Công nghiệp

Trung Quốc với tham vọng chiếm lĩnh thị trường xe điện châu Âu

1 năm trước
Tác giả Neil Winton

Share
this:

Các hãng sản xuất xe của Trung Quốc đang có những kế hoạch dài hơi trong việc chiếm lĩnh thị trường châu Âu, nhất là phân khúc giá rẻ.

Tuy kế hoạch dài hạn trong việc chiếm lĩnh thị trường xe điện (EV) châu Âu không thu hút nhiều sự chú ý, song Trung Quốc đang tập trung tiềm lực và âm thầm thực hiện.

Với việc đẩy nhanh quá trình, các hãng sản xuất xe Trung Quốc sẽ đánh chiếm thị trường đại chúng và giá rẻ, mà những thương hiệu xe châu Âu không muốn mạo hiểm.

Tôi đã cầm lái MG ZS EV, mẫu xe điện compact SUV gần lọt vào tốp 10 xe bán chạy nhất Tây Âu trong bốn tháng đầu năm 2022 với doanh số 11.200 chiếc, đứng ngay sau chiếc ở vị trí số 10 Hyundai Ioniq 5, theo Schmidt Automotive Research. MG Motors hiện không phân phối các mẫu xe của hãng tại thị trường Mỹ và đã thuộc quyền sở hữu của SAIC Motor Corp. Ltd (Trung Quốc) kể từ năm 2007, nhưng có thể hiểu cho người mua khi họ nghĩ rằng mình đang cầm lái mẫu MG biểu tượng.

Mẫu xe điện MG ZS. Ảnh: Vachira Vachira/NurPhoto via Getty Images

Về MG ZS EV, mẫu xe này trở thành tâm điểm trên thị trường với mức giá tốt, trang bị toàn diện, chất lượng gia công chắc chắn và có chính sách bảo hành 7 năm hoặc 128.000km với giá bán khoảng 10.000 Euro (10.450 USD), thấp hơn phần lớn các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Chỉ một vài mẫu xe điện được bán tại châu Âu công khai mang thương hiệu nội địa của Trung Quốc, song các doanh nghiệp nước này có tầm ảnh hưởng rất lớn phía sau, dẫn đầu là tập đoàn Zhejiang Geely Holding Group của Lý Thư Phúc.

Geely hiện sở hữu thương hiệu Volvo, bên cạnh hai hãng xe điện là Lynk & Co và Polestar, sản xuất các mẫu xe điện tại Trung Quốc. Trong nhiều thương vụ đầu tư tại châu Âu, Geely cũng sở hữu hãng xe thể thao huyền thoại của Anh Lotus và nhà sản xuất xe taxi Electric Vehicle Company có trụ sở tại London. Ông Lý nắm gần 10% cổ phần trong Mercedes-Benz, thể hiện các tham vọng nghiêm túc.

Các thương hiệu xe khác của Trung Quốc, bao gồm Xpeng, Nio và BYD, xuất hiện theo số ít hoặc trong tương lai. Theo Schmidt Automotive, chỉ hơn 15% trong tổng số 1,2 triệu mẫu xe điện bán tại Tây Âu được sản xuất từ Trung Quốc, bao gồm hai mẫu Model 3s và Ys (Tesla), Dacia Spring và BMW iX3. Dacia là công ty con của Renault. Từ đầu năm 2022, con số này gần như tăng gấp đôi lên khoảng 90.000 chiếc, tương đương với 6% thị trường xe điện.

Mẫu xe iX3 từ BMW. Ảnh: Vcg Via Getty Images

Ivana Delevska, nhà sáng lập và giám đốc thông tin của công ty quản lý tài sản SPEAR Invest đặt tại Mỹ, kỳ vọng các mẫu xe điện Trung Quốc sẽ tăng tốc trong quý 2.2022, đe dọa những hãng sản xuất xe châu Âu với chi phí chế tạo vô cùng thấp.

“Điểm dễ bị đánh giá không đúng về các hãng sản xuất xe điện của Trung Quốc là họ có lợi thế về quy mô, khi thị trường Trung Quốc lớn gấp đôi châu Âu. Tuy vậy, với chi phí sản xuất vô cùng thấp, các hãng xe có thể cải tiến nhanh hơn và đạt lợi nhuận sớm hơn. Ngay cả những mẫu xe phổ thông tại Trung Quốc cũng được trang bị các tính năng kết nối tân tiến và hệ thống hỗ trợ cầm lái (ADAS). Những cái tên mới gia nhập thị trường như XPEV và NIO có tốc độ cải tiến nhanh chóng mặt,” Delvska cho biết trong email trao đổi.

Matt Schmidt của Schmidt Automotive Research nhận định NIO và Xpev vẫn chưa để lại nhiều ấn tượng.

“Great Wall Motors cũng sẽ sớm gia nhập vào thị trường với thương hiệu xe cao cấp WEY và thương hiệu xe điện Ora. Xét theo mức độ chào đón của thị trường hiện nay, có vẻ như giá trị giao dịch từ phân khúc này mở ra cơ hội lớn nhất cho các hãng xe Trung Quốc đạt được thành công khi những công ty còn tỏ ra e dè hoặc không thể cung cấp mẫu xe ở toàn bộ mức giá nhằm cung cấp số lượng xe đăng ký,” Schmidt cho biết.

Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành các quy định để hỗ trợ những hãng sản xuất xe trong khu vực bán dòng xe cao cấp với lợi nhuận cao, bằng việc cho phép các phương tiện lớn hơn tránh bị phạt để hỗ trợ dòng xe nhỏ. Đến nay, các mẫu xe có mức giá đắt hoặc rất đắt chiếm phần lớn doanh thu xe điện tại châu Âu. Tuy vậy, thị trường đại chúng là yếu tố quan trọng để quá trình chuyển đổi sang xe điện thành công.

Đến nay, các hãng xe châu Âu rất ít chú trọng vào phân khúc giá rẻ do các quy tắc của EU. Những nhà đầu tư lo ngại các mẫu xe điện của Trung Quốc sẽ sớm chiếm toàn bộ thị phần trong lĩnh vực này, trong khi hãng xe châu Âu lại bỏ qua.

“Đó chính xác là lý do vì sao chúng tôi tin tưởng các mẫu xe điện Trung Quốc sẽ thể hiện tốt tại châu Âu, khi có mức giá khởi điểm hấp dẫn và vô cùng cạnh tranh. Xpeng là ví dụ về hãng xe điện Trung Quốc nhắm vào phân khúc giá rẻ, với mẫu P5 có giá chỉ từ 25.000 USD và hiện đang được bán tại Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Hà Lan,” Delevska cho biết.

Tôi đã trải nghiệm phiên bản Trophy Connect mới nhất của MG ZS được trang bị công nghệ lithium-ion tản nhiệt bằng chất lỏng mới và tân tiến, với dung lượng 72,6 KWh so với 44,5 KWh của mẫu xe trước. Qua đó, nâng quãng đường di chuyển lên 439 km, điểm cải tiến lớn so với phiên bản tiền nghiệm với quãng đường 262 km. Không dừng lại ở đó, đây là mẫu xe điện đầu tiên đi được quãng đường gần như chính xác với những gì bạn nhận được sau khi sạc đầy pin tại nhà.

Viên pin lớn hơn mang lại hiệu suất đạt vận tốc tối đa 173km/h so với 140km/h trên phiên bản trước đó, còn khả năng tăng tốc từ 0-100km/h gần như tương đương trong 8,2 giây so với 8,3 giây của mẫu xe trước.

Người mẫu tạo dáng bên cạnh mẫu xe ORA Hao Mao sport EV từ Great Wall Motors tại sự kiện China Joy. Ảnh: Vcg Via Getty Images

Biên dịch: Minh Tuấn