multi-media / Megastory

Câu chuyện kế nghiệp ở gia đình Tân Thanh Container

Với sự tham gia điều hành của thế hệ thứ hai, Tân Thanh Container thoát khỏi mô hình quản lý cũ và dần đưa thương hiệu Việt ra nước ngoài.

Cuối năm 2022, sau 28 năm hoạt động, lần đầu tiên sản phẩm mang thương hiệu Tân Thanh xuất khẩu sang Mỹ. Đơn hàng 13 chiếc sơmi rơmooc đầu tiên này đã mở ra cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp gia đình Tân Thanh do vợ chồng ông Kiều Công Thanh và bà Trần Diệu Canh gầy dựng – từ xuất phát điểm là một xưởng cơ khí ở quận 2 (TP.HCM).

Hàng trăm chiếc sơmi rơmooc khác sẽ tiếp tục xuất đi trong năm nay thông qua hợp tác với một số khách hàng ở Mỹ. Đây chính là dấu ấn của người con trai cả Kiều Công Bình sau gần 10 năm trở về làm việc tại công ty gia đình. Thành quả đến từ câu chuyện hai năm trước đó, khi biết thông tin Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá giá sản phẩm sơmi rơmooc từ Trung Quốc lên đến 230%, anh bắt đầu tìm hiểu về thị trường tiềm năng này.

Kiều Công Bình cùng em gái Kiều Ngọc Phương đều du học từ Mỹ đã cùng trở về tiếp quản công ty. Thế hệ thứ hai của gia đình Tân Thanh đang đồng lòng dốc sức cho mục tiêu đưa sản phẩm thương hiệu Việt ra nước ngoài. “Khi thấy sức khỏe tôi yếu đi, với lòng hiếu thảo các con đã trở về. Đây là điểm thuận lợi của Tân Thanh. Tôi hài lòng về cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của hai con,” ông Kiều Công Thanh nói với Forbes Việt Nam tại nhà riêng, nơi vợ chồng ông chuyển về ở hẳn sau khi ông ghép thận và chuyển giao khoảng 80% việc điều hành cho hai con.

Người ngoài ngành cơ khí thường nghĩ Tân Thanh Container là hãng vận tải. Thực tế, hơn một nửa doanh thu đến từ sản phẩm sơmi rơmooc, phần còn lại từ container và cho thuê phụ tùng, dịch vụ sửa chữa. Tân Thanh Container hoạt động theo mô hình doanh nghiệp gia đình có 500 nhân viên, bốn công ty con trực thuộc và gần 10 chi nhánh. Họ cũng là một trong 172 doanh nghiệp trên cả nước đạt sản phẩm thương hiệu quốc gia năm 2022.

Thuộc thế hệ đầu tham gia vào lĩnh vực cơ khí, ông Thanh cùng vợ khởi nghiệp kinh doanh từ đầu thập niên 1990. Nắm bắt cơ hội trong giai đoạn đầu Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, từ một cơ sở thu mua phế liệu, vợ chồng ông chuyển sang sản xuất, tái chế container, đưa Tân Thanh từng bước phát triển. Đến năm 2006, doanh nghiệp bắt đầu sản xuất chiếc sơ mi rơ mooc đầu tiên mang thương hiệu KCT và hiện nắm 15% thị phần nội địa, theo tự bạch.

Ở tuổi 66, ông Kiều Công Thanh giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị còn vợ là tổng giám đốc. Con trai cả Kiều Công Bình đang là phó tổng thường trực trong khi con gái út Kiều Ngọc Phương ở vị trí phó tổng phụ trách điều hành một công ty con và quản lý công nghệ, truyền thông tiếp thị. Quá trình nối nghiệp ở công ty gia đình của Bình và Phương đã diễn ra gần một thập niên.

Sinh năm 1990, Bình rời trường quốc tế tại Việt Nam sang Mỹ tiếp tục bậc trung học. Khi ấy đam mê của Bình dồn vào siêu xe và điện thoại Vertu. Thú vui này chỉ dừng lại vào năm 2008, khi nhận được báo cáo tài chính báo lỗ của Tân Thanh do ba anh gửi sang. Bình ngưng  thú vui tiêu tiền vào các món đồ xa xỉ và chuyên tâm học tập, theo ngành quản trị kinh doanh. Bình về nước năm 2014 và bắt đầu làm việc tại công ty với vị trí chung chung là “đại diện của Tân Thanh”.

Kiều Công Bình (bên trái) và Kiều Ngọc Phương (Ảnh: Lê Quang Nhật)

Theo mô tả của Bình, công việc chủ yếu là học việc từ các bộ phận kế toán, nhân sự, đến sản phẩm, kinh doanh. “Hai năm đi loanh quanh, dự thính các cuộc họp, không biết nhiệm vụ của mình là gì,” Bình sốt ruột muốn lao vào làm với suy nghĩ phải ghi được dấu ấn nào đó.

Vô tình trong lúc tìm hiểu về mảng xuất nhập khẩu, Bình quyết định mở dự án nhập đồ chơi về bán ở thị trường trong nước nhưng khi tính toán mới nhận ra, với dự án khởi nghiệp này, trong điều kiện thị trường bình thường anh có thể mất tới mười năm mới bằng 1/10 quy mô Tân Thanh thời điểm ấy. “Ba mẹ tôi đã đưa Tân Thanh từ số 0 lên số 100 thì mình sẽ đưa từ 100 lên 1.000,” Bình nhớ lại giai đoạn quyết định tập trung toàn tâm toàn ý vào công ty gia đình thay vì tiếp tục dự án khởi nghiệp.

Dù đưa ra nhiều đề xuất để đa dạng mẫu mã, tối ưu quy trình hoạt động của doanh nghiệp nhưng dấu ấn của Bình chỉ hiện rõ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, với dự án hợp tác xây dựng kho lưu trữ đồ bằng container và xuất khẩu sơmi rơmooc sang Mỹ.

Nhu cầu nào trên thị trường không bị triệt tiêu dù đại dịch xảy ra? Suốt quá trình tìm đáp án cho câu hỏi này, Bình biết đến mảng kho lưu trữ, mô hình quen thuộc tại Mỹ với biên lợi nhuận gộp cao. Ý tưởng này được gia đình ủng hộ. Bình tìm kiếm đối tác và bắt tay với MyStorage, công ty khởi nghiệp do Aric Austin, người Mỹ, thành lập tại Việt Nam.

Hai bên mở một cơ sở lưu trữ bằng container với 51 kho chứa riêng ở xa lộ Hà Nội, thành phố Thủ Đức, khai trương vào tháng 3.2021. Họ hợp tác từ năm 2020 đến nay, mang về các nguồn thu cho Tân Thanh gồm tiền cho thuê mặt bằng, cung cấp container sẵn.

Bước ra khỏi lối đi định sẵn, Bình góp phần đưa Tân Thanh từ một đơn vị thuần về sản xuất cơ khí sang phát triển dịch vụ và tài chính liên quan. “Nhiệm vụ của tôi là tối ưu những gì công ty đang có, cắt đi những cục mỡ thừa”, Bình ví von về việc tạo nguồn thu từ việc dùng những khu đất sẵn có.

Nhưng không phải ý tưởng nào Bình đề xuất cũng được hội đồng quản trị duyệt và không phải ý tưởng nào được duyệt cũng có thể thực hiện suôn sẻ.

Năm 2021, thời điểm bùng nổ các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam nhưng hạ tầng lưới điện không theo kịp sự bùng nổ của các dự án. Bình nhận thấy mô hình lưu trữ điện có thể khả thi và bắt tay hợp tác với một đơn vị lưu trữ điện còn Tân Thanh cung cấp container.

Bình đã chi hai tỉ đồng mua thiết bị lưu trữ điện và đạt thỏa thuận bán điện cho hai đơn vị trong ngành khách sạn và may mặc. Kết quả, dự án này đang “treo” vô thời hạn khi đối tác ngừng hoạt động. “Tôi và Phương là hai mảnh ghép bổ trợ cho nhau. Tôi có năng lực tổ chức hệ thống, trao quyền đi kèm trách nhiệm, còn chi tiết thì không nhìn được như Phương,” Bình nói về em gái.

Cuối năm 2012, đang mải mê theo đuổi trò chơi nhảy dù mạo hiểm ở Mỹ sau ba năm học quản trị kinh doanh, Phương tức tốc khăn gói trở về Việt Nam ngay sau khi nhận được dòng tin nhắn từ mẹ: “Ba bệnh, con học xong thì về sớm.”

Bệnh tiểu đường khiến ông Kiều Công Thanh không còn đủ sức khỏe cáng đáng công việc sau hơn 18 năm miệt mài. Trên hành trình hơn 13.000km bay từ Mỹ về TP.HCM, Phương liên tục nghĩ đến câu chuyện của một số người bạn cùng lứa chưa kịp trở về tiếp quản công việc của gia đình thì ba mẹ đã không còn.

Gắng gồng “học sao nhanh nhất để phụ ba,” nhưng thị trường container, sơmi rơmóoc giai đoạn 2012-2013 đang chững lại khiến một người trẻ ở tuổi 21 như Phương càng thêm sốt ruột. Sống ở Mỹ, quen cách làm việc theo hệ thống quy trình nên Phương mất một thời gian dài để làm quen với cách làm việc đủng đỉnh của những “zombie công sở.”

Làm việc tại công ty gia đình, mỗi ngày, mỗi chi nhánh của Tân Thanh trên cả nước gửi một email báo cáo theo hình thức thủ công. Càng đọc, Phương càng thấy số liệu bị trùng lặp, không nhất quán giữa các chi nhánh. Tôn trọng kinh nghiệm của thế hệ trước trong việc ra quyết định dù không dựa trên các con số nhưng Phương thấy tiếc cho tuổi thanh xuân của mình, của một con “ngựa chiến” đang hừng hực năng lượng phải dành thời gian mò mẫm từng số liệu theo cách thủ công.

Phương ví von Tân Thanh khi ấy như một cỗ xe gỗ vừa cũ vừa ì ạch và cần phải cải tiến bằng các công cụ số. Trong quá trình làm công tác tư tưởng và thuyết phục thế hệ đi trước đầu tư nửa triệu đô la Mỹ cho hệ thống ERP, Phương luôn giữ bên mình một quyển sổ nhỏ, cẩn thận ghi chép lại những vấn đề cần cải thiện. Nên khi bắt đầu áp dụng hệ thống ERP từ 2017, Phương có sẵn những đề bài cụ thể.

Nếu ông Thanh và vợ tin tưởng số liệu từ đội ngũ báo cáo thì thế hệ trẻ được đào tạo theo hệ thống ở nước ngoài như Bình và Phương cần dữ liệu nhanh, chính xác. Họ đưa ra quyết định dựa trên các con số. So với giai đoạn quản lý không có công nghệ hỗ trợ, Tân Thanh giảm tỉ lệ thất thoát tài sản dựa trên dữ liệu liên thông.

Nhân viên không nhập đơn hàng, nhà máy không sản xuất. Nhân viên không thu tiền, kế toán không cho nhà máy sản xuất. Chính nhà sáng lập Tân Thanh cũng phải thừa nhận điều này. “Ngày xưa tôi ngủ mà sợ mất tài sản, container nó tự chạy nhưng giờ hết sợ vì các con dùng ERP kiểm soát chặt, thiếu 2-3 triệu đồng cũng biết,” ông Thanh nói và hiểu rằng, nếu không đầu tư cho hai con sang Mỹ học, có thể thế hệ thứ hai sẽ không tiếp quản hoặc đóng góp được nhiều giá trị cho Tân Thanh.

Xét về quy mô, tổng tài sản công ty tính đến cuối năm 2022 gấp đôi thời điểm bắt đầu chuyển giao năm 2012. Với doanh thu hằng năm khoảng 20 triệu đô la Mỹ, Tân Thanh có quy mô nhỏ trong ngành cơ khí nhưng đi đầu trong mảng ngách là sơmi rơmooc.

Theo đánh giá của ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM, Tân Thanh có hai lợi thế, thứ nhất là bề dày phát triển của nhà sáng lập giỏi nghề; thứ hai là chưa có nhiều doanh nghiệp gia đình ngành cơ khí chuyển giao sang thế hệ thứ hai trong khi quá trình này đang được Tân Thanh thực hiện tốt. “Tân Thanh đã thành công bước đầu trong chuyển giao thế hệ. Bình và Phương rất năng động, chịu học hỏi còn anh Thanh bây giờ đã lùi về vai trò cố vấn,” ông Tống nói với Forbes Việt Nam.

Ngành cơ khí Việt Nam chậm phát triển bởi những rào cản, một doanh nghiệp để hoạt động đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn trong khi ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn non kém. Theo Bình, biên lợi nhuận trong ngành cơ khí thấp (từ 7–10%) và hơn 30% nguyên vật liệu phải nhập khẩu. Hơn 60% thị phần sơmi rơmooc nội địa thuộc về các nhà sản xuất ở Trung Quốc, Hong Kong, phần còn lại chia đều cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước như Tân Thanh, Soosan, Thaco…

Trong khi các sản phẩm từ Trung Quốc tập trung cạnh tranh về giá thì các đơn vị trong nước chọn nâng cao chất lượng, dịch vụ sau bán hàng. Nhắm đến phân khúc khách hàng tầm trung và cao cấp, họ sử dụng hệ thống sơn tĩnh điện để sản phẩm không cần sơn lại trong khoảng năm năm, thay vì phải làm việc này mỗi ba tháng với giá 5 triệu đồng/lần nếu chọn loại sơn thường.

Ông Kiều Công Thanh và bà Trần Diệu Canh, hai nhà sáng lập Tân Thanh container cùng con trai cả Kiều Công Bình (đứng) và con út Kiều Ngọc Phương (Ảnh: Lê Quang Nhật)

Trong khi giá sản phẩm dùng sơn tĩnh điện cao hơn sơn thường 5–7 triệu đồng. Khách hàng của Tân Thanh không chỉ trong ngành logistics mà còn từ các ngành xây dựng, sản xuất như Coteccons, Hòa Bình, Sotrans, DHL, Maersk… Phần lớn doanh thu đến từ khối khách hàng doanh nghiệp (B2B) là các đại lý phân phối và nhà cung cấp dịch vụ vận tải.

Ngọc Phương ví von sơmi rơmooc của Tân Thanh rất “trâu”, một phần nhờ đầu tư nghiên cứu kỹ thuật, sử dụng kết cấu nguyên vật liệu chất lượng tốt hơn mặt bằng chung, giúp tăng tuổi thọ lên gấp ba lần. Con gái út nhà Tân Thanh nói rào cản gia nhập mảng này cao hơn sản xuất container. Bởi để cạnh tranh, doanh nghiệp cần tổng hòa các yếu tố từ xây dựng đội ngũ nghiên cứu phát triển, hiểu quy trình đăng kiểm, đầu tư nhà máy đạt chuẩn, công nhân phải đạt chứng chỉ thợ hàn.

Quay lại kế hoạch phát triển thị trường Mỹ, Kiều Công Bình đã hợp tác với một số khách hàng ở Mỹ nhận đặt cọc “hàng trăm chiếc” trong năm nay. Con số này còn khiêm tốn so với lô hàng 870 sơmi rơmooc của Thaco xuất sang Mỹ cuối năm 2021, nhưng là bước tiến ban đầu của thế hệ kế thừa hướng đến mục tiêu xuất khẩu 2.400 chiếc mỗi năm sang Mỹ của Tân Thanh.

Ít xuất hiện trên truyền thông nhưng dấu ấn của bà Trần Diệu Canh lan rộng từ nhà đến công ty. Nếu giai đoạn đầu khởi nghiệp, bà cùng chồng xây dựng Tân Thanh thì suốt giai đoạn chuyển giao điều hành, bà là hậu phương vững chắc. Hai anh em Bình – Phương học được đức tính nhu cương từ mẹ. Mỗi khi nói về chồng với các con, bà luôn nói ông cực khổ để các con biết trân trọng những gì mình được hưởng. “Nếu không có mẹ chăm sóc cho ba, hai anh em tôi không thể tập trung cho Tân Thanh,” Phương chia sẻ.

Dù đã chuyển giao phần lớn quyền điều hành nhưng ông Thanh và vợ vẫn là hai cổ đông sở hữu phần lớn công ty. Quan điểm của ông rất rõ ràng: Chuyển giao quyền và tài sản là khác nhau. Bởi một người nắm trong tay tài sản lớn khi mới ngoài 30 có thể trở thành bước khởi đầu quá dễ dàng và không còn động lực phấn đấu.

Lời dạy của Khổng Tử “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được ông Thanh và vợ thường xuyên dùng để nhắc nhở các thành viên trong gia đình. Họ “họp” hội đồng quản trị qua bữa ăn mỗi ngày nhưng chưa từng có một cuộc họp nói về chuyện chuyển giao. Dù vậy, các nhân sự ở Tân Thanh đều ngầm hiểu Bình và Phương đang trở thành những người kế thừa phù hợp nhất.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 114, tháng 2.2023, chuyên đề Danh sách 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam.