Tám xu hướng quan trọng mà các doanh nghiệp phải nắm bắt để thích nghi và cạnh tranh được trong tương lai.
Như những lĩnh vực khác, ngành bán lẻ đang trải qua quá trình thay đổi và thích ứng với các tác động từ cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình dịch chuyển lớn về mặt xã hội. Khả năng kết nối của doanh nghiệp bán lẻ với khách hàng ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết, khi thói quen mua sắm tiếp tục thay đổi trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19.
Sau đây là những gì mà các doanh nghiệp bán lẻ cần phải nắm bắt để thích nghi và có được thành công:
1. Bán lẻ = bán hàng đa kênh
Chúng ta đang sống thế giới lai, kết hợp giữa nền tảng trực tuyến và ngoại tuyến, với những kênh mới như qua giọng nói (Alexa và Google Home) và những thiết bị thông minh khác.
Với những thay đổi này, máy móc sẽ dần trở thành khách hàng của các doanh nghiệp bán lẻ. Ví dụ, thiết bị gia dụng như tủ lạnh có thể quyết định thời điểm đặt đồ ăn. Xe hơi có thể tự động tìm kiếm những dịch vụ hoặc trả phí đỗ xe.
Internet vạn vật (IoT) và thiết bị cảm biến cho phép các công ty thu thập dữ liệu và theo dõi toàn bộ các kênh bán hàng khác nhau, để có được cái nhìn tổng quát về khách hàng.
Các công ty như Burberry đã có nhiều bước tiến hướng đến lĩnh vực bán hàng đa kênh. Nếu khách bước vào cửa hàng của Burberry, hệ thống máy tính có thể nhận diện món đồ mà họ đã tìm trên nền tảng trực tuyến và còn xem qua lịch sử mua hàng trước đó.
Kết hợp những kênh bán hàng này lại với nhau là xu hướng chính cho những doanh nghiệp bán lẻ trong tương lai.
2. Tạo ra dịch vụ thông minh hơn nhờ AI
Các doanh nghiệp bán lẻ có thể phát triển kinh doanh từ nguồn dữ liệu hiện có và tạo ra những dịch vụ thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI). Khách hàng sẽ kỳ vọng mức độ dịch vụ được cá nhân hóa ngày càng tinh vi hơn từ người bán hàng, vì vậy những máy móc gợi ý ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Ví dụ Vivino, ứng dụng về rượu vang, cung cấp tính năng “Match for You” (Dành cho bạn). Bạn có thể dùng điện thoại để quét mã bất kỳ chai rượu nào, hệ thống Vivino sẽ đưa ra lời khuyên về độ phù hợp của loại rượu đó.
Machine vision (thị giác máy) cũng giúp cho lĩnh vực bán lẻ trở nên thông minh hơn. Amazon Go, cửa hàng bán lẻ vật lý của Amazon ứng dụng thị giác máy để quan sát món đồ khách hàng đang nhìn và đặt vào giỏ hàng của họ. Từ đó, hệ thống tự động thanh toán và khách hàng có thể đi thẳng ra khỏi cửa hàng thay vì phải xếp hàng chờ đợi.
3. Nền kinh tế trải nghiệm
Các doanh nghiệp bán lẻ cần gia tăng giá trị để thu hút khách hàng tới cửa hàng vật lý hoặc vào trang web bán hàng. Chúng ta đang sống trong nền kinh tế, nơi tạo ra những trải nghiệm tận hưởng không chỉ là lựa chọn, mà có vai trò quan trọng cho những doanh nghiệp bán lẻ muốn vươn mình sau đại dịch COVID-19.
Một ví dụ tiêu biểu là cửa hàng thời trang cao cấp của Gucci tại Ý đem đến sự hứng thú cho khách hàng bằng cách kết hợp quán cà phê, viện bảo tàng, triển lãm tranh và cửa hàng thời trang cùng một chỗ.
Các cửa hàng bán lẻ cũng xem xét sử dụng nền tảng thực tế ảo tăng cường (AR) hoặc thực tế ảo (VR) để đưa thêm nhiều thông tin về sản phẩm trong cửa hàng và trên trực tuyến tới khách hàng. TOMs Shoes (Tomorrow’s Shoes) đưa khách hàng tới Peru thông qua trải nghiệm VR để nhìn thấy được sức ảnh hưởng từ chiến dịch thiện nguyện “One for One”.
4. Giúp việc mua hàng dễ dàng hơn
Chúng ta muốn mua được ngay sản phẩm yêu thích nhìn thấy trên TV, trò chơi điện tử hoặc từ YouTube “Nhìn thấy, thích, mua ngay”. Vì thế, trải nghiệm mua sắm như vậy cần phải trở nên dễ dàng hơn.
Điều này đã trở thành hiện thực. Khách hàng có thể xác định bài hát nghe từ radio hoặc bên trong một cửa hàng cà phê bằng ứng dụng Shazam trên điện thoại. Ứng dụng sẽ gợi ý mua bài hát đó.
Trong tương lai, tính năng này sẽ xuất hiện trên YouTube và những nền tảng trực tuyến khác. Vì vậy, khả năng mua sắm ngay lập tức là xu hướng quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ.
5. Mô hình gói đăng ký phí không qua trung gian
Nhiều doanh nghiệp muốn bán hàng trực tiếp tới khách hàng, nhằm xây dựng quan hệ mật thiết hơn và có khả năng tiếp cận tới nguồn dữ liệu khách hàng có giá trị.
Những công ty như Dollar Shave Club và Black Socks đang tiên phong trong hướng tiếp cận này, với gói giao hàng theo từng tháng hoặc từng quý cho sản phẩm cạo râu và vớ. BarkBox cũng áp dụng hướng tiếp cận tương tự để cung cấp sản phẩm thức ăn cho chó theo gói cơ bản.
Những tổ chức này sẽ cần phải cân bằng giữa doanh thu bán lẻ và bán sản phẩm thông qua kênh bán hàng riêng.
6. Doanh nghiệp bán lẻ giao hàng và thực hiện đơn hàng tự động
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang tìm hướng đi trong việc tự động hóa chuỗi cung ứng và phương thức giao hàng. Ví dụ, hãng công nghệ Ocado phát triển phần mềm và hệ thống tự động cho các đơn vị bán lẻ. Ocado hỗ trợ tạo ra kho hàng có mức tự động cao, với robot hoạt động cùng lúc. Qua đó, tạo ra trải nghiệm mua hàng khác biệt cho khách hàng.
Về phương diện giao hàng, chúng ta cũng bắt đầu chứng kiến những thứ như xe tải và tàu vận chuyển vận hành tự động. Những đơn vị bán lẻ kỳ vọng sẽ có thêm nhiều quy trình tự động hơn nữa trong tương lai.
7. Tính minh bạch trong chuỗi cung ứng ngày càng quan trọng
Tính minh bạch trong chuỗi cung ứng cho phép các công ty không chỉ nắm bắt chi tiết hơn về nhu cầu, từ đó đưa ra dự đoán về những thứ người tiêu dùng thực sự muốn, mà còn sử dụng thiết bị IoT và cảm biến để theo dõi khắp chuỗi cung ứng.
Các tổ chức ngày càng sử dụng công nghệ blockchain nhiều hơn để tăng thêm tính minh bạch cho chuỗi cung ứng. Ví dụ, De Beers Jewelers có thể giám sát nơi những viên kim cương được đào, sản xuất và cắt mài, để giúp khách hàng biết chính xác về nguồn gốc của sản phẩm.
8. Khách hàng ngày càng tỉnh táo hơn
Khách hàng quan tâm tới sự bền vững, và hiểu ngày càng nhiều hơn về tác động của môi trường trong những sản phẩm họ mua. Trong tương lai, ta sẽ có thêm nhiều loại nhãn sản phẩm như nhãn khí thải carbon, thông tin xuất xứ. Các doanh nghiệp bán lẻ nên suy tính về cách đưa sản phẩm ra thị trường và sẵn sàng giải đáp thắc mắc từ khách hàng về tính bền vững.
Các doanh nghiệp cần bắt kịp với những xu hướng đã nêu để có thể cạnh tranh trong tương lai.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/8-xu-huong-ban-le-doanh-nghiep-can-biet-neu-muon-canh-tranh-thanh-cong)
3 năm trước
Nền kinh tế nhập siêu 2 tỉ USD trong chín tháng3 năm trước
Bên trong phòng thử đồ công nghệ của Amazon3 năm trước
Mỗi giờ Vietnam Airlines lỗ 2 tỉ đồng2 năm trước
Số ca nhập viện do COVID-19 ở Mỹ lên kỷ lục mới