multi-media / Megastory

Dịch vụ thanh toán PayMongo: “Sát thủ” tiền mặt ở Philippines

Với nguồn vốn mới huy động được, công ty fintech về thanh toán PayMongo đang hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ của Philippines tiến vào nền kinh tế kỹ thuật số.

Một công ty fintech ba năm tuổi của Philippines đang giúp số hóa nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiền mặt của đất nước này. Được thành lập năm 2019, PayMongo có trụ sở tại Manila đã chứng kiến số lượng người dùng và giá trị giao dịch tăng vọt khi khai thác nhóm khách hàng đông đảo là các thương gia nhỏ lẻ – từ các cửa tiệm nhỏ cho đến các cửa hàng thời trang độc lập – vốn chủ yếu giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt trước khi đại dịch xảy ra.

Với hậu thuẫn từ các nhà đầu tư bao gồm người đồng sáng lập PayPal, Peter Thiel, và doanh nghiệp thanh toán Stripe, PayMongo cho phép người bán gửi liên kết thanh toán cho khách hàng để thanh toán bằng nhiều tùy chọn bao gồm thẻ tín dụng và ví điện tử. Theo CEO kiêm đồng sáng lập Francis Plaza, đây là một hình thức “Stripe dành cho người dân Philippines.”

Là công ty được vinh danh trong danh sách Asia 100 to Watch ra mắt lần đầu vào năm ngoái, PayMongo nhắm đến các công ty vừa và nhỏ, cùng các doanh nghiệp siêu nhỏ, chiếm 99,5% doanh nghiệp ở Philippines nhưng vẫn chưa được các nhà cung cấp phương thức thanh toán truyền thống đánh giá cao. “Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi là phương thức thanh toán truyền thống, ví dụ như tiền mặt,” Plaza nói trong cuộc phỏng vấn video hồi tháng 3.2022 từ Madrid, nơi anh tổ chức sinh nhật lần thứ 28 của mình.

Tháng 2.2022, PayMongo huy động được 31 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn series B, nâng tổng vốn gọi được lên khoảng 46 triệu đô la Mỹ. Công ty được thành lập tháng 3.2019, tham gia nhóm khởi nghiệp mùa hè của Y Combinator vào cuối năm đó, trở thành fintech Philippines đầu tiên được công ty tăng tốc khởi nghiệp có trụ sở tại Hoa Kỳ lựa chọn. Sau khi tốt nghiệp, PayMongo nhận được 2,7 triệu đô la Mỹ tiền tài trợ hạt giống từ Global Founders Capital có trụ sở tại San Francisco, người đồng sáng lập Tinder Justin Mateen và công ty Stripe.

Năm 2020, PayMongo huy động được 12 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn series A do Stripe dẫn đầu, sau đó công ty cho biết họ tăng gấp ba lượng khách hàng lên hơn 10.000 doanh nghiệp và tăng gấp bốn lần khối lượng giao dịch hằng tháng. Plaza từ chối tiết lộ con số cụ thể.

Plaza, người đang muốn mở rộng ra bên ngoài Philippines, ghi nhận mỗi vòng gọi vốn là “cột mốc thay đổi hướng đi của công ty” khi PayMongo nhờ đó có thể tung ra các sản phẩm cho các nền tảng thương mại điện tử, chẳng hạn như Shopify và WooCommerce, và các ứng dụng dành cho thiết bị di động.

“Ngay từ đầu, chúng tôi phải tích cực thay đổi quan niệm sai lầm lớn nhất của các nhà đầu tư bên ngoài về thực tế thị trường Philippines,” Plaza, người được vinh danh trong danh sách Forbes 30 Under 30 Asia từ năm 2020 cho biết. “Cách đây không lâu, họ coi Philippines là thị trường nhỏ,” anh nhớ lại và nói thêm rằng “hiện tại, họ là những người nói rằng chúng tôi nên đầu tư gấp đôi ở Philippines.”

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Co., đất nước này là thị trường kỹ thuật số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2021, dự báo nền kinh tế Internet của Philippines sẽ tăng hơn gấp đôi lên 40 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 từ mức 17 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021.

Một phần của sự tăng trưởng này có thể sẽ xuất phát từ việc tăng cường dịch vụ tài chính toàn diện ở quốc gia có khoảng một nửa dân số vẫn chưa sử dụng ngân hàng. Chính phủ ước tính chỉ một nửa số người trưởng thành ở Philippines có tài khoản ngân hàng vào năm 2021.

Tuy nhiên so với mốc 27% vào năm 2020 thì quy mô nhóm này đã tăng gần gấp đôi. Chiến lược quốc gia mới nhất về tài chính toàn diện đặt mục tiêu giới thiệu thanh toán kỹ thuật số cho tất cả các cộng đồng vào năm 2023. “Chúng tôi cần thêm nhiều người đang sử dụng các công cụ kỹ thuật số để mở rộng nền kinh tế hơn nữa,” Plaza nói.

Anh xem triển vọng có thêm nhiều người tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số là tình huống “đôi bên cùng có lợi” đối với các fintech của Philippines, vốn đang hình thành một “hệ sinh thái bổ trợ.” Để đạt được mục tiêu trở thành công ty hàng đầu trong ngành, PayMongo hợp tác với các fintech khác bao gồm các ví điện tử có tiếng như GCash và Maya để thực hiện thanh toán trực tuyến thuận tiện hơn.

Sachin Mittal, người đứng đầu nghiên cứu mảng viễn thông, truyền thông và công nghệ tại ngân hàng DBS ở Singapore, cho biết ưu tiên quan hệ đối tác hơn cạnh tranh là điều hợp lý đối với PayMongo. “Điều quan trọng là phải cộng tác với công ty dẫn đầu thị trường để thúc đẩy phát triển giải pháp của mình,” Mittal nói về GCash, ví điện tử lớn nhất Philippines với 51 triệu người dùng tính đến tháng 10.2021.

Nền tảng thanh toán kỹ thuật số không phải là điều mà Plaza và những người đồng sáng lập PayMongo – gồm giám đốc công nghệ Jamie Hing III, giám đốc điều hành Edwin Lacierda và cựu giám đốc tăng trưởng Luis Sia – nghĩ đến từ ban đầu. Tốt nghiệp ngành khoa học máy tính của MIT, Plaza gặp Sia ở trường đại học khi họ tham gia các câu lạc bộ khoa học máy tính.

Sau đó, Plaza cùng Hing làm phát triển phần mềm tại công ty logistics địa phương QuadX. Anh và Lacierda – trước đây là người phát ngôn của cố tổng thống Philippines Benigno Aquino III – từng hợp tác vào năm 2016 để xây dựng nền tảng phân tích về hành vi bỏ phiếu.

Plaza cho biết PayMongo ban đầu là dự án phụ của công ty tư vấn phần mềm mà anh thành lập năm 2018 mang tên 22 Delta Labs. Anh nhận ra tích hợp thanh toán là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vì họ phải dựa vào phần mềm thuê ngoài. Plaza cho biết: “Chúng tôi được hàng ngàn doanh nghiệp yêu cầu cung cấp giải pháp chỉ sau một đêm. Chúng tôi nhận ra sao mình lại không tập trung riêng vào thanh toán nhỉ?”

PayMongo giờ đây không chỉ dự tính mở rộng ra ngoài Philippines đến các quốc gia Đông Nam Á khác mà còn mở rộng hoạt động chuyển tiền của mình, bằng cách trở thành nền tảng để mở rộng quy mô cho các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực. Cuối năm nay, họ có kế hoạch tăng cường nhân sự từ 200 người lên 300 người, đồng thời mở rộng bộ dịch vụ cho người bán.

Tháng tám năm ngoái, PayMongo khởi chạy chương trình tăng tốc để giúp các doanh nhân nhỏ được miễn phí giao dịch trong hai tháng trên tất cả các kênh thanh toán của PayMongo và hội thảo miễn phí trên web về kinh doanh, tài chính và công nghệ. Công ty tin các sáng kiến trong tương lai có thể phát triển từ các chương trình như vậy.

Được hưởng lợi từ chương trình tăng tốc của Y Combinator và kiến thức thu được từ các nhà đầu tư và đối tác, Plaza cho biết PayMongo muốn làm điều tương tự cho các doanh nghiệp nhỏ khác đang muốn phát triển. Ngoài việc cung cấp “cơ sở hạ tầng tài chính cho mọi người,” anh nghĩ rằng thước đo thực sự cho thành công của PayMongo sẽ nằm ở khả năng hỗ trợ nhân viên thành lập công ty của riêng họ.

“Khi những người đã thực sự giúp chúng tôi xây dựng thành công này nhìn nhận lại quá khứ và nói rằng thời gian của họ ở PayMongo là điều giúp họ thành công trong dự án kinh doanh mới, đó thực sự là động lực của nhiều công ty khởi nghiệp hơn và cuối cùng sẽ phát triển nền kinh tế Philippines,” anh nói.

Quỳnh Anh biên dịch

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 108, tháng 8.2022