Giáo sư Tang Xiao’ou, tỉ phú và nhà đồng sáng lập của SenseTime sẽ tăng thêm 50% giá trị tài sản, lên 3,4 tỉ USD sau đợt IPO mới nhất.
Giáo sư Tang Xiao’ou, tỉ phú và nhà đồng sáng lập của doanh nghiệp khổng lồ 7 năm tuổi về AI, SenseTime, chuẩn bị nâng khối tài sản của ông lên gần 50%, khi công ty tiến gần đến đợt phát hành công khai lần đầu (IPO) tại Hong Kong.
Theo ước tính của Forbes, Tang, 53 tuổi, đang sở hữu tài sản ròng trị giá 3,4 tỉ USD. Con số này đã tăng thêm 48% từ 2,3 tỉ USD hồi tháng 8.2021, khi SenseTime lần đầu nộp hồ sơ niêm yết tại Hong Kong — trung tâm tài chính của Châu Á.
Vào ngày 6.12, công ty đặt tại Thượng Hải và Hong Kong thông báo chuẩn bị huy động 770 triệu USD bằng việc bán ra 1,5 tỉ cổ phiếu có mức giá từ 3,85-3,99 đô-la Hong Kong. 2/3 số tiền thu về sẽ dành cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Tang Xiao’ou là giám đốc điều hành và cổ đông lớn nhất nắm giữ 21,7% cổ phần SenseTime và có khả năng lên tới 27%.
Tài sản Tang Xiao’ou tăng cùng với giá trị SenseTime, hiện trị giá 15,7 tỉ USD. Dự kiến SenseTime được niêm yết ngày 17.12 và đến nay đã chắc chắn có 9 nhà đầu tư quan trọng, gồm doanh nghiệp nhà nước, quỹ Mixed Onwership Reform (cải cách sở hữu hỗn hợp), quỹ đầu tư Công nghiệp AI Thượng Hải và quỹ Pleiad đặt tại Hong Kong.
Cả ba quỹ này đều đã đồng ý mua lại cổ phiếu có giá trị cộng gộp 450 triệu USD, tương đương 60% thỏa thuận.
Người đại diện của SenseTime từ chối đưa ra bình luận về khối tài sản đang tăng lên của Tang. Vị giáo sư đang giảng dạy những môn học như xử lý hình ảnh và phân tích tín hiệu tại đại học Trung Văn Hương Cảng là một người kín tiếng trước truyền thông.
Tang Xiao’ou đã không xuất hiện tại buổi họp báo trực tuyến hôm 6.12, để hai nhà đồng sáng lập và học trò có học vị tiến sĩ của ông, Xu li và Xu Bing trả lời các câu hỏi từ truyền thông.
“Chúng tôi có hướng đi rõ ràng để sinh lời và đây là thời điểm thích hợp cho việc phát hành cổ phiếu,” giám đốc điều hành, Xu Li, 39 tuổi cho biết.
Tuy vậy, tình hình của thị trường là không khả quan. Chỉ số Hang Seng ghi nhận 30 công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong đã giảm hơn 30% giá trị trong năm 2021, khi quốc gia tỉ dân áp đặt các lệnh giám sát mạnh hơn trong lĩnh vực này.
Cổ phiếu nền tảng nghe nhạc trực tuyến, Cloud Village, do doanh nghiệp khổng lồ lĩnh vực giải trí và game NetEase của tỉ phú Trung Quốc William Ding vận hành, đã giảm mạnh trong đợt IPO tại Hong Kong và hiện vẫn giao dịch dưới mức 205 đô-la Hồng Kông/cổ phiếu.
Trong cáo bạch, SenseTime cho biết không liên quan đến bất kỳ quá trình điều tra nào trong đợt rà soát từ cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) hay có “bất kỳ điều tra, cảnh báo hoặc hình phạt tương tự”.
CAC là cơ quan quyền lực của chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu doanh nghiệp khổng lồ dịch vụ gọi xe, Didi Global, hủy niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán New York từ những lo ngại về dữ liệu và an ninh quốc gia. Đây là động thái mà sẽ kéo theo sự suy giảm của rất nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.
Tuy vậy, SenseTime đã nằm trong tầm ngắm từ các cơ quan quản lý của Mỹ. Vào năm 2019, công ty con Beijing SenseTime đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen và đối diện với lệnh cấm tiếp cận với nguồn cung, công nghệ từ nước này. Trong khi đó, những nhà phân tích lại dấy lên câu hỏi về triển vọng sinh lời.
“Những nền tảng cơ bản đang bị xáo trộn, khi mức tăng trưởng cao kèm theo từ sự tập trung lớn vào khách hàng, hướng đi không ổn định để sinh lời, khoản thua lỗ và lo ngại về mặt đạo đức xoay quanh ‘kỳ thị sắc tộc trong công nghệ,’” nhà phân tích của Global Equity Research, Arun George viết trong báo cáo ngày 28.11 dựa trên nền tảng nghiên cứu Smartkarma.
Trong nửa đầu năm 2021, SenseTime đạt doanh thu 260 triệu USD, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2020. Khoản lỗ tăng lên 583 triệu USD.
Gần một nửa doanh thu của SenseTime đến từ dự án thành phố thông minh, nơi chính phủ Trung Quốc mua lại hoặc cấp phép cho phần mềm của công ty trong việc kiểm soát đại dịch và quản lý giao thông.
Ban quản lý của công ty tự tin là SenseTime sẽ sinh lời, chỉ ra những yếu tố như vị thế dẫn đầu trong thị trường phần mềm AI tại Trung Quốc và mức tăng trưởng lợi nhuận ròng cao, mà không tốn nhiều chi phí về bán hàng, tiếp thị, R&D cũng như mức thua lỗ hợp lý của các cổ phiếu ưu đãi.
“Khi lợi nhuận ròng có thể phát triển một cách nhanh chóng và quản lý hiệu quả chi phí bỏ ra, chúng tôi sẽ hiện thực hóa hướng đi rõ ràng để sinh lời,” giám đốc tài chính Wang Zheng cho biết trong buổi họp báo hôm 6.12.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/giao-su-ti-phu-trung-quoc-tang-tai-san-gan-50-sau-khi-sensetime-ipo)
10 tháng trước
10 tháng trước
Người giàu Trung Quốc gắng vượt khó khăn