Maersk, hãng vận tải container lớn nhất thế giới, mua lại LF Logistics để mở rộng thị trường ở châu Á.
AP Moller Maersk vừa đồng ý mua lại mảng kinh doanh dịch vụ logistics của tập đoàn Li & Fung ở Hong Kong – do anh em nhà tài phiệt William và Victor Fung điều hành – với giá 3,6 tỉ USD trong một thỏa thuận yêu cầu trả hoàn toàn bằng tiền mặt.
Soren Skou, CEO của Maersk cho biết, mua lại LF Logistics sẽ giúp Maersk phát triển thành một hãng vận tải container toàn cầu cung cấp các giải pháp logistics kỹ thuật số toàn diện cho khách hàng trên toàn thế giới.
Với thương vụ mua lại này, mạng lưới kho hàng của Maersk sẽ tăng khoảng 40% lên 549 kho trên toàn cầu, trở thành một trong những công ty cung cấp dịch vụ logistics lớn nhất thế giới cạnh tranh với các công ty như UPS và DHL.
“Với việc mua lại LF Logistics, chúng tôi bổ sung thêm các dịch vụ quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương để hỗ trợ khách hàng phát triển lâu dài cũng như tăng cường năng lực và công nghệ để có thể mở rộng kinh doanh logistics trên toàn cầu,” Skou nói.
Maersk mua lại LF Logistics trong thời điểm hãng vận tải container lớn nhất thế giới chuẩn bị báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong năm nay nhờ giá cước vận chuyển tăng trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt quãng do đại dịch COVID -19.
Trong thỏa thuận, Maersk và Li & Fung cũng sẽ nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác chiến lược để cung cấp toàn diện các dịch vụ trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho khách hàng.
Theo thông tin đăng tải trên trang web của công ty, LF Logistics, do Li & Fung sở hữu 78,3% và công ty đầu tư Temasek Holdings của chính phủ Singapore sở hữu 21,7%, xử lý hơn 1 triệu đơn hàng mỗi tuần cho hơn 250 khách hàng trên toàn cầu tại 223 trung tâm phân phối ở Trung Quốc và trong khu vực. Công ty có hơn 10.000 nhân viên trên toàn cầu và đạt doanh thu khoảng 1,3 tỉ USD hồi năm ngoái.
Giao dịch được mong đợi sẽ hoàn thành vào năm 2022. Dựa trên giá mua của Maersk, định giá của LF Logistics đã tăng gấp đôi mức 1,4 tỉ USD do Temasek định giá vào năm 2019.
“Tập đoàn thoái vốn tại LF Logistics sẽ đơn giản hóa hoạt động kinh doanh hơn để tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi và số hóa chuỗi cung ứng, vốn đã phục hồi mạnh mẽ trở lại mức trước đại dịch,” Spencer Fung, Chủ tịch điều hành tập đoàn Li & Fung, nói. “Sau khi đại dịch gây nên những gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng, tầm quan trọng của đa dạng hóa mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết và Li & Fung có vị thế tốt để phục vụ khách hàng thông qua mạng lưới 50 thị trường xuất khẩu.”
Li & Fung được thành lập vào năm 1906 như một nhà xuất khẩu đồ sứ và lụa, là một trong những công ty lâu đời nhất của Hong Kong. Trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch bùng phát vào tháng 5.2020, cha của Spencer Fung là Victor và chú William đã chi 930 triệu USD mua lại cổ phần từ các đông trong công ty để nắm quyền điều hành. Tập đoàn cung cấp các giải pháp quản lý chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất và bán lẻ trên khắp Mỹ và Châu Âu. Victor và William Fung không còn nằm trong danh sách 50 người giàu nhất Hong Kong hồi năm 2019.
Biên dịch: Gia Nhi
2 năm trước
SLP khởi công dự án kho vận thứ ba tại Việt Nam1 năm trước
2 năm trước
Viconship sở hữu 36% Cảng VIMC Đình Vũ