Quản lý tài sản là lĩnh vực hứa hẹn phát triển tại Việt Nam trong thập niên tới, một trong những cái tên đón đầu xu hướng đó là Finhay.
Một nửa số lượng các startup sẽ bị khai tử ngay trong năm đầu tiên và sau năm năm chỉ còn khoảng 50% startup duy trì hoạt động, theo một kết quả nghiên cứu quốc tế đã được công bố. Sau năm năm hoạt động tại Việt Nam, Finhay trở thành một trong số ít nền tảng công nghệ tài chính ở ngách quản lý tài sản và đầu tư cá nhân vẫn trụ được trên thị trường.
Ấn tượng hơn phải kể đến việc startup này công bố hoàn tất vòng gọi vốn series B nhận 25 triệu đô la Mỹ, tương đương với định giá Finhay 100 triệu đô la Mỹ. Đồng thời giữa năm nay Finhay thực hiện mua lại công ty Chứng khoán Vina (VNSC), đổi tên thành công ty chứng khoán Finhay, giúp startup năm năm tuổi bén rễ sâu hơn ở thị trường tài chính Việt Nam trong lĩnh vực quản lý tài sản.
Tính đến tháng 9.2022, Finhay có khoảng ba triệu tài khoản đăng ký, với khoảng 500 ngàn người dùng thường xuyên hằng tháng, theo các thông tin tự công bố. Trước khi sở hữu công ty chứng khoán, Finhay đóng vai trò một cổng kết nối, chưa thể cung cấp các dịch vụ đầu cuối. Sở hữu VNSC là bước đi giúp Finhay cung cấp dịch vụ hướng tới khách hàng trực tiếp. “Đội ngũ tinh gọn, tối ưu hóa sản phẩm, dịch vụ và thu hút người dùng mới với mức chi phí thấp nhất có thể,” Nghiêm Xuân Huy, sáng lập Finhay nói.
Trong cuộc phỏng vấn với Forbes Việt Nam diễn ra tại trụ sở Finhay trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM), CEO Finhay cho biết, từ ý tưởng ban đầu là xây dựng một nền tảng quản lý tài sản, hiện nay họ đã mở rộng thêm mảng đầu tư chứng khoán với định hướng mô hình một tổ chức tài chính toàn diện trong dài hạn, ứng dụng công nghệ hỗ trợ khách hàng quản lý tài sản và cung cấp dịch vụ môi giới tài chính.
Sinh năm 1991, Huy có gần mười năm du học tại Úc về tài chính thương mại và marketing trước khi trở về Việt Nam và lập Finhay năm 2017, cùng với ba người bạn có chuyên môn về công nghệ thông tin. Diễn ngôn hoạt bát và đậm chất “trai Hà Nội”, Huy hào hứng nói về việc đưa những mô hình và tầm nhìn khởi nghiệp từ nước ngoài về Việt Nam để “nâng chuẩn” thị trường, dù hiện tại Finhay vẫn đang tập trung phục vụ tập khách hàng trẻ tuổi với mức tích lũy tài sản còn thấp.
Gương mặt 30 Under 30 của Forbes Asia năm 2018 cho biết chiến lược phát triển của Finhay neo vào tiềm năng bùng nổ của thị trường đầu tư cá nhân trong tương lai. Việc của họ là ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa toàn bộ hành trình trải nghiệm dịch vụ của người dùng để kiến tạo và mở rộng tập khách hàng trung thành.
Mô hình huy động vốn “tích tiểu thành đại” của Finhay tập trung vào nhóm khách hàng phân khúc tích lũy tài sản thấp, để tiết kiệm chi phí thuê nhân lực tư vấn, môi giới, Finhay tập trung quảng bá, tư vấn khách hàng trên nền tảng số, mô phỏng theo cách các startup tư vấn đầu tư số của thế giới đang thực hiện, chẳng hạn kỳ lân fintech (công ty khởi nghiệp công nghệ có định giá trên 1 tỉ đô la Mỹ) Acorns của Mỹ.
Dựa trên khẩu vị rủi ro riêng, từng khách hàng đưa ra các lựa chọn đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu theo năm cấu trúc do Finhay định sẵn, với mức độ rủi ro tăng dần, gồm: Rùa Hoàn Kiếm, Cò Trắng, Voi Rừng, Sao La và Trâu Nước. Khách hàng có thể bắt đầu đầu tư với số tiền nhỏ, được tự động chuyển vào các quỹ tương hỗ đầu tư và được quản lý bởi các quỹ này.
Thời gian đầu, Finhay đánh vào yếu tố thân thiện người dùng, với những khẩu hiệu ấn tượng như “đầu tư chỉ từ 50.000 đồng”. Với kiến thức nền tảng về marketing, Huy léo khéo tránh các ngôn từ học thuật về đầu tư tài chính trong các nội dung truyền thông. Đa số khách hàng tham gia Finhay giai đoạn này có ít kiến thức đầu tư tài chính và khả năng chấp nhận rủi ro ở mức thấp. Huy cho biết: “Lượng tiền các user đầu tư vào Finhay trung bình khoảng 10 triệu đồng/tài khoản nhưng có những tài khoản đến hàng chục triệu đô la Mỹ.”
Số liệu này cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ nếu so với khoảng 600 người dùng vào cuối năm 2017 được CEO Finhay cung cấp với giới truyền thông thời điểm đó. Dù vậy lượng tài sản huy động trên mỗi người dùng hiện thấp hơn nhiều so với các công ty quản lý quỹ và môi giới chứng khoán truyền thống, do khách hàng của Finhay nằm ở phân khúc thấp hơn. Họ kỳ vọng bù đắp bằng số người dùng lớn với dư địa tăng trưởng được kỳ vọng lạc quan trong tương lai.
Trong lần lên sóng truyền hình quốc gia trước khi đại dịch COVID–19 xảy ra, Huy từng chia sẻ công ty chấp nhận thua lỗ trong một thời gian để quảng bá sản phẩm ra thị trường. Tuy vậy hiện họ đã có lãi và mức lãi tốt nhờ nhịp khởi sắc của thị trường chứng khoán trong hai năm 2020–2021. Từ chối tiết lộ con số cụ thể nhưng Huy đưa ra dẫn chứng so sánh: “Mức tăng trưởng lợi nhuận của Finhay hai năm gần đây tương đương các công ty chứng khoán ở top 10 thị trường.”
CEO Finhay cũng cho biết nguồn vốn huy động 25 triệu đô la Mỹ được cam kết hồi tháng 6.2022 sẽ dành đầu tư cải thiện trải nghiệm người dùng trên nền tảng. VNSC được Finhay mua lại khi “gần như đã chết lâm sàng” nên Huy và đội ngũ Finhay phải làm nhiều việc, từ nội bộ cho đến làm việc các cơ quan quản lý để phục hồi đầy đủ các hoạt động của một công ty môi giới chứng khoán.
Hiện tại phàn nàn chung của người dùng Finhay là trải nghiệm ứng dụng di động khá “rối”, có quá nhiều sản phẩm chung trên một app chính. Bên cạnh tính năng “đầu tư tài chính” còn có “tích lũy” (một dạng gửi tiết kiệm kỳ hạn và không kỳ hạn với mức lãi suất cao gấp đôi so với ngân hàng), sản phẩm bảo hiểm, tính năng mua sắm hoàn tiền thông minh.
Ông Lê Trần Bảo Duy, giám đốc điều hành công ty Tư vấn Giải pháp công nghệ KMS Solutions đánh giá người dùng trẻ ngày càng đòi hỏi trải nghiệm các ứng dụng đầu tư tài chính đơn giản và nhanh hơn. Các công năng cần phải rõ ràng, thậm chí phải lập app riêng cho mỗi công năng mới.
Huy cho rằng Finhay cũng nhận thức rõ vấn đề này, đang từng bước hoàn thiện giao diện/trải nghiệm người dùng (UX/UI) trên ứng dụng. Huy tính toán chi phí thu hút mỗi người dùng mới khoảng 6 đô la Mỹ, tuy nhiên để cải thiện trải nghiệm của họ và giữ họ lại trong hệ sinh thái đòi hỏi các bước đầu tư phức tạp hơn, đặc biệt là cần các nhân sự giỏi nghề.
Với góc nhìn này, Finhay mạnh tay chiêu mộ những người có hồ sơ năng lực ấn tượng về làm việc. Hiện tại hầu hết việc vận hành Huy giao lại cho cộng sự COO Vũ Thanh Vân, một người có kinh nghiệm trong cả ba mảng ngân hàng – tài chính – chứng khoán. Bên cạnh đó, hậu thuẫn cho nền tảng là đội ngũ IT lên đến 50 người, chiếm 1/3 nhân sự công ty và đang tiếp tục mở rộng thêm. “Mức đầu tư vào nền tảng công nghệ không nhỏ so với quy mô công ty, đến nay vượt hơn 100 tỉ đồng,” Huy cho biết.
CEO Finhay thừa nhận công ty có giai đoạn truyền thông sai đích dẫn đến việc thị trường có ấn tượng rằng Finhay hướng đến một “ống heo online” hay “thu đầu tư bạc lẻ”. Điều này xuất phát từ mong muốn nâng hạng tập khách hàng tiềm năng, thay đổi độ tuổi lên mức 28–35 thay vì 25–30 như chia sẻ với truyền thông cách đây vài năm. Ý muốn này cũng dẫn đến việc Finhay tuyển một CMO mới nhiều kinh nghiệm hơn từ một doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam. “Bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu lương thưởng, hướng đi lâu dài của Finhay và kế hoạch sử dụng vốn ổn thỏa trong vòng mười năm đã thuyết phục họ tin tưởng gia nhập công ty,” Huy lý giải.
Có được hậu thuẫn tài chính mới, Finhay cũng tính đến việc hạ các loại phí nền tảng áp dụng để cạnh tranh linh hoạt hơn, nhất là việc rút tiền ra khỏi tài khoản ứng dụng. “Trước đây, biểu phí của chúng tôi khá cao so với các đối thủ, hiện giờ song song với lượng người dùng tăng lên chúng tôi sẽ dần hạ phí xuống,” Huy nói.
Nhìn lại toàn cảnh fintech Việt, số lượng các startup đã tăng 2,5 lần trong giai đoạn năm năm 2017–2021. Nếu các giải pháp thanh toán nở rộ ở giai đoạn 2008–2017 thì từ 2017–2020 các dự án blockchain/cryptocurrency bùng nổ. Hai năm gần đây, các giải pháp công nghệ cho thị trường tài chính, đầu tư, bảo hiểm dần trở thành tâm điểm khi ngành quản lý tài sản Việt Nam có thể bước sang giai đoạn tăng tốc khi thu nhập trung bình của người dân vượt 4.000 đô la Mỹ.
Một quan điểm mà các chuyên gia pháp lý từng nêu ra là vùng xám trong quản lý hoạt động ủy thác đầu tư. Pháp luật Việt Nam hiện cũng chưa quy định rõ ràng đối với mảng fintech. Theo đó Finhay đã chủ động hơn các đối thủ trên thị trường về yếu tố pháp lý khi mua lại công ty có giấy phép kinh doanh môi giới chứng khoán nhằm “vượt khỏi vùng xám” đang là rào cản phát triển.
Finhay còn nuôi tham vọng tham gia thị trường giao dịch hàng hóa trong kế hoạch dài hạn hơn. “Một số startup có thể gặp khó, nếu họ sụp đổ thì đánh giá của thị trường với mảng hoạt động này có thể xấu đi, gây ảnh hưởng đến Finhay,” Huy nhận định và cho biết: “Finhay không ngồi nhìn mà sẵn sàng tương trợ hoặc mua lại để tránh những tình huống như vậy sẽ xảy ra.”
Theo Forbes Việt Nam số 110, tháng 10.2022
2 năm trước
Funding Societies mua lại CardUp