Doanh nghiệp

Tỉ phú Lance Gokongwei hướng đến tăng trưởng mạnh mẽ sau COVID-19

Tỉ phú Lance Gokongwei sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực hàng không, khách sạn và ngân hàng nhằm đón đầu nhu cầu tại Philippines và các thị trường trọng điểm trên toàn khu vực Đông Nam Á phục hồi mạnh mẽ.

Share
this:

Trong năm 2023, tỉ phú Lance Gokongwei sẽ đầu tư 73,6 tỉ peso (1,3 tỉ đô la Mỹ) giúp tập đoàn đa ngành của ông sải bước thành công trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch COVID-19. JG Summit, tập đoàn của gia đình ông Gokongwei sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các mảng kinh doanh gồm hàng không, khách sạn và ngân hàng, nhằm đón đầu nhu cầu tại Philippines và các thị trường trọng điểm trên toàn khu vực Đông Nam Á phục hồi mạnh mẽ.

Theo đó, hơn một nửa vốn đầu tư sẽ dùng để mua chuyên cơ mới cho Cebu Air, hãng hàng không lớn nhất Philippines ghi nhận lưu lượng hành khách tăng hơn bốn lần trong năm 2022, nhờ vào nhu cầu đi lại tại thị trường nội địa và quốc tế phục hồi sau khi các lệnh hạn chế đi lại phòng dịch COVID-19 trong khu vực được gỡ bỏ. Phần còn lại sẽ đầu tư vào mở rộng quy mô cho mảng ngân hàng và đẩy nhanh quá trình phát triển lĩnh vực bất động sản.

Lance Gokongwei, chủ tịch và CEO của JG Summit. Ảnh: Sonny Thakur chụp cho Forbes Asia.

Lance Gokongwei đã trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử 33 năm kinh doanh của JG Summit do COVID-19 khi Cebu Air “đóng cửa bầu trời” gần như toàn bộ đội bay, thua lỗ khoảng 60 tỉ peso (1,1 tỉ đô la Mỹ) trong ba năm kể từ thời điểm đại dịch bùng phát. Tuy vậy, năm 2022 ghi nhận khoản lỗ đã giảm xuống đáng kể và các nhà phân tích kỳ vọng JG Summit sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2023 khi ngành du lịch bùng nổ (Cebu Air thông báo kết quả kinh doanh cho cả năm vào cuối tháng 3.2023).

Chia sẻ với Forbes Asia trong một cuộc phỏng vấn bên lề diễn đàn Wharton Global diễn ra tại Singapore hồi đầu tháng 3.2023, Lance Gokongwei (51 tuổi), chủ tịch của Cebu Air, cho biết: “Tuy tác động từ dịch COVID-19 kéo dài hơn dự báo, nhưng chúng tôi đã nói với các ngân hàng cũng như đối tác cung ứng rằng, công ty có thể vượt qua thách thức và không phá sản.” Giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 đã chứng kiến một số hãng hàng không tại châu Á đệ đơn phá sản, bao gồm cả hãng hàng không Philippine Airlines (PAL) của tỉ phú Lucio Tan. Nhưng PAL đã thoát khỏi nguy cơ phá sản từ tháng 12.2021 và hoạt động kinh doanh tăng trưởng trở lại.

Trong năm 2021, giai đoạn đỉnh dịch của COVID-19, Cebu Air – vận hành hãng hàng không giá rẻ Cebu Pacific – đã phát hành trái phiếu chuyển đổi cho International Finance Corp. và Indigo Partners để huy động khoản vốn mới trị giá 250 triệu USD, cũng như thuyết phục thành công các ngân hàng và đối tác cung ứng kéo dài thời hạn thanh toán. “Xác định được hướng đi làm hài lòng tất cả mọi người giúp chúng tôi nâng cao mức độ tín nhiệm để trở lại mạnh mẽ hơn nữa,” ông Gokongwei cho biết.

“Cebu Air đang phát triển trong tầm kiểm soát.”

Từng phải cắt giảm nhân sự, quy mô hoạt động và tạm hoãn các kế hoạch mở rộng để vượt qua đại dịch COVID-19, Cebu Air nay sẵn sàng quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng với kế hoạch thuê 5 chuyên cơ mới bên cạnh tiếp nhận thêm 10 mẫu máy bay Airbus Neo vào cuối năm 2023.

Trong năm 2023, Cebu Air sẽ đầu tư 42 tỉ peso (772 triệu đô la Mỹ) để tăng thêm tàu bay mới và gia hạn hợp đồng thuê cho một số chuyên cơ, nâng tổng số máy bay từ 70 chiếc trong năm 2022 lên 76 chiếc vào cuối năm nay.

“Xét đến tốc độ phục hồi từ hoạt động đi lại tại thị trường nội địa và quốc tế, Cebu Air chủ động làm mới đội bay không chỉ là động thái mang tính chiến lược, mà còn cần thiết,” Jacqui de Jesus, nhà phân tích của Maybank Securities có trụ sở tại Manila, Philippines, cho biết qua email. Jacqui de Jesus nhận định quá trình mở rộng sẽ giúp Cebu Air tăng tần suất bay và tạo “bệ đỡ” cho tăng trưởng lợi nhuận.

Tổng lượng khách nội địa và quốc tế của Cebu Air trong năm 2022 đạt 14,8 triệu lượt, tăng từ 3,4 triệu lượt trong năm 2021. Con số này thấp hơn mức đỉnh 22,5 triệu hành khách ghi nhận vào năm 2019.

“Cebu Air đang phát triển trong tầm kiểm soát,” Lance Gokongwei, cũng giữ chức chủ tịch và CEO của JG Summit, cho biết. Nhận định của vị tỉ phú này khác với khi ông chia sẻ với Forbes Asia trong bài phỏng vấn hồi năm 2020, thời điểm Cebu Air chỉ hoạt động với 2% công suất và khoản lỗ tăng cao.

Khi ngành hàng không đang phục hồi, vào tháng 12.2022, ông Gokongwei đã rời vị trí chủ tịch và chuyển sang vai trò CEO. Cebu Air sau đó đã bổ nhiệm giám đốc thương mại (CCO) Alexander Lao thành tân chủ tịch và đưa Michael Szucs, từng có kinh nghiệm 7 năm làm cố vấn quản trị vào vị trí CEO.

Với sự thay đổi này, Lance Gokongwei có thể lui về phía sau và tập trung định vị lại lộ trình tăng trưởng hơn nữa cho tập đoàn gia đình ông.

Sau khi khôi phục hoạt động của Cebu Pacific, hãng hàng không mà ông thành lập và điều hành kể từ năm 1996, Lance Gokongwei đã có bước tiến lớn trong ngành ngân hàng. Tháng 1.2023, thông qua Robinsons Retail, Gokongwei Group đã mua lại 4,4% cổ phần của quỹ đầu tư Quốc gia Singapore (GIC) trong ngân hàng lâu đời nhất Philippines, Bank of the Philippine Islands (BPI) với giá trị 19,7 tỉ peso (362 triệu đô la Mỹ). Thỏa thuận này được thực hiện chỉ bốn tháng sau khi Gokongwei Group đồng ý để Robinsons Bank sáp nhập với BPI, đổi lại có cổ phần trong công ty hợp nhất.

Hình chụp Lance Gokongwei (bên trái) và cha của ông, cố nhà sáng lập JG Summit John Gokongwei Jr tại cảng hàng không Manila vào năm 2013. Ảnh: Jay Directo/Afp/Getty Images.

Sau khi thỏa thuận sáp nhập hoàn tất vào cuối năm 2023, Gokongwei group sẽ nắm hơn 10% cổ phần trong công ty hợp nhất và trở thành cổ đông lớn thứ hai của BPI sau Ayala Corp. “Điều này thể hiện niềm tin của chúng tôi vào nền kinh tế Philippines và giá trị mang lại cho BPI,” Lance Gokongwei cho biết.

Các nhà đầu tư đón nhận thương vụ sáp nhập này một cách tích cực. “BPI có một trong những ngân hàng số phát triển nhất Philippines, nền tảng này theo quan điểm của chúng tôi sẽ còn được nâng cao và mở rộng hơn nữa khi tích hợp vào hệ sinh thái lấy người tiêu dùng làm trọng tâm đang phát triển tốt gồm các nhà cung ứng, người thuê và khách hàng của JG Summit,” De Jesus cho biết.

Để hỗ trợ cho kế hoạch mở rộng, ông Gokongwei đã củng cố bảng cân đối kế toán của JG Summit, với Maybank ghi nhận công ty có khoản tiền mặt 26,5 tỉ peso (487 triệu đô la Mỹ) tính đến tháng 9.2022. Vào tháng 7.2022, công ty thu về 12,4 tỉ peso (227 triệu USD) từ việc chào bán 36 triệu cổ phiếu của Manila Electric, chênh lệch khoảng 26% so với số cổ phần trong công ty con cung cấp dịch vụ điện này. Lance Gokongwei cho biết, thương vụ này giúp JG Summit tăng cường tiềm lực tài chính trong trường hợp xảy ra sự kiện như dịch COVID-19 và không có kế hoạch giảm đi cổ phần.

Trong khi đó, Robinsons Land – công ty con của JG Summit về bất động sản đang tiến hành xây dựng các trung tâm mua sắm, tòa nhà văn phòng, khách sạn và dự án nhà ở mới. Lợi nhuận thuần của công ty trong năm 2022 đạt 9,75 tỉ peso (179 triệu đô la Mỹ), tăng 21% so với năm 2021 và cao hơn trước thời điểm dịch COVID-19. Kết quả có được nhờ vào doanh số bán nhà và doanh thu từ lĩnh vực khách sạn, mảng kinh doanh phát triển nhất của Robinsons Land, tăng lên.

“Thành quả tăng trưởng bền vững này không chỉ đến từ nhu cầu bị dồn nén.”

Sau khi hoàn tất xây dựng ba khách sạn trong năm 2022, Robinsons Hotels đã đưa vào hoạt động khách sạn Westin Manila cao 32 tầng, tọa lạc tại trung tâm Ortigas, phía Bắc quận tài chính Makati trong tháng 3 này. Westin Manila có quy mô 303 phòng, bao gồm 57 phòng cao cấp do thương hiệu khách sạn Mỹ Marriott vận hành. Bên cạnh đó là tòa nhà căn hộ cao 50 tầng, với Ronbinsons Land đã bán được 85% số lượng trong 344 căn hộ riêng tư.

Toàn cảnh bên ngoài tòa nhà khách sạn Westin Manila cao 32 tầng. Nằm sau đó là tòa nhà chung cư cao 50 tầng Ảnh: Robinsons Land.

Gokongwei tin tưởng Robinsons Hotels, sở hữu 26 khách sạn với 4.000 phòng lưu trú ở khắp Philippines sẽ tiếp tục hưởng lợi từ đà phục hồi của ngành du lịch nội địa sau dịch COVID-19. “Thành quả tăng trưởng bền vững này không chỉ đến từ nhu cầu bị dồn nén,” ông cho biết.

JG Summit, một trong những tập đoàn lớn nhất Philippines được cố tỉ phú John Gokongwei thành lập vào năm 1954 từ nhà máy tinh bột, cũng kinh doanh trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, hóa dầu và viễn thông. Sau khi John Gokongwei qua đời vào năm 2019, sáu người con gồm Lance, Robina, Lisa, Faith, Hope và Marcia được thừa hưởng tài sản của ông. Anh chị em nhà Gokongwei sở hữu khối tài sản ròng cộng gộp 3,1 tỉ đô la Mỹ, xếp thứ 4 trong danh sách 50 Tỉ phú giàu nhất Philippines của Forbes công bố vào tháng 9.2022.

Biên dịch: Minh Tuấn