multi-media / Megastory

Cuộc cải tổ ở tập đoàn gia tộc thế kỷ Aboitiz

Sabin Aboitiz nỗ lực thúc đẩy nhà sản xuất điện lớn thứ hai của Philippines thành siêu doanh nghiệp về ngân hàng, cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Sabin Aboitiz đang dẫn dắt công cuộc cải tổ trị giá 6,7 tỉ đô la Mỹ của Aboitiz, tập đoàn ngân hàng và năng lượng có tuổi đời hàng thế kỷ của Philippines do gia tộc của ông kiểm soát, thành một tập đoàn rộng lớn hơn tập trung vào ngân hàng, cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Trong bảy năm tới, chủ tịch kiêm CEO này có kế hoạch mở rộng sang năng lượng tái tạo và xây dựng sân bay, trạm viễn thông và trung tâm dữ liệu để khai thác nhu cầu từ lực lượng dân số trẻ tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Chỉ một thời gian ngắn tiếp quản quyền điều hành công ty từ anh trai Erramon vào tháng 1.2020, Sabin phải chứng kiến hậu quả của việc Aboitiz Equity phụ thuộc vào sản xuất điện (mang lại gần 60% lợi nhuận) khi chính phủ áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm hạn chế đại dịch. Lợi nhuận ròng giảm 30% xuống 15,4 tỉ peso (gần 272 triệu đô la Mỹ) vào năm đó, mức thấp nhất trong hơn một thập niên.

“Chúng tôi muốn đa dạng hóa, mở rộng ra ngoài các ngành được chính phủ quản lý theo quy định riêng và chuyển sang các lĩnh vực tiêu dùng để có thể tận dụng lợi thế về dân số của đất nước,” Aboitiz, 59 tuổi, cho biết trong cuộc phỏng vấn vào tháng 6.2023 tại văn phòng của ông ở trung tâm khu kinh doanh Bonifacio Global City, ngay bên ngoài khu thương mại trung tâm Makati của Metro Manila.

Họ đã làm được điều đó. Đầu tháng 9.2023, Aboitiz Equity hợp tác với Coca-Cola Europacific Partners (CCEP) để mua Coca-Cola Beverages Philippines ở mức giá 1,8 tỉ đô la Mỹ từ doanh nghiệp khổng lồ kinh doanh nước giải khát Hoa Kỳ. Thương vụ mua lại này sẽ phải được thẩm định kỹ lưỡng và phê duyệt theo quy định, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Sabin cho biết: “Việc mua lại là một phần trong chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư của Aboitiz nhằm thâm nhập thị trường tiêu dùng thông qua hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao của một trong những thương hiệu tốt nhất toàn cầu.” Sau khi thỏa thuận hoàn tất, Aboitiz Equity sẽ sở hữu 40% Coca-Cola Philippines, phần còn lại thuộc về CCEP.

Mặc dù quá trình cải tổ hiện tại của Aboitiz là một trong những kế hoạch tham vọng nhất của gia tộc, nhưng những nỗ lực như vậy không phải điều mới. Aboitiz Equity không ngừng phát triển để giữ cho hoạt động kinh doanh luôn phù hợp với thời đại.

Công ty thời thuộc địa – khởi nguồn từ Paulino Aboitiz, thủy thủ đã đến Philippines từ vùng Basque của Tây Ban Nha cuối những năm 1800 và xây dựng doanh nghiệp vận chuyển và buôn bán cây gai dầu. Ông chính thức thành lập doanh nghiệp năm 1920 với tên gọi Aboitiz & Co và thuộc sở hữu tư nhân, là công ty mẹ của Aboitiz Equity.

Bắt đầu từ một cơ sở ở đảo Cebu miền trung Philippines, các thế hệ kế tiếp vẫn luôn tuân theo triết lý của người trưởng tộc quá cố Ramon Aboitiz (con trai thứ hai của Paulino và là ông nội của Sabin), được viết trong cuốn sách do công ty xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm thành lập: “Đừng bao giờ gắn bó với mảng kinh doanh của mình.”

Erramon, 67 tuổi, từng giữ chức chủ tịch và giám đốc điều hành từ 2009-2019, đã phát triển hoạt động kinh doanh năng lượng của Aboitiz Equity thành nhà cung cấp điện lớn thứ hai Philippines với công suất lắp đặt hiện tại gần 4GW. Họ thoái vốn khỏi dịch vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa, từng là hoạt động kinh doanh lớn nhất của tập đoàn, vào năm 2010 do biên lợi nhuận giảm khi phải cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng có nguồn thu từ các nhà máy thức ăn chăn nuôi, sản xuất thực phẩm, xi măng và bất động sản. Sabin nói: “Chúng tôi luôn chuyển đổi nhưng tốc độ chuyển đổi ngày càng nhanh hơn. Chúng tôi đang chuyển đổi từ một ông già trăm tuổi thành một vận động viên 25 tuổi.”

Sabin và các anh chị em của ông thuộc thế hệ thứ tư của gia tộc Aboitiz, đồng sở hữu tài sản ròng ước tính khoảng 3,15 tỉ đô la Mỹ và xếp thứ sáu trong danh sách 50 người giàu nhất Philippines. Gia tộc này có hơn 500 thành viên, trong đó 17 người hiện đang tham gia kinh doanh.

Sau khi tốt nghiệp đại học Gonzaga ở Hoa Kỳ với bằng quản trị kinh doanh và tài chính vào năm 1986, Sabin đã đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau tại nhiều doanh nghiệp của tập đoàn Aboitiz trong suốt toàn bộ sự nghiệp của mình.

Aboitiz Equity có cơ chế kế nhiệm lãnh đạo thường xuyên để đảm bảo sự linh hoạt, trong đó nhiệm kỳ của chủ tịch và CEO được ấn định là sáu năm và độ tuổi nghỉ hưu là 60. (Tuy nhiên, hội đồng quản trị đã gia hạn nhiệm kỳ của Sabin thêm ba năm, đến tháng 12.2027, do sự gián đoạn vì đại dịch). Sabin cho biết mặc dù luôn có thành viên trong gia tộc Aboitiz quản lý tập đoàn, nhưng vị trí của họ tại công ty không được đảm bảo, vì các nhà lãnh đạo được lựa chọn dựa trên thành tích.

Ở thế hệ thứ năm, con trai duy nhất của Sabin, Samel, 32 tuổi, làm việc trong bộ phận tài chính của Aboitiz Equity. Tristan, con trai 41 tuổi của Roberto Eduardo, anh họ Sabin, là CEO của Pilmico, doanh nghiệp sản xuất thịt, bột mì và thức ăn chăn nuôi. Chị gái của Tristan, Ana Maria Aboitiz-Delgado, 43 tuổi, là một trong sáu đại diện gia đình trong hội đồng quản trị gồm chín thành viên của tập đoàn, cùng với Erramon. Người anh cả của ông, Enrique Jr., 69 tuổi, làm chủ tịch hội đồng.

Tình trạng lợi nhuận sụt giảm trong thời kỳ đại dịch không chỉ thúc đẩy Sabin tìm kiếm động lực tăng trưởng mới mà còn dẫn đến sự chuyển đổi từ sản xuất nhiệt điện than sang các nguồn năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm. Vào năm 2021, thời kỳ đỉnh điểm của COVID-19, Aboitiz Equity đã bán 25% cổ phần của Aboitiz Power cho JERA – liên doanh giữa Tepco Fuel & Power của Nhật Bản và Chubu Electric Power – với giá 1,5 tỉ đô la Mỹ, giảm tỉ lệ sở hữu trong công ty này từ 77% xuống còn 52%. Sabin nói: “Không nên có một doanh nghiệp nào nắm giữ hơn 50%.”

Lợi nhuận thuần của tập đoàn trong năm 2022 đã giảm 9% xuống 25 tỉ peso (441 triệu đô la Mỹ) so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm tỉ lệ cổ phần và giảm thêm 11% trong sáu tháng đầu năm nay, do lỗ ngoại hối đối với tài sản bằng đô la Mỹ. Mặc dù thu nhập giảm nhưng Sabin tự tin là chiến lược đa dạng hóa sẽ thúc đẩy lợi nhuận của tập đoàn trong tương lai.

“Chúng tôi tin cuối cùng thì thu nhập cũng sẽ tăng lên khi đa dạng hóa,” Sabin nói. “Thu nhập giảm là hình thức chi phí đa dạng hóa và chuyển đổi mà chúng tôi sẵn sàng đánh đổi.” Số tiền thu được từ bán một phần cổ phần tại Aboitiz Power cũng củng cố bảng cân đối kế toán của công ty để hỗ trợ các kế hoạch đầu tư.

Thời gian này, Aboitiz Power đang đầu tư 190 tỉ peso (3,35 tỉ đô la Mỹ) vào năng lượng tái tạo để tăng hơn gấp đôi công suất phát điện lắp đặt lên 9,2GW vào năm 2030. Công ty đã ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới – hiện chiếm khoảng 77% công suất lắp đặt.

Sabin cho biết họ đang đẩy mạnh xây dựng các nhà máy địa nhiệt, năng lượng mặt trời, điện gió và thủy điện để đạt được mục tiêu sản xuất một nửa sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030. Theo Sabin, thông qua quan hệ đối tác với JERA, tập đoàn cũng đang nghiên cứu các công nghệ năng lượng sạch khác, như khí tự nhiên, hydro và amoniac.

Sabin cho biết: “Những cơ sở này sẽ giúp đa dạng hóa cơ cấu năng lượng của đất nước, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.” Động thái này cũng sẽ giúp Aboitiz Power dễ nhận được nguồn tài chính hơn, vì những bên cho vay có mong muốn giảm lượng khí thải carbon đang ngày càng ủng hộ việc tài trợ các dự án xanh.

Theo Sabin, mặc dù lãi suất tăng nhưng việc huy động vốn không phải là vấn đề đáng lo ngại. “Chúng tôi có rất nhiều hạn mức tín dụng,” ông nói. “Chúng tôi có thể dễ dàng tái cấp vốn cho các khoản nợ của mình.” Ông cho biết thêm, tập đoàn cũng có thể thoái vốn một số tài sản, thông qua việc bán toàn bộ hoặc phát hành lần đầu ra công chúng, để huy động vốn mới.

Dẫu Aboitiz Equity là một trong những tập đoàn mắc nợ nhiều nhất ở Philippines – với tổng nợ vay là 373 tỉ peso (6,58 tỉ đô la Mỹ) và hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,1 lần tính đến tháng 3.2023, theo dữ liệu của Bloomberg – April Lynn Tan, chiến lược gia trưởng của COL Financial Group ở Manila, cho biết tập đoàn vẫn đủ khả năng gánh thêm nợ.

Trong tin nhắn hồi tháng 7.2023, Tan cho biết: “Họ có đủ khả năng sử dụng đòn bẩy cao vì đang kinh doanh năng lượng và dòng tiền rất ổn định. Họ sẽ dễ dàng huy động vốn cho các dự án của mình.” Aboitiz Power là doanh nghiệp hái ra tiền của tập đoàn, chiếm 58% lợi nhuận thuần của tập đoàn vào năm ngoái. Union Bank of the Philippines (Union Bank) là một trụ cột tăng trưởng khác của Aboitiz Equity, chiếm 25% lợi nhuận ròng năm 2022 của công ty.

Vào năm 2021, ngân hàng này đã trả giá cao hơn các đối thủ lớn hơn, bao gồm Bank of Philippine Islands của Ayala Corp., để mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citibank tại Philippines. Thương vụ mua lại trị giá 45,3 tỉ peso (800 triệu đô la Mỹ), hoàn thành vào tháng 8.2022, đã thúc đẩy nguồn thu nhập của Union Bank và củng cố vị thế của họ ở tốp năm ngân hàng tiêu dùng hàng đầu trong nước.

Lợi nhuận thuần của Union Bank đã tăng 6% so với một năm trước đó, lên 6,4 tỉ peso (113 triệu đô la Mỹ) trong sáu tháng đầu năm 2023, nhờ những đóng góp ban đầu từ nhượng quyền thương mại Citibank, sau khi đạt mức tăng trưởng ổn định vào năm ngoái.

Thương vụ mua lại này cũng bổ sung thêm một triệu cá nhân có giá trị tài sản từ trung bình đến cao vào 12 triệu khách hàng của Union Bank. “Đó là sự kết hợp tuyệt vời,” Sabin nói. “Việc mua lại đã tăng cường hoạt động kinh doanh thẻ tín dụng của Union Bank. Chúng tôi đang trên đà trở thành một ngân hàng tiêu dùng lớn.”

Khoản phí thẻ tín dụng từ mảng ngân hàng tiêu dùng của Citibank, cùng với phần đóng góp ngày càng tăng từ ngân hàng kỹ thuật số, đã thúc đẩy biên lãi ròng của Union Bank tăng 60 điểm cơ bản lên 5,2% trong nửa đầu năm so với một năm trước. Lợi nhuận thuần của ngân hàng dự kiến sẽ tăng đều đặn. Maybank Securities dự báo con số này tăng 15% lên mức kỷ lục 14,4 tỉ peso (254 triệu đô la Mỹ) trong năm nay, đạt 19,3 tỉ peso (340,5 triệu đô la Mỹ) vào năm 2024 và 21,4 tỉ peso (hơn 377,6 triệu đô la Mỹ) vào năm 2025.

Sabin cho biết việc mua lại mảng hoạt động của Citibank cũng giúp củng cố giá trị thương hiệu của Union Bank, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng này tài trợ các buổi biểu diễn ở Philippines, chẳng hạn như buổi hòa nhạc của ca sĩ người Mỹ Bruno Mars vào tháng 6.2023, cùng vở nhạc kịch Broadway nổi tiếng Hamilton vào tháng 9.2023.

Ông cho biết thêm, danh mục ngân hàng mở rộng hơn cũng mang đến cho Aboitiz Equity cơ hội bán chéo các sản phẩm và dịch vụ của nhiều doanh nghiệp khác nhau, với các công cụ phân tích dữ liệu do bộ phận khoa học dữ liệu và AI của tập đoàn, Aboitiz Data Innovation, phát triển.

Ngoài năng lượng và ngân hàng, Aboitiz Equity còn tập trung phát triển cơ sở hạ tầng như sân bay, trạm viễn thông và trung tâm dữ liệu. Tháng 9.2022, chi nhánh về cơ sở hạ tầng của họ, Aboitiz InfraCapital, đã đồng ý mua sân bay quốc tế Mactan Cebu với giá 25 tỉ peso (441 triệu đô la Mỹ) từ Megawide Construction của nhà tài phiệt Edgar Saavedra và đối tác Ấn Độ, GMR Airports International.

Thỏa thuận dự kiến hoàn tất vào năm tới. Vào tháng 4.2023, công ty cùng một nhóm gồm năm tập đoàn khác của Philippines đã đưa ra đề xuất nâng cấp cửa ngõ quốc tế chính của đất nước, sân bay quốc tế Ninoy Aquino, với mức đầu tư 267 tỉ peso (4,7 tỉ đô la Mỹ). Tuy nhiên, chính phủ đã từ chối kế hoạch thầu của nhóm vào tháng 7.2023 và dự định mời thầu cho một dự án ít tốn kém hơn, ước tính khoảng 170 tỉ peso (ba tỉ đô la Mỹ).

Sabin, cố vấn tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., cho biết: “Ngay thời điểm bạn tư nhân hóa các sân bay và khiến hoạt động trở nên hiệu quả hơn, du lịch sẽ bùng nổ”. Là người liên lạc chính của hội đồng tư vấn khu vực tư nhân, ông tư vấn cho Marcos về việc hợp lý hóa các quy trình của chính phủ thông qua số hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Hội đồng đã đề xuất số hóa thị thực cho du khách nước ngoài đến Philippines. Theo Sabin, động thái này, cùng với việc nâng cấp sân bay, sẽ giúp thúc đẩy du lịch. Mặc dù lượng du khách tăng gấp năm lần so với một năm trước đó, lên 2,5 triệu trong sáu tháng đầu năm 2023 và dự kiến đạt 4,8 triệu khách trong năm nay, nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trước đại dịch là 8,3 triệu du khách vào năm 2019.

Aboitiz InfraCapital đang xây dựng danh mục các trạm viễn thông và trung tâm dữ liệu trên khắp Philippines để kết nối nền kinh tế kỹ thuật số lớn thứ tư Đông Nam Á. Theo báo cáo về kinh tế điện tử mới nhất do Bain, Google và Temasek công bố, tổng giá trị hàng hóa của thương mại điện tử, giao đồ ăn, công nghệ tài chính và dịch vụ gọi xe trong nước dự kiến đạt tới 150 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, tăng từ mức 20 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái.

Chiến lược gia trưởng Tan của COL Financial cho biết: “Sân bay, trạm viễn thông và trung tâm dữ liệu sẽ mang lại cho Aboitiz dòng tiền rất ổn định.” Aboitiz InfraCapital và Partners Group – công ty cổ phần tư nhân Thụy Sĩ quản lý số tài sản trị giá 142 tỉ đô la Mỹ – đã thành lập Unity Digital Infrastructure vào năm 2021 để mua lại các trạm viễn thông và các cơ sở liên quan trong nước.

Từ tháng 12.2022 đến nay, Unity Digital mua gần 1.100 trạm từ doanh nghiệp viễn thông khổng lồ PLDT và Globe Telecom của Ayala Corp. với giá khoảng 15 tỉ peso (264,6 triệu đô la Mỹ), gần như tăng gấp đôi danh mục hoạt động của mình lên hơn hai ngàn trạm viễn thông trên khắp Philippines. Unity Digital có kế hoạch đầu tư lên đến 25 tỉ peso (441 triệu đô la Mỹ) trong vài năm tới để mở rộng mạng lưới không dây của mình.

Ngoài ra, Aboitiz InfraCapital còn lập liên doanh với EdgeConnex có trụ sở tại Hoa Kỳ – công ty xây dựng trung tâm dữ liệu được hậu thuẫn từ công ty cổ phần tư nhân Thụy Điển EQT – vào năm 2022 để xây dựng trung tâm dữ liệu trong bối cảnh nhu cầu bùng nổ từ các công ty thương mại điện tử và dịch vụ đám mây.

Sabin cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực giúp đất nước duy trì kết nối và thích ứng với bối cảnh kỹ thuật số ngày càng phát triển, thúc đẩy tăng trưởng và tiến bộ cho tất cả mọi người.”

Sabin hi vọng rằng việc đầu tư vào các ngành công nghiệp kỹ thuật số sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư đưa ra mức giá cao hơn cho cổ phiếu của Aboitiz Equity. Theo dữ liệu của Bloomberg, mặc dù công ty giao dịch với chỉ số PE tiềm năng là 12 lần, cao hơn hầu hết các tập đoàn của Philippines, nhưng vẫn ở mức thấp so với San Miguel, 14 lần và JG Summit, 15 lần.

Sabin nói: “Chúng tôi hi vọng một ngày nào đó Aboitiz Equity có thể giao dịch ở mức PE 20 lần hoặc thậm chí cao hơn. Nếu chúng tôi thành công, những hoạt động kinh doanh mới này sẽ tăng lợi ích cho toàn tập đoàn lên gấp nhiều lần.”

—————————————

Biên dịch: Quỳnh Anh

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 124, tháng 1.2024