Kinh doanh

Công ty bất động sản khổng lồ Brookfield đối mặt nguy cơ vỡ nợ

Brookfield Corp. đối mặt nguy cơ vỡ nợ trong năm nay, dẫn đến lo ngại cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản thương mại ở Hoa Kỳ.

Share
this:

Bloomberg đưa tin Brookfield Corp., một trong những công ty bất động sản niêm yết lớn nhất thế giới, không còn khả năng chi trả các khoản vay thế chấp bằng tòa nhà văn phòng trị giá 161,4 triệu USD.

Nguyên nhân do tỉ lệ văn phòng trống cũng như lãi suất tăng làm cho công ty phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ trong năm nay, đồng thời dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản thương mại.

Đầu năm nay, Brookfield đã mất khả năng trả nợ cho khoản vay thế chấp bằng hai tòa tháp văn phòng ở Los Angeles. Ảnh: Corbis Via Getty Images/Forbes

Công ty mất khả năng chi trả các khoản vay được thế chấp hơn một chục văn phòng, chủ  yếu ở quanh Washington, D.C., và xảy ra khoảng hai tháng sau khi công ty không thể thanh toán khoản vay 784 triệu USD được đảm bảo bằng hai tòa tháp văn phòng ở Los Angeles.

Theo Green Street, do lãi suất cùng với chi phí vay cao, các mô hình làm việc từ xa và linh hoạt ở bất kỳ đâu trong thời kỳ đại dịch đã gây khó khăn cho dịch vụ cho thuê văn phòng, lợi nhuận cho thuê giảm, đồng thời kéo giá trị tài sản văn phòng giảm 25% so với năm ngoái.

Tỉ lệ lấp đầy văn phòng thấp cùng với lãi suất tăng tác động nặng nề đến danh mục cho thuê văn phòng của Brookfield ở D.C. dẫn đến nguy cơ vỡ nợ. Theo Bloomberg, tại 12 tòa nhà văn phòng, tỉ lệ lấp đầy trung bình đạt 52%, giảm so với 79% vào năm 2018, khi đó công ty sử dụng những bất động sản này để bảo lãnh cho khoản vay.

Ngoài ra, các khoản nợ công ty phải trả mỗi tháng tăng từ 300.000 USD lên 880.000 USD trong một năm qua do lãi suất tăng cao.

Theo dữ liệu của Kastle Systems, chuyên theo dõi những lần thanh toán bằng thẻ, nhiều văn phòng ở các thành phố lớn hoạt động chưa đầy một nửa công suất so với trước đại dịch.

Cổ phiếu của công ty Canada giảm 0,75% vào sáng ngày 18.4 sau tin tức về tình trạng vỡ nợ.

Brookfield là công ty bất động sản tên tuổi đầu tiên vỡ nợ sau khi mất khả năng trả khoản vay thế chấp bất động sản ở Los Angeles vào đầu năm nay. Vài tuần sau, Pacific Investment Management Co cũng không thể thanh toán khoản vay thế chấp bằng văn phòng trị giá 1,7 tỉ USD ở các thành phố lớn như Boston, New York và San Francisco, gây chấn động khắp ngành cho thuê văn phòng.

Vào tháng 2, Wall Street Journal đưa tin mỗi tháng có thêm 5 đến 10 tòa tháp văn phòng đối mặt nguy cơ vỡ nợ do tỉ lệ lấp đầy thấp hoặc lãi suất cao hơn cho những khoản nợ đáo hạn.

Tuy nhiên, trong thông cáo, phát ngôn viên của Brookfield cho biết: “Mặc dù đại dịch đã đưa ra nhiều thách thức đối với văn phòng truyền thống ở một số khu vực của thị trường Hoa Kỳ nhưng mảng này chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong danh mục đầu tư của chúng tôi.”

Dữ liệu của cục Dự trữ liên bang cho thấy ngày càng nhiều vụ vỡ nợ xảy ra có thể khiến cho các ngân hàng nhỏ cũng như khu vực lo ngại vì khoản vay của công ty bất động sản thương mại chiếm khoảng 67%.

Theo Morgan Stanley, khi 1,5 ngàn tỉ USD nợ bất động sản thương mại đến hạn phải trả, các ngân hàng nhỏ có thể đối mặt với nguy cơ phá sản nếu một phần lớn khoản nợ đó không được thanh toán. Ngân hàng khu vực có nguy cơ cao hơn khi Signature Bank ở New York đã phá sản hồi tháng 3 vì khoản vay của công ty bất động sản thương mại chiếm khoảng một nửa.

Quan chức thành phố bắt đầu cố gắng có những biện pháp giúp tăng tỉ lệ lấp đầy văn phòng ở khu vực trung tâm vì đây có thể trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế địa phương. D.C. đang đối mặt với những khó khăn khi tỉ lệ này thấp vì chính phủ liên bang vẫn chưa bắt buộc làm việc tại văn phòng. Ngoài ra, các thành phố lớn khác ở Hoa Kỳ cũng đang có cùng mối lo ngại.

Vào tháng 1, thị trưởng thành phố New York Eric Adams đã công bố kế hoạch chuyển đổi một phần văn phòng của Midtown Manhattan thành nhà ở, theo sau kế hoạch của thị trưởng Washington D.C. Muriel Bowser thực hiện nhiều dự án chuyển đổi văn phòng cho thuê nhờ đó có thêm 650. ngàn m2 nhà ở.

Biên dịch: Gia Nhi

———————-

Xem thêm:

Tập đoàn Fosun của tỉ phú Guo Guangchang trước bờ vực vỡ nợ
Tập đoàn China Evergrande đạt điều khoản cơ cấu nợ