multi-media / Megastory

Forbes Việt Nam U30: Thành công từ dấn thân theo đuổi đam mê

Ngày 10.12, Forbes Việt Nam tổ chức sự kiện truyền cảm hứng dành cho giới trẻ “Đối thoại với tương lai” với sự tài trợ của ngân hàng Techcombank. Bốn gương mặt Under 30 các năm, đại diện cho thế hệ trẻ, dám nghĩ, dám dấn thân theo đuổi đam mê thay vì chọn những lối mòn truyền thống tham gia phiên thảo luận: “Thành công từ sự khác biệt”.
Các gương mặt gồm Hoàng Đức Minh – giám đốc bộ phận Donation ví MoMo (U30 năm 2015); Nguyễn Thị Thu Hà – đồng sáng lập kiêm COO MindX (U30 năm 2020); Hà Khôi – nghệ sĩ cắm hoa (U30 năm 2020) cùng chia sẻ về con đường khám phá khả năng tốt nhất, khơi dậy những tiềm ẩn của bản thân, dám phá bỏ các khuôn mẫu truyền thống và chọn con đường khác biệt để có thành công riêng. Phiên thảo luận với sự điều phối của Lương Thế Huy – viện trưởng viện Nghiên cứu Xã hội – Kinh tế và Môi trường – iSEE (U30 năm 2016)


Hoàng Đức Minh: Tôi vào danh sách Forbes Việt Nam Under 30 với tư cách là nhà hoạt động xã hội cách đây 6 năm. Hành trình từ đó đến giờ cũng rất dài và gian nan. Công ty thì nhiều khi không đạt được kết quả như kỳ vọng, nhưng mà mình vẫn kiên trì với một tinh thần nếu mình còn đi làm nghĩa là công ty chưa chết, chỉ còn một người thôi thì nó vẫn là một công ty còn sống.

Hoàng Đức Minh – giám đốc bộ phận Donation ví MoMo, Forbes Việt Nam U30 năm 2020.

Cuối cùng thì tôi cũng kiên trì đến ngày MoMo mua lại công ty. Vì tôi thấy ở Việt Nam một mình mình không thể nuôi được một nền tảng gây quỹ, nhất định phải là một phần của hệ sinh thái lớn hơn. Đến giờ thì nền tảng gây quỹ của MoMo đã trở thành nền tảng gây quỹ lớn nhất ở Việt Nam, đã giúp được khoảng hơn 200.000 trẻ em tiếp cận các nguồn vốn gây quỹ cho các dự án khác nhau. 

Tôi chưa tốt nghiệp đại học, chưa có vợ, chưa có con. Thực ra mới năm ngoái đây, bố tôi trong lúc ốm đau vẫn gọi điện bảo “hay là con lại đi học đại học”. Bố tôi tốt nghiệp tiến sĩ năm 27 tuổi, trong khi tôi chưa tốt nghiệp đại học, ông vẫn cảm thấy đấy là một sự đau đáu. Tôi cũng thấy thương gia đình. Thứ gia đình còn có thể tin vào mình là mình không xin tiền bố mẹ, hai là thỉnh thoảng truyền thông vẫn nhắc tên. Bố mẹ tôi nhờ đó vẫn tin con mình đi hoạt động xã hội nhưng mà nó “vẫn sống được”. 

Cá nhân tôi chọn con đường này một phần vì cảm giác về trách nhiệm của mình với cộng đồng mình sống. Tôi làm những công việc như hiện tại bởi vì lúc nào cũng cảm thấy không có ai làm và mình giải quyết được thì mình bắt tay làm. Nhưng đến khi vào MoMo, tôi đã cảm thấy rằng dù mình có nghỉ việc thì vẫn sẽ có người tiếp tục nền tảng đó. Cuối cùng nó đã không còn hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mình nữa.

Sau nhiều năm tôi nhận thấy hồi còn trẻ đã ảo tưởng rất nhiều vào khả năng của bản thân. Nghĩ lại những thứ mình đã làm, tôi thấy điều tốt nhất là tôi đã rất kiên trì rèn luyện và làm việc. Thực ra thì mình có thành công ở kỳ vọng này hay kỳ vọng kia không quan trọng lắm. Xã hội rất là lớn. Nếu mình cứ kiên trì và làm thành thạo việc gì đó thì nhất định mình sẽ kiếm được một chỗ đứng trong xã hội, thay vì ước mơ cao xa quá mà năng lực không tới để rồi thất vọng về chính mình. Tôi mong mọi người hãy kiên trì, tiếp tục cố gắng và hãy biết khoan dung với bản thân hơn. 

Cá nhân tôi chọn con đường này, một phần vì cảm giác về trách nhiệm của mình với cộng đồng mình sống, mình cảm nhận không có ai làm, mình giải quyết được nó thì mình bắt tay vào làm.
– Hoàng Đức Minh –


Hà Khôi: Tôi sinh ra và lớn lên ở Vũng Tàu, trong một gia đình 10 anh chị em, gia đình rất khó khăn, cho tới bây giờ vẫn còn khó. Nghề cắm hoa ở Việt Nam không được định danh là một nghề và cũng không có trường đại học nào đào tạo chuyên môn. Khi tôi có cơ hội đi ra nước ngoài thì mới thấy những lý do tại sao người ta có những nghệ sĩ nổi tiếng về ngành hoa, và về nước tôi đã mở startup về cắm hoa. Ngoài sự kiên định còn có một chút may mắn, là mình thấy được chính bản thân mình là người đam mê hoa từ nhỏ.

Mọi người hay trêu rằng hoa thì chỉ dành cho phái đẹp nhưng đối với tôi, tôi đam mê vì hoa mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực. Những bông hoa là những điểm xuyết trong cuộc đời mỗi người, là lời chia sẻ, lời cảm ơn và cũng là một niềm động lực. 

Hà Minh Khôi – nghệ sĩ cắm hoa, Forbes Việt Nam U30 năm 2020

Từ khi 5 – 7 tuổi, tôi đã theo mẹ mỗi sáng thứ bảy đến nhà thờ cắm hoa để cho chuẩn bị cho ngày lễ Chúa Nhật. Tôi thích cắm hoa từ ngày đó. Sau này đi học, đi làm ở một cửa hàng hoa ở Sài Gòn, học thêm từ người của hiệp hội Nhà thiết kế hoa Mỹ (AIFD). Năm 2015, tôi liều vay mượn tiền một mình đi thi và may mắn được cấp chứng nhận AIFD, sau khi vượt qua hàng ngàn ứng viên khắp thế giới.

Cũng may mắn, tôi không phải thuyết phục gia đình về con đường mình đam mê, vì mẹ tôi là một người rất yêu hoa. Nhiều khi bà đi chợ, tiền mua hoa còn nhiều hơn cả tiền mua cá thịt. Sau này khi thi đại học, tôi thấy anh trai học ngành mỹ thuật tốn kém, mới rẽ qua hướng khác, chọn luôn nghề làm hoa. Không có nghề cắm hoa thì bây giờ mình sẽ tạo nên một nghề ở Việt Nam để dành cho những người có đam mê hoa. 

Có một câu chuyện rất là nhỏ, đó là thời điểm dịch bệnh, tôi đi dạy cho các bạn cơ nhỡ. Một số bạn bị thiểu năng, khuyết tật nhưng các rất là thích hoa, nói “sau này em cũng muốn được như anh”. Những bông hoa mang một ý nghĩa rất lớn để giúp xốc lại tinh thần những người không may mắn, thiếu thốn cả về thân thể lẫn tình cảm. Ngoài những bông hoa đẹp ra, mình nên dành những thời gian, công sức để mình trân trọng, mang đến những bông hoa đẹp nhất, đó là sự chân thành và lòng biết ơn. 

Tôi đam mê hoa vì hoa mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc rất đích thực. Những bông hoa là những điểm xuyết trong cuộc đời của mỗi người, là lời chia sẻ, lời cảm ơn và cũng là một niềm động lực. 
– Hà Khôi –


Nguyễn Thị Thu Hà: Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo, các bạn cùng lứa hầu hết bỏ học từ thời cấp ba, lập gia đình rồi làm công nhân. Tôi đã nghĩ điều gì khiến mình có thể đi được xa đến như vậy? Có lẽ câu trả lời quan trọng nhất là giáo dục. 

Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với công nghệ khoảng 9 năm trước, lúc ấy chẳng có ai tin rằng trẻ em Việt Nam nên học công nghệ từ sớm hay Việt Nam sau này sẽ trở thành một trung tâm nhân lực công nghệ thông tin. Người tin điều đấy thì chỉ có mấy đứa ngớ ngẩn ngồi với nhau như bọn tôi. 

Sau một thời gian, nhìn thấy tiềm năng của dự án, bọn tôi quyết định là biến MindX thành một doanh nghiệp. Về sự khác biệt mà MindX tạo ra, tôi xin lấy ví dụ về một cựu học viên ở một vùng quê rất xa xôi, đã học ở MindX và được phát triển trong ngành công nghệ. Sau này bạn ấy đi ra nước ngoài làm việc. Thu nhập một năm có khi bằng bố mẹ bạn ấy tích cóp một đời. Đấy là điều mà giáo dục và những tiềm năng công nghệ giúp tạo ra sự khác biệt cho thế hệ mới này.

Nguyễn Thị Thu Hà – đồng sáng lập kiêm COO MindX, Forbes Việt Nam U30 năm 2020

Gia đình tôi cũng nuôi dạy con rất truyền thống, khuôn phép. Nhưng tôi nghĩ rằng mỗi một người có lẽ chỉ có một cuộc đời để sống, mình hãy làm điều mình muốn làm dù phải đánh đổi nhiều. Thực ra bên cạnh tôi không phải chỉ có một mình mà còn những người khác, những cộng sự đã hy sinh rất nhiều và cũng thực sự rất kiên trì vì đam mê chung. Bởi vì có một team như vậy cho nên mình cố gắng từng ngày, từng ngày và dần thì có thêm những người quan tâm và họ bắt đầu tham gia cùng với mình.

Bố mẹ tôi ngay từ đầu cũng phản đối, bởi rất lo lắng. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình làm việc chăm chỉ và khi có thành quả thì bố mẹ thực sự nghĩ rằng con mình đã trưởng thành. Dù sao gia đình vẫn là nền tảng, điểm tựa tinh thần rất vững chắc trong tất cả những khó khăn và thử thách khi bạn chọn khởi nghiệp. 

Hơn 8 năm làm khởi nghiệp thì hình ảnh mà tôi nghĩ rằng có lẽ đã giúp mình vượt qua được tất cả những khó khăn, ngờ vực, tự ti về bản thân, đó là hình ảnh tiến lên như một chú rùa. Lầm lũi, lầm lũi mỗi ngày đi thêm một bước, đến thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì sẽ đi nhanh hơn. Điều mình làm rồi sẽ được công nhận và tạo ra được giá trị và ảnh hưởng.

Lầm lũi, lầm lũi mỗi ngày đi thêm một bước, đến thời điểm
thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì mình sẽ đi nhanh hơn. Điều mình
làm rồi sẽ được công nhận và tạo ra được giá trị và ảnh hưởng.
Nguyễn Thị Thu Hà


Lương Thế Huy: 12 năm đi làm, công việc của Huy hoàn toàn phi lợi nhuận và hoàn toàn không có một chút hiểu biết về kinh doanh. Huy cũng lấy làm lạ vì sao mình lại có thể vào danh sách Forbes Việt Nam Under 30 (cười). Sau này, đặt mình vào cùng với những câu chuyện khác sau, thì Huy phát hiện ra mình cũng không phải đặc biệt gì lắm, cũng không phải là “động vật quý hiếm” gì. 

Lương Thế Huy – viện trưởng viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE)

Có  những người bạn làm mình cảm thấy không đơn độc, những người trẻ luôn luôn hướng tới sự khác biệt, luôn tạo ra giá trị mới cho xã hội. Ba của tôi mong muốn con mình có một công việc rất là bình thường như một kế toán chẳng hạn. Còn tôi khi thi đại học thì chọn vào ngành xã hội.

Tôi phải mất rất nhiều thời gian tranh luận với ba tôi rằng đây là thế mạnh, năng lực và đam mê của mình. Mọi người vẫn hay có những suy nghĩ kiểu như thứ bậc trong ngành nghề, trong xã hội là nếu mình không làm được việc này thì mình mới đi làm công việc kia.

Trước hết, Tôi tin rằng nếu làm những công việc bố mẹ chúng ta vạch sẵn, những công việc dễ dàng hơn, phổ thông hơn thì mọi người đều sẽ rất thành công, nhưng động lực đam mê vẫn khiến mọi người quyết định chọn một hướng khác biệt, mới và đầy thách thức.

Tôi còn tin rằng rất nhiều người là ngoài kia được dạy từ nhỏ rằng im lặng thì tốt hơn là lên tiếng, giống nhau thì tốt hơn là khác biệt, tuân thủ thì tốt hơn là thay đổi. Nhưng nếu một xã hội mà những thế hệ trẻ như chúng ta luôn giữ quan điểm đó thì không có điều gì xảy ra cả, sẽ không có tiến bộ, sẽ không có đổi mới, sẽ không có những phản tư.

Tôi tin nếu làm những công việc bố mẹ chúng ta vạch sẵn,
sẽ dễ dàng hơn, phổ thông hơn thì mọi người đều rất dễ
thành công, nhưng động lực đam mê vẫn khiến mọi người
quyết định chọn hướng khác biệt, mới và đầy thách thức.
Lương Thế Huy


Giây phút mà chúng ta nhìn vào cuộc sống và bắt đầu sự thay đổi bằng hành động thì luôn luôn khó. Bởi vì sự sợ hãi những dị biệt. Tôi tin rằng sau buổi thảo luận này chúng ta có thể yêu thêm một chút, ít nhất là bớt sợ hãi một chút về những sự khác biệt. Chúng ta sẽ dám tiến gần hơn đến sự khác biệt để bước đến sự thành công và quan trọng hơn là sự hạnh phúc cho bản thân mình cũng như cho xã hội. 

Xin cảm ơn tất cả mọi người.