Quốc tế

Doanh nhân gốc Việt David Trần trở thành tỉ phú tương ớt đầu tiên tại Mỹ

Sau hơn 45 năm đến Los Angeles, doanh nhân David Trần đã gầy dựng Huy Fong thành doanh nghiệp có giá trị tỉ đô la Mỹ.

Share
this:

Tháng 12.1978, David Trần, 33 tuổi, rời Việt Nam với 100 ounce vàng (82,9 cây vàng) có giá trị 20.000 USD vào thời điểm lúc bấy giờ, tương đương 90.000 USD tính theo tỷ giá hiện nay, được ông giấu bên trong những lon sữa đặc. Ông Trần đến Hong Kong trên một con tàu chở hàng và sống trong khu tị nạn 8 tháng, 6 tháng sau tới Boston và sau đó định cư tại Los Angeles.

Chuyển đến Los Angeles, David Trần bán số vàng mang theo để mua lại một tòa nhà rộng 2.500 m2 nằm trong khu phố người Hoa. Tại đây, ông thành lập Huy Fong, đặt theo tên của chiếc tàu chở hàng đã đưa ông đến Hong Kong, công ty sản xuất tương ớt lấy thương hiệu Sriracha sử dụng công thức chế biến có nguồn gốc từ Thái Lan.

Hơn 40 năm sau, thương hiệu Sriracha đã có mặt trên bàn ăn của người tiêu dùng trên toàn thế giới, trạm Không gian Quốc tế (ISS) và xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế Survivor. Theo công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, những chai tương ớt Sriracha với logo con gà trống và nắp màu xanh lá cây hiện có mặt trong căn bếp của gần 1/10 gia đình Mỹ.

Huy Fong đứng thứ ba trên thị trường tương ớt Mỹ với doanh thu 1,5 tỉ USD, xếp sau Tabasco của gia đình McIlhenny thành lập từ năm 1868 và Frank’s RedHot từ tập đoàn gia vị McCormick & Co.

Ảnh: Wesley Bedrosian chụp cho Forbes.

Theo công ty nghiên cứu thị trường IBISWorld, Huy Fong hiện có giá trị vốn hóa thị trường 1 tỉ USD dựa trên doanh thu ước tính 131 triệu USD ghi nhận vào năm 2020. Theo đó, ông Trần (77 tuổi) trở thành tỉ phú tương ớt duy nhất của nước Mỹ nhờ nắm toàn bộ quyền kiểm soát công ty.

Khác với các đối thủ cạnh tranh đã bị thâu tóm trong những năm gần đây, với McCormick mua lại thương hiệu tương ớt Cholula theo thỏa thuận trị giá 800 triệu USD vào tháng 11.2022, David Trần không có ý định nhượng lại Sriracha. Thay vào đó, ông có dự định chuyển giao việc kinh doanh cho hai người con William (47 tuổi) và Yassie (41 tuổi). Cả William và Yassie đều đang làm việc tại Huy Fong.

Trên con đường vươn mình thành gã khổng lồ, Sriracha đã không tốn một đồng nào cho hoạt động quảng bá và không nâng giá bán kể từ những năm 1980. Công ty cũng đã vượt qua khó khăn do đơn kiện liên quan đến mùi tương ớt từ nhà máy sản xuất và gần đây nhất là cạn kiệt nguồn cung ớt tươi trong vụ mùa xuân vừa qua, nguyên nhân khiến Huy Fong phải tạm ngừng sản xuất, làm giá bán lẻ tăng lên khi nhu cầu từ người tiêu dùng và các nhà hàng tăng cao.

Dẫu vậy, ông Trần vẫn không tỏ ra tự mãn về thành công của mình. Chia sẻ với Forbes, ông cho biết “Tôi muốn tiếp tục tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, như tương ớt có vị cay hơn và không nghĩ đến việc thu về nhiều lợi nhuận hơn.”

David Trần sinh năm 1945 tại Sóc Trăng trong một gia đình có cha là thương nhân và mẹ đảm đương việc nội trợ, nuôi dạy ông và 8 người anh chị em. Chỉ học hết tiểu học, năm tuổi 16, ông cùng người anh trai chuyển đến Sài Gòn sinh sống và làm việc cho một cửa tiệm bán hóa chất. Sau đó, ông trở về Sóc Trăng để học trung học, rồi gia nhập quân ngũ với phần lớn thời gian phục vụ ở nhà bếp quân đội.

Năm 1975, ông hoàn thành quân ngũ rồi cùng anh trai trồng ớt trên một mảnh đất nằm ở phía đông bắc TP.HCM. Vài tháng trước đó David Trần kết hôn vợ Ada. Về sau, ông Trần chuyển hướng sang làm tương ớt khi nhận ra các loại tương ớt khác trên thị trường không đủ độ cay hoặc thiếu hương vị. Ông quyết định mua ớt tươi và bảo quản, ứng dụng kiến thức hóa học để tạo ra loại tương ớt giữ nguyên vị cay và độ tươi ngon.

“Tôi suy nghĩ về việc tao ra loại tương này vì giá ớt tươi biến động rất nhiều. Nếu có thể tạo ra tương ớt mà vẫn giữ nguyên độ tươi với giá thành thấp, chúng tôi vẫn duy trì giá bán khi thị trường tăng giá, từ đó nắm lấy thị phần,” David Trần cho biết.

David Trần cùng anh trai và bố vợ làm tương ớt tại nhà, đóng trong những lọ đựng thức ăn cho trẻ em thương hiệu Gerber mà binh lính Mỹ để lại.


“Tôi muốn tiếp tục tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, như tương ớt có vị cay hơn và không nghĩ đến việc thu về nhiều lợi nhuận hơn.” – David Trần


Năm 1978, gia đình ông – những người Việt gốc Hoa đến từ Quảng Đông – đã rời Việt Nam đến Hong Kong. Đến tháng 1.1980, David Trần đưa vợ con tới sinh sống tại Los Angeles, một phần khi nghe người anh vợ của ông nói có thể tìm thấy ớt tươi tại California. Ông Trần lấy ớt tươi từ các khu chợ địa phương và thành lập Huy Fong tháng 2.1980, chọn hình ảnh con gà trống làm biểu tượng thương hiệu vì ông tuổi Dậu.

Ông bắt đầu bán tương ớt Sriracha trên chiếc xe tải Chevy màu xanh. Năm 1987, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao đến mức ông chuyển cơ sở sản xuất sang tòa nhà rộng 22.000m2 tại Rosemead, phía đông hạt Los Angeles. Gần 10 năm sau, ông mua lại một nhà máy cũ nằm kế cạnh, nơi từng sản xuất vòng lắc hula của Wham-O.

Năm 2010, Huy Fong chuyển đến nhà máy sản xuất hiện tại, rộng 60.000m2 tại Irwindale, cách Rosemead không xa. Nhưng quá trình phát triển nhanh chóng của Huy Fong đã kéo theo các thách thức mới. Năm 2013, chính quyền thành phố Irwindale đã đệ đơn kiện Huy Fong vì mùi ớt phát ra từ nhà máy sản xuất Sriracha, cho rằng “gây phiền toái đến cuộc sống người dân”.

Sự cố này đã dấy lên tranh cãi dữ dội từ các chính trị gia ở những tiểu bang khác bao gồm cả thống đốc bang Texas, Ted Cruz, muốn David Trần và Huy Fong đưa cơ sở sản xuất ra khỏi California. Là người ít khi xuất hiện trước truyền thông, song ông Trần đã phản hồi bằng cách mở cửa nhà máy cho công chúng tham quan.

Griffin Hammond, nhà làm phim từng sản xuất phim tài liệu về Sriracha năm 2013, cho biết “Một trong những điều thú vị nhất về David Trần là khi ông ấy miễn cưỡng kể về câu chuyện của bản thân. Tất cả những gì ông ấy quan tâm là điều hành việc kinh doanh thật tốt.”

Tháng 5.2014, thành phố rút đơn kiện Sriracha.

Thành công của Sriracha lại dẫn đến sự xuất hiện của các sản phẩm giả, với thiết kế bắt chước logo con gà trống. “Chúng tôi đã gửi nhiều thư yêu cầu ngừng làm giả và đệ đơn kiện.” – theo Rod Berman, giám đốc của Jeffer Mangels Butler & Mitchell tại Los Angeles – đại diện của Huy Fong về vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ, “David Trần nhận ra Huy Fong làm ra loại tương ớt độc đáo, không nơi nào có thể thay thế được chính là cách bảo vệ tốt nhất cho họ.”

Huy Fong tiếp tục đối mặt với một khó khăn khác. Năm 2017, quan hệ hợp tác giữa công ty và Underwood Ranches, đối tác cung ứng ớt độc quyền từ năm 1988, đổ vỡ và hai bên vướng vào cuộc chiến pháp lý. Vào tháng 8.2017, Huy Fong đệ đơn kiện Underwood Ranches, cáo buộc công ty này đã không hoàn trả khoản thanh toán vượt mức 1,4 triệu USD từ mùa thu hoạch trước.

David Trần tại nhà máy của Huy Fong đặt ở Irwindale, California chụp năm 2014. Ảnh: David McNew/Getty Images.

Underwood Ranches kiện ngược lại, cho rằng Huy Fong vi phạm hợp đồng và đã thành lập pháp nhân mới từ năm 2016 để thu mua ớt từ những người trồng khác. Phiên xét xử giữa hai bên kéo dài đến năm 2021, khi tòa phúc thẩm của California đưa ra phán quyết Huy Fong bồi thường thiệt hại 23 triệu USD cho Underwood Ranches.

Ngay cả hiện nay với số người trồng ớt tại California, New Mexico và Mexico tăng cao, Huy Fong, theo báo cáo tiêu thụ 50.000 tấn ớt mỗi năm, vẫn phụ thuộc vào vụ mùa xuân để đảm bảo nguồn cung sản xuất tương ớt. Điều này đã dẫn tới khó khăn vào mùa xuân năm 2022, khi điều kiện thời tiết không thuận lợi khiến vụ thu hoạch kém và thiếu hụt nguồn cung ớt nghiêm trọng, buộc Huy Fong phải tạm dừng sản xuất.

Nhưng khó khăn dường như đã đi qua và Huy Fong có thể quay lại quy mô sản xuất 180.000 chai tương ớt Sriracha/giờ. Công ty cũng ra mắt hai loại tương ớt mới, gồm tương sambal oelek chỉ sử dụng ớt, muối và giấm theo công thức từ Indonesia và tương ớt tỏi, với cách làm tương tự nhưng thêm tỏi.

Kể từ khi bán ra thị trường vào năm 1980, David Trần chỉ sử dụng cùng một thành phần trong tương ớt Sriracha gồm ớt, đường, muối, tỏi và giấm. Đây là công thức thành công đã đưa Huy Fong từ một công ty khởi nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp tỉ đô sau hơn bốn thập niên kinh doanh.

“Tôi có thể sử dụng nguyên liệu rẻ tiền hơn hoặc quảng bá sản phẩm để kiếm nhiều lợi nhuận hơn, nhưng mục tiêu của tôi là luôn cố gắng tạo ra tương ớt chất lượng cao với giá thành phù hợp,” ông Trần chia sẻ.

Biên dịch: Minh Tuấn