multi-media / Megastory

Australis “mở khóa” nguồn lợi nuôi từ biển

Australis Aquaculture, doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư 200 triệu đô la Mỹ nuôi cá chẽm ở Khánh Hòa, đưa loài cá ít được biết đến này xuất hiện trên bàn ăn thế giới.

Trong một nhà hàng BQQ ở góc phố Ngô Thời Nhiệm, Nha Trang, thường xuyên có một nhóm nhỏ các doanh nhân Hoa Kỳ tụ tập để thưởng thức món ăn hương vị quê nhà. Trên bàn ăn, ngoài hamburger, salad gà, xúc xích sườn heo nướng, bia tươi, thường xuyên xuất hiện cá chẽm áp chảo, một trong những món “đinh” (signature) của nhà hàng. Nhóm bốn người đến từ các vùng miền khác nhau của nước Mỹ, nhưng đang sở hữu các cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.

Trong nhóm những người Mỹ xa xứ này, có người hăng hái nói chuyện làm ăn, có người hài hước giỏi pha trò. Josh Goldman là người trầm tĩnh, thường cho đồng bạn những lời khuyên khôn ngoan. Trò chuyện với Forbes Việt Nam, vị doanh nhân 60 tuổi tự nhận mình là một trong những người đầu tiên đưa loại cá chẽm lên bàn ăn nhà hàng, không chỉ ở Nha Trang mà còn nhiều nơi trên thế giới.

Thành lập tại Massachusetts (Mỹ) năm 2004, hai năm sau, công ty thủy sản Australis của Josh Goldman xây dựng cơ sở nuôi chính tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam tính đến nay, Australis chỉ nhanh chóng trở thành nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất của địa phương này. Và chỉ mất hơn 15 năm để nắm được ngôi vị nhà xuất khẩu cá chẽm lớn nhất thế giới, theo báo cáo của tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC), tổ chức tài chính trực thuộc chính phủ Mỹ.

Mỗi năm, Australis cho ra thị trường gần 10 ngàn tấn cá chẽm thành phẩm, chủ yếu xuất sang Mỹ cho những tập đoàn bán lẻ thực phẩm lớn như Cotsco và WholeFoods. Nhà sáng lập Australis từ chối tiết lộ con số chính xác nhưng hé mở công ty đang tiệm cận doanh thu 100 triệu đô la Mỹ/năm, với doanh số và sản lượng tăng trung bình 20–25% mỗi năm. Josh Goldman cho biết, trừ năm đầu tiên dồn sức đầu tư, việc kinh doanh luôn mang về lợi nhuận trong suốt những năm hoạt động tại Việt Nam đến nay.

Australis tiến những bước nhanh như vậy nhờ vào trình độ kỹ thuật cao giúp giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng và sản phẩm cho giá trị xuất khẩu lớn. Mô hình nuôi trồng trên biển (nuôi biển) của công ty được đánh giá triển vọng, là hình mẫu tương lai của nền thủy sản Việt Nam, vốn ngày càng đối mặt với nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Xuất thân là kỹ sư sinh học, Josh cho biết ông từng là một trong số những người đầu tiên nghiên cứu về công nghệ xử lý nước tuần hoàn (RAS) vào đầu những năm 1980, khi còn trên ghế nhà trường. Công nghệ này về sau trở nên phổ biến trên toàn thế giới, khi ngành nuôi trồng thủy sản hướng đến quy mô sản xuất công nghiệp.

Josh cũng lập tức khởi nghiệp sau khi ra trường với công ty nghiên cứu thí điểm các loại cá phù hợp công nghệ nuôi bằng nước tuần hoàn như cá rô phi, cá rô vàng, cá chẽm sọc. Công ty khởi nghiệp của ông lúc đó cung cấp các giải pháp xây dựng trại giống cá biển trên đất liền ở Mỹ và Israel cho mục đích thương mại.

Bán lại công ty vào năm 2000, John chuyển sang tư vấn công nghệ RAS bán thời gian. Chàng kỹ sư sinh học chu du qua nhiều nước, tiếp tục tìm và thể nghiệm một loài cá biển mới mà theo Josh “phù hợp tầm nhìn về ngành thủy sản trong tương lai.” Josh Goldman kể: “Tôi mất ba năm thử nghiệm 30 loài cá khác nhau, cố gắng tìm ra sự cân bằng giữa thời gian sinh trưởng, chất lượng thịt, dinh dưỡng và sức đề kháng của cá thể nuôi. Tất cả đều đặt trong bức tranh rất đáng quan tâm là sự biến đổi về khí hậu và môi trường.”

Mái đầu cắt ngắn, lông mày thưa, áo jean bạc màu và diễn ngôn chậm rãi, phong thái trả lời phỏng vấn của Josh Goldman gợi liên tưởng tới “một Jeff Bezos phiên bản thủy sản”. Với lối diễn giải lớp lang, khoa học, Josh cho rằng những thành công thương mại toàn cầu như cá hồi của Na Uy, hay biểu tượng cá tra của Việt Nam rồi sẽ đến lúc hết dần chỗ để nuôi trồng. “Nhiệt độ nước biển và sông tăng cao sẽ thu hẹp vùng sống của cá hồi tự nhiên, khiến chúng khó tìm thức ăn. Cá hồi nuôi ở những trang trại trên biển cũng đang có tỉ lệ chết ngày càng tăng,” Josh nói.

Đối với cá tra, giống cá làm nên tên tuổi của thủy sản đồng bằng sông Cửu Long, CEO Autralis cho rằng tình trạng nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước sẽ ảnh hưởng xấu đến vùng nuôi trồng. Ngoài ra, ông cũng đánh giá, trong khi Na Uy thu được nguồn lợi lớn chỉ từ một sản phẩm cá hồi, Việt Nam xuất khẩu nhiều loại cá tôm nhưng nhìn chung có giá trị thương mại thấp.

Vị chuyên gia thủy sản người Mỹ mất bốn năm để tìm ra cá chẽm, loài cá thương mại thay thế mà ông gọi vui là “cá hồi của vùng biển nhiệt đới”. Josh Goldman nói: “Tương lai của thủy sản sẽ là nuôi trồng ở biển ấm. Cá chẽm vừa có giá trị cao, vừa sống được trong nước ngọt lẫn nước mặn, sẽ dần thay cá hồi ở biển lạnh, trở thành loài cá quốc dân mới”.

Cá chẽm, hay cá vược, là loài cá lớn sống ở cửa sông và ra biển đẻ trứng, thường sống ở vùng biển cận nhiệt đới và nhiệt đới của Úc và Đông Nam Á. Cá chẽm thương phẩm thường dài khoảng 40–50cm, nặng 7–10kg, cho thịt trắng có vị ngọt béo và giàu dinh dưỡng.

Đáng chú ý, lượng calo thấp hơn một nửa so với cá hồi, phù hợp nhu cầu ăn kiêng giảm béo. Kết cấu thịt mọng nước và hàm lượng dầu cao giúp các món từ cá chẽm đều dễ nấu, dễ ăn và đẹp mắt. Người nuôi cá chẽm lớn nhất thế giới còn so sánh, cá chẽm nuôi trong môi trường nước mặn có thịt chắc hơn cá tự nhiên và đặc biệt là không có mùi bùn.

Trở về Mỹ, Josh mở Australis Aquaculture từ nguồn vốn đầu tư của các quỹ tư nhân. Ông nhanh chóng gây giống cá chẽm thành công bằng hệ thống RAS trong đất liền và bắt đầu tính bài toán thương mại hóa sản phẩm.

Australis Aquaculture, doanh nghiệp hoa kỳ đầu tư 200 triệu đô la mỹ nuôi cá chẽm ở khánh hòa, đưa loài cá ít được biết đến này xuất hiện trên bàn ăn thế giới.
Trang trại cá chẽm nuôi biển của Australis tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa

Thời điểm 2004–2005, cá chẽm hầu như chưa được nước Mỹ biết đến. Khách hàng ban đầu của Australis là một nhóm những người yêu du lịch và thích câu cá chẽm ở Úc. Josh cũng tận dụng mạng lưới quan hệ với các đầu bếp nổi danh để tiếp thị và nhanh chóng được các nhà bán lẻ chú ý. Đơn hàng ngày càng nhiều, làm nảy sinh nhu cầu mới: mở rộng quy mô. “Tôi nhận ra, sẽ không thể mở rộng chỉ bằng mô hình RAS trên đất liền vì chi phí quá cao và tốc độ quá chậm,” Josh nhớ lại.

Ông quyết định thực hiện một chuyến khảo sát đến nơi có vùng sinh trưởng của cá chẽm, như Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Úc và Việt Nam. Josh cũng chọn khảo sát vùng nuôi trên biển, không chỉ vì chất lượng thịt mà còn vì môi trường nước biển sâu sạch và ổn định hơn, không quá rủi ro về mặt sinh học như nước sông, hồ. “Vịnh Vân Phong của Khánh Hòa trở thành địa điểm tuyệt vời vì đây là một vịnh sâu, diện tích lớn và không có con sông nào chảy vào,” Josh giải thích.

Ngoài điều kiện lý tưởng về sinh cảnh, Josh Goldman còn tính đến yếu tố nhân lực khi đầu tư. Tại đây có viện Hải dương học Nha Trang, là một cơ sở giàu kinh nghiệm gây giống cá. Từ viện này, Australis tìm được những chuyên viên đầu tiên và hợp tác nghiên cứu các kháng thể chữa bệnh cho cá chẽm. Không chỉ vậy, Josh còn tìm thấy ở Khánh Hòa nhiều cơ sở chế biến phù hợp, từng là nơi chế biến cá ngừ đại dương nhưng dần giảm công suất khi nguồn cá đánh bắt suy giảm.

Thiên thời – địa lợi – nhân hòa hội đủ, Josh rót hơn 50 triệu đô la Mỹ đầu tư vào chi nhánh Việt Nam. Phần lớn đổ vào hai hạng mục gồm trại sản xuất giống, vườn ươm trên đất liền và trang trại nuôi thương phẩm gồm 50 lồng lưới cho cá bơi tự do trên biển. Bên cạnh đó đầu tư cải thiện di truyền cho giống và hệ thống cho ăn tự động hiện đại hàng đầu thế giới.

Josh cho biết chi phí lớn nhất với một trang trại cá là thực phẩm và tiếp theo là tỉ lệ cá chết. “Vì vậy, chỉ khi chuyển đổi thức ăn hiệu quả bằng cách luôn cho cá ăn đúng lượng, tránh thừa thãi gây ô nhiễm, lãng phí và làm sao con giống có di truyền tốt hơn, bạn mới có thể mang về lợi ích lớn,” Josh nói.

Có lãi chỉ sau một năm hoạt động, Australis liên tục tái đầu tư, bổ sung nguồn vốn mở rộng năng lực sản xuất. Ông gọi vốn dưới dạng các khoản vay chuyển đổi từ ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), DFC và quỹ Hợp tác công nghiệp Phần Lan (FinFund).

Trên toàn cầu, số liệu công ty khảo sát thị trường Market Stats Ville (Mỹ), tính đến năm 2023, thị trường cá chẽm đạt giá trị 960 triệu đô la Mỹ, tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm. Australis tiếp tục dẫn đầu thị phần với Mỹ là thị trường lớn nhất. Theo nghiên cứu riêng của công ty, nhu cầu của thị trường này tăng gần gấp ba lần trong năm năm qua, vượt 30% mỗi năm. Josh Goldman cho biết họ đang tích cực tiếp thị ở Úc, Singapore, Hong Kong và bắt đầu cung cấp cá cho các khách hàng lớn ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Một trong những thách thức khi mở rộng sản xuất là cần vùng nước sạch. Josh phân tích, bờ biển Việt Nam dài nhưng có rất ít nơi được bảo vệ tốt, tránh khỏi ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp hoặc nuôi trồng khác. “Giữa rủi ro ô nhiễm, lây nhiễm dịch bệnh ở vùng gần bờ và rủi ro về gió bão ở ngoài khơi, theo tôi về mặt kỹ thuật, gió bão vẫn dễ giải quyết hơn,” Josh so sánh.

Josh chia sẻ trải nghiệm, ngành thủy sản Việt Nam đa dạng nhưng vì thế manh mún, là một trong những nguyên nhân gây khó cho công tác bảo vệ môi trường. Có những vùng nuôi trồng cùng lúc 30–40 loài cá khác nhau, rất khó để công nghiệp hóa ngành theo một quy chuẩn chung. Bên cạnh lý do về nguồn nước, một khó khăn khác là vấn đề quản lý vĩ mô.

Trên thực tế, quy hoạch tổng thể khu kinh tế Vân Phong mới không bố trí không gian cho nuôi trồng thủy sản biển. Thay vào đó, một phần lớn diện tích được dành cho các siêu dự án bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm dịch vụ tài chính với quy mô lên tới hàng chục ngàn căn hộ, biệt thự, phòng khách sạn.

Gần đây, Australis công bố sẽ đầu tư thêm 100 triệu đô la Mỹ trong vòng 10 năm tới, trước tiên mở rộng mô hình nuôi cá bền vững, đưa sản lượng đến mức trần được cấp phép là 50 ngàn tấn/năm. Tiếp đó, công ty mở thêm trại cá ở xa bờ hơn, trước tiên chọn vùng phụ cận đảo nổi ngoài khu vực vịnh, nhằm thu thập thêm kinh nghiệm và dữ liệu về nuôi trồng thủy sản ngoài khơi.

Dự đoán tương lai 30 năm tới, Josh Goldman cho rằng biến đổi khí hậu sẽ định hình lại hệ thống thực phẩm toàn cầu. Ông dẫn nghiên cứu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), trong đó nêu việc sản lượng đánh bắt cá tự nhiên ở các nước nhiệt đới sẽ giảm 40% từ nay đến 2050. Tiến trình này chắc chắn sẽ là bước ngoặt làm thay đổi sinh kế của hàng chục ngàn ngư dân và sự phát triển của ngành chế biến thủy sản.

“Nguồn cung cá truyền thống suy giảm trong khi nhu cầu hải sản toàn cầu tăng cao, sẽ là cơ hội để Australis cũng như ngành nuôi trồng thủy sản trên biển nắm bắt, đưa Việt Nam hướng tới một tương lai giàu có từ biển, lành mạnh và bền vững hơn,” Josh Goldman kết luận.