SP-ITC và cảng Gemalink.

Share
this:

Liên doanh được giới thiệu hôm 19.4, có pháp nhân là công ty TNHH Tiếp vận Tổng hợp Quốc tế (General International Logistics – GIL), với tỷ lệ góp vốn 51% và 49% giữa ITC và CMA CCM, theo ông Phạm Bá Cương, tổng giám đốc GIL.

GIL sẽ vận hành dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng sà lan giữa cảng SP-ITC (TP.HCM) và cảng Gemalink Cái Mép (Bà Rịa Vũng Tàu) với tần suất ba chuyến mỗi tuần. Dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng sà lan của GIL sẽ giúp kết nối hàng xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường trọng điểm là Bắc Mỹ và châu Âu thông qua cảng SP-ITC và cảng Gemalink, hai cảng mà hai đối tác trong liên doanh có vốn góp hoặc đang khai thác.

Hiện tại, mỗi tuần hãng tàu CMA CGM có bốn tuyến vận chuyển biển xa cập tại cảng Cái Mép, bao gồm tuyến FAL7 đi châu Âu; JAX, SUEZ và PEX3 là các tuyến chạy xuyên Thái Bình Dương (Transpacific). 

Tuyến vận chuyển sà lan từ TPHCM đến Cái Mép khai thác từ 19.4. Ảnh: ITC

Tuyến vận chuyển sà lan giữa cảng SP-ITC (TP.HCM) đến cảng Cái Mép – Bà Rịa Vũng Tàu sẽ giúp các chủ hàng Việt Nam có thêm một lựa chọn về phương thức vận chuyển cho quãng đường dài 80 km. Lâu nay, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ cho mỗi container khoảng 4 triệu đồng với thời gian 4 giờ, trong khi vận chuyển bằng sà lan chi phí khoảng 1 triệu đồng với thời gian 6-8 giờ. 

Chia sẻ với Forbes Việt Nam, ông Phạm Bá Cương cho biết, hình thức vận chuyển bằng sà lan không mới nhưng dịch vụ GIL sẽ tận dụng lợi thế của hai đối tác trong liên doanh. Trong đó, CMA CGM có kinh nghiệm khai thác vận tải container quốc tế còn ITC có hiểu biết về thị trường địa phương.

Ông Nguyễn Văn Chuyền, chủ tịch hội đồng quản trị ITC cho biết: “Vận chuyển sà lan là lĩnh vực dịch vụ quan trọng giúp kết nối hiệu quả các cửa ngõ xuất nhập khẩu với độ tin cậy cao và chi phí cạnh tranh. GIL sẽ kế thừa những điểm mạnh và kinh nghiệm của cả CMA CGM và ITC để phát triển”.

CMA CGM là tập đoàn cung cấp các dịch vụ vận chuyển kết nối Việt Nam với các thị trường trọng điểm qua 25 tuyến dịch vụ vận tải và 72 lượt tàu cập hàng tuần. Trong khi ITC là doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển và logistics, sở hữu đội tàu có trọng tải trên 300.000 DWT, khai thác cảng container quốc tế SP-ITC và khai thác dịch vụ vận chuyển sà lan.