Forbes Việt Nam Under 30

Nghệ sĩ cắm hoa Hà Minh Khôi: Hãy sống với lòng biết ơn

Những ngày cuối năm, nghệ sĩ cắm hoa Hà Minh Khôi tất bật với những chuyến bay đi về giữa Hà Nội – TPHCM. Các khách hàng đều muốn chính tay thành viên của hiệp hội Thiết kế hoa Hoa Kỳ, ông chủ của Khoi Ha Flower Boutique thực hiện những bình hoa cho những sự kiện đặc biệt của gia đình hoặc công ty. Khôi trao đổi Forbes Việt Nam khi ghé TP.HCM cho một sự kiện.

Phỏng vấn: Minh Tâm
Thiết kế: Thành Long
Hình ảnh: Nhân vật cung cấp

PV: Sau khi vào danh sách U30 của Forbes Việt Nam năm 2020, cuộc sống và công việc của Khôi Hà thay đổi ra sao?

Khôi Hà: Sau khi vào danh sách, tôi bận rộn hơn rất nhiều. Thời điểm đó, tôi mới khai trương cửa hàng hoa. Lúc đầu khách cũng hạn chế. Nhờ danh sách, cửa hàng  được biết đến nhiều hơn và có sức bật tốt hơn. Nhưng tôi nhận thức, đó không phải đường tắt để phát triển thương hiệu. Muốn người ta đến và ở lại với mình lâu dài thì phải có năng lực thật sự. Cách tôi vận hành mọi thứ luôn như vậy, biết chuyên môn của mình là gì và không bị lan man, không đi quá nhanh. Nói chung, vào danh sách U30 của Forbes Việt Nam cho tôi tiền đề.

PV: Cửa hàng hoa của Khôi hoạt động thế nào khi đại dịch bùng phát căng thẳng?

Khôi Hà: Theo quy định của nhà nước thì hoa và quả là những sản phẩm được giao thương trong mùa dịch. May mắn hơn một tí là Hà Nội không bị bùng dịch như Sài Gòn nên chúng tôi vẫn có thể giao hoa đến cho khách hàng. Nhưng dù tuân thủ phòng dịch vẫn hay bị phạt. Khách hàng thì lúc đó cách ly ở nhà, cần những bình hoa để giảm căng thẳng, cải thiện tinh thần, những điều mà đôi khi lúc khỏe, lúc bận rộn, mọi người không cảm nhận hết được. Đó là lý do tôi cố gắng hoạt động, trong chừng mực chứ không hết công suất. Đó cũng là cách để chia sẻ với bà con nông dân trồng hoa, vì hoa cũng đã được gieo trồng, chăm bón và thu hoạch. Chi phí tăng lên, từ nhập hoa đến giao hàng. May là các khách hàng cũng hiểu và chấp nhận.

Hằng ngày, tôi cũng đăng tải nhiều hình ảnh về hoa, kể cả bán được hay không bán được. Tôi muốn gửi năng lượng tích cực tới mọi người dù chính bản thân cũng khá buồn vì bạn bè trong Sài Gòn gặp nhiều chuyện không vui.

PV: Khôi Hà từng chia sẻ rằng nghề làm hoa rất nhiều khó khăn, áp lực, nhất là mùa lễ, hội. Đến bây giờ, sự chấp nhận của Khôi Hà với tất cả những điều đó như thế nào?

Khôi Hà: Đến bây giờ, chuyên môn tôi đã làm tốt nhưng đôi khi sức khỏe không cho phép để có thể cùng một lúc phục vụ được nhiều khách hàng. Nghề hoa hay tất cả nghề liên quan tới nghệ thuật đều cần đến cảm xúc để sáng tạo. Hơn nữa, mình phải hiểu được tâm tư khách hàng, hiểu họ muốn gì, cần gì. Những ngày có  đơn hàng nhiều, tôi chỉ có thể hướng dẫn cho các bạn nhân viên cách thức cắm, sử dụng tông màu chứ không thể trực tiếp thực hiện tất cả. Đây là một khó khăn.

Một khó khăn nữa là thị trường bây giờ du nhập hoa vào nhiều, cạnh tranh về giá, mẫu mã bị sao chép nhiều. Mọi người nói tôi khi đưa hình lên mạng thì gắn logo vào. Nhưng tôi không làm. Cũng không phải tự hào gì nhưng tôi cũng tạo ra một chút ảnh hưởng trong ngành và luôn sáng tạo những mẫu mới, đưa kỹ thuật mới, thông điệp mới đến cho khách hàng. Bây giờ tôi thấy mình không cần phải khó khăn trong vấn đề hình ảnh. Tôi sẵn sàng đăng tải để các bạn trẻ, những người có đam mê thấy được, cảm nhận những thông điệp, hiểu được những giá trị đằng sau để mọi người cùng làm cho thị trường này lớn mạnh.

PV: Khôi Hà sử dụng mạng xã hội như thế nào?

Khôi Hà: Mạng xã hội đối với tôi lúc nào cũng có hai mặt. Tốt là giúp cho mình tiếp cận được khách hàng dù gián tiếp nhưng tạo ra cơ hội làm việc trực tiếp nhanh nhất. Nghề hoa biến đổi rất nhanh. Nhanh ở đây là vẫn là hoa đó nhưng công thức cắm, tông màu, thiết kế sẽ rất khác nhau. Tôi luôn đề cao sự độc bản. Cửa hàng của tôi đa dạng về mẫu chứ không có bị bó gọn trong một khuôn mẫu nào.

PV: Vậy Khôi Hà sử dụng mạng xã hội hoàn toàn cho công việc?

Khôi Hà: 90 % là công việc còn 10 % cho sở thích cá nhân. Tôi có thể chia sẻ những món ăn, gặp gỡ bạn bè, gia đình hoặc đi du lịch. Tôi có đam mê các công trình kiến trúc, đặc biệt là những ngôi nhà cổ ở nước ngoài. Hoàn toàn không phải là chỗ để bày tỏ quan điểm. Thực ra tôi biết khá nhiều chuyện xảy ra trong giới nghệ thuật nhưng cũng chỉ chia sẻ với những người người thân thiết chứ không lên mạng bày tỏ hô hào, kêu gọi hay phán xét để luôn giữ năng lượng tích cực. Thật ra năng lực tích cực ở đây không phải chỉ có nói bốn từ đó mà nó là quá trình mình phải rèn luyện rất nhiều.

Tôi bị áp lực từ phía khách hàng. Ví dụ hôm nay tôi làm cho khách hàng này được khen đẹp. Hôm sau làm cho khách khác bị hỏi: “Sao làm cho nhà chị không được như vậy?”. Mọi người không hiểu được rằng không gian nhà, ngân sách, loại hoa về mỗi lần, rồi trần, sàn nhà và cảm xúc đều rất khác nhau. Đó là lý do tại sao tôi đành phải từ chối với những người không hiểu. Tôi không đi được với số đông.

PV: Hình như đến giờ bạn vẫn chỉ có một cửa hàng?

Khôi Hà: Có một số khách hàng muốn đầu tư nhưng tôi từ chối thẳng. Làm hoa phải có cảm xúc, mà đã liên quan tới cảm xúc thì ai cũng sẽ có tính nghệ sĩ. Mà đã nghệ sĩ thì tính cầu toàn và cái tôi sẽ rất lớn. Khi hợp tác, họ mạnh về kinh tế, còn mình mạnh chuyên môn, nếu có xảy ra mâu thuẫn thì rất khó để đi cùng hướng. Đó là lý do tại sao tôi vẫn chỉ có một shop hoa. Đó là nơi tôi thể hiện những gì đang nghĩ và cũng biết thị trường đang cần gì. Tôi muốn được thể hiện con người mình trong mỗi tác phẩm, phục vụ khách hàng nhưng không phải là đi theo khách hàng.

Mọi người nói thương hiệu tốt như vậy mà không mở thêm. Nhưng mà với bản tính cầu toàn như tôi thì không thể nào mở thêm được khi chưa có phương án hợp tác hợp lý. Tôi cũng từng nghĩ về việc mở shop ở Sài Gòn vì dù sao đây cũng là nơi tôi lớn lên, 10 năm gắn bó với rất nhiều kinh nghiệm xương máu, trả giá nhiều thứ. Sài Gòn cũng là thị trường sôi động. Tôi cũng có nhiều khách hàng ở đây. Nhưng tôi vẫn muốn tập trung ở Hà Nội vì muốn thử thách bản thân hơn. Chinh phục được thị trường khó tính này thì cảm thấy rất thỏa mãn.

PV: Cơ duyên nào đưa đẩy Khôi Hà ra Hà Nội, lập nghiệp xa xôi như vậy?

Khôi Hà: Thật ra thì lúc đầu tôi cũng “không thích” Hà Nội lắm. Bây giờ mình làm việc ở Hà Nội nhiều rồi, quen văn hóa nên đỡ chứ lúc đầu bị sốc về văn hóa lắm. Ra Hà Nội công tác cũng chỉ muốn về Sài Gòn thật là nhanh. Nhưng tôi thấy thị trường này thích phong cách của mình. Tôi làm hoa, đăng lên lên Facebook, thấy mọi người ở Hà Nội đón nhận hưởng ứng rất nhiều. Rồi tôi có nhiều dự án, chương trình ở Hà Nội. Thế là quyết định “đất lành chim đậu”. Thật sự thì cũng cố gắng để lập nghiệp. Hà Nội cho tôi sự mới lạ, khác biệt.

Chuyện mở shop ở Sài Gòn bây giờ vì thế lại khó. Tôi chỉ muốn mình ở đâu thì thiết kế ở đó. Khách hàng của tôi là những người muốn tôi đến nhà cắm hoa. Có những bình hoa lên tới tiền tỉ, nếu cắm ở cửa hàng hàng thì sợ vận chuyển không đảm bảo. Tôi làm kiểu đo ni, đóng giày cho từng khách hàng. Lý do để người ta có thể trả số tiền cao như vậy là vì họ sở hữu được những thiết kế độc bản.

PV: Nãy giờ nghe Khôi Hà nhắc nhiều đến cầu toàn. Vậy ba tính từ để nói về bản thân Khôi Hà là gì? Đầu tiên là cầu toàn rồi phải không?

Khôi Hà: Đúng vậy. Hai từ nữa là biết lắng nghe để học hỏi và siêng năng. Thực sự là tôi làm việc rất nhiều, chưa có một ngày  được tắt điện thoại. Nhiều khi cũng muốn cho bản thân mình nghỉ ngơi nhưng đối với ngành này thì rất khó. Nói đến hoa, mọi người thường nghĩ đến sự mềm mại, nhẹ nhàng.

Thực tế thì rất khác. Hoa mà không cắm vô nước là sẽ hỏng, không giống như một bộ đồ, nay không may thì mai may, nó vẫn nằm đó. Tính tôi lại cầu toàn, luôn muốn công việc trôi chảy. Cách trôi chảy nhất là mình phải làm việc sao cho khoa học nhất và hiệu quả nhất. Muốn thế thì mình phải siêng. Có siêng thì mới theo đuổi được đam mê. Tôi chưa bao giờ hoài nghi về sự siêng năng của mình!

PV: Vậy ngoài hoa, đam mê của Khôi Hà là gì?

Khôi Hà: Đó là nấu ăn và đi du lịch. Lúc nào áp lực, mệt mỏi quá, tôi thích được đi du lịch đây đó. Nhiều lúc, đơn giản là được đi xem phim thôi. Tôi thích những bộ phim có kết thúc mở vì nó không giới hạn suy nghĩ của người xem, cho mình cái gì đó để suy nghĩ. Qua những bộ phim tôi cũng hiểu rằng trên đời này không có gì là hoàn hảo dù tôi đang đi theo chủ nghĩa cầu toàn.

PV: Thế thì có mâu thuẫn quá không?

Khôi Hà: Thực sự tôi bị ám ảnh bởi chủ nghĩa cầu toàn. Từ nhỏ tôi cũng đã cầu toàn rồi, sắp xếp việc gì mà không đúng ý đã khó chịu, cái áo ủi không thẳng cũng khó chịu, cắm bình hoa hơi sai lệch cũng khó chịu. Bây giờ làm công việc này thì tính cầu toàn càng bộc lộ nhiều hơn. Nhưng cũng nhờ tính cách đó mà công việc trôi chảy theo một cách khoa học nhất. Nói chung là cái gì cũng có hai mặt, cả tốt và xấu. Cầu toàn làm tôi cực thân nhưng tôi tạo ra những tiêu chuẩn cao cho mọi thứ.

PV: Thế còn về sự cân bằng? Khôi Hà đã cân bằng được giữa cuộc sống, công việc chưa?

Khôi Hà: Cho tới thời điểm này tôi cũng chưa cân bằng hết được. Đó là một việc rất khó, khó lắm. Đằng sau mình là cuộc sống của bao nhiêu người. Shop hoa hiện nay được khoảng 10 bạn. Phụ quản lý với tôi có một người chị gái. Tôi kiêm quản lý, kiêm bán hàng, kiêm cắm hoa. Nghề này nó đặc thù vậy.

Tôi từng để cho các bạn nhân viên tư vấn cho khách hàng nhưng không ổn. Khách hàng muốn phải là tôi. Đó là lý do khi mở cửa hàng, mọi người có thể lấy một cái tên gì đó nghe kêu kêu hoặc có ý nghĩa thì tôi lại lấy tên của tôi. Thương hiệu gắn liền với tôi. Mọi người nói cần phát triển chỗ này, chỗ kia để cho nhiều người biết đến hơn nhưng thực sự là không thể kham được. Nói chung, tôi không thể mở chuỗi được.

PV: Trong cuộc sống và công việc, có hình mẫu nào truyền cảm hứng cho Khôi Hà?

Khôi Hà: Người truyền cảm hứng cho tôi nhiều nhất cho tới bây giờ vẫn là mẹ. Mẹ tôi là một người cực kỳ mê hoa. Tiền hoa còn nhiều hơn tiền chợ. Mẹ cũng hy sinh vì con cái. Tôi được các anh chị nhường cơ hội đi học. Bây giờ là lúc mà mình đền đáp lại tình cảm đó bằng cách này, cách khác. Không hẳn là mình giúp nhưng ít ra là hỗ trợ một phần nào đó về tinh thần cũng như vật chất. Nó không phải trách nhiệm, cũng không phải là bổn phận mà đó là phước báu của mình.

Điều mà tôi tâm đắc, đó là mỗi người hãy luôn sống với lòng biết ơn. Lòng biết ơn giúp mình biết được mình là ai, mình đang làm gì và mình cần phải làm gì cho những người xung quanh đã giúp đỡ mình. Những người ở bên mình, giúp đỡ mình lúc khó khăn nhất thì mình phải biết ơn và mình phải giúp đỡ lại người khác kém may mắn hơn.

Bây giờ, tôi đã mãn nguyện với những gì mà đang có. Tôi thấy đủ. Bây giờ chỉ tập trung đúng những việc mình làm, mãn nguyện với những gì mình đang có thì cái đó mới là hạnh phúc đích thực.

PV: Nhìn lại hành trình của Khôi Hà từ nhỏ đến giờ, chắc chắn là có rất nhiều khó khăn, vất vả. Đâu là những thử thách lớn nhất mà Khôi Hà đã đối mặt, vượt qua?

Khôi Hà: Tôi nghĩ đó là lúc tôi đi thi bên Mỹ. Trở ngại lúc đó là tiếng Anh. Khi đi xin thị thực (visa), tôi bị rớt. Sau đó, tôi bỏ ra sáu tháng, vừa đi làm, vừa đi học tiếng Anh ở Nhà văn hóa Thanh niên. Năm sau, tôi nộp hồ sơ để đi thi cuộc thi năm tiếp theo thì đậu. Bây giờ thì tôi tự tin hơn rồi. Ra nước ngoài, mình tiếp xúc được nhiều nền văn hóa, thấy được nhiều màu sắc trong đấy.

Pv: Cách mà Khôi Hà vượt qua khó khăn là gì? Những lúc khó khăn, bạn sẽ tìm tới ai để chia sẻ và xin lời khuyên?

Khôi Hà: Cách của tôi là sẽ tìm ra lý do, mấu chốt của vấn đề và khắc phục. Tinh thần là luôn luôn học hỏi để hoàn thiện mỗi ngày.

Tôi may mắn là có ba người bạn thân. Khi gặp khó khăn, tôi sẽ chia sẻ và nghe những lời khuyên từ họ. Lúc đó, người thông thái giống như người đứng trong bóng tối và nhìn thấy ánh sáng. Còn mình khi khó khăn sẽ giống người đứng ngoài sáng nhìn vào trong tối. Các ý kiến của mọi người có thể hữu ích, cũng có thể không hữu ích lắm nhưng để mình tham chiếu và có cái nhìn đa chiều hơn. Cuối cùng, mình vẫn là người ra quyết định và chịu trách nhiệm.

Mọi người bảo “Sống là không có gì để hối tiếc” nhưng thật ra tôi cũng hối tiếc khá nhiều, cũng từng băn khoăn nếu mình theo hướng này thì mọi chuyện đã khác. Nhưng sau tất cả, quan trọng  là mình chấp nhận những gì mình đã quyết định, không trách móc hay đổ lỗi. Dù kết quả thế nào thì đó đều là những trải nghiệm, cho mình những bài học để mình trưởng thành và không bao giờ vấp lại.

Tôi rất trân trọng những người bạn thân, những người bạn tâm giao. Họ đã hỗ trợ tôi rất nhiều về tinh thần, cho tôi những lời khuyên hữu ích để tôi tiếp tục.

PV: Theo bạn, để vươn lên thì cần những gì?

Khôi Hà: Là học hỏi không ngừng. Đó là lý do mỗi năm tôi đều dành thời gian để đi học những khóa ngắn hạn ở nước ngoài để bổ sung kiến thức, bên cạnh việc cập nhật xu hướng hằng ngày. Khi kiến thức mình đủ vững chắc thì mình sẽ học rất nhanh, tiếp thu được những cái hay, cái mới. Sẽ không có thang điểm nào cho chính bản thân mình ngoài cái sự cố gắng, học hỏi, cập nhật thường xuyên liên tục. Tôi nghĩ ngành nào cũng vậy hết.

PV: Khôi Hà định nghĩa như thế nào là thành công?

Khôi Hà: Bây giờ tôi chắc là chưa thành công. Vì thành công với tôi là đảm bảo được rằng mãn nguyện với những gì mình đang có và quan trọng hơn hết là cân bằng cuộc sống. Tôi chưa cân bằng được mà chỉ mới mãn nguyện với những gì đang có.

Thật ra cũng khó nói thế nào là đủ. Không có một thước đo nào để biết mình đủ nhưng hạnh phúc nằm ở những khoảnh khắc rất nhỏ. Tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, nhiều tầng lớp trong xã hội. Tôi biết người giàu cũng khóc, người nghèo cũng buồn. Vậy nên, ai là người sống được với những gì đang có thì người đó hạnh phúc.

Tôi không bao giờ so sánh mình với người khác và tự tạo áp lực lên bản thân. Càng so sánh là mình càng mệt mỏi và sẽ sinh ra sân si. Đó là những năng lượng không tích cực.

Thực sự, có những lúc muốn bỏ nghề ngang. Tôi từng tự hỏi mình làm nghề hoa là muốn đưa cái đẹp đến cho mọi người mà sao mình mệt mỏi, vất vả thế này? Nhưng rồi tôi tự lý giải. Tất cả là do tính cầu toàn của mình, không ai ép buộc mình cả. Rồi nhìn thành quả nhận lại, cũng rất xứng đáng với những gì bỏ ra. Thế là lại sốc lại tình thần, tiếp tục.

PV: Cho đến thời điểm này, có ước mơ nào mà Khôi Hà chưa thực hiện được?

Khôi Hà: Ước mơ của tôi là mở shop hoa và bây giờ đã thực hiện được. Nhưng để duy trì được nó thì cần rất nhiều thứ, từ xây dựng thương hiệu đến cách vận hành. Vì vậy, việc bây giờ là phải nuôi dưỡng ước mơ đó, làm cho nó ngày càng tốt hơn.

Tôi có những dự định, kế hoạch ấp ủ. Sau này tôi muốn được đi dạy học, đúng với chuyên môn và sở trường của tôi. Tôi từng đi dạy học từ lúc mới biết nghề một chút xíu. Dạy học ở đây có rất nhiều trường phái. Có những lúc tôi dạy cho những người bị ốm đau, bệnh tật để vực dậy tinh thần, gọi là trị liệu về tâm lý. Tôi cũng từng có cơ hội dạy cho các em mồ côi, cơ nhỡ hay bị bạo hành, xâm hại… trong một trại hè. Tôi thấy các em gái ở dưới vỗ tay và say mê bên những bó hoa. Tôi muốn sau này có thể mở một trường đào tạo và tham gia các hoạt động cộng đồng để khơi mào và tiếp sức cho các bạn đam mê về hoa. Tôi muốn giúp cho các em tìm thấy được đúng cái niềm đam mê như những gì ngày xưa mình đã từng có.

PV: Hoa cũng có sức mạnh chữa lành như cây, âm nhạc… mà nhiều người đang nói đến?

Khôi Hà: Đúng là như vậy. Ở độ tuổi, giới tính nào, người ta cũng cần hoa hết. Nếu mình nhìn theo hướng thương mại thì hoa là thứ xa xỉ phẩm nhất. Nhưng nhìn theo hướng tinh thần, hoa là niềm an ủi, động viên cho những người đang ốm đau, là liều thuốc hữu hiệu cho những người đang suy sụp tinh thần hay là lời cảm ơn cho những gì không nói hết bằng lời. Hoa mang con người đến gần nhau hơn.

PV: Lời khuyên của Khôi Hà với các bạn trẻ về việc theo đuổi đam mê, sống với bản ngã của mình hay cách vượt qua khó khăn…?

Khôi Hà: Nói là lời khuyên thì tôi không dám đưa ra. Nhưng từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy rằng khi mình thật sự đam mê, thật sự thích một cái gì thì mình cần vạch ra một con đường bằng tất cả lý trí, sự tỉnh táo của bản thân. Làm thì cần cảm xúc nhưng  khi hoạch định, cần cái nhìn dài hạn thì cần phải hoàn toàn tỉnh táo để minh bạch với chính mình, biết mình yếu chỗ nào, mạnh chỗ nào và xác định đúng cái con đường mình đi, tránh mất thời gian vô ích.

Thêm nữa, hãy luôn sống với lòng biết ơn. Lòng biết ơn ở đây là mình trân trọng những người nông dân trồng hoa, đôi khi thể hiện đơn giản là đừng trả giá. Biết ơn những người đã giúp đỡ mình. Biết ơn đấng sinh thành đã cho mình hình hài, nuôi dạy mình…