multi-media / Megastory

Tài sản tỉ phú Philippines chậm phục hồi sau đại dịch

Tổng tài sản của những người giàu nhất Philippines giảm trong bối cảnh đất nước đang phục hồi sau đại dịch.

Nền kinh tế Philippines tăng trưởng 8,3% trong quý đầu năm 2022, khi nhu cầu trong nước bắt đầu phục hồi sau đại dịch. Tổng thống mới đắc cử Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. cam kết sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát, giá hàng hóa và năng lượng tăng cũng như việc xuất khẩu sang Trung Quốc giảm đã kéo chỉ số chứng khoán chuẩn giảm 6% so với 11 tháng trước khi Forbes tính toán giá trị tài sản. Đồng peso cũng giảm 12% so với cùng kỳ. Do đó, tổng tài sản của 50 người giàu nhất nước này giảm xuống còn 72 tỉ đô la Mỹ từ 79 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái.

Hơn 2/3 số người trong danh sách đã chứng kiến tài sản của họ giảm sút. Anh chị em nhà Sy, những người thừa kế tập đoàn do doanh nhân quá cố Henry Sy Sr. gây dựng, vẫn giữ vị trí đầu bảng nhưng giá trị tài sản ròng của họ giảm bốn tỉ đô la Mỹ, xuống còn 12,6 tỉ đô la Mỹ, mức giảm lớn nhất tính theo đô la Mỹ. Giá cổ phiếu công ty chủ lực của gia tộc Sy, SM Investments, giảm 19% so với năm ngoái do các nhà đầu tư trở nên e ngại hơn.

Vượt qua những khó khăn, tỉ phú bất động sản Manuel Villar đã niêm yết công ty VistaREIT vào tháng 6.2022 và là thành viên có giá trị tài sản tăng cao nhất tính theo đô la Mỹ trong danh sách năm nay. Villar đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án tòa nhà căn hộ, khu đô thị và casino, ghi nhận khối tài sản ròng tăng thêm 1,1 tỉ đô la Mỹ lên 7,8 tỉ đô la Mỹ và vẫn giữ vị trí người giàu thứ hai Philippines.

Tỉ phú cảng biển Enrique Razon Jr. xếp thứ ba với giá trị tài sản nhích nhẹ về 5,6 tỉ đô la Mỹ. Ông Razon đang đầu tư gấp đôi vào lĩnh vực casino và năng lượng tái tạo, với kế hoạch xây dựng trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới trị giá ba tỉ đô la Mỹ trên một hòn đảo của Philippines.

Trường hợp sụt giảm giá trị tài sản đáng chú ý khác là vợ chồng sáng lập Converge ICT Solutions, Dennis Anthony và Maria Grace Uy. Cặp đôi này ghi nhận tài sản thâm hụt hơn một tỉ đô la Mỹ, xuống còn 1,75 tỉ đô la Mỹ do giá cổ phiếu của Converge ICT Solutions, nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng, giảm xuống sau khi Warburg Pincus thông báo đã bán bớt cổ phiếu nắm giữ trong công ty vào tháng 5.2022.

Một trong số hai thành viên quay trở lại danh sách là gia tộc Aboitiz, xếp thứ năm với khối tài sản ròng 2,9 tỉ đô la Mỹ (bao gồm cả tài sản của các thành viên khác trong gia tộc.) Giá cổ phiếu của công ty trụ cột Aboitiz Equity Ventures có sức bật từ nguồn thu trong mảng kinh doanh điện năng khi giá năng lượng tăng cao.

Lợi nhuận kỷ lục 200 triệu đô la Mỹ trong quý 1.2022 của tập đoàn kỹ thuật DMCI Holdings cũng nâng tài sản của Isidro Consunji cùng các anh chị em lên 47% đạt 2,65 tỉ đô la Mỹ. Anh chị em nhà Consunji có mức tăng tài sản lớn nhất theo tỉ lệ phần trăm và vươn lên vị trí thứ sáu trong danh sách năm nay.

Có hai cái tên mới kế thừa vị trí trong danh sách tỉ phú Philippines từ bậc cha ông. Gia tộc Po, thừa kế đế chế kinh doanh thực phẩm của cố chủ tịch Ricardo Po Sr. sau khi ông qua đời vào tháng 10.2021, đứng thứ 16 với khối tài sản 1,2 tỉ đô la Mỹ. Sylvia C. Wenceslao trở thành chủ tịch kế nhiệm của công ty bất động sản D.M. Wenceslao & Associates sau khi người chồng Delfin J. Wenceslao Jr. qua đời vào tháng 9.2021.

Giá trị tài sản ròng tối thiểu để vào danh sách 50 người giàu nhất Philippines là 185 triệu đô la Mỹ, giảm từ mốc 200 triệu đô la Mỹ năm 2021.

Gia đình Aboitiz: Chuyển hướng quyền lực

Gia tộc Aboitiz trở lại danh sách 50 người giàu nhất Philippines năm 2022 của Forbes với tổng tài sản 2,9 tỉ đô la Mỹ. Giá cổ phiếu của công ty chủ lực Aboitiz Equity Ventures (AEV) tăng cao trong 12 tháng qua, dù lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm 2022 giảm 12% xuống còn 11,8 tỉ peso (209 triệu đô la Mỹ) so với một năm trước đó, trong bối cảnh công ty 100 năm tuổi này tăng cường chuyển hướng thành “tập đoàn ứng dụng công nghệ.”

Tuy mảng điện năng vẫn chiếm hơn một nửa doanh thu, AEV có kế hoạch đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh sang cơ sở hạ tầng, ngân hàng, bất động sản, đồ ăn và trí tuệ nhân tạo (AI). Trong năm 2022, AEV sẽ tăng gấp đôi vốn đầu tư lên 69 tỉ peso (1,23 tỉ đô la Mỹ) với phần lớn dành cho các lĩnh vực khác ngoài điện năng.

Tỉ phú Erramon Aboitiz. Ảnh: Carlo Gabuco/Bloomberg

Công ty con về cơ sở hạ tầng Aboitiz InfraCapital sẽ nhận nhiều vốn đầu tư nhất (hơn 40%). Liên doanh Union Bank of Philippines (UnionBank) cũng được rót vốn để củng cố phát triển nền tảng số.

Vào tháng 12.2021, UnionBank thông báo sẽ mua lại mảng tiêu dùng của Citigroup tại Philippines với giá 55 tỉ peso (988 triệu đô la Mỹ), khiến cổ phiếu của công ty này tăng vọt (tăng 35% trong năm qua).

Thương vụ mua lại này sử dụng một phần vốn huy động từ đợt chào bán đặc quyền mua cổ phiếu có giá trị 40 tỉ peso (718 triệu đô la Mỹ) hồi tháng 5.2022. AEV cũng muốn tận dụng nhu cầu đang tăng cao từ thị trường bất động sản và đầu tư trực tiếp hai tỉ peso (35,9 triệu đô la Mỹ) vào AboitizLand, công ty con về bất động sản ghi nhận doanh số cao kỷ lục trong năm 2021.

Tập đoàn tư nhân Aboitiz & Co., công ty mẹ của AEV, được Paulino Aboitiz thành lập vào cuối những năm 1800 từ việc kinh doanh sản phẩm từ cây gai dầu. Trải qua năm thế hệ của gia tộc Aboitiz, AEV đã trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất Philippines, với các thành viên trong gia tộc nắm giữ những vị trí lãnh đạo gồm Enrique (chủ tịch), Mikel (phó chủ tịch), Erramon và Sabin đồng đảm nhiệm vai trò giám đốc.

Enrique Razon Jr.: Ván cược lớn

ỉ phú cảng biển Enrique Razon Jr. chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình giảm 3% xuống còn 5,6 tỉ đô la Mỹ khi đồng peso trượt giá, dù International Container Terminal Services Inc. (ICTSI) ghi nhận kết quả kinh doanh vững chắc. Giá cổ phiếu ICTSI tăng lên khi thương mại toàn cầu phục hồi mức trước đại dịch năm ngoái, chạm ngưỡng cao kỷ lục 28,5 ngàn tỉ đô la Mỹ, theo cơ quan Thương mại của Liên Hiệp Quốc. Ông vẫn đứng thứ ba trong danh sách 50 người giàu nhất Philippines.

Trong nửa đầu năm 2022, lợi nhuận ròng của ICTSI đạt 294,5 triệu đô la Mỹ, tăng 50% sau khi tăng gấp bốn lần lên mức cao nhất lịch sử 428,6 triệu đô la Mỹ vào năm 2021, nhờ tăng trưởng sản lượng và tỉ lệ vận chuyển hàng hóa tăng cao.

Tỉ phú cảng biển Enrique Razon Jr. đứng thứ ba trong danh sách 50 người giàu nhất Philippines.

ICTSI đã tăng cường năng lực bốc dỡ hàng hóa tại các cảng tàu của công ty trên toàn thế giới, bao gồm đầu tư 15 tỉ peso (268 triệu đô la Mỹ) nâng cấp cảng tàu chủ lực tại Manila để tiếp nhận siêu tàu vận tải container có trọng tải lên đến 18.000 TEU.

Tháng 7.2022, ICTSI mua lại phần lớn cổ phần của một cảng tàu đa dụng ở Lamongan Regency, cách Jakarta khoảng 790km về phía đông với giá 46,5 triệu đô la Mỹ, tăng cường sự hiện diện toàn cầu ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Bloomberry Resorts, đơn vị vận hành khu nghỉ dưỡng kết hợp casino Solaire tại Manila, ghi nhận nguồn thu trở lại trong nửa đầu năm 2022 sau hai năm sụt giảm do các lệnh phong tỏa phòng chống COVID-19, khi ông Razon tiếp tục kế hoạch mở rộng quy mô cho đế chế kinh doanh casino.

Công ty đang xây dựng khu nghỉ dưỡng kết hợp casino thứ hai tại Quezon, dự kiến mở cửa năm 2023, đồng thời đầu tư 7,6 tỉ peso (136 triệu đô la Mỹ) vào tháng 5.2022, mua lại khu đất nằm cạnh bờ sông có tổng diện tích 2,8 triệu m2 tại Cavite, miền Nam Manila cho dự án tương tự. Cũng trong tháng 5.2022, Bloomberry đồng ý mua lại cổ phần của tỉ phú Dennis Uy trong dự án casino tại đảo Cebu và căn cứ không quân Clark cũ nằm ở Pampanga, Bắc Manila.

Thông qua công ty tư nhân do ông sở hữu Prime Infrastructure Capital, Enrique Razon cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm dự án trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới có giá trị ước tính khoảng ba tỉ đô la Mỹ.

Để chuẩn bị ngân sách cho các dự án năng lượng, Razon có kế hoạch niêm yết Prime Infra trên sở giao dịch chứng khoán Philippines vào tháng 10.2022, kỳ vọng thu về 28,2 tỉ peso (504,9 triệu đô la Mỹ).

Biên dịch: Quỳnh Anh

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 109, tháng 9.2022