Sức khỏe

Mối đe dọa toàn cầu: ô nhiễm gây ra hơn 9 triệu ca tử vong mỗi năm

1 năm trước
Tác giả Robert Hart

Ô nhiễm là nguyên nhân gây ra hơn 9 triệu ca tử vong trên thế giới vào năm 2019, chiếm 1/6 ca tử vong trên toàn cầu, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health hôm 17.5.

Share
this:

Những nhà nghiên cứu cảnh báo vấn đề toàn cầu này đang gia tăng và là “mối đe dọa hiện hữu” cho con người nhưng ít nhận được sự quan tâm từ chính phủ các nước hoặc tài trợ để giảm thiểu khủng hoảng.

Hơi nước bốc lên từ nhà máy điện than Miller ở Adamsville, Alabama vào ngày 11.4.2021. Ảnh: AFP via Getty Images/Forbes

Chẳng hạn, ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch cướp đi sinh mạng của 6,67 triệu người, chiếm gần 75%, theo phân tích về dữ liệu số ca tử vong toàn cầu. Đó cũng là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ người mắc ung thư, bệnh tim và bệnh hô hấp.

Các nhà nghiên cứu cho biết ô nhiễm nước giết chết 1,36 triệu người và các hóa chất độc hại như chì cũng là nguyên nhân gây ra 1,8 triệu ca tử vong. Uống nguồn nước không đảm bảo an toàn cho sức khỏe dễ gây bệnh, suy giảm hệ miễn dịch và hạn chế sự phát triển trí não ở trẻ em.

Số người tử vong do các hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, asen, thủy ngân và cadmium, có thể gây ô nhiễm thực phẩm, nước cũng như nhiều sản phẩm thương mại tăng 66% kể từ năm 2000. Các nhà nghiên cứu cho biết kim loại độc hại được tìm thấy trong thức ăn trẻ em và nghệ bị nhiễm chì ở Bangladesh và rất có thể cũng xảy ra ở những nơi khác là những mối lo ngại đặc biệt.

Họ cảnh báo con số này rất có thể thấp hơn so với thực tế vì chỉ một số nhỏ trong số hàng ngàn hóa chất bán trên thị trường được kiểm tra đầy đủ.

Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù số ca tử vong do ô nhiễm trong năm 2019 giống số ca tử vong trong năm 2015, nhưng hiện nay số ca tử vong do sử dụng nước không an toàn cho sức khỏe và nguồn gây ô nhiễm trong nhà như than giảm vì mọi người giờ có ý thức cao về cải thiện vệ sinh môi trường, dễ dàng tiếp cận thuốc điều trị và sử dụng nhiên liệu sạch hơn trong nấu ăn.

Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong do những nguồn gây ô nhiễm trong cuộc sống hiện đại hơn, bao gồm ô nhiễm không khí do giao thông, hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, một số chất chống cháy, dược phẩm và hóa chất ngấm vào đất từ chất thải điện tử và pin.

“Ô nhiễm vẫn là mối đe dọa hiện hữu lớn nhất đối với sức khỏe con người và hành tinh, gây nguy hiểm cho xã hội hiện đại phát triển bền vững,” đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Philip Landrigan cho biết.

Rachael Kupka, đồng tác giả và giám đốc điều hành của liên minh Toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm, cho biết thêm ô nhiễm chỉ được xem là vấn đề của địa phương hoặc đôi khi của khu vực nhưng chỉ ở các nước thu nhập cao tuy nhiên “rõ ràng đây là mối đe dọa của hành tinh” liên quan mật thiết đến biến đổi khí hậu và tác động đến đa dạng sinh học. “Thật cần thiết để kêu gọi các nước trên thế giới cùng nhau thực hiện giải pháp để giải quyết các chất ô nhiễm trong cuộc sống hiện đại,” Kupka nhấn mạnh.

Các nhà nghiên cứu ước tính tổng thiệt hại kinh tế do ô nhiễm gây ra vào năm 2019 lên đến 4,6 ngàn tỉ USD, chiếm khoảng 6,2% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Gánh nặng này, cũng như số ca tử vong, không được phân bổ đồng đều trên thế giới. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải trả cái giá nặng nề hơn nhiều, chiếm tới 92% số ca tử vong do ô nhiễm.

Cho đến nay, ô nhiễm là mối đe dọa môi trường lớn nhất cho sức khỏe lẫn đời sống của con người. Các nghiên cứu liên tục chỉ ra kiểm soát ô nhiễm giữ vai trò quan trọng để giúp làm giảm các vấn đề sức khỏe.

Nếu không, ô nhiễm có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần, sinh non, nhận thức kém, bệnh về da, tiểu đường và ung thư, bệnh tim và bệnh hô hấp.

Cho dù ô nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới vào năm 2019, tạo nên gánh nặng trên toàn cầu nhưng lại nhận ít nguồn tài trợ hoặc sự chú ý trên toàn cầu để thực hiện những giải pháp kiểm soát, đặc biệt là so với khủng hoảng khí hậu. Các nhà nghiên cứu cho biết “hầu hết các nước chưa nỗ lực nhiều” để thực hiện theo các khuyến nghị nên ưu tiên thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm, chỉ tăng chút kinh phí cho vấn đề này kể từ năm 2015.

Trong 100 thành phố lớn nhất thế giới, không một thành phố nào tuân thủ những hướng dẫn kiểm soát ô nhiễm không khí của tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm:

Mảng xanh có thể giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức