Doanh nghiệp

Beta Media tìm hướng đi riêng: Nhượng quyền rạp chiếu

Trong đại dịch, Bùi Quang Minh, nhà sáng lập chuỗi rạp phân khúc trung cấp Beta Cinames nhận được phao cứu sinh là nguồn vốn từ Daiwa PI Partners. Anh đẩy mạnh sản phẩm nhượng quyền và có hướng đi riêng.

Share
this:

Hơn hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, bom tấn Spider-Man: No Way Home trở thành bộ phim Hollywood duy nhất vượt mốc doanh thu phòng vé một tỉ đô la Mỹ trên toàn cầu từ cuối năm 2019. Tại Việt Nam doanh thu bộ phim này cũng phát đi tín hiệu rõ ràng về mức độ sẵn sàng quay trở lại rạp của khán giả ưa thích bộ môn nghệ thuật thứ bảy.

Khởi chiếu nửa cuối tháng 12.2021, riêng tại chuỗi rạp Beta Cinemas thuộc Beta Media, bộ phim có 52 suất chiếu hoàn toàn kín chỗ, 101 suất chiếu kín chỗ trên 90% và gần 300 suất kín chỗ trên 70%.

“Khoảng 20% số lượng rạp và phòng chiếu trên thị trường đã biến mất trong đại dịch,” Bùi Quang Minh, 39 tuổi, nhà sáng lập Beta Media, nói với Forbes Việt Nam tại văn phòng làm việc của anh. “May mắn, tất cả các rạp của Beta không chỉ được duy trì mà còn mở rộng nhờ siết chi phí và có nguồn vốn từ nhà đầu tư.”

Theo ước tính của cá nhân anh, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện đã hồi phục khoảng 80% xét trên tiêu chí lượng khách quay lại rạp, số lượng phim công chiếu, tâm lý của nhà đầu tư. Trong thị trường do những tên tuổi lớn như CGV, BHD Star Cineplex, Lotte Cinema, Galaxy Cinema dẫn dắt, Beta Cinemas phát triển theo mô hình nhượng quyền, có cách đi riêng và đang hồi phục.

Beta Media đang vận hành và nhượng quyền 15 rạp chiếu thương hiệu Beta Cinemas,  trong đó có hai rạp nhượng quyền. Công ty đã bốn lần gọi vốn, với tổng vốn huy động 11 triệu đô la Mỹ từ VI Fund II (Anh), Blue HK (Hong Kong) và Daiwa PI Partners (Nhật Bản). Tỉ  lệ nước ngoài sở hữu chạm mức giới hạn là 49%. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ tăng gấp năm lần số lượng cụm rạp hiện nay.

Khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát, chuỗi rạp chiếu phim phân khúc trung cấp này ngấp nghé phá sản. Giữa năm 2020, dịch bệnh có giai đoạn lắng dịu, Beta Media đàm phán ký hợp đồng ghi nhớ (MOU) nhận tám triệu đô la Mỹ đầu tư từ Daiwa PI Partners. Nhưng ngay sau đó dịch COVID-19 bùng phát lần thứ hai với tâm điểm tại Đà Nẵng và lan ra một số địa phương, thách thức quyết định rót vốn thực tế của quỹ đầu tư.

Bùi Quang Minh, nhà sáng lập Beta Media (Nguồn: NVCC).

Minh kể thời điểm ấy nếu quỹ lựa chọn không giải ngân thì “về mặt pháp lý, không có nhiều thứ Beta có thể làm được.” Hai bên ngồi lại và bàn thảo. Có hai chất xúc tác khiến Daiwa PI Partners giải ngân theo hợp đồng khi họ đặt niềm tin vào quyết tâm “ai cũng có thể trải nghiệm những giấc mơ đẹp đẽ của điện ảnh” của đội ngũ Beta Cinemas và tương lai phát triển của chuỗi rạp trung cấp trong dài hạn.

Minh cho biết tầm nhìn tham vọng là yếu tố đầu tiên thuyết phục nhà đầu tư xuống tiền, tức là tầm nhìn phải “vừa tham vọng vừa nhiều màu sắc về tương lai tươi sáng dựa trên dữ kiện cụ thể.” Ngoài thị trường dân số trẻ, thu nhập tăng, số lượng phòng chiếu trung bình  tại Việt Nam còn thấp, với tỉ lệ 11 phòng chiếu/triệu dân, bằng 26% ở Trung Quốc và 8% ở Mỹ. Thêm vào đó, giá vé của các chuỗi hoạt động thời điểm Beta gia nhập thị trường năm 2014 được xem là cao so với khả năng tiếp cận của phần lớn người dân.

Với giá vé chỉ từ 45.000 đồng, chuỗi rạp chiếu này nhắm đến đối tượng học sinh, sinh viên. Đây là điểm khác biệt so với các doanh nghiệp lớn trên thị trường như CGV, Galaxy hay Lotte. “Chúng tôi có khả năng tồn tại và chống chọi tốt hơn do cơ cấu chi phí dễ điều chỉnh và người dân thắt chặt chi tiêu sau dịch,” Minh kể lại lập luận của mình khi thuyết phục nhà đầu tư rót vốn trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh ở Việt Nam.

Hành trình trở thành người sáng lập chuỗi rạp chiếu phim của Minh có thể bắt nguồn từ bộ phim Home Alone (Ở nhà một mình) mà anh tình cờ xem được khi còn nhỏ. Khi ấy, anh mê cuộc sống của cậu bé trạc tuổi mình trong ngôi nhà lộng lẫy dịp Giáng sinh và hình ảnh những chiếc máy bay nối tiếp nhau bay lên bầu trời. Mơ ước đến Mỹ để sống trong cuộc sống thú vị như cậu bé trong phim của Minh sau này thành hiện thực.

Theo lời kể, sau khi tốt nghiệp trường Hà Nội – Amsterdam, anh nhận học bổng toàn phần AusAID của chính phủ Úc và tốt nghiệp đại học Sydney năm 2007. Anh làm việc tại Singapore hai năm trước khi về Việt Nam mở chuỗi cà phê và bánh Doco Donuts với số vốn 300 triệu đồng. Anh bán doanh nghiệp này vào năm 2012 và nhận học bổng Fulbright theo học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Harvard Business School (Mỹ).

Tin những bộ phim có sức mạnh kỳ diệu khi gieo hi vọng và ước mơ, từ đó sẽ biến thành hành động, trở về Việt Nam, Minh thành lập rạp chiếu Beta Cineplex (đổi thành Beta Cinemas sau khi Daiwa PI Partners đầu tư) với địa điểm đầu tiên tại Thái Nguyên năm 2014.

Nguyễn Trọng Đức, giám đốc vận hành Beta Cinemas kể, bảy năm trước Thái Nguyên có hơn 170 ngàn người, với số sinh viên đứng thứ hai tại miền Bắc và có tuyến cao tốc nối liền với Hà Nội giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển cho đội ngũ khởi nghiệp còn trẻ tuổi.

Họ chỉ mất 21 tháng để hoàn vốn cụm rạp đầu tiên với ba phòng chiếu được Minh xây bằng tiền cá nhân và vay mượn người thân.

Minh vẫn nhớ khâu thiết kế phải nhờ cậy, chắp vá từng chút một vì thiếu tiền và thiếu kinh nghiệm. Lúc thi công, Minh và cộng sự tự đi mua gạch, mặc cả khung cửa, trực tiếp lăn sơn hay chà các mảng tường xi măng. Sau đó, trung bình mỗi năm Beta Cinemas mở thêm từ 2-3 rạp với các địa điểm kế tiếp như Đồng Nai, Hà Nội, Nha Trang, Bắc Giang.

Chỉ số lấp đầy là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động và đầu tư các cụm rạp. Đức cho biết năm 2019 chỉ số lấp đầy của Beta Cinemas luôn đạt ở mức kỳ vọng và nhỉnh hơn so với mức trung bình của thị trường. “Trong những ngày cao điểm, cụm rạp Beta Mỹ Đình lấp đầy 70–80%,” anh cho biết.

Rạp Beta Cinemas Quang Trung tại quận Gò Vấp, TP.HCM (Nguồn: DNCC).

Trong khi đó, nhà sáng lập Beta Media phân tích, tại một điểm chiếu có 500 ghế ngồi, với 6 suất chiếu/ngày, với tỉ lệ kín phòng chỉ từ 10% đã có thể giúp điểm kinh doanh đạt mức hòa  vốn. 85% doanh thu của Beta Cinemas đến từ bán vé và bắp, nước, phần còn lại nhờ hoạt động nhượng quyền, quảng cáo đầu giờ chiếu, cho thuê địa điểm… Bắp, nước, vật dụng lưu niệm luôn mang lại biên lợi nhuận cao nhiều hơn từ bán vé.

Theo số liệu tự công bố, bình quân mỗi năm, Beta Cinemas bán ra khoảng ba triệu vé xem phim và dự kiến đạt bốn triệu vé năm nay.

Đại dịch COVID-19 đẩy ngành phát hành phim vào kiệt quệ do giãn cách xã hội kéo dài. Giữa năm 2021, các nhà phát hành phim lớn của Việt Nam gửi văn bản tới cơ quan quản lý đề nghị được hỗ trợ về thuế, lãi vay, gia hạn nộp bảo hiểm và sớm cho rạp chiếu phim hoạt động trở lại. Theo tính toán, số rạp chiếu phim hiện đại giai đoạn 2010–2021 tăng từ 90 lên 1.096 phòng chiếu (tăng 1.104%), số lượt xem phim chiếu rạp trên toàn quốc trong một năm cũng tăng từ 7 triệu lên 57 triệu lượt (tăng 714%).

Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hệ thống rạp gần như đóng cửa, doanh thu từ hoạt động điện ảnh gần như bằng 0, trong khi vẫn phải chịu các chi phí thuê mặt bằng, trả lương. Vì vậy, ngay cả doanh nghiệp lớn cũng có thể phá sản, kéo theo sự suy thoái của ngành công nghiệp điện ảnh trong tương lai.

Minh phân tích hai khoản chi phí lớn nhất của mỗi rạp là chi phí mua bản quyền phim và phí thuê mặt bằng. Chi phí mặt bằng hiện chiếm từ 10–12% trong tổng doanh thu của các rạp Beta. Song một lợi thế của chuỗi nhượng quyền là các hợp đồng thuê thường được ký dài hạn (khoảng 15 năm) và một số đối tác mua nhượng quyền cũng chính là chủ mặt bằng. Trong khi chi phí thuê phim không phải khoản cố định mà sẽ tăng giảm cùng doanh thu từ phim, đây chính là “tấm giảm xóc” cho các rạp trong đại dịch.

Khó có thể dự báo chính xác thời điểm ngành điện ảnh phát triển trở lại như thời điểm trước đại dịch. Đạo diễn Trần Thanh Huy (phim Ròm) kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục mạnh hơn vào nửa cuối năm nay, khi số lượng phim ra rạp đều đặn hơn. Anh cho biết các nhà làm phim Việt đang nỗ lực hoàn tất dự án bị ngừng trệ trong hai năm qua.

Huy nhẩm tính, số lượng phim ra rạp trong năm nay có thể gấp đôi năm ngoái với khoảng 30 phim. Song mối lo ngại hiện thời từ các nhà làm phim là người xem vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại rạp. “Thói quen xem phim của người Việt đã thay đổi, rạp chiếu không còn là lựa chọn duy nhất,” anh nhận xét.

Huy quan sát số lượng phim ra rạp trong hai năm qua (cả phim Việt và nước ngoài) chỉ bằng 1/3 những năm trước khi đại dịch xảy ra. Ngân sách trung bình sản xuất phim Việt Nam từ 1-2 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên đến nay, khi nhu cầu quay lại rạp của khách còn chưa ổn định, Huy ước tính ngân sách cho mỗi bộ phim sẽ giảm còn khoảng 1 triệu đô la Mỹ.

Về phía Minh, anh tin rằng người xem sẵn lòng quay lại rạp khi có phim họ muốn xem. Thách thức đặt ra với toàn ngành không nằm ở nhu cầu đã hồi phục hay chưa mà là xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp để phát triển.

Số lượng rạp chiếu phim tại Việt Nam.

Ngay trong lúc số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở TP.HCM, Beta Cinemas quyết định  đầu tư rạp đầu tiên tại thành phố đông  dân nhất Việt Nam. Cụm rạp thứ 14 của Beta Cinemas đặt tại Quang Trung, Gò Vấp khai trương đầu năm 2021, đánh dấu bước ngoặt mới khi ra đời trong đại dịch với sự thay đổi hoàn toàn so với các mô hình trước đó.

Tại cụm rạp này, Beta Cinemas có các mảng màu mạnh, hình khối đơn giản gây ấn tượng mạnh về thị giác với mục tiêu trở thành không gian chụp ảnh “sống ảo” cho người xem phim. Minh cho biết có những ngày cụm rạp này tiếp đón tới 4.000 lượt khách. Đến nay, đây là một trong ba rạp mang lại doanh thu cao nhất trong hệ thống, bên cạnh Beta Biên Hòa (Đồng Nai) và Beta Mỹ Đình (Hà Nội).

Năm 2018, khi đang vận hành chín rạp tự đầu tư, Beta Cinemas giới thiệu mô hình nhượng quyền rạp chiếu phim. Tùy vào quy mô đầu tư và dự định kinh doanh, phía nhận nhượng quyền có thể chọn một trong ba phiên bản gồm Beta Lite, Beta Standard và Beta Premium, tương ứng vốn đầu tư mỗi phòng chiếu từ 3–6 tỉ đồng. Phí nhượng quyền 7,5% và thời gian hoàn vốn dự kiến từ 3–4 năm (tương đương với rạp do Beta đầu tư).

Minh cho biết mô hình rạp Beta Lite 150m2 ra đời trong đại dịch với tổng diện tích tại điểm chiếu từ 400-500m2, phù hợp cho các địa phương. Còn Beta Premium phù hợp hơn cho khu du lịch và khách sạn như Beta Grand Hồ Tràm trong khuôn viên khu phức hợp nghỉ dưỡng The Grand Ho Tram Strip vừa được khai trương tháng 3.2022. Dự kiến bốn rạp nhượng quyền sẽ được khai trương trong năm nay tại các khu du lịch, khu dân cư cao cấp ở Phú Quốc và TP.HCM. 

Trên thế giới, đại dịch đã thúc đẩy xu hướng xem phim tại nhà với sự bùng nổ của các nền tảng xem phim trực tuyến như Netflix, YouTube, Amazon Prime Video. Nhưng Minh tin đó chưa phải xu hướng chủ đạo ở Việt Nam. Anh giữ cái nhìn lạc quan vào cơ hội về một ngành non trẻ tại thị trường hơn 100 triệu dân trước thực tế là việc phân phối phim không thể thu được lợi nhuận nếu không có sự hiện diện của rạp chiếu.

“Cả nước đang có khoảng 200 rạp chiếu, mỗi rạp có từ 4–5 phòng chiếu và có thể nhân lên ba lần vẫn là biên độ an toàn. Khoảng 5–7 năm nữa, thị trường rạp chiếu vẫn chưa chạm đến ngưỡng phát triển như Mỹ,” anh tỏ ra lạc quan về triển vọng thị trường và tự tin với hành trình đang đi.

(Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam, số 104, tháng 4.2022, chuyên đề Hồi phục từ đại dịch)

————————————-

Xem thêm:
Giải pháp làm phim của tỉ phú Grant Petty
Thế hệ rạp chiếu kế tiếp: Xem phim, ném bowling, ăn uống, chơi game…
“Rạp phim tại nhà” nhộn nhịp mùa giãn cách
Chiến lược của Sotheby’s: Xây ngôi nhà mới cho nghệ thuật đương đại