Từ một khu đất trống, Intel Products Việt Nam (IPV) phát triển thành nhà máy có năng lực và công suất chế tạo lớn nhất trong hệ thống các nhà máy cùng loại của tập đoàn Intel.
Trục đường chính của khu công nghệ cao TP.HCM (SHPT) bắt đầu từ xa lộ Hà Nội chạy sâu vào bên trong là đường đôi, mỗi bên ba làn xe cơ giới. Vị trí các nhà máy của các tập đoàn nước ngoài đóng trên trục đường này ít nhiều nói lên thời điểm hiện diện của họ tại Việt Nam. Sát cổng chính là nhà máy của Nidec, doanh nghiệp công nghệ đầu tiên nhận giấy phép đầu tư vào SHPT. Sau Nidec là nhà máy của Intel Products Việt Nam, dự án công nghệ lớn nhất của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Cách đó vài cây số là nhà máy của Samsung, dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất SHTP tính đến thời điểm hiện nay.
Dòng chữ “Kiến tạo tương lai cho Intel và cho Việt Nam” nằm trên bức tường lớn, ngay lối đi dẫn vào khu điều hành, ở vị trí mà tất cả mọi người, từ hơn 2.700 cán bộ, công nhân viên của IPV cho tới các đối tác, khách tham quan đều có thể dễ dàng đọc được. “Chúng tôi đã xuất hơn 2,6 tỉ sản phẩm vi xử lý từ IPV tới khách hàng ở khắp nơi trên thế giới,” ông Kim Huat Ooi, phó chủ tịch sản xuất kiêm tổng giám đốc IPV Việt Nam nói. Từ chỗ sản xuất một loại sản phẩm khi mới đi vào vận hành năm 2010, IPV hiện nay sản xuất rất nhiều loại sản phẩm có công nghệ tiên tiến nhất như 5G, IoT, các dòng chip thế hệ mới nhất của Intel.
Giấy phép mở rộng đầu tư thêm 475 triệu đô la Mỹ năm 2021 nâng tổng vốn đầu tư của Intel vào Việt Nam lên 1,55 tỉ đô la Mỹ. IPV là nhà máy 15 năm tuổi thuộc loại trẻ nhất, cũng là nơi có phòng sạch lớn nhất trong số các nhà máy ATM (assembly test manufacturing) của tập đoàn Intel trên toàn cầu. “Chúng tôi đang sản xuất bộ vi xử lý Intel Core thế hệ thứ 11 mới nhất và các sản phẩm khác như 5G và IoT,” ông Kim Huat Ooi nói, giọng tự hào.
Kiến tạo tương lai cho Intel là điều dễ chứng minh. Nếu giá trị xuất khẩu của IPV năm 2010 còn khiêm tốn với 50 triệu đô la Mỹ thì năm 2020 đã lên đến 13,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của SHTP và chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện điện tử (không bao gồm điện thoại, linh kiện điện thoại) của Việt Nam. Tính từ năm 2010 đến tháng 3.2021, 2,6 tỉ sản phẩm ra toàn cầu đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu từ IPV lên 50 tỉ đô la Mỹ. Có số liệu ước đoán, trong năm bộ vi xử lý của Intel bán ra trên toàn cầu, có bốn xuất xưởng từ Việt Nam.
Các con số về sản phẩm hay doanh số đánh dấu từng cột mốc trên con đường phát triển của nhà máy chưa đầy 20 năm tuổi nhưng không diễn tả được con đường IPV đã trải qua. Bản thân tập đoàn Intel cũng đứng trước nhiều thử thách khi công nghệ thay đổi không ngừng. Thị trường sản phẩm công nghệ thông tin một thời phát triển mạnh khi nhu cầu tiêu thụ máy tính để bàn, máy tính xách tay tăng nhanh. Trong các nhà cung cấp bộ vi xử lý, hai nhà cung cấp chính là Intel và AMD, trong đó thị phần lớn thuộc về Intel.
Các cuộc thay đổi lớn trong công nghệ viễn thông như 3G, 4G và mới nhất là 5G dẫn tới tăng nhu cầu tiêu thụ thiết bị cầm tay, điện thoại di động, máy tính bảng. Trong mảng thiết bị cầm tay, Intel không có được vị thế như họ làm được ở mảng máy tính. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của IPV, với mục đích ban đầu là sản xuất vi xử lý dành cho máy tính. Cuối năm 2013, Intel quyết định chuyển hướng từ sản xuất chip máy tính sang sản xuất chip tích hợp hệ thống trên một vi mạch (system on chip – SOC).
Hiểu đơn giản, thay vì cần một hệ thống từ bộ xử lý trung tâm cho tới các thiết bị khác, thì nay tất cả các bộ phận chức năng được tích hợp trong một sản phẩm vi mạch. Điều này khiến cho định luật Gordon Moore tiếp tục có ý nghĩa. Do tỉ phú, đồng sáng lập Intel đưa ra thập niên 1960, định luật cho rằng, sau mỗi 18 tháng, tốc độ vi xử lý sẽ tăng lên gấp đôi. Để tăng tốc độ, cần phải thu nhỏ bóng bán dẫn để trên cùng diện tích có nhiều bóng hơn, hoặc thay đổi cách bố trí bóng, chẳng hạn chồng nhiều bóng lên một khối bán dẫn (3D). Việc thu nhỏ kích thước bóng bán dẫn bằng công nghệ bước sóng càng ngắn gặp giới hạn công nghệ khi bước sóng khó có thể giảm hơn nữa.
Cuối năm 2014, lãnh đạo IPV công bố nhà máy lắp đặt dây chuyền ATM thứ hai ở Việt Nam để sản xuất SOC dành cho máy tính bảng, điện thoại di động và chip thế hệ thứ tư của Intel. Sự linh động và quyết liệt đổi mới này, như nhận xét của các tác giả trường đại học Fulbright trong báo cáo đánh giá tác động dự án Intel ở SHPT, giúp cho doanh thu IPV sau một năm tăng lên gấp đôi. Intel cũng được định hướng bước phát triển mới trong tầm nhìn 2030. ““Ở góc độ tập đoàn, Intel đã chuyển đổi chiến lược từ CPU sang XPU, từ silicon sang nền tảng tập trung và từ IDM truyền thống sang IDM2.0,” ông Kim Huat Ooi chia sẻ về tầm nhìn của tập đoàn.
Vị tổng giám đốc người Malaysia này là người có nhiều duyên nợ với IPV. Ông có mặt tại TP.HCM, chứng kiến đại diện Intel nhận giấy phép đầu tư năm 2006. Ông là người nhận giấy phép mở rộng đầu tư, nâng tổng số vốn đầu tư lên 1,55 tỉ đô la Mỹ. “Cuối năm nay, chúng tôi dự kiến cán mốc xuất khẩu ba tỉ sản phẩm,” ông nói.
•••
Từ chỗ chỉ sản xuất một sản phẩm vào năm 2010, IPV hiện tại có thể đảm trách sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, phức tạp. Cùng với việc mở rộng sản xuất, nhân lực cũng tăng dần. Năm 2021, đội ngũ IPV với hơn 2.700 nhân sự, tăng hơn gấp đôi so với năm 2016. Từ chỗ học hỏi kinh nghiệm, cách làm của các nhà máy đi trước, “những anh chị” trong hệ thống như các nhà máy ở Trung Quốc, Malaysia – nơi ông Kim Huat Ooi nhiều năm gắn bó – IPV dần tham gia sâu hơn vào hợp tác nghiên cứu – sản xuất với các trung tâm nghiên cứu của Intel trên thế giới. Điều này phần nào nói lên khả năng, trình độ công nghệ của đội ngũ nhân lực của IPV.
“Tôi gia nhập IPV vào cuối năm 2010, khi đó gần như toàn bộ đội ngũ quản lý kỹ thuật trong nhà máy đều là người nước ngoài,” kỹ sư Nguyễn Quang Khánh hồi tưởng. 11 năm sau, 95% nhân lực là người Việt Nam đảm nhiệm các vị trí từ chuyên viên sản xuất đến trưởng các bộ phận, và cả trong ban quản trị của nhà máy, theo bà Hồ Uyên, giám đốc Đối ngoại của Intel tại Việt Nam và Malaysia. Làm thế nào để IPV có thể rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo lý thuyết trong trường đại học với thực tế?
Quy trình tuyển dụng – đào tạo của Intel, về lý thuyết, cũng giống như các doanh nghiệp khác, bao gồm: huấn luyện, đào tạo tại chỗ, nâng cao kiến thức, tay nghề qua hệ thống tài liệu trong thư viện, mạng hay luân chuyển qua nhiều vị trí. Trả lời tổng quan và ngắn gọn về cách thức của Intel đào tạo, ông Kim Huat Ooi nhường lời cho giám đốc phụ trách sản xuất Nguyễn Quang Khánh, một trong bốn người Việt Nam nằm trong ban quản trị nhà máy, minh chứng về cách thức Intel phát triển nguồn nhân lực tại chỗ.
Luôn có khoảng cách giữa lý thuyết đào tạo trong trường và thực tế hoạt động ở doanh nghiệp, vị kỹ sư ngành cơ điện tử của đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thêm, nhiều năm qua chất lượng kỹ sư, cử nhân mới tốt nghiệp cũng được nâng lên nhiều, không chỉ về kiến thức, các kỹ năng làm việc đội nhóm, kỹ năng mềm mà cả về tiếng Anh. Sau hai năm làm việc, được đề cử làm giám đốc bộ phận kỹ thuật lắp ráp, chàng kỹ sư quê Nghệ An lần lượt trải qua nhiều vị trí quản lý kỹ thuật ở các bộ phận về tiến trình, hiệu năng sản xuất, triển khai phát triển sản phẩm mới, kỹ thuật vận hành sản xuất. Quá trình học hỏi từ các đồng nghiệp trong cùng hệ thống, các nhân sự như Khánh có thêm kiến thức, kinh nghiệm.
Từ năm 2016, Khánh tham gia quản lý bộ phận triển khai phát triển sản phẩm mới đóng góp cho hàng loạt sản phẩm chủ chốt bắt đầu sản xuất tại IPV. Năm 2018, nhóm kỹ sư do Khánh phụ trách đã có cơ hội tham gia làm việc trực tiếp cùng với đội ngũ nghiên cứu ở Arizona, Mỹ để phát triển và chuyển giao lắp ráp sản phẩm bộ vi xử lý có tên Lakefield lần đầu tiên ứng dụng công nghệ đóng gói 3D – Foveros đầu tiên của tập đoàn Intel. Đây là một niềm tự hào khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ kỹ thuật của IPV trong những năm gần đây.
Có nhiều lý do khiến trình độ, kỹ năng của sinh viên mới ra trường được tăng lên. Bên cạnh nỗ lực của hệ thống đào tạo, của từng trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia các chương trình, sáng kiến giáo dục. Bà Hồ Uyên chia sẻ về chương trình Liên minh giáo dục đại học ngành kỹ thuật (HEEAP) mà Intel là đối tác công tư đầu tiên, bên cạnh tám triệu đô la Mỹ tài trợ hai giai đoạn cho HEEAP. Thông qua HEEAP, hơn 40 chương trình đào tạo ở Việt Nam đạt chuẩn Đông Nam Á (ANU) và bốn chương trình được công nhận chuẩn của Mỹ (ABET). Intel còn có các chương trình tặng học bổng cho sinh viên trong và ngoài nước, trong đó tập trung hỗ trợ sinh viên nữ khối kỹ thuật hệ cao đẳng và đại học.
Trong các câu trả lời của Khánh, không dưới ba lần anh dùng hai chữ “tự hào” khi nói về môi trường làm việc ở IPV. Khảo sát nội bộ của IPV cho thấy, 88% nhân viên cùng chia sẻ sự tự hào khi làm việc tại đây. Niềm tự hào đó đến từ cảm nhận cá nhân về cơ hội phát triển, cũng như từ các đóng góp vô hình của IPV, như lời bà Hồ Uyên, vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của Việt Nam. Không chỉ tăng về số lượng nhân lực tại chỗ, các nhà cung ứng trong nước hiện tại là 180 đơn vị, tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước.
Báo cáo của trường đại học Fulbright xác định năm tác động chính từ dự án của Intel. Thứ nhất, tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu điện tử, linh kiện điện tử và tạo công ăn việc làm, chủ yếu là việc làm cho người có kỹ năng cao. Thứ hai, góp phần hình thành cụm ngành công nghệ cao dù đây mới là chặng đầu của quá trình hình thành. Thứ ba, đóng góp vào sự phát triển, hoàn thiện luật lệ, quy định về môi trường, pháp luật ở Việt Nam như luật Công nghệ cao, hải quan điện tử.
Thứ tư, IPV minh chứng tốt về thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Bà Hồ Uyên cho biết, IPV là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đạt chuẩn ISO37001:2016 (hệ thống quản lý chống hối lộ) do tổ chức Intertek của UKAS công nhận. Cuối cùng, vai trò của các sếu đầu đàn như Intel, Samsung giúp thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Cũng như các sản phẩm máy tính, logo Intel Inside là lời bảo chứng về công nghệ, chất lượng, độ tin cậy, IPV cũng bảo chứng cho môi trường đầu tư ở Việt Nam. Đội ngũ nhân lực người Việt như kỹ sư Nguyễn Quang Khánh là bảo chứng khác về chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ có thể đảm đương vị trí quản lý trong các dự án công nghệ cao.
CÔNG NGHỆ ĐÓNG GÓI 3D
Công nghệ có tên Foveros là giải pháp đột phá trong thiết kế, cho phép các chip logic (vi mạch logic) được xếp chồng lên nhau, giúp mang lại mật độ tính toán cao hơn, hiệu suất cao hơn (so với công nghệ 2D), và hoàn chỉnh kiến trúc hệ thống của Chip, từ đó mở rộng tính linh hoạt trong thiết kế và cải tiến sản phẩm. IPV là nhà máy đầu tiên tiếp cận công nghệ này và sản phẩm Lakefield với công nghệ Foveros được làm tại Việt Nam.
—
Theo Forbes Việt Nam số 93, phát hành tháng 5.2021.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/intel-products-viet-nam-bao-chung-dau-tu)
2 tuần trước
3 năm trước
Năng lượng vượt bất động sản về thu hút vốn FDI3 năm trước
Bên trong phòng thử đồ công nghệ của Amazon6 ngày trước
Phát triển ngành bán dẫn: Cơ hội và thách thức