Forbes Việt Nam Under 30

Tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam: Khó khăn giúp bản thân trở nên mạnh mẽ

Lý Hoàng Nam, vận động viên quần vợt sinh năm 1997 đặt chân vào sân tập tennis lúc 7 tuổi, khi bạn bè đồng lứa bước vào lớp một. Rèn luyện ngoài trời 6 tiếng mỗi ngày với khao khát giỏi hơn mỗi ngày, Nam là vận động viên Việt Nam đạt thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng của ATP. Anh muốn lọt vào tốp 100 thế giới trước năm 30 tuổi.

Phỏng vấn: Tạ Hồng Phúc
Thiết kế: Thành Long
Hình ảnh: Nhân vật cung cấp

Lý Hoàng Nam, vận động viên duy nhất có tên trong tốp 30 gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi năm 2016 của Forbes Việt Nam. Ở tuổi 16, tay vợt sinh năm 1997 tạo nên kì tích quần vợt Việt Nam trong khu vực khi vô địch đơn nam tại Đại hội Thể thao trẻ châu Á năm 2013. Trước đó ở tuổi 15, Hoàng Nam vượt qua các đàn anh trở thành tay vợt trẻ nhất vô địch quần vợt quốc gia trong lịch sử quần vợt Việt Nam. Tay vợt quê Tây Ninh, gương mặt Forbes Việt Nam U30 năm 2016 thăng tiến vượt bậc trong năm 2022 khi tiến sâu ở các giải nhà nghề và lọt tốp 250 ATP nhưng anh chưa dừng lại với tham vọng lớn khi vào bước vào tuổi 30.

PV: Năm qua chắc hẳn là một năm hài lòng của Hoàng Nam với kết quả thăng tiến từ vị trí 703 lên 244 trên bảng xếp hạng ATP vào cuối năm 2022?

Hoàng Nam: Năm ngoái, Nam vô địch 4 giải Men’s Futures, 2 lần huy chương vàng đơn Nam liên tiếp tại SEA Games 30 và 31; chuỗi thắng dài nhất năm với 24 trận liên tiếp do Liên đoàn Quần vợt Thế giới (ITF) công nhận; lần đầu tiên vào đến chung kết Challenger; 2 huy chương vàng Đại hội Thể thao Toàn quốc lần thứ 9 và vào tốp 250 thế giới.

Nam đặt mục tiêu năm 2022 vào tốp 300. Khi đó mọi người đều nghĩ là hoang đường nhưng đến tháng 8, Nam đã làm được rồi (Trong bảng xếp hạng của Liên đoàn quần vợt thế giới công bố vào 29.8.2022, Nam tăng 38 bậc vươn lên đứng hạng 290 thế giới).

Thế nên tiến vào tốp 250 là nằm ngoài sự mong đợi của Nam còn có được vào vòng loại Grand Slam Úc mở rộng đầu năm 2023 thì phải sau ngày 6.1 mới biết.

Lý Hoàng Nam vô địch Giải quần vợt vô địch quốc gia – Cúp Hưng Thịnh năm 2020

Nhưng giờ Nam cũng không đặt nặng quá vấn đề này. Vào được thì tốt mà không được thì cố gắng thi đấu những giải khác, một năm 4 cái Grand Slam. Mình còn thi đấu một thời gian dài nữa chứ không phải năm nay là năm cuối cùng.

PV: Nhưng số danh hiệu Grand Slam như thước đo cụ thể nhất về thành tích của vận động viên trong làng banh nỉ và Nam chỉ còn 5 năm sẽ bước vào tuổi 30, giai đoạn được xem ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp thể thao? Ngoài 30 rất ít vận động viên quần vợt tạo ra sự đột phá.

Hoàng Nam: Dù kiệt xuất đến cỡ nào cũng không thể chống lại thời gian, đó là quy luật nghiệt ngã của thể thao mà không ai có thể tránh khỏi. Anh Roger Federer cũng đâu muốn dừng nhưng phải giải nghệ vì cơ thể không cho phép.

Bản thân Nam cũng vậy. Nam đã chơi tennis một thời gian rất dài, từ khi 7 tuổi tới ba chục tuổi sẽ là 23 năm, hầu như sống chết với tennis nên tôi đã cố gắng 200% mỗi ngày. Nếu đến 30 tuổi mà không vào tốp 100 thì chắc mình dừng lại vì có cố gắng nữa cũng không tiến triển được. Nhưng từ giờ đến đó, Nam còn 5 năm để cố gắng hết sức. Nam đã suy nghĩ rất kĩ khi nói ra mục tiêu này.

PV: Mọi người quen biết nói gì về mục tiêu này của Nam?

Hoàng Nam: Tốp 100 ATP là cái gì đó rất khó. Mục tiêu vào tốp 300 mà mọi người cũng đã nghĩ là không vào được. Nhưng Nam tin vào chính mình, luôn đặt mục tiêu cao để cố gắng.

Biết mọi người sẽ nghĩ vậy nhưng Nam không áp lực vì mình cứ cố gắng 200% năng lực rồi kết quả như thế nào thì tới đó mình biết. Nếu luôn nỗ lực hết sức, bạn sẽ là người chiến thắng dù kết quả trên sân có ra sao đi nữa.

Lý Hoàng Nam cùng đồng đội Sumit Nagal vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015

PV: Còn ngắn hạn mục tiêu của Hoàng Nam trong 2023?

Hoàng Nam: 2023 là một năm rất thử thách, vì lên được vị trí 244 ATP mà muốn giữ được là một quá trình khó hơn nữa. Năm trước Nam kiếm được bao nhiêu điểm thì năm sau phải bảo vệ bao nhiêu đó điểm và nếu muốn lên thứ hạng đó, Nam phải kiếm nhiều điểm hơn năm vừa rồi.

Nên thật sự là Nam không đặt nặng mục tiêu 2023 là phải vào tốp 200. Mình chỉ muốn giữ cái thứ hạng này. Vì 2023 kế hoạch của Nam là thi đấu những giải lớn, từ ATP Challenger trở lên. Nghĩa là Nam sẽ không thi đấu với những tay vợt thấp hơn, chỉ đánh với những tay vợt hạng 200, trăm mấy hoặc có thể là ba trăm mấy.

PV: Vậy thi đấu với đối thủ rất mạnh, Nam cũng chuẩn bị tâm lý thua nhiều trận?

Hoàng Nam: Chắc chắn. Nhưng Nam nghĩ như vậy sẽ tốt hơn cho Nam, vì được thi đấu, cọ xát với những tay vợt mạnh thì trình độ sẽ đi lên. Sẽ là năm thua nhiều nên phải chuẩn bị một tinh thần cho 2023 rất khó khăn. Trận đấu có thể thua nhưng ý chí, thái độ tích cực vẫn tiếp tục.

PV: Mỗi lần bước ra sân thi đấu, Nam có nghĩ hôm nay hay trận đánh đó mình phải thắng không?

Hoàng Nam: Sự tự tin chiến thắng là có, tự tin mình phải làm được. Cái đó tiếp sức cho Nam nhiều lắm. Còn vào sân với tâm thế là: “Ôi khó thắng, đối thủ mạnh quá” thì không thi đấu được.

PV: Đó là mục tiêu, còn thực tế không phải bao giờ cũng như kỳ vọng, nếu thua thì Nam đối diện như thế nào?

Hoàng Nam: Thua với điều kiện mình đã làm đúng. Suy nghĩ về vấn đề thắng thua cũng là một phần thôi. Vấn đề quan trọng nhất là chiến thuật, cách mình thi đấu và những điểm mình có trong sân. Những trận banh hầu hết Nam đều nhớ các tình huống từ đầu đến cuối, không quên trái banh nào hết. Rồi nghĩ lại vì sao mình mất điểm cú đánh đó. Được cái là Nam nhớ hết.

Nhờ cái đó mà mình về, mình thấy tại thời điểm đó mình dở nè, tại điểm đó mình cần phải làm những cái này. Nam và huấn luyện viên ở CLB Hải Đăng Tây Ninh hiện tại phải giải quyết vấn đề đó để cho các chặng tiếp theo. Đó mới là quan trọng.

Lý Hoàng Nam vỡ òa sau chiến thắng tại giải M15 Tây Ninh 2022, giải đấu Hoàng Nam đăng quang liên tiếp 3 lần

PV: Giờ đây, sân chơi chính của Nam là khu vực và thế giới. Người Việt Nam có tố chất, thể lực thua kém, đối diện với các tay vợt có thể hình, thể lực tốt hơn, Nam có bị tâm lý ?

Hoàng Nam: Cái đó ai cũng bị. Giờ thi những giải lớn chắc chắn bị tâm lý vì khi ra sân thấy: “Ồ! Nhiều người quá, tay vợt đối thủ tốp 100, tốp 50.” Nhưng khi trái banh lăn, mình chỉ tập trung vào trái banh thôi, không nghĩ về vấn đề tâm lý nữa.

Kể cả Roger hay “Big four” làng quần vợt khi vào trận ít nhiều đều bị tâm lý. Nhưng cái Nam muốn nói là kiểu vào sân lại sợ đánh không được. Khi thi đấu quốc tế, kể cả gặp những tay vợt cao hai mét mấy, đô con, giao banh mạnh nhưng mình không sợ. Cứ vào thi đấu. Để kết quả tự đến, còn mình cố gắng hết sức là được.

PV: Tập trung vào trái banh mà Nam nói là gì?

Hoàng Nam: Khi vào sân, mình tập trung vào trái banh, hướng đi trái banh, không nhìn đối thủ. Sau một trái banh, ví dụ đánh xong trái banh mình thắng hay thua thì lúc đó mình tập trung vào trái banh tiếp theo và mình cũng nhìn coi đối thủ như thế nào. Nam phải để ý đối thủ, đặc biệt những trận mà nắng để coi họ có bị hụt hơi, bị mệt không.

Vì chiến thuật trước trận không hoàn toàn chính xác. Vận động viên hay là phải biết thay đổi chiến thuật trong trận tại từng thời điểm.

PV: Điều gì giúp Nam chiếm lĩnh sân thi đấu? Như với Roger, đó là thái độ điềm đạm đặc trưng khi thi đấu hay một tâm lý tốt như Djokovic?

Hoàng Nam: Nam nghĩ là tự tin và ý chí lì lợm. Vì ra sân, sức mạnh, chiều cao mình không bằng đối thủ. Cú đánh mạnh mình cũng không bằng thì mình ăn người ta bằng sự lì lợm. Mình đánh bóng bền bỉ, nhiều đến mức mà để đối thủ nản chí.

PV: Sự tự tin và lì lợm đó không phải tự nhiên có, cũng không phải là thứ gì đó Nam có thể lôi ra từ túi đựng vợt của mình, mà nó đến từ đâu?

Hoàng Nam: Nam phải tự bồi đắp từ từng cú đánh trong quá trình tập luyện. Không để các cú đánh hỏng làm mình chán nản. Thường khi vào sân, ăn nhau là ăn ở cái đầu, phải suy nghĩ nhanh, tích tắc là một phần. Một phần thứ hai là Nam nghĩ, “mình nhỏ mà, mình không được phép đánh hỏng.”

Cứ như vậy, đánh đến lúc nào đối thủ cảm thấy mình như một cái máy, không hỏng được thì lúc đó là mình đã thắng rồi. Mình không có cú dứt điểm, không có cú đánh mất điểm, không thể đánh một cái ăn liền nhưng mình ăn nhờ sức bền và ý chí. Và cái đó chỉ có được qua quá trình tập luyện, như lì lợm đứng ngoài nắng tập luyện sáu bảy tiếng mỗi ngày chẳng hạn.

Cũng giống các tay vợt chuyên nghiệp, Lý Hoàng Nam lần đầu bước ra sân tennis khi đầu còn chưa chạm tới mép lưới giữa sân. Hành trang của Nam khi ấy không phải rổ bóng cũ, cây vợt đời mới hay bộ quần áo tennis bình thường. Ban đầu, trái banh nỉ thu hút sự tò mò và sau đó thôi thúc Nam trở thành tay vợt chuyên nghiệp. Những đóng góp của gương mặt Forbes Việt Nam U30 năm 2016 đã làm nên lịch sử quần vợt Việt Nam. Quyết tâm cá nhân và tinh thần khổ luyện đã đưa Nam từ sân tennis ở gần nhà tới sân thi đấu trung tâm ở các giải đấu lớn trong hệ thống Grand Slam như Wimbledon.

PV: Không sinh ra trong một gia đình thể thao nhà nòi, không lớn lên ở thành phố lớn (Nam quê Tây Ninh), không có chiều cao và thể lực lý tưởng trong bộ môn tennis…. Nam vượt qua thách thức như thế nào khi trở thành vận động viên chuyên nghiệp?

Hoàng Nam: Khi bạn lựa chọn chơi tennis thì đã là thách thức rất lớn rồi. Tại Việt Nam, nền tảng về tennis chưa phát triển bằng những những nước ở thế giới. Gia đình Nam không ai theo nghiệp tennis, bố mẹ chơi cho vui.

Và thật sự là lĩnh vực quần vợt Việt Nam chưa có một đàn anh nào đã bước ra thế giới để có thể truyền đạt lại những kinh nghiệm cho các bạn trẻ tại thời điểm mà Nam đang thi đấu.

Khi quyết tâm chọn con đường này, bản thân Nam may mắn được đầu tư của Becamex Bình Dương, đi thi đấu ở nước ngoài nhiều, được chạm trán, nhìn các vận động viên trên thế giới thi đấu rồi mình học hỏi và tự phát triển bản thân.

PV: Thời điểm tiếp xúc với tennis khi Nam mới 7 tên tuổi. Khi đó Nam đã xác định sẽ theo đuổi bộ môn này?

Hoàng Nam: Khi đó ba mẹ không ép, Nam còn quá nhỏ để có thể đưa ra quyết định. Ban đầu chỉ chơi cho vui, khi 7 tuổi Nam bắt đầu tập. 8 tuổi đi thi đấu. 9 tuổi Nam vô địch giải U10 toàn quốc ở Nha Trang rồi mới bắt đầu thấy thích.

Thời điểm đó ở Bình Dương có một lò đào tạo, bạn của ba mẹ Nam giới thiệu và bản thân Nam cũng muốn tham gia dù khi đó còn quá nhỏ. Nam nghĩ đó là một cái cơ duyên đưa Nam đến với tennis.

Lý Hoàng Nam cùng bố mẹ và bạn gái tại giải quần vợt vô địch nam- nữ quốc gia cúp Hải Đăng năm 2020

PV: Có ba yếu tố quan trọng. Một là Nam muốn chơi tennis. Hai là có sự tin tưởng của gia đình. Và ba là chỉ sau hai năm tập luyện đã có giải cao. Trong giai đoạn đầu, nếu không có những thành tựu nhất định sẽ dễ nản. Nam có nghĩ ba điều này đã giúp Nam theo nghiệp tennis?

Hoàng Nam: Yếu tố quan trọng nhất có lẽ là bản thân Nam. Vì lúc trước, ba mẹ đắn đo còn bản thân Nam là người luôn nói con muốn đi, con muốn đi qua đó tập. Thời điểm đó mình còn con nít, không suy nghĩ nhiều và chỉ biết mình muốn tham gia. Ông bà nội cũng cản nhưng Nam thích nên ba mẹ chiều. Đó là một yếu tố.

Thứ hai là khi giành được giải vô địch U10, mình cảm thấy khát khao, vui lắm. Nó tạo cho mình cảm giác muốn được theo đuổi bộ môn nên Nam đã quyết tâm.

Nam nghĩ đó là cái năng khiếu. Tại vì Nam chỉ mới tập tennis có một năm rồi đi thi đấu rồi giành được chức vô địch. Trong máu của mình có cái hợp với môn này và có cái duyên khi nó đến với mình thì phải nắm bắt.

PV: Nhưng ngoài năng khiếu hay may mắn, để trở nên vận động viên vượt trội đều cần ý chí và sự rèn luyện?

Hoàng Nam: Khi qua Becamex Bình Dương để tập chuyên nghiệp thì Nam mới thấy sợ. Ở đó, các anh tập rất nhiều. Mới có 9 tuổi thôi, tập được một thời gian, mình thấy mệt quá. Có khoảng thời gian, ba mẹ cũng muốn Nam đi về vì thấy quá cực và mệt.

Mệt nhưng Nam thấy vui lắm vì có bạn bè, các anh cùng vui chơi tập luyện. Thời điểm khoảng 12 tuổi, Nam xin ở lại tập tiếp còn ba mẹ muốn Nam về.

Đó là quãng thời gian vui nhưng cũng khó khăn vì nhà Nam đâu có điều kiện nhiều. Đầu tuần nào ba cũng phải chở từ Tây Ninh qua Bình Dương, rồi cuối tuần chở về. Mà đi bằng chiếc xe máy trên con đường rất xa. Cứ vậy hoài thì ba mẹ cũng mệt và mình cũng mệt. Nhưng khi vượt qua thời gian khó khăn đó, mình mới thấy mình đúng khi lựa chọn con đường này.

Khó khăn giai đoạn đầu còn là lúc Nam bắt đầu ra nước ngoài. Năm 13 tuổi, Nam đi thi đấu ở Nhật. Không biết tiếng Anh, chỉ đi có một mình, không có huấn luyện viên Việt Nam. Những ngày đầu tiên cũng buồn, khóc. Nghĩ lại, cũng nhờ những khó khăn đó mà mình mới trở nên mạnh mẽ.

Năm 2019, Lý Hoàng Nam trở thành tay vợt Việt Nam đầu tiên giành huy chương vàng ở một kỳ SEA Games

PV: Thời điểm ấy, khó khăn nhiều quá, còn trẻ có nhiều sự lựa chọn khác vậy Nam có muốn bỏ về luôn không?

Hoàng Nam: Có. Nam điện về cho mẹ, nói cho con về. Buồn quá, con chịu không nổi. Bên đó mấy đối thủ đánh rất hay. Mấy giải đầu mình thua tan tác, không nói chuyện được với ai.

Khi điện về, ba mẹ cũng khuyên rồi mình ráng ở lại thêm chút, cố gắng thêm chút. Cứ vậy, từ mình mạnh mẽ hơn. Sau cái lần đó, Nam bắt đầu đi nước ngoài nhiều hơn, thích nghi dần cũng như cải thiện tiếng Anh. Đó là một chặng đường đáng nhớ.

PV: Nam tự an ủi bản thân khi ấy như thế nào?

Hoàng Nam: Những khó khăn đầu tiên khi chơi tennis Nam có chia sẻ với gia đình, ý chí được nâng lên và sau đó bản thân Nam lúc nào cũng tự vượt qua. Từ năm 15 tuổi, những vấn đề gì về tennis, Nam rất ít nói với gia đình vì không muốn ba mẹ lo mà tự giải quyết.
Có những trận dù mình nắm chắc phần thắng trong tay rồi nhưng vẫn thua. Sau những chuyện đó, mình nản lắm. Tennis thì đi xa, không ở Việt Nam. Đánh thua những trận như vậy rất buồn, nản. Có những lần mình cũng muốn bỏ cuộc. Nhưng con đường này là con đường mình đã chọn và đam mê thì phải cố gắng vượt qua thôi.

PV: Khi buồn Nam không chia sẻ với ai sao?

Hoàng Nam: Có lẽ từ khi 15 tuổi, hầu như là không chia sẻ. Đến giờ vẫn vậy. Mọi thứ trong tennis, trừ khi ba mẹ hỏi còn Nam không bao giờ tự kể. Có những chuyện nào Nam thấy nói được thì Nam sẽ nói. Còn về chuyên môn thì Nam chỉ nói chuyện với huấn luyện viên rồi tự giải quyết.

PV: Thành công đến sớm ở tuổi trẻ mang đến rất nhiều sự chú ý và áp lực. Từ khi tập tennis năm 7 tuổi đến 18 tuổi, giai đoạn nào áp lực nhất với Nam?

Hoàng Nam: Nam nghĩ hồi 7 tuổi còn nhỏ, chưa đủ nhận thức được sự áp lực, mà phải từ tầm 16-17 tuổi. Lúc đó mình biết được là nhiều người trông chờ, kỳ vọng vào mình. Mình phải làm gì đó để mọi người không thất vọng.

Rất nhiều vận động viên ở Việt Nam còn nhỏ đánh rất hay, có triển vọng và mọi người đều nghĩ họ hay. Nhưng đến khi 16- 17 tuổi vì một áp lực, vì một lý do nào đó nên dừng.

Nam biết hơn 10 vận động viên như vậy. Kể cả hồi xưa có những vận động viên ăn Nam 1-2 lần luôn nhưng đến tầm 18 tuổi thì nghỉ. Có nhiều lý do lắm, không riêng về áp lực mà là chịu không nổi, kinh tế khó khăn quá hay vấn đề cá nhân khác.

PV: Sau những khó khăn và áp lực mà Nam vừa nói đã giúp Nam trưởng thành và quyết tâm hơn như thế nào?

Hoàng Nam: Trước 18 tuổi, Nam ý thức được là mình phải cố gắng tập luyện, đi thi đấu. Nhưng sau 18, khi thi đấu những giải lớn hơn, mình nhìn nhận ra nhiều điều cần phải học tập từ những đàn anh đi trước, phải ý thức hơn rất nhiều thứ, chuyên nghiệp hơn trong lúc tập luyện.

Thật sự môn này, quá trình sau tập và thi đấu như hồi phục, ngủ nghỉ, ăn uống rất quan trọng.

Nam đến nay có hai lần bị chấn thương, nghỉ hết mấy tháng. Nam nghĩ ít chấn thương là nhờ khi tập xong thì chú trọng hồi phục. Cái đó các bạn trẻ không xem là quan trọng vì tập xong cứ đi về. Nhưng mà căng cơ, làm giãn, thả lỏng, massage quan trọng lắm.

Lý Hoàng Nam chiếm lĩnh sân thi đấu bằng sự tin và ý chí lì lợm

Vì nếu muốn duy trì cường độ 200% mỗi ngày thì người mình phải có thể lực để đáp ứng. Muốn đáp ứng thì phải hồi phục để tập cường độ cao. Nên nhiều bạn thấy tập hôm nay xong ngày sau tập không nổi vì cơ nó cứng hết rồi.

Khi nhìn thấy các tay vợt hạng 300- 400 đi thi đấu không có huấn luyện viên hồi phục đi theo thì sau một trận đấu, họ ra hồi phục một tiếng mà tự làm, trong khi các tay vợt khác có huấn luyện viên đi cùng. Nhìn những cái đó, mình thấy một sự cực khổ vì tất cả vận động viên nước ngoài, đâu phải ai cũng có tiền thuê cả huấn luyện viên tennis lẫn thể lực.

Khó nhưng họ tự làm được thì mình cũng tự làm được. Nên mình ý thức hơn, từ trong sân tennis ra ngoài sân rồi luôn luôn kỷ luật bản thân. Trong đầu Nam lúc nào cũng nghĩ kỷ luật rất quan trọng.

PV: Kỷ luật mà Nam nói đến gì?

Hoàng Nam: Khi đi thi đấu, Nam rất là khó, kiểu như căng vì tập trung. Bản thân mình ăn uống kỹ, ngủ nghỉ kỹ nên nhiều lúc huấn luyện mới nói: Phải thả lỏng đầu óc ra, căng như vậy sao thi đấu.

Xong một giải rồi thì Nam cũng cho bản thân thời gian nghỉ ngơi, ngủ muộn một chút nhưng phải đủ 8 tiếng. Còn khi vô giải, Nam rất tập trung. Trước khi gặp một đối thủ nào, Nam nghiên cứu rất kĩ các video họ thi đấu, coi những điểm yếu rồi nói chuyện với huấn luyện viên. Nên khi thi đấu cái đầu tập trung hết sức có thể.

Trên sân, Nam tập luyện như thể đang thi đấu với khao khát giỏi hơn qua mỗi ngày. Bền bỉ luyện tập ngoài trời từ 6-7 tiếng mỗi ngày trong suốt hơn 18 năm qua, với tính tự giác và sự tập trung, Lý Hoàng Nam được đánh giá là hơn hẳn đồng đội về ý thức và khát vọng. Nam muốn mọi thứ Nam làm là phải chuyên nghiệp nhất, tốt nhất để các bạn trẻ có thể nhìn vào, bắt chước và mang lại nhiều thành công hơn nữa cho quần vợt Việt Nam.

PV: Cường độ tập luyện của Nam thường diễn ra như thế nào?

Hoàng Nam: Một ngày Nam tập khoảng 6-7 tiếng ngoài nắng. Cường độ tập luyện lúc nào cũng sẽ cao nhưng bản thân Nam luôn cố gắng thêm chút xíu nữa. Ví dụ có những ngày huấn luyện viên tập đến 11 giờ xong nhưng mình thấy một cái cú nào đó mình không tốt, mình nói: “Thầy ơi, phát cho con thêm vì những trái banh như vậy con đánh chưa được.” Mình luôn làm, hỏi thêm những cái mình cần để cải thiện thêm nữa.

Hay khi thi xong một giải, các vận động viên tranh thủ về nghỉ ngơi, còn mình thì khác. Mình xong, kể cả trận hai tiếng ba tiếng, mình thấy: “Ơ, cái cú này không được. Thầy ơi con muốn tập thêm cái cú này.” Mình học thêm nửa tiếng, một tiếng nữa. Mình luôn hướng đến những cái mục tiêu xa hơn, cải thiện bản thân để mình đi xa hơn.

Huấn luyện viên giúp Lý Hoàng Nam hồi phục sau thi đấu, tránh rủi ro chấn thương

PV: Đúng là nếu không tiếp tục cố gắng thêm một chút, các vận động viên sẽ dễ vuột mất chiến thắng vào tay vợt trẻ khác?

Hoàng Nam: Kể cả Rafael Nadal cũng nói là anh ấy vẫn chưa hoàn hảo, trong khi đó là một trong những tay vợt hay nhất mọi thời đại, với 22 giải Grand Slam. Anh ấy vẫn phải thay đổi để thích nghi với lối đánh của những tay vợt trẻ.

Vậy nên Nam nghĩ, thành công của mình là học được điều đó. Là khi ra sân biết nói với huấn luyện viên: “Anh ơi, em thấy cái cú này của em cần phải cải thiện.” Còn khi vào sân mà không biết mình cần làm gì, mình sẽ thay đổi cái gì thì đó là thất bại.

Vì tennis không phải lúc nào bạn cũng thi đấu tốt. Sẽ có lúc thi đấu tốt và dở. Người giành chiến thắng là người thấy mình đang thi đấu dở nhưng biết cách thay đổi để giành chiến thắng trong trận đấu.

PV: Tập luyện trong điều kiện thời tiết nắng nóng như vậy, có khi nào Nam nản chí?

Hoàng Nam: Tennis không giống như nhiều môn khác, như bóng rổ có thể thi đấu 6-7 giờ tối. Tennis thường thi đấu 10-11 giờ sáng ở ngoài nắng. Mình tập luyện cũng như vậy, nắng 35 độ nên dễ nản lắm.

Nhiều lúc bản thân Nam ra sân mà thấy cái nắng đến mức phải kêu: “Trời ơi, nắng quá.” Nhưng khi bước ra sân rồi, mình phải tập thôi.

Kể cả những tay vợt châu Âu, khi qua Việt Nam thi đấu trong cái nắng cũng chịu đâu nổi. Ở mình nắng nóng lắm mà Nam tập mỗi ngày nên rất khắc nghiệt. Mình nhớ khoảng 2 năm dịch không đi thi đấu, ngày nào cũng tập. Tập riết nên hết sợ nắng luôn.

Trước những trận đấu Lý Hoàng Nam thường uống 2 lít khi thi đấu, tránh khả năng mất nước

PV: Theo nghiệp tennis từ rất sớm, Nam có phải đánh đổi điều gì như gác lại việc học, ít thời gian với gia đình, bạn bè?

Hoàng Nam: Đã bao nhiêu cái Tết Nam không ở nhà. Đến bây giờ dòng họ, nhiều lúc Nam không biết hết mặt, ba mẹ phải giới thiệu cô Năm, cô Tư vì mình đi liên tục từ nhỏ. Không ở gần gia đình được nhiều, ở nước ngoài chiến đấu một mình. Không riêng bản thân Nam mà tất cả các tay vợt trên thế giới cũng vậy.

PV: Còn việc học phổ thông hay đại học của Nam?

Hoàng Nam: Thời cấp 2, Nam học bán trú, tập tennis buổi sáng còn học buổi chiều nhưng đến lúc thi đấu chuyên nghiệp là mình đi suốt, rồi phải dời học bổ túc buổi tối. Có những lúc mình thi đấu xong về phải thi lại. Đến thời điểm hiện tại thì Nam đã tốt nghiệp lớp 12.

Nào thi đấu chuyên nghiệp xong mới tính đến chuyện học đại học. Thật sự nói học bây giờ nghe nó hơi xa lạ, kiểu nó hơi kỳ kỳ. Nam không biết là mình làm được hay không. Trừ khi có một cái gì đó để quyết tâm thì Nam nghĩ mình sẽ làm được thôi. Nhưng mà giờ nghe nói đến đi học lại, trời ơi, nghe nó buồn lắm, thấy khó đó.

PV: Trong câu chuyện chia sẻ nãy giờ thấy sự quyết tâm, khổ luyện, ý chí, nghị lực vậy theo Nam thế nào là thành cồng?

Hoàng Nam: Vì thành công với Nam bây giờ là có thể duy trì tập luyện tập mỗi ngày. Để mình chuyên nghiệp, kỷ luật mỗi ngày 100% rất khó luôn. Mà giờ Nam nghĩ Nam đã đến mức làm được. Đó là thành công nhất của Nam để có thể đạt đến mục tiêu mà mình đặt ra hiện tại.

Nam đang ở vị trí 244 ATP nhưng vẫn chưa là cái đích cuối cùng mà Nam muốn hướng đến. Nam muốn hướng tới tốp 100, muốn đến những giải Grand Slam. Đó là mục tiêu ước mơ, nếu không làm được thì mình muốn sẽ có người Việt Nam làm được.

Nam muốn mọi thứ Nam làm là phải chuyên nghiệp nhất, tốt nhất để các bạn trẻ có thể nhìn vào, bắt chước. Bản thân Nam hồi xưa là không có ai đi trước để truyền đạt lại. Hầu như các anh chỉ thi đấu trong nước, không ra quốc tế được. Cho nên, mình may mắn, duy trì sự rèn luyện, được các câu lạc bộ tài trợ, được đi thi đấu. Hy vọng sẽ càng mang lại nhiều thành công hơn nữa cho quần vợt Việt Nam.

Xin cám ơn về buổi trò chuyện.