multi-media / Megastory

Eddie Hearn- Người mang hào quang trở lại cho đấu trường quyền anh

Eddie Hearn của Matchroom đang mang hào quang trở lại cho môn quyền anh với hình tượng của một nhà quảng bá thể thao ồn ào, được xem là người hùng mới nhất trong giới thể thao – và cả nhân vật phản diện.

Vào một ngày tháng bảy nhiều mây ở London, Eddie Hearn đón tiếp giới truyền thông bên trong khách sạn Hilton Syon Park để quảng bá trận đấu quyền anh lớn của nước Anh. Đó là trận tái đấu diễn ra vào tháng tám giữa nhà vô địch hạng nặng hai lần, Anthony Joshua, và cựu vô địch quyền anh của nước Anh, Dillian Whyte.

Dẫu đang tổ chức sự kiện, Hearn vẫn liên tục suy tính cho những cơ hội trong tương lai. Để ý thấy cựu vô địch hạng nặng Derek Chisora đang cách mình vài bước, Hearn nhanh chóng thực hiện một cuộc phỏng vấn với ông ấy và một võ sĩ khác, Fabio Wardley.

“Còn hai người thì sao?” Hearn nói đùa với họ cho đến khi cả hai người đều tỏ ra hứng thú rồi mới bắt đầu phỏng vấn. Dù không phải là một trận đấu bom tấn, nhưng một trận quyền anh giàu kịch tính vẫn thu hút sự chú ý của công chúng như thường lệ.

Hearn, 44 tuổi, là người luôn nỗ lực hết mình. Ông đã thúc đẩy công ty tổ chức sự kiện của gia đình mình, Matchroom Sport, vượt qua những giới hạn tưởng chừng như không thể. Forbes ước tính công ty này đạt doanh thu 365 triệu đô la Mỹ cho năm tài khóa 2023 (kết thúc vào ngày 30.6) và lợi nhuận ròng 60 triệu đô la Mỹ.

Phần lớn kết quả này có được nhờ sự tái sinh của bộ phận quảng bá môn quyền anh mà ông khởi động vào năm 2012, phát triển từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành thương hiệu toàn cầu.

Eddie Hearn.

Quyền anh hiện chiếm hơn phân nửa doanh thu ước tính hằng năm của Matchroom Sport (235 triệu đô la Mỹ) và gần 20 triệu đô la Mỹ trong dòng tiền của công ty.

Công ty của ông là cái tên lớn nhất trong giới quyền anh nước Anh, là doanh nghiệp non trẻ nhưng có khả năng mang lại nhiều lợi nhuận ở nước Mỹ và là danh tiếng đang lên tại các thị trường mới hơn như thị trường Trung Đông.

Đó là thành công mà cha của Eddie Hearn, ông Barry Hearn, chưa bao giờ mường tượng được khi sáng lập công ty vào năm 1982. Bắt đầu chỉ với 100 bảng Anh và tập trung vào môn bi-da, sau đó là ném phi tiêu và các môn thể thao nhỏ khác, Barry đã phát triển mảng kinh doanh này thành doanh nghiệp quảng cáo có tiếng.

Lợi nhuận của công ty đạt xấp xỉ một triệu đô la Mỹ trên doanh thu 10 triệu đô la Mỹ vào thời điểm Eddie gia nhập Matchroom năm 2000.

12 năm sau, khi Eddie lần đầu nói với cha về một kế hoạch đột phá cho bộ phận quảng bá môn quyền anh của công ty, số tiền mà toàn bộ doanh nghiệp kiếm được (bảy triệu đô la Mỹ lợi nhuận ròng trên doanh thu 46 triệu đô la Mỹ) chưa bằng con số thu về của riêng mảng đấu võ đài hiện nay. “Tôi luôn ước mơ vươn lên,” Barry, 75 tuổi, nói. “Nhưng Eddie đã mở ra trước mắt tôi một tầm cao mới.”

Có thể nói, Matchroom đã thổi luồng gió mới vào môn thể thao mà nhiều người nghĩ rằng không mấy phát triển, thậm chí đang dần bị lãng quên. Trong thập niên vừa qua, quyền anh đã trở thành một kiểu hoạt động phụ trợ khi được kết hợp thành môn võ thuật tổng hợp trong giải đấu UFC (Ultimate Fighting Championship).

Mọi thứ đã khác xa với thời Muhammad Ali hạ đo ván George Foreman trong trận đấu Rumble in the Jungle (Cuộc thư hùng trong rừng già) vào năm 1974 – sự kiện thi đấu thu hút lượng khán giả toàn cầu rất lớn, khoảng một tỉ người xem (cũng có thể con số đã được phóng đại) và đạt tổng thu được điều chỉnh theo lạm phát là 600 triệu đô la Mỹ.

Những trận đấu đẫm máu trong lồng bát giác, những chiếc đai vô địch giá trị và những võ sĩ đầy lôi cuốn của UFC tiếp tục thu hút người hâm mộ trẻ, đến mức tập đoàn truyền thông Endeavor đã chi hơn bốn tỉ đô la Mỹ để mua hiệp hội tổ chức giải đấu này vào năm 2016. Cuối năm nay, khi được sáp nhập vào WWE, doanh nghiệp này sẽ trở thành công ty đại chúng trị giá 21 tỉ đô la Mỹ.

Trong khi đó, Matchroom đã sản xuất chương trình ghi hình dài hơn 3.000 giờ vào năm ngoái cho 12 môn thể thao trong 30 đêm thi đấu. Hearn chiêu mộ một số ngôi sao lớn nhất trong giới quyền anh, bao gồm Joshua, và một nhà vô địch hạng nặng lâu năm, Canelo Alvarez.

Thay vì phát sóng truyền hình và nhận khoản thù lao theo cách truyền thống, vào năm 2018, Hearn lựa chọn phương pháp hoàn toàn mới – ông ký thỏa thuận tám năm với một dịch vụ phát trực tiếp mới phát triển. Vào thời điểm đó, thỏa thuận ấy được ước tính có tổng trị giá lên đến một tỉ đô la Mỹ, gấp bốn lần giá trị của thỏa thuận trước đó giữa Matchroom với Sky Sports.

Nhưng Hearn luôn suy nghĩ đến những điều lớn lao hơn. Vì sao phải cố giữ Matchroom thuộc sở hữu gia đình 100% trong khi ông có thể mở rộng hơn để đạt mục tiêu IPO của mình? Sau các cuộc đàm phán gần đây để bán số ít cổ phần cho CVC Capital với mức định giá được công bố khoảng 900 triệu đô la Mỹ, Hearn cho biết Matchroom đã nhận được mối quan tâm từ một số công ty cổ phần tư nhân khác.

Hearn nói: “Điều khó khăn nhất khi có một người cha thành công, đặc biệt là người có cá tính và bản lĩnh, là bạn phải cố gắng để đạt đến trình độ của ông ấy hoặc vượt trội hơn ông ấy. Vì vậy, cách duy nhất để tôi có thể công nhận bản thân đã thành công hoặc giành được chiến thắng là đưa công ty đến vị trí mà ông ấy chưa từng làm được.”

Nhưng đó không phải là tham vọng từ bé của Hearn. Lớn lên ở Essex, phía đông bắc London, ông sống tận hưởng nhờ thành quả lao động của cha mình, với những ngày cuối tuần được đi xem các trận đấu quyền anh, hoặc được đưa đón ở trường bằng chiếc limo trắng của Matchroom.

Ông thích chơi bóng gậy và bóng bầu dục. Nhưng việc học bị bỏ bê đến mức Barry đã phải dùng tiền để dỗ dành con trai mình chịu học sau khi Eddie không đậu vào Brentwood, trường tư thục sang trọng tồn tại từ những năm 1550.

Sau khi học hết trung học, Hearn chọn đi làm thay vì học đại học. Ông viết thư cho hàng chục công ty quản lý thể thao và kiếm được công việc đầu tiên, sau đó chuyển sang một công ty khác với mức lương gần gấp đôi. Năm 2000, Hearn bắt đầu quảng bá cho những golf thủ dưới thương hiệu Matchroom.

Mục tiêu tiếp theo là bài xì tố và trò chơi này đã trở thành một trong những nguồn thu lớn nhất của công ty trong thời kỳ thịnh hành của Texas hold’em (một trong những biến thể phổ biến nhất của bài xì tố) ở thập niên đầu của thế kỷ.

Toàn bộ sự nghiệp của Hearn đã thay đổi tại giải Vô địch Poker thế giới năm 2009, khi anh gặp được vận động viên từng giành huy chương vàng Olympic, võ sĩ hạng nặng Audley Harrison, người đang khao khát cơ hội lần thứ hai trên võ đài.

Hearn quyết định chớp nhoáng, đồng ý quảng bá cho Audley Harrison, thậm chí còn hứa hẹn một danh hiệu hạng nặng. Tuy Harrison đã thua, nhưng các võ sĩ khác nhanh chóng gọi điện đến tìm cách hợp tác để gây chú ý tương tự.

Bất chấp sự hoài nghi của cha mình, vào năm 2012, Hearn ký thỏa thuận phát sóng độc quyền với Sky Sports. “Mọi người cho rằng Eddie đã đạt được thỏa thuận nhờ mối quan hệ của cha anh ấy với Sky,” David Itskowitch, cựu COO công ty Golden Boy Promotions của Oscar de la Hoya cho biết. “Nhưng thật sự anh ấy xứng đáng được ghi nhận vì đã làm được những điều chưa từng có trong môn quyền anh trước đây – và anh ấy đã hoàn thành rất xuất sắc.”

Tất nhiên, khi bạn sinh ra đã “ngậm thìa bạc,” và muốn biến nó thành “chiếc thìa vàng,” bạn phải đánh bại rất nhiều đối thủ ngáng đường – đặc biệt là trong giới quyền anh vốn đã quá quen thuộc với chuyện cố đấm vào khuôn mặt tươi cười ngạo nghễ của đối thủ.

Chẳng hạn, trước khi công bố thỏa thuận DAZN, Hearn đã táo bạo tuyên bố rằng Matchroom sẽ thâu tóm thị trường của môn thể thao này ở Hoa Kỳ, và nói đùa rằng việc này sẽ chỉ mất ba tháng.

“Khi tôi đến Mỹ, chiến lược của tôi là nhanh chóng làm mất lòng mọi người, xây dựng hình tượng cá nhân gây ồn ào, thu hút sự chú ý,” Hearn nói. “Tôi muốn được gọi là anh hùng xét theo thời gian và những hi sinh mà tôi dành cho môn thể thao quyền anh. Nhưng đồng thời, tôi không cảm thấy vấn đề gì khi trở thành một kẻ xấu.”

Dù bằng cách nào, Hearn cũng đã có lợi thế cho giai đoạn tiếp theo của môn quyền anh. Theo IBIS World, thị trường Hoa Kỳ trị giá khoảng 440 triệu đô la Mỹ, dự kiến sẽ tăng 3,4% vào năm 2027, nhưng Hearn đang suy nghĩ theo hướng toàn cầu và cố gắng mang các trận tranh chức vô địch đến Trung Đông và châu Á để đổi lấy phí tổ chức.

“Một ngày nào đó tôi sẽ từ bỏ môn quyền anh,” ông nói. “Nhưng vấn đề là môn quyền anh sẽ chỉ khiến bạn say mê. Và nếu bản thân tôi không bị môn thể thao này làm mê đắm, chúng tôi sẽ không thể đạt vị trí thống trị như bây giờ.”