multi-media / Megastory

Từng giàu nhất châu Á, tỉ phú Vương Kiện Lâm đang vật lộn huy động tiền mặt để trả “núi nợ”

Trước kia, Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) ở Trung Quốc đã từng vượt qua thời kỳ mất khả năng thanh khoản, nhưng lần này thì khác, ông đối mặt với nhiều khó khăn hơn do nhiều trở ngại về quy định quản lý cũng như các kênh tài chính đang bị thu hẹp.

Vương Kiện Lâm, tỉ phú sáng lập tập đoàn bất động sản và giải trí Dalian Wanda Group ở Trung Quốc, đang vật lộn với một “núi nợ” sắp đáo hạn. Trong bối cảnh thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài, ông đang cố gắng thúc đẩy chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 4 tỉ USD vốn đã thất bại ba lần, và kế hoạch bán trái phiếu vừa bị gác lại.

Vương đang cố gắng tiến hành niêm yết Zhuhai Wanda Commercial Management, công ty quản lý bất động sản thuộc tập đoàn, để huy động vốn, nhưng khả năng niêm yết thành công có vẻ rất thấp. Cuối ngày 28.6, công ty đã gửi lại bản cáo bạch đến sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong. Đây là lần gửi thứ tư kể từ năm 2021. Ba lần trước đều thất bại trong bối cảnh điều kiện thị trường biến động cùng với lĩnh vực bất động sản bị quản lý chặt chẽ hơn.

Theo điều khoản do các cơ quan giám sát và quản lý chứng khoán ở Trung Quốc tiết lộ, Dalian Wanda Commercial Management (DWCM), công ty mẹ của Zhuhai Wanda, có thể phải hoàn trả cho nhà đầu tư trước khi tiến hành IPO số tiền lên tới 30 tỉ Nhân dân tệ (4,2 tỉ USD) nếu không niêm yết được vào cuối năm nay.

Một thông báo đăng trực tuyến cho biết các cơ quan giám sát và quản lý chứng khoán cũng ngừng xem xét phê duyệt hồ sơ đăng ký phát hành trái phiếu trị giá khoảng 830 triệu USD của Wanda Commercial, sau khi chính công ty quyết định không tiến hành nữa.

Dalian Wanda không phản hồi email của Forbes yêu cầu cung cấp thêm thông tin về lí do tại sao công ty ngừng phát hành trái phiếu. Shen Meng, giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Chanson & Co. ở Bắc Kinh, cho biết các công ty và người bảo lãnh rút hồ sơ đăng ký như vậy thường do không còn khả năng trả nợ.

Tài sản của Vương giảm gần 80% so với mức kỷ lục 33 tỉ USD vào năm 2016, khi đó ông là người giàu nhất châu Á. Hiện tài sản chỉ còn 7,8 tỉ USD và đế chế ông xây dựng từ năm 1988, vốn đầu tư vào bất động sản, tài chính và rạp chiếu phim, cũng đang nhanh chóng đi xuống.

Vương Kiện Lâm vỗ tay hoan nghênh những người biểu diễn trong buổi khánh thành Hefei Wanda City tại Hợp Phì, Trung Quốc vào ngày 24.9.2016. Ảnh: Feature China/Future Publishing Via Getty Images/ Forbes

Trong năm 2022, Trung Quốc đưa ra nhiều gói “giải cứu” để ngăn thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nhờ đó, Vương có cơ hội phát hành trái phiếu trên thị trường ở nước ngoài. Tuy nhiên, sau đó Bắc Kinh muốn hướng nguồn vốn ra khỏi bất động sản để nền kinh tế không còn phụ thuộc vào lĩnh vực này.

Các nhà chức trách cũng hạn chế nhiều biện pháp kích cầu bao gồm tăng nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng và bất động sản, dẫu rằng các nhà kinh tế của một số ngân hàng lớn hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2023 do nền kinh tế ở Trung Quốc hồi phục mờ nhạt sau khi dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng ngừa COVID-19 vào đầu năm nay.

“Hiện Vương đang đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn,” Chen Zhiwu, giáo sư tài chính của đại học Hong Kong nói. “IPO, phát hành trái phiếu, khoản vay ngân hàng… tất cả cơ hội huy động vốn này trước hết được dành cho doanh nghiệp nhà nước cũng như công ty trong những ngành chiến lược. Tất nhiên thật khó cho công ty phát triển bất động sản và hoạt động trong các lĩnh vực không quá quan trọng để tiến hành.”

Moody’s Investors Service ước tính rằng DWCM có thể trả hết khoản nợ khoảng 13 tỉ USD sắp đáo hạn trong 12 tháng tới, bao gồm cả chi phí IPO cũng là khoản nợ phải trả, bằng số tiền mặt có sẵn và một phần mua lại các khoản đầu tư ngắn hạn. Nhưng nếu không huy động được nguồn vốn mới, tính thanh khoản của công ty sẽ “suy giảm mạnh.”

Vương thừa nhận những khó khăn để tiến hành IPO, đồng thời thể hiện niềm tin rằng ông sẽ vượt qua được các thách thức này. Gần đây vị tỉ phú có thể củng cố niềm tin của nhà đầu tư ngay cả sau khi các cơ quan hạ xếp hạng DWCM xuống mức thấp hơn do lo ngại về tiềm lực tiền mặt để thanh khoản nếu IPO thất bại.

Theo nền tảng thông tin tài chính Dealing Matrix ở Thượng Hải, trái phiếu phát hành trên thị trường nước ngoài của DWCM đáo hạn vào tháng 7.2023 gần đây tăng lên hơn 90 xu, nhưng trái phiếu bằng đô la Mỹ phát hành vào tháng 1 hiện giao dịch dưới 60 xu.

Vào đầu tháng 6, sau lần thứ ba nỗ lực niêm yết tại Hong Kong thất bại trong tháng 4, ủy ban Giám sát chứng khoán Trung Quốc yêu cầu Zhuhai Wanda cung cấp thêm thông tin, và đưa ra lời giải thích cho tất cả, từ kiểm soát nội bộ đến giao dịch cũng như độ tin cậy của dữ liệu về hoạt động của công ty.

Trong thông báo phát ra ngày 5.6, các nhà phân tích của S&P Global Ratings do Iris Cheng đứng đầu đã viết rằng “cơ quan quản lý chưa chốt thời điểm đưa ra quyết định,” nên họ nghĩ hồ sơ đăng ký IPO của Zhuhai Wanda “chưa chắc được phê duyệt.”

Các cơ quan quản lý cũng đang thắc mắc về khoản cổ tức bằng tiền mặt trị giá gần 2 tỉ USD được trả trong giai đoạn từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2022, khoản này vượt quá dòng tiền của Zhuhai Wanda trong cùng thời điểm đó. Shen của Chanson & Co. cho biết công ty trả khoản tiền đó để xoa dịu các nhà đầu tư trong bối cảnh IPO liên tiếp bị trì hoãn.  

Theo Fitch Ratings, DWCM bắt đầu đàm phán với nhà đầu tư trước IPO, đồng thời xin một số nhà đầu tư gia hạn thời gian trả. Nhưng trang web tin tài chính Caixin ở Trung Quốc đưa tin rằng có một nhà đầu tư, cụ thể là công ty phát triển bất động sản Country Garden của tỉ phú Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan), không muốn nắm giữ cổ phần sau thời hạn tiến hành IPO.

Trong năm 2021, các nhà đầu tư, bao gồm cả Tencent, Ant Group, Citic Capital và PAG, rót vốn khoảng 6 tỉ USD vào công ty quản lý tài sản này với mức định giá 28 tỉ USD. Shen Chen, đối tác tại Shanghai Maoliang Investment Management, cho biết hiện mức định giá này khó có thể duy trì do lĩnh vực bất động sản giảm mạnh, cũng như thị trường chứng khoán ở Hong Kong diễn biến mờ nhạt.

Bên trong trung tâm mua sắm thuộc tập đoàn Dalian Wanda. Ảnh: Zhang Peng/Lightrocket Via Getty Images/ Forbes

“Nếu Zhuhai Wanda được phép niêm yết, các nhà đầu tư có thể sẽ bán ngay khi có cơ hội,” ông nói. “Còn những nhà đầu tư cá nhân nhỏ hơn mua cổ phiếu khi công ty niêm yết thì sao? Các cơ quan quản lý cũng nên lo lắng về họ.”

Vương đã ấp ủ kế hoạch niêm yết công ty vào năm 2016. Lúc đó, vị tỉ phú này nghĩ rằng công ty bị định giá thấp ở Hong Kong. Vì vậy, ông định niêm yết lại tại Trung Quốc đại lục, nơi một số công ty – bao gồm cả công ty bảo mật trực tuyến Qihoo 360 Technology của tỉ phú Chu Hồng Y (Zhou Hongyi) – có thể đạt được mức định giá cao hơn khi quay trở lại niêm yết tại thị trường quê nhà.

Tuy nhiên, khi Vương tiến hành IPO thì đúng lúc Trung Quốc siết chặt những vụ mua bán ở nước ngoài liên quan đến nợ để kiềm chế rủi ro tài chính và ngăn chặn dòng vốn chảy ra nước ngoài.

Vương, vốn trước đây ấp ủ tham vọng xây dựng một đế chế du lịch và giải trí toàn cầu, buộc phải thu hẹp quy mô trong những năm sau đó để trả nợ cho Dalian Wanda. Ông bán khách sạn, công viên giải trí và các dự án du lịch khác với giá hơn 9 tỉ USD vào năm 2017 cho công ty phát triển bất động sản Sunac của tỉ phú Tôn Hoành Bân (Sun Hongbin) và công ty Guangzhou R&F Properties của tỉ phú Trương Lực (Zhang Li). Sau đó, ông bán cổ phần trong câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Atletico de Madrid và chuỗi rạp chiếu phim AMC ở Hoa Kỳ.

Và cũng chính trong những năm đó, Dalian Wanda trải qua đợt tái cơ cấu lớn. Theo thông tin trên trang web của tập đoàn, bất động sản còn lại được chuyển cho Wanda Real Estate Group, công ty phát triển trung tâm thương mại, khách sạn và dự án khu dân cư mang thương hiệu công ty. Ngoài ra, vào năm ngoái, bộ phận giải trí của Dalian Wanda, Wanda Cultural Industry Group, bán cổ phần thiểu số trong Legendary Entertainment cho công ty cổ phần tư nhân khổng lồ Apollo với giá 760 triệu USD.

DWCM cũng muốn tiến hành IPO. Doanh thu công ty kiếm được từ dịch vụ bảo trì và quản lý các trung tâm mua sắm. Vì vậy, công ty không bị cơ quan quản lý giám sát chặt do một phần không trực tiếp phát triển bất động sản. Nhưng cuối cùng kế hoạch niêm yết tại đại lục vẫn bị hủy bỏ vào năm 2021, trong bối cảnh cơ quan quản lý tăng cường siết chặt giám sát cả công ty liên quan đến bất động sản cùng với một cuộc khủng hoảng ngấm sâu vào toàn ngành.

Cuối năm đó, Zhuhai Wanda lần đầu tiên nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại Hong Kong để huy động tới 4 tỉ USD. Theo thông tin trên trang web và bản cáo bạch IPO, hiện công ty quản lý 425 trung tâm mua sắm, đạt doanh thu 3,8 tỉ USD vào năm 2022.

Do IPO chưa chắc tiến hành được nên tài chính của toàn bộ tập đoàn hiện đang bị ảnh hưởng. Gần đây, có thông tin tiết lộ rằng công ty mẹ Dalian Wanda đã thực hiện ba khoản vay ở nước ngoài với tổng trị giá 1,3 tỉ USD để tiến hành niêm yết. Các điều khoản cho phép ngân hàng yêu cầu trả nợ sớm nếu công ty không tiến hành IPO vào tháng 5, nhưng đến nay các ngân hàng vẫn chưa thu hồi nợ.

Theo Caixin, để huy động thêm vốn, trước đây Dalian Wanda đã tìm cách thoái vốn ra khỏi 20 trung tâm mua sắm, nhưng công ty cần thương lượng trước với chính quyền địa phương vì buộc phải giữ quyền sở hữu các dự án trong một khoảng thời gian nhất định.

Gần đây, tập đoàn bán thành công ba trung tâm thương mại trong thỏa thuận trị giá 80 triệu USD cho công ty bảo hiểm địa phương Dajia. Tuy nhiên, vẫn không có nhiều người mua tài sản của tập đoàn. “Hiện ít doanh nghiệp tư nhân có khả năng tài chính để mua những tài sản đó,” Kaven Tsang, phó chủ tịch cấp cao của Moody’s Investors Service cho biết. Những công ty mua tài sản của tập đoàn trong thời gian trước cũng đang ngập chìm trong nợ.

Shen của Chanson & Co. cho biết Wanda có thể chọn bán tài sản ở nước ngoài để huy động vốn. Tsang cho biết vẫn có khả năng tập đoàn có thể vay được nhờ vào thế chấp các trung tâm mua sắm chưa từng được dùng để làm tài sản bảo đảm cho những khoản vay trước đây. Nhưng số lượng trung tâm như thế có thể vẫn không đủ để vay thêm tiền trả nợ.

“Bây giờ tình hình còn tệ hơn,” Shen của Shanghai Maoliang chia sẻ. “Có vẻ như đó không phải là giải pháp tốt, nhưng tôi muốn nói rằng Wanda nên nói chuyện với nhà đầu tư trước khi tiến hành IPO. Việc này có thể dễ dàng thực hiện hơn là cố gắng đàm phán với cơ quan quản lý chứng khoán.”

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm:

Công ty bất động sản khổng lồ Brookfield đối mặt nguy cơ vỡ nợ
“Ông trùm” bất động sản hàng đầu trung quốc fosun trước nguy cơ vỡ nợ ngắn hạn