Giải trí

“Rạp phim tại nhà” nhộn nhịp mùa giãn cách

2 năm trước
Tác giả Giang Lê

Share
this:

Từ ngày 1.5-17.8, lượt thảo luận trực tuyến về chủ đề phim và chương trình giải trí tăng gấp 1,4 lần so với kỳ giãn cách năm 2020.

Trong giai đoạn từ 1.5 đến 17.8, YouNet Media đã ghi nhận hơn 2 triệu lượt thảo luận xoay quanh các chủ đề phim, diễn viên và chương trình giải trí, tăng gấp 1,4 lần so với lần giãn cách năm 2020.

Dẫn đầu đường đua là ứng dụng VieON của Đất Việt VAC, chiếm 35,91% thị phần thảo luận, thành công soán ngôi đầu bảng của Netflix (24%), đồng thời vượt xa thương hiệu nội địa khác là FPT Play (chỉ chiếm 9,5%). Cả ba thương hiệu đều thành công trong việc ghi dấu ấn với người dùng ở các thế mạnh nội dung (USPs) riêng biệt. 

Trong 2 chủ đề được người dùng thảo luận nhiều nhất, “chương trình giải trí” chiếm 36,67%, có phần nhỉnh hơn mảng “phim” gần 5%. Như vậy khác với thời điểm trước, khi nội dung giải trí chủ yếu là các phim truyện, năm nay người dùng đặc biệt thảo luận sôi nổi về các “gameshow”, “chương trình thực tế”, “giải đấu thể thao”. Ở mảng “phim”, có thể thấy “phim Hàn” vẫn đứng đầu trong danh sách được thảo luận nhiều nhất, theo sau là “phim Trung”, “phim Âu Mỹ” và “phim Việt”.

Nhìn chung, thị trường các ứng dụng xem phim và chương trình giải trí trực tuyến đã có hàng loạt thay đổi rõ nét. Đầu tiên là về nhu cầu đa dạng nội dung và sự khó tính của người xem. YouNet Media ghi nhận điểm sáng khi người dùng đã bắt đầu khó tính hơn trong việc xem phim chất lượng cao, tốc độ ổn định, với các phản hồi đáng chú ý như: “dùng tài khoản dùng chung bị giật, out (thoát) khỏi tài khoản không rõ lý do”, “phụ đề lộn xộn”… Đồng thời những bộ phim, chương trình có thần tượng tham dự đều được cộng đồng người hâm mộ nâng cao vấn đề tôn trọng bản quyền, khuyến khích xem phim ở nguồn chính thống.

Bên cạnh đó là sự gia nhập đường đua của hàng loạt thương hiệu mới, cả Việt Nam lẫn nước ngoài. Các thương hiệu này đều sở hữu thị phần thảo luận vô cùng cạnh tranh, đơn cử như iQIYI (chiếm 6,07% thị phần thảo luận) và WETV(5,03%) của “gã khổng lồ” Tencent đến từ Trung Quốc, DANET (9,03%) thuộc quản lý của BHD và VTVGo (5,35%) của Đài truyền hình Việt Nam.