Công nghệ

Ninja Van đầu tư mạnh vào tự động hóa khi thương mại điện tử bùng nổ

Share
this:

“Kỳ lân” logistics Ninja Van đầu tư mạnh vào quy trình tự động hóa, trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ.

Ninja Van, kỳ lân logistics tại Singapore, với cổ đông lớn nhất là công ty chuyển phát nhanh Geopost/DPDgroup đang đẩy mạnh đầu tư vào quy trình tự động hóa trong bối cảnh khối lượng giao dịch thương mại điện tử tăng ở khắp Đông Nam Á.

Vào năm 2020, doanh thu thương mại điện tử trên toàn Đông Nam Á đạt 55 tỉ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2019 và được kỳ vọng vượt qua 100 tỉ USD vào năm 2025, theo báo cáo tháng 10 của Statistica.com.

Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tăng trưởng của thương mại điện tử, sau khi chính phủ các nước buộc phải ban bố lệnh phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan từ virus corona, người dân phải ở nhà và chuyển hướng sang mua sắm, giao đồ ăn trực tuyến.

Ảnh: Courtesy of Ninja Van

Với cú hích từ sự bùng nổ của thương mại điện tử, doanh thu hàng năm của Ninja Van đã tăng 40% đến 50%, ông Lai Chang Wen, nhà đồng sáng lập và CEO của Ninja Van cho biết trong trao đổi với Forbes Asia.

“Lĩnh vực thương mại điện tử đang tăng trưởng theo cấp số nhân,” ông cho biết thêm.

Gần đây, Ninja Van đã khánh thành trung tâm phân loại hàng hóa tự động có diện tích 7.432 m2, lớn nhất tại Singapore để đáp ứng với khối lượng giao dịch tăng và đẩy nhanh vận chuyển. Với cơ sở mới, công ty cho biết có thể phân loại và xử lý 200 ngàn kiện hàng/ngày, tăng gấp đôi khối lượng hiện tại.

“Chúng tôi đang đầu tư có trọng tâm hơn vào quy trình tự động hóa dài hạn. Đây là điều cần thiết, khi khối lượng giao dịch ở toàn Đông Nam Á tăng lên cao hơn,” Lai cho biết.

Công ty có kế hoạch lớn hơn ở khắp Đông Nam Á. Hiện nay, công ty đang xây dựng trung tâm phân loại hàng hóa tự động tại Philippines, rộng gấp 4 lần cơ sở mới ở Singapore, Lai cho biết.

Trong khi tăng trưởng của khối lượng giao dịch thương mại điện tử tại Philippine đã chững lại do nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, Lai vẫn tin tưởng về những cơ hội rất lớn tại quốc gia này.

“Chúng tôi có sự lạc quan về khả năng phát triển tại thị trường Philippine” ông cho biết.

Đồng sáng lập và CEO của Ninja Van, Lai Chang Wen. Ảnh: Sean Lee for Forbes Asia

Sau vòng gọi vốn gần đây, Ninja Van có đủ nguồn tài chính để mở rộng quy mô. Vào tháng 9.2021, công ty đã gọi được 578 triệu USD từ nhà đầu tư mới, doanh nghiệp khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba và các nhà đầu tư trước đó gồm Geopost/DPDgroup, B Capital Group, Monk’s Hill Ventures và Zamru (Brunei). Vòng gọi vốn mới nhất đã nâng giá trị của Ninja Van lên 2,2 tỉ USD, gia nhập nhóm các kỳ lân của Đông Nam Á, theo ước tính của Venture Cap Insights.

Tuy có nguồn vốn mới, nhưng công ty chưa vội triển khai kế hoạch IPO. “Chúng tôi chuẩn bị cho đợt IPO. Nhưng tôi cho rằng, công ty không quá vội để thực hiện, không cần phải vào năm tới,” Lai cho biết.

Theo Lai, Ninja Van tập trung cải tiến để mở rộng mảng kinh doanh logistics cốt lõi. Ví dụ như gần đây, công ty đã ra mắt Ninja Direct cung cấp dịch vụ thông quan hải quan, chuỗi cung ứng tài chính và vận chuyển cho các khách hàng doanh nghiệp.

“Chúng tôi không ngừng cải tiến để tiếp cận với lực lượng vận chuyển và khách hàng,” Lai cho biết, cho biết cơ hội rất lớn cho Ninja Direct, khi phần lớn khách hàng tại Đông Nam Á nhập sản phẩm từ Trung Quốc.

Lai Chang Wen là thành viên trong danh sách 30 Under 30 của tạp chí Forbes Asia, thành lập Ninja Van, công ty chuyển phát nhanh chặng cuối vào năm 2014. Kể từ đó, công ty đã trở thành một trong những đơn vị logistics ứng dụng công nghệ tăng trưởng nhanh nhất khu vực, kết nối 1,5 triệu nhân viên giao hàng tới gần 100 triệu khách hàng ở khắp Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Hiện nay, công ty tuyển dụng hơn 61.000 nhân sự và nhân viên vận chuyển, xử lý khoảng 2 triệu kiện hàng/ngày ở toàn khu vực.

Biên dịch: Minh Tuấn