Kinh doanh

Tom Ford trở thành tỉ phú sau khi bán thương hiệu cho Estée Lauder

Thỏa thuận mua lại công ty thời trang Tom Ford của Estée Lauder đưa nhà sáng lập trở thành tỉ phú.

Share
this:

Ngày 8.11 hãng mỹ phẩm khổng lồ công bố mua thương hiệu thời trang này với giá 2,3 tỉ USD trả bằng tiền mặt và tiền cho vay, cùng với 300 triệu USD thanh toán theo từng kỳ mà sẽ bắt đầu vào tháng 7.2025. Thỏa thuận này định giá công ty ở mức 2,8 tỉ USD, bao gồm cả khoản 250 triệu USD Estée Lauder sẽ nhận được từ Marcolin, thương hiệu kính mắt của Italy sở hữu giấy phép cho dòng kính của Tom Ford.

Theo ước tính của Forbes, Ford, 61 tuổi, sẽ nhận khoảng 1,1 tỉ USD tiền mặt từ thương vụ bán công ty này, sau khi trừ các khoản thuế. (Giao dịch dự kiến sẽ kết thúc vào nửa đầu năm 2023.) Ford sở hữu gần 64% cổ phần trong công ty theo báo cáo năm 2013, và dường như ông không bán thêm cổ phần nào nữa kể từ đó. Ông cũng có ít nhất hai ngôi nhà, bao gồm một ngôi nhà ở Holmby Hills tại Los Angeles và ngôi nhà còn lại ở Upper East Side của New York, tổng cộng trị giá 65 triệu USD. Hiện tại tổng tài sản của Ford ước tính trị giá khoảng 1,2 tỉ USD. Estée Lauder và Tom Ford không phản hồi khi Forbes hỏi thêm về thỏa thuận này.

Ford không phải là người duy nhất hưởng lợi từ thương vụ này. Nhà bán lẻ xa xỉ Zegna của Ý nắm giữ 15% cổ phần trong công ty, ước tính trị giá 345 triệu USD (trước thuế). Domenico De Sole, đối tác kinh doanh lâu năm của Ford, chỉ nắm giữ hơn 11% cổ phần của công ty, hiện trị giá 259 triệu USD (trước thuế). Grupo Americo Amorim, tập đoàn Bồ Đào Nha do cố tỉ phú Americo Amorim (mất năm 2017.), sở hữu 10% cổ phần còn lại, hiện trị giá 230 triệu USD trước thuế.

Tom Ford bán thương hiệu thời trang do ông phát triển cho Estée Lauder.Ảnh: Wireimage/Forbes

Tom Ford cho biết lợi nhuận đạt 96 triệu USD trên doanh số 1,7 tỉ USD vào năm 2021, theo báo cáo thường niên mới nhất của Zegna niêm yết. Công ty sẽ giữ giấy phép dài hạn đối với mảng thời trang lẫn phụ kiện của thương hiệu. Năm ngoái đánh dấu một bước ngoặt so với năm 2019 và 2020, khi thương hiệu này ghi nhận những khoản lỗ ròng. Tom Ford có 98 cửa hàng tại một số quốc gia bao gồm Trung Quốc, Italy, Nhật Bản, Nga, Thụy Sĩ và the United Arab Emirates.

Ford sẽ tiếp tục “tầm nhìn sáng tạo” cho đến cuối năm 2023, theo thông báo công bố thỏa thuận này. “Tôi cảm thấy rất vui khi Estée Lauder Companies mua lại vì đó là ngôi nhà lý tưởng cho thương hiệu,” Ford cho biết trong thông báo. “Họ là đối tác tuyệt vời ngay từ ngày đầu tiên tôi thành lập công ty và tôi thật hồi hộp khi chứng kiến họ trở thành nhà quản lý xa xỉ trong chương tiếp theo của thương hiệu Tom Ford.”

Sinh ra ở Austin, Texas, năm 1961, Ford lớn lên ở Santa Fe, New Mexico trước khi chuyển đến New York để học lịch sử nghệ thuật tại NYU. Sau đó, ông chuyển sang Parsons School of Design, học kiến trúc tại các cơ sở của trường đại học ở New York và Paris.

Ông bắt đầu quan tâm đến chuyên ngành thời trang khi nghỉ học một năm để làm việc tại phòng báo chí của hãng thời trang cao cấp Pháp Chloé ở Paris. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho nhà thiết kế đồ thể thao Cathy Hardwick.

Ford có bước ngoặt lớn đầu tiên vào năm 1990, khi ông chuyển đến Milan để thiết kế trang phục nữ cho Gucci. Ông nhanh chóng thăng tiến, trở thành giám đốc thiết kế vào năm 1992 và giám đốc sáng tạo của thương hiệu vào năm 1994. Chính tại Gucci, ông gặp đối tác kinh doanh hiện tại, Domenico De Sole, sau đó trở thành CEO của công ty. Năm 1995, bộ đôi này cùng nhau niêm yết Gucci trên sàn chứng khoán Amsterdam và New York.

Nhưng đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng đưa công ty vào tầm ngắm của những hãng thời trang khổng lồ đánh hơi thấy cơ hội. Vào tháng 1.1999, Bernard Arnault – chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn xa xỉ LVMH, hiện có giá trị ước tính khoảng 176,1 tỉ USD – mua hơn 5% cổ phần của Gucci. Ngay sau đó, Arnault mua thêm 9,5% cổ phần từ Patrizio Bertelli, tỉ phú đồng CEO của Prada. Đến tháng 2.1999, LVMH kiểm soát 26,7% cổ phần của Gucci. “Ông ấy đến ăn tối mà không gọi điện trước,” De Sole nói với Forbes vào thời điểm đó, đề cập đến Arnault.

Một tháng sau, vào tháng 3.1999, một tỉ phú thời trang người Pháp khác—François Pinault, nhà sáng lập tập đoàn xa xỉ Kering, hiện có giá trị ước tính khoảng 36,8 tỉ USD—mua 40% cổ phần của Gucci với giá 3 tỉ USD, tương đương 5,4 tỉ USD theo giá đô la ngày nay. Điều đó giúp Gucci mở rộng và mua lại Yves Saint Laurent vào năm 2000. Nhờ đó, Ford được thăng chức lên vị trí giám đốc sáng tạo của cả tập đoàn. Nhưng cuộc chiến giữa hai ông trùm người Pháp để giành quyền kiểm soát Gucci vẫn tiếp tục cho đến năm 2001, khi Pinault mua một nửa cổ phần của Arnault trong Gucci với giá 752 triệu USD (1,3 tỉ USD điều chỉnh theo lạm phát) và đồng ý mua nốt số cổ phần còn lại của Gucci vào năm 2004.

Từ năm 1994 – khi Ford trở thành giám đốc sáng tạo của Gucci – đến năm 2003, doanh số của Gucci tăng gần 1.200% lên khoảng 3 tỉ USD. Ford và De Sole giám sát việc mua lại các thương hiệu cao cấp của Gucci bao gồm Balenciaga và Bottega Veneta. Nhưng Ford đã rời khỏi Gucci ngay sau khi Pinault chính thức tiếp quản vào tháng 4.2004. Theo nhiều các báo đăng tin, đó là do những bất đồng về quyền kiểm soát công ty.

Vào tháng 3.2005, Ford tự tách ra để thành lập thương hiệu cho riêng mình. De Sole làm chủ tịch của công ty mới. (Ông cũng thành lập công ty sản xuất phim, Fade to Black, và tiếp tục chỉ đạo và sản xuất bộ phim A Single Man (Người đàn ông cô đơn) vào năm 2009, với sự tham gia của Colin Firth và Julianne Moore và nhận được một đề cử Oscar cho Firth.) Cửa hàng chính đầu tiên của Ford được mở ở New York vào năm 2007, cùng năm ông bán 25% cổ phần của thương hiệu cho Grupo Amorim với số tiền không được tiết lộ. Vào năm 2015, Amorim bán 15% cổ phần cho Zegna, để lại 10% cổ phần cho Tom Ford.

Trong nhiều năm qua, Ford cũng đầu tư cả vào nghệ thuật lẫn bất động sản: Năm 2010, ông bán bức chân dung tự họa của Andy Warhol với giá 32,6 triệu USD. Ông cũng sở hữu Cerro Pelon Ranch rộng 8 hecta ở New Mexico — nơi từng là địa điểm quay các bộ phim bao gồm Silverado và Thor — cho đến khi ông bán trang trại với số tiền không được tiết lộ vào tháng 1.2021. Hai tháng sau, ông cũng bán biệt thự bốn tầng từ thời Victoria trong khu phố cao cấp ở Chelsea, London với giá 17 triệu USD.

Không rõ tương lai sẽ ra sao đối với Ford sau năm 2023, khi vai trò của ông tại Estée Lauder sẽ kết thúc. Bất kể ông chọn làm gì, vị tỉ phú mới này vẫn sẽ rủng rỉnh tiền.

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm: Tom Ford hủy trình diễn Tuần lễ Thời trang New York vì COVID-19