Con đường thành công của những người trẻ tuổi không hoàn toàn trải hoa hồng, có lúc bế tắc hoài nghi và lạc lối nhưng đam mê, sự khổ luyện cùng tinh thần vượt trội đã giúp họ chinh phục các mục tiêu mới. Đỗ Hải Anh, nghệ sĩ múa, Forbes Việt Nam U30 năm 2020 đã chia sẻ về sự kiên trì, khổ luyện biến giấc mơ đưa môn nghệ thuật biểu diễn này trở nên đại chúng hơn.
Ở tuổi 32, nghệ sĩ múa Đỗ Hải Anh – thành viên Under 30 năm 2020 của Forbes Việt Nam, là biên đạo múa, giám đốc sáng tạo và là nhà giáo dục. Các hoạt động biểu diễn trực tiếp gần như gián đoạn trong hai năm đại dịch COVID-19 khiến nhiều nghệ sĩ trong đó có Hải Anh rơi vào khủng hoảng tâm lý. Vượt qua giai đoạn thách thức, cô cho biết học cách yêu bản thân, yêu từng khoảnh khắc của cuộc sống để bước ra khỏi “vùng tối” và nỗ lực học hỏi mỗi ngày với mong muốn đưa múa, lĩnh vực giải trí có tư duy thẩm mĩ cao gần hơn với lớp khán giả đại chúng.
Phỏng vấn: Minh Tâm Thiết kế: Thành Long Ảnh: Nhân vật cung cấp
PV: Vào danh sách Under 30 năm 2020 ngay giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, Hải Anh đã có những thay đổi nào về công việc và cuộc sống?
Hải Anh: Thời điểm tôi vào danh sách Under 30 năm 2020 cũng là lúc đại dịch Covid-19 ập tới nên tất cả công việc bị chững lại. Các dự án đã lên kế hoạch bị trì hoãn, thậm chí bỏ luôn. Tôi rơi vào giai đoạn khủng hoảng tâm lý, cảm thấy mình không chỉ dậm chân tại chỗ mà ngày càng thụt lùi, không thể làm được gì để phát triển. Ở giai đoạn ấy tôi đã khóc khi nhìn thấy những người đồng nghiệp, những người đàn anh trong nghề phải thay đổi công việc để tìm cách mưu sinh. Tôi trở nên tự ti, khép mình và tự nhốt trong phòng, vật lộn với đủ ý nghĩ tiêu cực. Phải tới năm 2022 này tôi mới tự tin bước ra khỏi “bóng tối” của chính mình!
PV: Bằng cách nào Hải Anh vực dậy tinh thần để bước ra khỏi “vùng tối” đó?
Hải Anh: Lúc khủng hoảng tâm lý, suy nghĩ tiêu cực chiếm lĩnh tâm trí, tôi từng tự hỏi mục đích mình sống trên đời là gì, tất cả những gì mình đạt được chỉ nhờ may mắn thôi sao. Khi nhìn mọi người đều có bước tiến, tôi thấy mình trong vòng luẩn quẩn, sợ hãi mình không làm được gì nữa. Cái cảm giác rất đáng sợ đó khiến mình có lúc muốn buông bỏ. Giờ thì tôi đã có thể đối diện với chính mình để hiểu vấn đề theo góc nhìn khác, tránh tiêu cực và tìm cách giải quyết. Tôi tự hỏi mục đích thật sự mình muốn đi tới là gì và làm sao để cuộc sống có ý nghĩa hơn thay vì để từng ngày trôi qua. Tôi cố gắng từng bước vượt qua với suy nghĩ tích cực hơn, làm gì đó để truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh.
PV: Vậy bài học với Hải Anh sau giai đoạn khó khăn đấy là gì, làm sao để lắng nghe chính mình?
Hải Anh: Đó là tập trung vào hơi thở để biết mình đang thực sự sống và tận hưởng khoảnh khắc hiện tại đó, yêu chiều cảm xúc, kể cả những nỗi khó chịu, sự tức giận. Tập trung lý giải tôi càng hiểu chuyện gì cũng đều có lý do và cách giải quyết. Điều tôi nhận ra là cần để ý cảm xúc của mình nhiều hơn, yêu bản thân nhiều hơn thay vì chỉ nghĩ về những thứ chung quanh mà quên mất bản thân. Thực sự đây là một nấc thang nhận thức của chính tôi.
Nhóm chúng tôi cũng đã bước đầu trở lại với việc tổ chức Lễ hội múa đương đại quốc tế DanzINC ở TP.HCM và Singapore – một trong những lễ hội múa lớn nhất châu Á, nhằm tạo cầu nối đưa diễn viên múa Việt Nam ra thế giới và đưa nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam cũng như tạo sân chơi cho các biên đạo trẻ giao lưu, kết nối và giới thiệu tác phẩm.
PV: Là người của công chúng, Hải Anh sử dụng mạng xã hội như thế nào? Cách bạn đối mặt với những áp lực của công chúng là gì?
Hải Anh: Mỗi người có thế giới quan riêng với cùng một vấn đề. Chắc chắn là mình không thể chiều lòng tất cả. Với những ý kiến đóng góp, tôi thường bỏ lên bàn cân và xem xét ở khía cạnh nào đó mình cần rút kinh nghiệm hay không. Với những lời chê bai, tiêu cực, thậm chí ác ý thì cố gắng bình tâm và bỏ qua. Tôi tự tạo động lực để bước tiếp.
Tôi đang cố gắng dù ở ngoài đời hay trên mạng mình đều là chính mình. Gần đây tôi ít sử dụng mạng xã hội. Sau dịch, tâm lý tôi có phần thay đổi nên quyết định sẽ yêu chiều cảm xúc, cảm nhận, tận hưởng khoảnh khắc hiện tại của mình nhiều hơn là phải báo cáo mọi hoạt động cá nhân trên mạng xã hội. Tôi thỉnh thoảng vào cập nhật tin tức bạn bè, trả lời tin nhắn công việc, chỉ sử dụng Internet nhiều nhất cho chuyện xem nghệ thuật ở các nước đang phát triển như thế nào, có trào lưu gì mới, xu hướng nào nổi bật để học hỏi, bổ trợ cho công việc của mình.
Năm 2015, Hải Anh bắt đầu được công chúng chú ý khi trở thành quán quân của gameshow “Thử thách cùng bước nhảy – So You Think You Can Dance” và ngay khi đó cô chia sẻ ước mơ thực hiện dự án nghệ thuật múa dành cho mọi người – mang bộ môn giải trí biểu diễn này gần hơn với khán giả đại chúng. Từ cột mốc này, sau 7 năm Hải Anh không chỉ gặt hái thêm nhiều thành công mà ước mơ táo bạo hơn: đưa múa Việt Nam ra thế giới. Không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn, Hải Anh còn là nhà đồng tổ chức trên cương vị giám đốc sáng tạo của Saigon Contemporary and Ballet Dance Company Vietnam (SCBC Vietnam), tham gia chương trình Lễ hội múa đương đại (DanzINC), một trong những lễ hội múa lớn nhất châu Á tổ chức đầu tháng 11.2022 vừa qua tại TP.HCM…
PV: Một ngày của Hải Anh ở các vai trò nghệ sĩ múa, biên đạo múa, giám đốc sáng tạo và nhà giáo dục bây giờ diễn ra như thế nào?
– Nghe hơi to lớn! (cười). Giai đoạn dịch kéo dài tôi không có nhiều không gian tập luyện với các nghệ sĩ khác nên hiện nay tôi dành nhiều thời gian cho nhóm của mình. Mỗi ngày, tôi cùng với các bạn tập luyện, sáng tạo những phần trình diễn.
Công việc hàng ngày khá bận. Mỗi ngày không theo lịch chính xác nhưng thường tôi sẽ tập với các bạn nghệ sĩ từ 9h30 sáng tới 5h chiều, sau đó dành thời gian cho việc kiếm tiền. Tôi cũng cố gắng cập nhật tin tức, kết hợp các bạn nghệ sĩ để tạo ra những hoạt động cho các bé ở học viện múa Unicorn Dance.
Dù vậy thì tôi vẫn giữ để không bị cuốn quá nhiều vào công việc như trước đây. Khi nào thấy áp lực quá thì tìm cách cân bằng lại. Ví dụ tôi tìm đến âm nhạc, mỗi thời điểm, mỗi tâm trạng thì một loại nhạc giúp tôi thoải mái, bình tĩnh hơn để tập trung vào hơi thở, cân bằng cảm xúc và suy nghĩ.
PV: Con đường rèn luyện với một nghệ sĩ múa rất dài, Hải Anh đối mặt và vượt qua khó khăn như thế nào?
Hải Anh: Thách thức lớn nhất là phải vượt lên được bản thân. Ở môn nghệ thuật này bạn phải luôn phát triển bản thân mỗi ngày, không cho phép mình an phận hay hài lòng với những gì đạt được. Nếu không sẽ ngủ quên trên chiến thắng.
Nhiều người nhìn vào dễ nghĩ con đường của tôi suôn sẻ và trải đầy hoa hồng nhưng thực sự chỉ người trong cuộc mới hiểu, phải đấu tranh tâm lý, quyết tâm và cố gắng đi đến cùng như thế nào. May mắn của tôi là được mẹ định hướng và đầu tư nghiêm túc từ rất sớm và tôi cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các đồng nghiệp.
Điều quan trọng giúp tôi đi đến tận bây giờ là sự ủng hộ rất lớn về tinh thần từ gia đình. Thứ hai là những đồng đội đã đi với mình quãng thời gian rất dài, cùng nhau tận hưởng chiến thắng cũng như chia sẻ khó khăn. Tới tận bây giờ, họ vẫn đồng lòng, cùng chí hướng xây dựng phát triển ngành múa, giúp mình trân trọng duy trì nó. Đó là những điều quý giá nhất giúp tôi luôn đi đúng đường, không bị xao nhãng.
PV: Tôi biết rằng Hải Anh đến với múa từ năm 3 tuổi xuất phát từ ước mơ dang dở của mẹ. Vậy bao nhiêu năm qua, tất cả là múa và chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ?
Hải Anh: Dĩ nhiên là có. Con người mà. Đôi lúc mệt mỏi tôi muốn thôi làm diễn viên múa. Nhưng những lúc đó, người bạn Hải Anh đã chỉ ra hướng làm sao để đi xa hơn. Đó là không chỉ phát triển lên với chính nghề múa mà phải đi cùng với các ngành bổ trợ nghệ thuật liên quan như về âm nhạc, sự kiện hay các kỹ năng biểu diễn cá nhân như diễn xuất, chứng chỉ giảng dạy từ nước ngoài… Đó là lý do tôi thành lập SCBC Vietnam. Tất cả những nghệ thuật khác bổ trợ cho múa rất nhiều và tôi phải học hỏi nhiều hơn để làm cho lĩnh vực mình đang theo đuổi vững chắc hơn.
Trước đây công ty cùng hoạt động theo một tập thể nhưng sau này đã bắt đầu tách ra thành ba mảng: thương mại, nghệ thuật và đào tạo. Nhân sự hiện khoảng 30 người, chưa tính các cộng tác viên làm theo dự án hợp tác. Tôi chịu trách nhiệm chung và rất vui vì mỗi nhánh đều đang tự sống được.
PV: Hải Anh từng chia sẻ về ước mơ lớn là đưa nghệ thuật múa Việt Nam vươn ra thế giới. Ước mơ đó hiện đang như thế nào?
Hải Anh: Sau hai dịch thì việc đó giờ lại cực kỳ khó. Vì mình bị dần mất các kết nối, quan hệ đã tạo dựng trước đó. Năm nay tôi mới khởi đầu lại với Lễ hội múa đương đại quốc tế DanzINC. Ước mơ của Hải Anh vẫn là mong muốn được đem những nghệ sĩ và tác phẩm do chính các biên đạo từ Việt Nam ra với thế giới để giới thiệu về tài năng của họ. Tôi vẫn tin cách nhanh nhất để học hỏi là hợp tác giao lưu. Nền nghệ thuật thế giới đã đi trước mình rất xa nên mình phải kết hợp với họ để đi được nhanh hơn. Tôi mong muốn sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa để đưa nhiều nghệ sĩ ngoài nước đến giao lưu, hợp tác với nghệ sĩ Việt Nam và ngược lại. Mọi thứ đang khởi động lại.
PV: Còn kế hoạch sắp tới?
Hải Anh: Tôi đang lập kế hoạch lại cho bản thân và cho những năm tiếp theo. Một trong những sự chuẩn bị là phải lấy lại tất cả chất lượng nghệ thuật mà các bạn nghệ sĩ đã bị mai một trong giai đoạn dịch bệnh. Tiếp theo là cố gắng kết nối lại những quan hệ trước đây đã hoặc chưa có cơ hội hợp tác. Hải Anh cũng mong muốn có thể tạo được một vở riêng của công ty để giới thiệu du lịch và văn hóa Việt Nam.
Còn kế hoạch cá nhân, có thể năm sau là một thời điểm tốt để Hải Anh có em bé, nhưng cũng cần sự chuẩn bị rõ ràng, mình ở nhà thì phải có những bước đi thế nào để không bị dậm chân tại chỗ. Nếu không dễ bị rơi vào tình trạng như thời gian dịch vừa qua.
PV: Có thuận lợi nào cho Hải Anh khi người bạn đời cũng là nghệ sĩ múa?
Hải Anh: May mắn cho Hải Anh là người bạn đời có cùng công việc. Chúng tôi đã có chín năm bên nhau. Mặc dù hai người làm ở hai nơi nhưng có thể hợp tác khi có cơ hội. Thời gian dành cho nhau không thể quá nhiều nhưng cũng đủ để quan tâm nhau và giúp tôi cảm thấy yên tâm, mình luôn có điểm tựa dù có chuyện gì xảy ra.
PV: Mọi người vẫn nói nghệ thuật múa rất khó giúp nghệ sĩ sống tốt với nghề, Hải Anh làm gì để có thể vừa theo đuổi đam mê vừa sống được với nghề?
Hải Anh: Tôi đi chậm và cố gắng xây nền móng. Móng càng vững chắc càng giúp mình đi xa. Cơm áo gạo tiền dễ khiến mình suy nghĩ tới cái lợi trước mắt và ảnh hưởng tới con đường sau này. Nhưng phải thừa nhận rằng rất khó để hoạch định được như vậy bởi mục tiêu thì lâu dài nhưng cơm áo gạo tiền thì hiển hiện mỗi ngày.
Tôi cũng phải phân bổ thời gian. Ví dụ, ban ngày mình dành cho nghệ thuật, buổi tối dành cho việc kiếm tiền. Hoặc trong năm, từ tháng ba tới tháng tám dành cho nghệ thuật thì những tháng còn lại để kiếm tiền. Tôi phải nhìn ra được khoảng thời gian nào làm cái gì tốt nhất để phân bổ hợp lý, đẩy việc đó thành ưu tiên.
PV: Tôi hơi tò mò… nghệ sĩ múa có thu nhập khá không?
Hải Anh: Tôi may mắn được các nhãn hàng nhớ tới, mời đi múa rồi biên đạo những phần trình diễn, làm đạo diễn cho các chương trình, cung cấp về âm nhạc cho họ. Ưu tiên hiện tại là sức khỏe bản thân, gia đình và đồng đội. Chuyện ăn uống, trang phục và thiết bị để giúp cho mọi người có sức khỏe, tập luyện tốt nhất được quan tâm nhiều nhất. Tôi đang sống đủ với những nhu cầu đó.
PV: Lúc khó khăn, bế tắc như giai đoạn COVID-19 những động lực nào giúp Hải Anh bước tiếp?
Hải Anh Người đầu tiên tôi nghĩ tới là mẹ. Nhớ lại quãng thời gian mẹ đã tận tâm, đầu tư nghiêm túc, chuyên nghiệp giúp tôi biết mình cần bước tiếp. Nhớ một lần khi vừa hết dịch, mẹ tôi hỏi một câu khiến tôi “hết hồn”: “Có kiếm đủ tiền trả lương cho nhân viên không? Đó là những người cùng khổ với mình nên phải lo cho họ đàng hoàng.” Rõ ràng gia đình và đồng đội là hai thứ mà tôi quá may mắn được ban cho và mình phải trân quý.
Người truyền cảm hứng nghề nghiệp cho tôi là nhà ủng hộ nghệ thuật Thanh Bùi, người luôn cho tôi nguồn năng lượng tích cực. Tôi học được rất nhiều qua cách anh chia sẻ, truyền cảm hứng, cách anh quan tâm tôn trọng nhân viên, cách anh giữ được niềm đam mê bất tận với nghệ thuật dù giờ đã làm kinh doanh và cả cách anh xử lý văn minh, chuyên nghiệp khi gặp thử thách, khó khăn.
Đỗ Hải Anh tiếp xúc với múa từ năm 3 tuổi, năm 12 tuổi cô vừa học văn hóa vừa học thêm ở trường múa TP.HCM vào chiều tối, 2 tiết mỗi ngày trong tuần. Về tới nhà là khoảng 11 giờ đêm, có lúc mệt mỏi Hải Anh lăn ra ngủ, sáng hôm sau 4 giờ sáng bị đánh thức dậy để học văn hóa. Gần 30 năm tiếp xúc với múa, 20 năm học tập và trình diễn chuyên nghiệp, ngoài sự khổ luyện vượt qua các đau đớn về thể xác, duy trì tinh thần tập luyện tích cực và kỷ luật nghiêm ngặt, Hải Anh cho biết luôn cần trau dồi kiến thức, nâng cao bản thân để nắm bắt khi cơ hội đến.
PV: Bạn nói từng hoài nghi thành công, vậy quan điểm của bạn về sự đóng góp của sự khổ luyện và sự may mắn vào thành công là gì?
Hải Anh: Rõ ràng khổ luyện đóng góp rất lớn để mình tiến tới thành công. Nhưng tôi nghĩ cần bổ sung một chút là trong sự khổ luyện đó mình phải có kế hoạch và sự chuẩn bị chặt chẽ. Có kế hoạch để có lộ trình và phải tuân thủ tốt. Chuẩn bị sẵn sàng bằng sự tích cóp kinh nghiệm, kiến thức. Có như vậy thì khi cơ hội đến mới có thể chớp lấy và thêm một phần may mắn để có thể thành công.
PV: Sau tất cả trải nghiệm, định nghĩa của Hải Anh về thành công như thế nào?
Hải Anh: Trước đây, tôi nghĩ thành công là cá nhân mình đạt được những thành tựu, giành được giải thưởng này, cột mốc kia. Bây giờ định nghĩa thành công của Hải Anh đã khác và đơn giản hơn. Thành công là mình sát cánh cùng đồng đội, cùng nhau phát triển để có thể chinh phục những đỉnh cao mới. Nói chung vẫn là con đường đó nhưng cách nhìn rộng hơn.
PV: Thế còn quan niệm về hạnh phúc?
Hải Anh: Tôi cũng nghĩ đơn giản hơn. Cái gì làm cho mình vui và người khác vui thì đó là hạnh phúc của tôi. Chuyện Hải Anh sống vì người khác, muốn làm hài lòng người khác vẫn còn đây nhưng sẽ cân bằng hơn để hai bên cùng tốt, cùng vui là mình sẽ vui. Sau thời gian khủng hoảng tâm lý, tôi càng nhận ra phải sống sao cho ý nghĩa và hạnh phúc.
PV: Với những trải nghiệm của mình, Hải Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đối diện với những vấn đề của bản thân, thậm chí là chấp nhận thất bại?
Hải Anh: Sau tất cả, tôi thấy điều gì xảy ra cũng có lý do nên hãy đối diện và tìm cách giải quyết. Có một điều mà tôi thực sự muốn nói, đó là các bạn đừng từ bỏ, có thể đi chậm lại, dừng lại một nhịp nhưng đừng bỏ cuộc. Hãy hỏi bản thân điều gì đã thôi thúc mình bắt đầu. Khi có câu trả lời thì hãy quyết liệt, dành 100% sức lực với lựa chọn đó. Khi đã cố gắng hết sức thì dù kết quả ra sao, lựa chọn có đúng có sai, có thành công có thất bại thì nhìn lại sẽ không phải hối tiếc rằng mình chưa dám thử.
Mình không thể thay đổi những điều tồi tệ xảy đến nhưng có thể thay đổi được thái độ với điều tồi tệ đó. Hải Anh cũng có nhiều lúc muốn bỏ cuộc nhưng rồi ngồi suy nghĩ nếu mình làm thế sẽ có kịch bản nào xảy ra, mọi người xung quanh sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Sau cùng, tôi thường dựa vào những câu trả lời đó để bước tiếp, thường thì gia đình và đồng đội luôn là hai thứ tôi nghĩ tới đầu tiên.
PV: Nếu được chọn lại, Hải Anh vẫn tiếp tục chọn múa?
Hải Anh: Đúng. Nhưng tôi sẽ làm một việc sớm hơn, đó là tích lũy thật nhiều kiến thức ở các ngành khác để bổ trợ cho ngành múa. Chỉ có kiến thức mới giúp mình thúc đẩy, khai phá những tiềm năng của ngành này để có thể đi xa và đi nhanh hơn.