Start-up

 Oye! Rickshaw và sứ mệnh điện hóa phương tiện đi lại ở Ấn Độ

Share
this:

Startup Oye! Rickshaw đẩy mạnh việc phát triển xe lam điện, loại hình di chuyển phổ biến tại Ấn Độ trong bối cảnh hướng đến tương lai giảm phát thải khí carbon.

Startup đặt tại Delhi Oye! Rickshaw đang chuyển đổi xe lam, hình thức vận chuyển phổ biến nhất tại Ấn Độ sang điện năng.

Cuộc cạnh tranh của thị trường gọi xe công nghệ tại Ấn Độ đang trở nên khốc liệt, khi những công ty như Uber và đối thủ cạnh tranh nội địa Ola ganh đua nhau để trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ đi lại giá rẻ và tiện lợi. Tại Ấn Độ, những ứng dụng này đưa ra nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả xe lam, hình thức vận chuyển đô thị xương sống của quốc gia này.

Bộ đôi nhà đồng sáng lập của Oye! Rickshaw, Mohit Sharma (bên trái) và Akashdeep Singh. Ảnh: Oye! Rickshaw

Xe lam là một trong những hình thức vận chuyển phổ biến và tiện lợi nhất Ấn Độ, thường dành cho các chuyến đi ngắn (dưới 5km) tới văn phòng, chợ và trường học. Đây cũng là cách di chuyển tiết kiệm nhất để dạo quanh Ấn Độ, khi chi phí đi lại của loại xe ba bánh này chỉ bằng nửa giá taxi.

Trong những năm gần đây, xe lam điện đã thu hút sự chú ý tại Ấn Độ, quốc gia phát thải nhà kính lớn thứ hai thế giới, thúc đẩy từ mục tiêu toàn cầu trong việc giảm phát thải khí carbon. Quốc gia có nền dân chủ lớn nhất thế giới đặc biệt tập trung vào giảm khí thải carbon, khi có một trong những thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu.

Vào tháng 1.2022, chính phủ Ấn Độ phê duyệt 120 tỉ rupee (khoảng 1,5 tỉ USD) trong kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy năng lượng xanh tại quốc gia này, đạt mục tiêu trung hòa carbon như thủ tướng Narendra Modi đề ra tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 vào tháng 11.2021.

Vài tháng sau đó, vào tháng 4.2022, chính phủ Ấn Độ thông báo kế hoạch sử dụng công nghệ hoán đổi pin cho xe lam điện và xe scooter điện tại các thành phố đông đúc, những nơi có rất ít trạm sạc do không gian hạn hẹp.

Không nằm ngoài xu hướng, Oye! Rickshaw có trụ sở tại Delhi tham gia vào thị trường gọi xe Ấn Độ bằng dịch vụ trả phí với mức giá hợp lý. Oye hiện đang điều hành một đội ngũ xe lam điện sử dụng công nghệ hoán đổi pin điện tử và hoàn toàn không phát thải.

Với 120 trạm đổi pin đặt tại khắp bốn thành phố của Ấn Độ, Oye cung cấp dịch vụ nhanh chóng do không mất thời gian sạc. “Điều quan trọng là nằm ở việc phát triển công nghệ và chúng tôi đã làm được,” Mohit Sharma, nhà đồng sáng lập và CEO của Oye, cho biết trong video phỏng vấn tại văn phòng làm việc ở Delhi.

Oye! Rickshaw, do Mohit Sharma và giám đốc vận hành (COO) Akashdeep Singh thành lập vào năm 2017, đã hoàn thành hơn 11 triệu cuốc xe và ghi nhận 200.000 người dùng trả phí. Vào năm 2021, startup này được vinh danh trong Forbes Asia 100 to Watch, danh sách các công ty nhỏ và startup đang phát triển nổi bật ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một điều chắc chắn là Oye đang đối mặt với cuộc cạnh tranh khó khăn. Mặc dù Ola và Uber không giảm số lượng người dùng theo loại phương tiện, song lại thấp hơn Oye. Ola có hơn 200 triệu người dùng tại Ấn Độ, còn Uber cho biết ghi nhận hơn 95 triệu tài xế xe máy và xe hơi cộng gộp lại.

Oye! Rickshaw đang tích lũy nguồn vốn để đầu tư vào thị trường. Startup này chuẩn bị huy động khoảng 15-25 triệu USD từ vòng gọi vốn Series B trong vài tháng tới. Trước đó, Oye đã được hậu thuẫn từ những công ty tốp đầu như gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Xiaomi, cũng như các nhà đầu tư hàng đầu như Chiratae Ventures đặt tại Bengaluru – đầu tư giai đoạn đầu vào đơn vị bán lẻ trực tuyến Ấn Độ Flipkart và Matrix Partners (San Francisco), nổi tiếng với thương vụ đầu tư sớm vào Apple và FedEx.

Tỉ phú Ấn Độ Pawan Munjal, chủ tịch và CEO của hãng sản xuất xe máy Hero MotoCorp, nơi Sharma từng có hai năm làm việc, cũng là nhà đầu tư của Oye! Rickshaw.

Quá trình hình thành Oye! Rickshaw

Sharma và Singh trở thành bạn thân kể từ khi học lớp 8. Cả hai đều tốt nghiệp ngành kỹ thuật cơ khí, với Sharma từ Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) và Singh tại Viện Công nghệ Quốc gia (NIT). Hai người bạn, cùng 32 tuổi, nay quyết định hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp từ thời niên thiếu của mình.

Vào năm 2015, Mohit Sharma cùng với người chú thành lập Jangid Motors, startup tiền thân của Oye! Rickshaw về xe lam điện. Akashdeep Singh gia nhập và giữ vị trí giám đốc chiến lược (CSO). Jangid Motors tập trung vào sản xuất những chiếc xe lam điện phát triển nội địa đầu tiên tại Ấn Độ.

“Chúng tôi sản xuất xe lam điện nhưng lại không có bất kỳ dịch vụ nào khi ra mắt thị trường,” Sharma cho biết.

Với 120 triệu lượt người di chuyển mỗi ngày tại Ấn Độ, bộ đôi nhìn thấy tiềm năng to lớn cho dịch vụ đi lại trả phí mang đến lợi ích về kinh tế và thân thiện với môi trường tại quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh. “Cơ hội thị trường lớn, cộng thêm chuyên môn của mình về chế tạo phương tiện và phát triển công nghệ, là điều đã thôi thúc chúng tôi thành lập Oye! Rickshaw,” Sharma cho biết.

Số lượng xe điện vận chuyển hành khách đăng ký tại Ấn Độ, gồm bất kỳ loại xe điện hoặc hybrid (kết hợp giữa xăng và điện) nào, ngoại trừ xe hai bánh và xe đạp máy, được kỳ vọng tăng trưởng từ mức thấp hiện nay 0,2% lên 65,4% vào năm 2040, theo Fransua-Vytautas

Dàn xe lam điện tại khu vực depot ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Sanchit Khanna/Hindustan Times Via Getty Images

“Sẽ có nhiều chiếc xe điện chạy trên đường hơn trong tương lai. Nhưng nếu nguồn cung không thay đổi, bạn sẽ phải nâng giá thành lên cao,” Razvadauskas cho biết khi kể về những khó khăn dành cho các startup như Oye.

Một khó khăn khác nằm ở mức độ an toàn. Đã có những đoạn video ghi lại những chiếc xe máy điện bốc cháy tại Ấn Độ được lan truyền trên mạng xã hội, với hệ quả là gây ra thiệt hại về người và dấy lên nghi ngờ về mức độ an toàn của pin xe điện.

Do đó, một số công ty đang đầu tư vào hoạt động R&D nhằm cải thiện tính an toàn. Ví dụ như BYD, hãng sản xuất xe Trung Quốc được Warren Buffett hậu thuẫn, ra mắt dòng pin Blade vào năm 2020, với tuyên bố giải pháp này an toàn hơn so với pin lithium-ion thông dụng do nhiệt độ bề mặt thấp.

Công nghệ pin thể rắn là “ứng viên” tiềm năng khác, khi sử dụng điện phân trạng thái rắn thay vì chất lỏng dễ cháy trong pin lithium-ion.

Tuy vậy, nghiên cứu cho thấy pin thể rắn có thể phát nổ khi ở trong một số trường hợp nhất định, mang lại cảm giác thiếu an toàn cho người tiêu dùng, Razvadauskas lưu ý. Lĩnh vực xe điện vẫn đang trong giai đoạn phát triển, với rất nhiều nghiên cứu tiếp tục cải thiện những hạn chế như mức độ an toàn của pin điện tử.

Mặc cho những thách thức, thị trường xe lam điện vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển. Nhận thức về tính bền vững và tình hình khí hậu nâng cao, đặc biệt trong thế hệ trẻ như Gen Z, là một trong những lý do khác để người tiêu dùng chuyển từ phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang xe lam điện, Razvadauskas cho biết. “Đây là loại hình vận chuyển tiện ích và thực tiễn hơn tại quốc gia gặp vấn đề về ách tắc giao thông,” anh bổ sung thêm.

Oye dành nhiều sự ưu ái cho người tiêu dùng nội địa trong việc đi lại ở khu vực đô thị hơn những công ty lớn tham gia vào thị trường bằng các phương tiện vận chuyển hành khách không phù hợp với nhu cầu tại Ấn Độ. Xu hướng này có thể được ghi nhận tại khu vực Đông Nam Á nói chung, khi Uber bị các đối thủ cạnh tranh nội địa “đánh bật” ra khỏi thị trường Indonesia, Singapore và Thái Lan.

“Điều này mang lại đôi chút lợi thế cho các đối thủ như Grab và Gojek để thực sự cạnh tranh với Uber. Qua đó, đẩy Uber ra khỏi những thị trường này,” Razvadauskas cho biết.

Trong giai đoạn đỉnh dịch COVID-19 cách đây hai năm trước, khi dịch vụ đặt xe giảm xuống, Oye! Rickshaw quyết định thành lập Oye! Delivery qua hợp tác với các doanh nghiệp khổng lồ về hàng hóa như JioMart của tỉ phú Mukesh Ambani và Ninjacart cho dịch vụ giao hàng đến tận nhà của khách hàng.  

Các ứng dụng gọi xe khác tại Đông Nam Á, như Grab và Gojek, đều tập trung vào bổ sung thêm dịch vụ giao hàng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu giao hàng tận nhà. Oye cho biết đang đàm phán với các tập đoàn thực phẩm của Ấn Độ như Swiggy và Zomato để đầu tư vào thị trường dịch vụ giao đồ ăn.

Quốc gia Đông Á Ấn Độ có khoảng 1,5 triệu xe lam vận hàng bằng pin điện tử, cao hơn số xe điện được bán ra tại Trung Quốc vào năm 2011. Ảnh: Prashanth Vishwanathan/Bloomberg

Khác với các đối thủ cạnh tranh như Ola và Uber, với nguồn thu từ cuốc xe của tài xế, doanh thu của Oye đến từ việc khách hàng đăng ký trả phí. Công ty thu phí theo số chuyến đi trong mỗi tháng, với ba định mức 5, 15 và 50 chuyến.

Oye đang chuẩn bị phát triển thuật toán dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép công ty kiểm tra lịch sử hoạt động cũng như số lượng đặt xe của khách hàng, và tạo ra mật mã riêng biệt để họ đăng ký. “Các công ty khác thu 25-30% phí hoa động cho mỗi cuốc xe và chúng tôi không làm điều đó,” Sharma cho biết.

Startup này cũng phát triển bản đồ được điều chỉnh trên ứng dụng của các tài xế, bằng cách sử dụng thuật toán dựa trên lịch sử cuốc xe và vạch ra lộ trình giúp họ có thêm nguồn thu nhập khi đang nhận chuyến.

Giải pháp điều chỉnh bản đồ của Oye nhằm mục đích rút ngắn khoảng cách giữa cung và cầu, bên cạnh tiềm năng mang lại nguồn thu nhập từ 1.200-1.300 rupee mỗi ngày cho các tài xế (khoảng 15-17 USD), cao hơn tài xế xe lam thông thường kiếm về 700-800 rupee (khoảng 9-10 USD)/ngày, theo Oye.

“Phần lớn quy mô tăng trưởng của xe điện trong giai đoạn từ nay đến năm 2040 được dự báo diễn ra tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Ấn Độ. Sẽ có sự tăng trưởng lớn ở tầng lớp trung lưu, tăng thêm sức mua từ người tiêu dùng và nhiều cơ hội phát triển các loại hình gọi xe tại những thị trường này,” Razvadauskas cho biết.

Xem thêm: Thương hiệu xe huyền thoại DeLorean quay trở lại với xe điện
Honda đầu tư 40 tỉ USD phát triển xe điện trong 10 năm tới

Biên dịch: Minh Tuấn