Doanh nghiệp

Đàm phán online, tới Việt Nam, nhà đầu tư Nhật chấp nhận cách ly để sớm chốt deal

2 năm trước
Tác giả Minh Tâm

Trong 9 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Nhật Bản đã chi gần 1,5 tỉ USD để thực hiện các giao dịch M&A tại Việt Nam.

Share
this:

Trao đổi với Forbes Việt Nam, ông Masataka “Sam” Yoshida, giám đốc điều hành cấp cao kiêm giám đốc toàn cầu dịch vụ xuyên quốc gia của RECOF Corporation – đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam cho biết, ông đã chứng kiến một số nhà đầu tư Nhật Bản chấp nhận những thách thức, khó khăn như quy trình cấp phép kéo dài, cách ly y tế… để đến gặp người bán Việt Nam. Trước đó, nhiều thương vụ đã được xúc tiến bằng phương thức trực tuyến để hai bên tìm hiểu nhau.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, theo thống kê của RECOF, các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục tập trung vào Việt Nam như một điểm đến hứa hẹn cho các thương vụ M&A. Việt Nam đang giữ vị trí thứ 6 trong số tất cả các quốc gia trên thế giới mà Nhật Bản đang đầu tư vào qua M&A, sau Mỹ, Singapore, Anh, Ấn Độ và Trung Quốc với 18 giao dịch. Tổng giá trị giao dịch được ghi nhận là 1,478 tỉ USD. “Việt Nam đang trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với các quốc gia khác trong đó có các nền kinh tế và thị trường quốc gia lớn hơn về thu hút các nhà đầu tư M&A Nhật Bản”, ông nói.  

Các nhà đầu tư Nhật Bản chấp nhận cách ly hàng tuần để vào Việt Nam gặp gỡ đối tác dù dịch bệnh căng thẳng. Ảnh: RECOF cung cấp.

Ở thời điểm hiện tại, do sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đang dừng áp dụng cơ chế nhập cảnh dành cho đối tượng nhập cảnh vì mục đích thương mại có thời gian lưu trú dưới 14 ngày (cơ chế đi lại ưu tiên). Tuy nhiên, người sang công tác có thể nhập cảnh sau khi doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện đăng ký và thu xếp cụ thể. Tuy nhiên, sẽ cần thời gian từ trên 2 tháng để làm thủ tục. Bên cạnh đó người nhập cảnh cần phải cách ly tại khách sạn trong 14 ngày. Ngoài ra, sau khi hoàn tất thời gian cách ly, người nhập cảnh cần theo dõi sức khỏe bản thân tại nhà, nơi lưu trú, hạn chế ra ngoài… Thời gian cách ly và theo dõi sức khoẻ có thể sẽ được giảm xuống 7 ngày nếu người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine nhưng trong nhiều trường hợp còn tuỳ theo quy định của từng tỉnh, thành phố nơi người nhập cảnh đến làm việc và cư trú.​ 

Theo thống kê của RECOF, tính riêng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam liên tục giữ vị trí là điểm đến số 2 sau Singapore về số lượng giao dịch, kể từ năm 2018 đến tháng 9.2021. Giá trị giao dịch của các thương vụ tại Việt Nam tương đối nhỏ nhưng đã tăng dần lên, từ vị trí thứ 5 năm 2018 (với 265 triệu USD) lên vị trí thứ 2 hiện tại với 1,478 tỉ USD, gần bằng một nửa so với nước đứng ở vị trí thứ nhất là Singapore.

Ông Sam cho biết, các thương vụ đã “buộc” phải xúc tiến bằng phương thức online để các bên liên quan tìm hiểu nhau và cùng nhau tìm ra những việc có thể làm được. Nhưng, bấy nhiêu là chưa đủ để đi đến quyết định về số tiền đầu tư. “Chúng tôi đã mất một giao dịch khi nhà đầu tư Nhật Bản phải đóng băng thỏa thuận chỉ một ngày trước khi dự kiến ​​ký kết chính thức. Lý do từ phía Nhật Bản là họ không thể đưa ra quyết định đầu tư hàng triệu USD vào một quốc gia mà họ thậm chí không thể vào được”, ông Sam kể và cho biết, một số nhà đầu tư Nhật Bản đang chờ biên giới mở cửa một cách thoải mái để vào Việt Nam và thể hiện mình trước các đối tác.

“Chúng tôi mong muốn các thủ tục kiểm dịch sẽ sớm được gỡ bỏ, vì không cần phải nói, những quy định đang phải tuân thủ là rất khó khăn và lãng phí thời gian, tiền bạc”, ông Sam nói thêm. 

Đại diện của RECOF cũng cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản rất muốn biết COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của bên bán Việt Nam để có những phân tích chính xác. Đồng thời, họ rất coi trọng việc các doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động bất chấp khó khăn cũng như có khả năng và kế hoạch phục hồi sau đại dịch. 

Theo chia sẻ của đại diện nhiều đơn vị tư vấn M&A tại hội thảo “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” do Báo Đầu tư diễn ra mới đây, các nhà đầu tư Nhật Bản đang đặc biệt quan tâm đến thị trường M&A Việt Nam, cùng với nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. Thị trường M&A đang được dự báo bùng nổ trở lại sau khi sụt giảm mạnh vào năm 2020 do tác động của đại dịch. Tổng giá trị của các thương vụ trong năm nay dự tính đạt khoảng 4,5 tỉ USD.