Bất chấp khó khăn khủng hoảng, Neil Davidson vẫn đẩy mạnh kế hoạch lớn cho Coda Payments – công ty có trụ sở tại Singapore chuyên về thanh toán các giao dịch trong game và hiện đã sinh lời.
Đầu năm 2022, Coda Payments của Singapore huy động được 690 triệu đô la Mỹ từ những nhà đầu tư lớn gồm quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC và Insight Partners của Hoa Kỳ cùng Smash Capital.
Khoản đầu tư này – cao nhất từ trước đến nay, giúp nâng giá trị của nền tảng thanh toán cho các giao dịch trong thế giới trò chơi trực tuyến lên 2,5 tỉ đô la Mỹ – và đưa công ty chạm đến mục tiêu khó đạt được đối với các kỳ lân của Đông Nam Á: sinh lời.
Kể từ thời điểm đó, môi trường đầu tư mạo hiểm đã trở nên ảm đạm trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng cao. Nhưng điều đó không làm Neil Davidson, đồng sáng lập và chủ tịch điều hành của Coda Payments, lo lắng.
Trong cuộc gọi video từ văn phòng ở Los Angeles, ông cho biết, việc huy động vốn, bán cổ phiếu thứ cấp đã mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư ban đầu, gồm cả những người sáng lập công ty, nhưng không cần thiết phải huy động vốn mới.
Công ty có đủ dòng tiền, tăng gấp bốn lần lên 68 triệu đô la Mỹ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9.2021, theo hồ sơ quy định tại Singapore. Nhờ đó, công ty có thể tập trung phấn đấu cho mục tiêu phát triển ngày càng lớn mạnh hơn.
Ông nhấn mạnh: “Coda Payments có lịch sử hiệu suất rất đáng tin cậy. Chúng tôi có thể phát triển rất nhiều trong vài năm tới nhờ đạt được mức tăng tương đối khiêm tốn trong thị phần của mình.” (Davidson và người đồng sáng lập Paul Leishman vẫn là cổ đông lớn của công ty nhưng từ chối tiết lộ số cổ phần hiện tại của họ).
Các số liệu trong hồ sơ cho thấy, khi những người tiêu dùng phải ở yên tại nhà trong đại dịch COVID-19 chuyển sang chơi game trực tuyến và các hình thức giải trí kỹ thuật số khác, doanh thu của Coda Payments tăng gấp bốn lần lên 310 triệu đô la Mỹ vào năm 2021 từ 81 triệu đô la Mỹ vào năm 2019, trong khi thu nhập trước lãi và thuế tăng gấp bốn lần lên 43 triệu đô la Mỹ cùng kỳ.
Phần mềm của công ty xử lý thanh toán cho một số trang web lớn nhất thế giới, bao gồm Activision Blizzard, Riot Games, Garena của Sea Group, Netease, Tencent và Tinder. Coda xử lý hơn một triệu giao dịch mỗi ngày và nhận hoa hồng 15% trên mỗi giao dịch khi người dùng thanh toán cho những thứ như phụ kiện trò chơi và nạp tiền.
Coda đang cạnh tranh chính với Apple và Google, nhưng họ có lợi thế cạnh tranh là tính phí bằng một nửa so với mức phí mà các đối thủ lớn hơn thu trên một dịch vụ tương tự.
Davidson đang hướng tới phát triển bên ngoài Đông Nam Á, thị trường lớn nhất của Coda, với sự thúc đẩy mạnh mẽ trên toàn cầu ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ Latinh và Hoa Kỳ. Việc mở rộng bao gồm thanh toán xuyên biên giới cho trò chơi và các sản phẩm khác cũng như liên kết với nhiều cửa hàng ứng dụng hơn.
Kể từ khi chuyển về quê hương ở California vào năm 2019 và thành lập văn phòng Coda ở Los Angeles vào năm tiếp theo, Davidson cố gắng thúc đẩy các giao dịch với khách hàng mới và khách hàng hiện tại, và hi vọng thấy được kết quả trong 12 tháng tới.
“Chúng tôi đang bắt đầu từ vị trí rất nhỏ trong những thị trường mới này,” Davidson, 41 tuổi, nói. “Nếu chúng tôi có thể tạo ra tác động ở những quốc gia này, thậm chí tăng lên một thị phần tương đối nhỏ, thì sẽ thực sự tạo ra lợi nhuận khá lớn cho Coda.”
Khi Davidson và Leishman, giám đốc điều hành của Coda Payments, thành lập công ty 10 năm trước, họ nhắm đến khách hàng tiềm năng là các công ty thương mại điện tử. Cả hai được truyền cảm hứng từ việc Kenya nhanh chóng áp dụng M-Pesa – dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại di động ra mắt ở quốc gia đó vào năm 2007 – và hi vọng sẽ nhân rộng mô hình này trước tiên ở Indonesia và sau đó là toàn bộ mảng e-tail (bán lẻ trực tuyến) bị phân mảnh của khu vực.
“Chúng tôi đã nhận ra tiềm năng to lớn ở Đông Nam Á,” Leishman, 39 tuổi, cho biết qua email. “Khu vực này có dân số đông và ngày càng tăng, ngày càng quan tâm đến việc mua nội dung kỹ thuật số.” Doanh nhân người Canada, có bằng quản trị kinh doanh của trường Kinh doanh Ivey thuộc đại học Western ở Ontario, gần đây đã từ Hong Kong trở về quê nhà ở Toronto để xây dựng quan hệ đối tác với các nhà xuất bản nội dung kỹ thuật số phương Tây.
Các sản phẩm đầu tiên của Coda Payments cung cấp giải pháp thay thế việc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán các giao dịch mua hàng trực tuyến, chẳng hạn như thanh toán qua nhà cung cấp dịch vụ (trong đó các khoản thanh toán được tính vào hóa đơn điện thoại di động của người dùng) và ví điện tử. Những người đồng sáng lập chọn Jakarta, nơi khoảng 70% thanh toán vẫn được thực hiện bằng tiền mặt.
“Một lượng lớn người tiêu dùng lần đầu tiên truy cập trực tuyến không có Visa hoặc Mastercard, thứ mà mọi người cần để tham gia vào nền kinh tế Internet vào thời điểm đó,” Davidson, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh của đại học Harvard cho biết. “Chúng tôi cảm thấy có cơ hội để liên kết các phương thức thanh toán thay thế tại địa phương, giúp thúc đẩy nhiều khoản chi tiêu trực tuyến.”
Bộ đôi này gặp nhau năm 2009 tại hiệp hội GSM (GSMA), liên minh trụ sở tại London gồm hơn 750 nhà cung cấp dịch vụ di động khắp thế giới, hỗ trợ dịch vụ thanh toán di động cho những người không có tài khoản ngân hàng ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Davidson cho biết “Chúng tôi vận dụng tất cả kinh nghiệm mà mình học được từ GSMA,” để có thể biến các công ty viễn thông ở Đông Nam Á thành khách hàng đầu tiên của Coda Payments. “Một số mối quan hệ mà chúng tôi xây dựng được khi còn ở GSMA đã giúp chúng tôi đưa Coda khởi sắc.”
Họ nhanh chóng chuyển hướng sang các công ty phát hành trò chơi trực tuyến, đang sẵn có nhu cầu đối với phần mềm thanh toán của họ. Davidson nói: “Nếu bán một sản phẩm kỹ thuật số, rõ ràng là bạn không thể áp dụng COD (thanh toán tiền mặt khi giao hàng) vì không có giao hàng thực tế.” Trong vòng vài năm, họ mở văn phòng tại Singapore (chuyển trụ sở đến đó vào giữa năm 2014), Malaysia và California.
Ban đầu, Coda Payments tích hợp các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số của mình trên trang web của công ty phát hành game, nhưng lại nhận thấy hướng phát triển trong thị trường dành cho những công ty sáng tạo trò chơi di động mới nổi, thường phân phối sản phẩm của họ trên ứng dụng.
Tháng 11.2014, công ty khởi nghiệp này đã ra mắt Codashop, chuyên phân phối các phụ kiện và cấp tín dụng cho cả trò chơi trên PC lẫn trò chơi trên thiết bị di động, hiện thu hút hơn 50 triệu khách truy cập mỗi tháng trên 65 thị trường. Codapay của công ty cho phép các nhà phát hành game chấp nhận hơn 300 phương thức thanh toán trên trang web của họ.
Mặc dù đi sâu hơn trong việc khai thác các phương thức thanh toán mang lại lợi ích cho công ty, nhưng chi tiêu toàn cầu cho các trò chơi kỹ thuật số đã chậm lại. Sau khi tăng 30% lên mức cao nhất trong đại dịch là 197 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020, tăng trưởng doanh số đã giảm xuống 20% vào năm ngoái và có khả năng sẽ giảm xuống 6,5% vào năm 2022, theo Statista.
Tuy nhiên, công ty hi vọng tác động sẽ ở mức tối thiểu, ngay cả khi các công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm cả Stripe và PayPal, đang đối phó với suy thoái kinh tế bằng việc sa thải nhân sự.
“Mặc dù hiện tại chúng tôi tuyển dụng có kỷ luật hơn, nhưng chúng tôi đang ở giai đoạn đầu theo đuổi cơ hội lớn toàn cầu, vì vậy vẫn tiếp tục đầu tư vào việc xây dựng dấu ấn và năng lực của mình,” Davidson cho biết qua email, từ chối cung cấp các kế hoạch phân bổ vốn cụ thể hoặc dự báo lợi nhuận trong năm 2022.
Coda Payments đạt được điều đó phần lớn là nhờ thị trường trọng điểm của họ được kỳ vọng sẽ giữ vững vị thế của mình bất chấp tình trạng hỗn loạn.
Theo nghiên cứu được Bain, Google và Temasek công bố vào tháng 10.2022, mức tiêu thụ các hình thức phương tiện kỹ thuật số ở Đông Nam Á, bao gồm cả trò chơi và phát trực tuyến video, được dự đoán sẽ tăng gấp ba lần lên 43 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 từ 14 tỉ đô la Mỹ vào năm 2019.
Florian Hoppe, đối tác tại Singapore của công ty tư vấn Bain & Co, cho biết: “Đông Nam Á đang được hưởng lợi từ các xu hướng như dân số trẻ và của cải ngày càng tăng trên toàn khu vực.”
Dự đoán mức tăng trưởng nhiều hơn nữa, Golden Gate Ventures, nhà đầu tư có trụ sở tại Singapore của Coda Payments – đã đầu tư hơn một triệu đô la Mỹ ở mức định giá hơn 100 triệu đô la Mỹ vào tháng 4.2022, mang lại IRR kết hợp tăng hơn 100 lần – sẽ giữ công ty trong danh mục đầu tư của mình.
Vinnie Lauria, giám đốc hợp danh của Golden Gate Ventures tại TP.HCM cho biết: “Coda là công ty cực kỳ mạnh, một kỳ lân hiếm có với khả năng sinh lời.” Golden Gate Ventures đã bán một số cổ phần trong Coda Payments vào tháng 4.2022, nhưng giữ số cổ phần còn lại dưới 5% (hiện trị giá 75 triệu đô la Mỹ) để nhận được “lợi nhuận vượt trội” sau khi công ty tiến hành IPO.
Mặc dù Davidson cũng tự tin rằng Coda Payments sẽ tiếp tục đạt được đà phát triển trong thời kỳ hậu đại dịch, nhưng công ty không vội niêm yết. “Chúng tôi nghĩ mình có thể xây dựng giá trị lâu dài hiệu quả hơn bằng cách vẫn là công ty tư nhân. Mọi người hiện có các lựa chọn chi tiêu khác ngoài giải trí kỹ thuật số. Mặc dù điều đó có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của chúng tôi một chút trong thời gian ngắn, nhưng chúng tôi rất tin vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của giải trí kỹ thuật số,” ông nói.
Ngành game cũng phải đối mặt với các quy định chặt chẽ, gần đây nhất là ở Ấn Độ. Quốc gia này cấm trò chơi di động Free Fire của Garena vào tháng 2.2022 và sáu tháng sau đó đã mở cuộc điều tra về khả năng vi phạm quy tắc chống rửa tiền tại các công ty thanh toán, bao gồm cả công ty con của Coda Payment tại Ấn Độ.
Vào tháng 9.2022, Cơ quan thực thi luật pháp của Ấn Độ khám xét văn phòng của công ty tại Bangalore và đóng băng các tài khoản tổng trị giá 685 triệu rupee (8,4 triệu đô la Mỹ). Nikolay Sushkov, người phát ngôn của Coda cho biết trong một email: “Những cáo buộc này là vô căn cứ và xuất phát từ sự hiểu lầm về mô hình kinh doanh của Coda. Coda đang hợp tác với các cơ quan có liên quan trong cuộc điều tra này.” Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.
Darren Yong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về công nghệ, truyền thông và viễn thông ở châu Á – Thái Bình Dương của KPMG tại Singapore cho biết, sự giám sát như vậy là cần thiết khi các trò chơi kỹ thuật số và các khoản thanh toán liên quan đang trở thành xu hướng. Ông nói thêm: “Các quy định cần phải phát triển và bắt kịp với công nghệ cũng như bảo vệ người tiêu dùng.”
Davidson cho biết việc thu các khoản thanh toán xuyên biên giới là trở ngại lớn đối với các nhà phát hành game kỹ thuật số do các chi phí quản lý. Ông cho biết thêm Coda đang hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán được quản lý tại địa phương và công ty hiện đóng vai trò quan trọng giúp các nhà cung cấp nội dung số mở rộng trên một số khu vực pháp lý, thúc đẩy thị phần của công ty tại các thị trường mới trên thế giới.
————————–
Biên dịch: Quỳnh Anh Theo Forbes Việt Nam số 114, tháng 2.2023
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/huy-dong-690-trieu-usd-startup-thanh-toan-cho-game-san-sang-tang-toc)
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43