Doanh nhân

Sahra Nguyễn nuôi dưỡng năng lượng cà phê Việt

1 năm trước
Tác giả Minh Tâm

Sahra Nguyễn, cô gái Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất, đang bán cà phê robusta của Việt Nam tại nơi mình sinh ra và nuôi giấc mơ tạo nên một công ty F&B tầm cỡ.

Share
this:

Một ngày tháng 4.2018, trong căn hộ ở NewYork, Mỹ, Sahra Nguyễn ăn mặc lịch sự, trang điểm nhẹ, ngồi trước máy vi tính và chờ đợi. Sau sáu năm làm phim tài liệu, hôm nay, loạt phim “Deported” mà cô bán cho đài NBC News được trao giải thưởng NAMIC Vision ở hạng mục truyền thông kỹ thuật số – dạng dài. Lễ vinh danh được thực hiện trực tuyến. Deported được Sahra Nguyễn bắt đầu từ 2016, hoàn thành năm 2017, kể về cuộc đấu tranh của những người Mỹ gốc Campuchia nhằm chấm dứt việc bị trục xuất về lại Campuchia.

Cách căn hộ của Sahra Nguyễn không xa là xưởng rang cà phê cô đang làm việc mỗi ngày. Cùng với làm phim tài liệu, Sahra Nguyễn đã có thêm một đam mê mới, đó là sản xuất cà phê từ Việt Nam. Ở thời điểm đó, cô không ngờ rằng sau này khi phải chọn theo đuổi giữa hai đam mê, cô đã chọn cà phê. “Sau Deported, tôi có thêm nhiều lời đề nghị làm phim hơn, được nhiều người biết đến hơn. Nhưng niềm đam mê với cà phê cứ lớn dần, chiếm hết thời gian của tôi dù chưa thể nuôi sống. Đến cuối năm 2019, khi công ty lớn nhanh, tôi buộc phải chọn hoặc phim hoặc cà phê vì không thể cùng lúc làm hai việc. Tôi đã khóc khi phải lựa chọn như vậy,” Sahra Nguyễn nói với Forbes Việt Nam vào một buổi sáng tháng hai qua Google Meet.

Khởi nghiệp bán cà phê rang xay Việt Nam tại Mỹ khi 33 tuổi, Sahra Nguyễn, thế hệ thứ nhất trong một gia đình di cư từ Việt Nam, đang từng bước gầy dựng Nguyen Coffee Supply, doanh nghiệp bán cà phê robusta của Việt Nam đầu tiên tại Mỹ nhờ những câu chuyện và cô nuôi ước mơ tạo nên một công ty bán cà phê Việt Nam tầm cỡ.

Sahra Nguyễn ở xưởng rang xay cà phê Việt Nam tại Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việt Nam là nước sản xuất cà phê vối, tên được biết đến nhiều hơn là robusta, lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai toàn cầu. Cà phê robusta được đánh giá thấp hơn cà phê arabica, còn được gọi là cà phê chè. Giá một bao cà phê robusta thường chỉ bằng một nửa cà phê arabica. Các công ty sản xuất cà phê thường mua robusta từ Việt Nam để làm nguyên liệu cho cà phê hòa tan và thường không nói rõ nguồn gốc này.

Sahra không chấp nhận: “Nói cà phê arabica tốt nhất còn robusta thứ cấp là cảm tính. Điều đó là không đúng.” Cô lý giải, xét về thành phần, cà phê robusta từ Việt Nam có lượng caffeine gấp đôi, chất oxy hóa cao hơn 80% và lượng đường ít hơn 60% so với cà phê arabica. Dùng robusta cho cà phê hòa tan cũng được nhưng vẫn có thể làm cho giá cà phê tăng lên, để đời sống người nông dân tốt lên.

Và cô gái gốc Việt, thích uống cà phê, muốn thay đổi tình trạng này. Cô tin có thể bán cà phê robusta cho người Mỹ vì họ vốn thích uống cà phê, cũng đã quen vị cà phê Việt Nam, chỉ không biết đó là cà phê đến từ Việt Nam. Ý tưởng đến vào năm 2016. Đó là lý do khi về Campuchia làm loạt phim tài liệu Deported, cô đã bay về Hà Nội trước thăm họ hàng, chia sẻ ý tưởng và được em gái của bố giới thiệu một đồng nghiệp là chủ một vườn cà phê ở Đà Lạt.

Sahra lên thăm vườn cà phê, giữ liên lạc với chủ vườn. Đến đầu năm 2018, Sahra bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng, theo kiểu làm từng chút và vẫn tiếp tục làm phim. Lấy 5.000 đô la Mỹ tiết kiệm được, “cà” luôn thẻ tín dụng, Sahra có 20 ngàn đô la Mỹ và bắt đầu khởi nghiệp. Cô đặt mua 360kg từ Việt Nam. “Tôi bắt đầu mà không biết gì. Cứ lên Google học, hỏi người quen. Chuyện gì cũng phải tự học, tự làm, từ nhập khẩu, rang sao,” Sahra kể.

Độ đậm đặc của cà phê robusta không hợp với khẩu vị người Mỹ. Cô phải giới thiệu từ từ, chậm rãi bằng những ly cà phê rang vừa để không quá đậm, đắng. Nhưng điều khó hơn là kể những câu chuyện để mọi người hiểu cà phê robusta đặc biệt thế nào, có giá trị ra sao. Chuyện này không quá thách thức với Sahra, người tự nhận có tài năng kể chuyện, từng có nhiều năm làm trong ngành truyền thông, tốt nghiệp chuyên ngành kép về nghiên cứu người Mỹ gốc Á và Văn hóa – Nghệ thuật thế giới, đại học California, Los Angeles (UCLA). Các clip, các câu chuyện của Sahra thu hút được sự chú ý của nhiều người, bao gồm cả phóng viên của nhiều tờ báo lớn và các nghệ sĩ.

“Lúc bắt đầu, tôi không có tiền để quảng cáo hay tiếp thị. Tôi kể chuyện. Tôi cũng làm việc với một người chuyên làm về truyền thông ở New York để giúp tôi kể chuyện,” Sahra kể về cơ hội xuất hiện trên các kênh truyền hình, tờ báo ở Mỹ như Good Morning America, New York Times, Wall Street Journal, trang bìa của tạp chí Food & Wine với tư cách “Game Changer” hay hai lần uống cà phê với diễn viên Drew Barrymore trong chương trình truyền hình.

Sahra Nguyễn trong một lần đi thăm nông trại cà phê ở VIệt Nam.

Gần một năm rang xay thử nghiệm, tháng 11.2018, Sahra mới có mẻ cà phê đầu tiên đạt yêu cầu. Sản phẩm sau đó ra mắt trên mạng. 1.496 túi cà phê rang xay, mỗi túi 340 gram lần lượt bán qua kênh online, vận chuyển đến nhiều bang của Mỹ. Sahra thừa nhận, “COVID-19 giúp Nguyen Coffee Supply lớn nhanh khi người người mua cà phê trong những ngày lockdown phải làm việc tại nhà”.

Hiện mỗi sáu tháng cô nhập khoảng 20 tấn cà phê tươi, vừa đủ một container 20 feet. Từ chỗ làm một mình, nay Sahra có thêm sáu công nhân. Sahra cho biết dù tăng trưởng tốt nhưng vẫn “chưa có lợi nhuận.” Ngoài kênh thương mại điện tử, Nguyen Coffee Supply bán cho các nhà hàng, quán cà phê với doanh thu đóng góp khoảng 10-15%. Ngoài bán cà phê, cô còn bán bộ dụng cụ pha cà phê phin lọc truyền thống, giúp khách hàng làm quen với cách pha cà phê bằng phin của Việt Nam: nhỏ giọt, chậm, không tốn giấy lọc.

Hiện tại, Sahra đã xong khâu R&D cho sản phẩm cà phê lon. Đầu tháng ba, cô đi thăm nhà máy để chính thức sản xuất và dự tính giữa năm nay bán ra thị trường. Cô cũng muốn mở quán cà phê để giới thiệu văn hóa cà phê Việt Nam ở Mỹ trong khoảng ba năm tới. “Tôi có rất nhiều ý tưởng nhưng phải từ từ. Bởi nếu làm cùng lúc nhiều thứ thì không đủ sức,” Sahra nói.

Bố Sahra người Hà Nội, mẹ cô gốc Quảng Ngãi, họ gặp nhau ở Boston khi đều là những người duy nhất trong gia đình di cư đến đây. Vì vậy, gia đình nội ngoại của cô đều đang ở Việt Nam. Trước COVID-19, mỗi năm cô về thăm họ hàng ít nhất một lần. Trong cuộc trò chuyện bằng tiếng Việt với Forbes Việt Nam, thi thoảng Sahra mới dùng vài từ tiếng Anh. Cô biết cả những khái niệm rất truyền thống như “coi ngày cưới”, “năm tuổi.”

Đã lâu không được về Việt Nam vì COVID-19, Sahra nói cô nhớ người thân, nhớ phở tươi, nhớ những lúc thảnh thơi ngồi ở quán cà phê nào đó trên phố cổ… Hai năm qua, cô có ít thời gian dành cho bản thân, cũng không còn hứng thú đi chơi với bạn bè vì “muốn dồn năng lượng làm việc, nghĩ chuyện lớn” khi cà phê chiếm hết tâm trí.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 103, tháng 3.2022, Danh sách 20 nữ quản lý hiện đại