Quốc tế

SPC Group mở rộng sang thị trường thực phẩm Halal tại Malaysia

Share
this:

Tập đoàn Hàn Quốc SPC Group có kế hoạch mở rộng quy mô sang Malaysia để chiếm thị phần trong thị trường ẩm thực Halal hàng đầu thế giới.

Doanh nghiệp khổng lồ về thực phẩm Hàn Quốc SPC Group có kế hoạch mở rộng quy mô sang Malaysia, nhằm chiếm thị phần trong thị trường thực phẩm Halal (thức ăn của người Hồi giáo) có giá trị 2.000 tỉ USD.

Logo đại diện cho thị trường Halal của Malaysia. Ảnh: Tengku Bahar/Afp Via Getty Images

SPC Group cho biết có kế hoạch đầu tư 40 tỉ won (khoảng 30 triệu USD) xây dựng nhà máy đạt chuẩn Halal tại Johor, tiểu bang của Malaysia giáp ranh với Singapore. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin địa điểm đặt nhà máy với cảng biển sẽ tạo giao thương trong việc vận chuyển hàng hóa trên toàn khu vực Đông Nam Á và tiến vào vùng Trung Đông.

Thỏa thuận do Hur Jin-soo, con trưởng của chủ tịch SPC Group và được gọi là “Vua nhượng quyền Hàn Quốc” Hur Young-in, phụ trách. Vào tháng 12.2021, Jin-soo được bổ nhiệm làm chủ tịch của Paris Croissant, công ty con của SPC Group vận hành chuỗi thương hiệu nhượng quyển cao cấp về bánh mì và cà phê Paris Baguette.

SPC Group cũng vận hành 1.800 cửa hàng Dunkin Donuts và cửa hàng kem Baskin Robbins, cũng như Pascucci (cà phê Ý), The World Vine (rượu vang), Jamba Juice (sinh tố) và nhà hàng bánh burger New York đặt tại Hàn Quốc.

Nhà máy tại Johor sẽ sản xuất 100 loại bánh mì, bánh kem và nước sốt, toàn bộ đều tuân thủ theo luật Sharia của người Hồi giáo. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn tất việc xây dựng vào tháng 6.2022. SPC Group cũng sẽ thành lập một liên doanh đồng sở hữu với Berjaya Food (Malaysia), công ty vận hành chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks và cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Malaysia.

“Thị trường Halal đã trở thành chiến lược quan trọng trong lĩnh vực thực phẩm của Malaysia. Malaysia có một vài tiêu chuẩn tốt nhất cho chứng nhận Halal và được cộng đồng Hồi giáo công nhận,” Alizan Mahadi, giám đốc nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu về Chiến lược và Quan hệ Quốc tế Malaysia (ISIS) cho biết.

Kể từ năm 1974, giới chức Kuala Lumpur đã nỗ lực làm việc để tiêu chuẩn hóa thực phẩm Halal, khi đơn vị nghiên cứu của thủ tướng nước này bắt đầu cấp các chứng nhận Halal. Vào năm 2000, Malaysia công bố tiêu chuẩn Halal đầu tiên, đi trước các quốc gia Hồi giáo khác.

Những tiêu chuẩn này đã nâng “ngành tiểu thủ công nghiệp” thành “nền kinh tế sôi động mới” với giá trị thị trường ước tính 2.300 tỉ USD, trung tâm Du lịch Hồi giáo trực thuộc chính phủ Malaysia cho biết.

Biên dịch: Minh Tuấn