multi-media / Megastory

Danh sách: Tài sản tỉ phú Hàn lao dốc

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc sụt giảm cùng đồng won suy yếu khiến tổng tài sản của các tỉ phú nước này giảm 18% xuống còn 106 tỉ đô la Mỹ.

Mặc dù nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Hàn Quốc tăng trưởng 2,6% vào năm 2022, thị trường chứng khoán của nước này lại là một trong những thị trường hoạt động kém nhất ở châu Á trong 12 tháng qua.

Chỉ số Kospi chuẩn giảm 9% trong bối cảnh lãi suất tăng và nhu cầu giảm đối với hàng công nghệ, vốn chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các yếu tố này, cùng sự suy yếu của đồng won dẫn đến tổng tài sản của 50 người giàu nhất đất nước giảm 18%, từ 130 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái giảm xuống còn 106 tỉ đô la Mỹ.

Một số ít thành viên chứng kiến tài sản của mình tăng lên, trong đó Michael Kim, tỉ phú đầu tư vốn tư nhân, là người thành công nhất. Đây là năm đầu tiên ông đứng đầu bảng xếp hạng. Kim, sở hữu MBK Partners quản lý lượng tài sản trị giá hơn 26 tỉ đô la Mỹ, đạt mức tăng nhiều nhất theo cả tỉ lệ phần trăm và đồng đô la, với giá trị tài sản ròng 9,7 tỉ đô la Mỹ, tăng hai tỉ đô la Mỹ so với năm ngoái do thông tin mới về các khoản đầu tư của ông.

Người thừa kế Samsung, Jay Y. Lee, trở thành chủ tịch điều hành của Samsung Electronics vào tháng 10 năm ngoái, giữ vị trí thứ hai trong năm thứ ba liên tiếp, mặc dù nhu cầu về chip nhớ và điện thoại thông minh giảm đã khiến khối tài sản của ông giảm còn tám tỉ đô la Mỹ so với 9,2 tỉ đô la Mỹ năm ngoái.

Tỉ phú ngành dược Seo Jung-jin thăng bậc lên vị trí thứ ba dù tài sản giảm từ 6,9 tỉ đô la Mỹ xuống còn 5,7 tỉ đô la Mỹ. Vào tháng 3.2023, Seo trở lại nắm quyền chủ tịch tập đoàn Celltrion của mình sau hai năm từ chức và cam kết tập trung vào việc mua lại.

Nhóm 35 người có tài sản sụt giảm trong danh sách bao gồm Kim Beom-su, người đứng đầu năm ngoái, tụt xuống vị trí thứ năm khi tài sản của ông sụt gần một nửa xuống còn năm tỉ đô la Mỹ. Cổ phiếu công ty Internet khổng lồ Kakao rớt giá sau những lời chỉ trích về tình trạng gần như độc quyền của doanh nghiệp này.

Sự suy thoái của tiền mã hóa thổi bay tới 74% tài sản của Song Chi-hyung, đồng sáng lập và chủ tịch Dunamu, công ty điều hành sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất Hàn Quốc (tính theo khối lượng giao dịch). Xếp ở vị trí thứ chín vào năm ngoái, ông hiện không còn là tỉ phú và tụt xuống vị trí thứ 41 với 950 triệu đô la Mỹ.

Bất chấp đà giảm của chỉ số Kospi, năm nay có sáu gương mặt mới: Lee Dong-chae của EcoPro và Ryu Kwang-ji của Kumyang, cả hai đều là chủ tịch của các công ty hóa chất; và người sáng lập kiêm CEO Chung Yong-ji của công ty công nghệ sinh học Caregen.

Hai nhà sáng lập kỳ lân khác cũng lọt vào danh sách sau những khoản đầu tư lớn: Lee Su-jin của siêu ứng dụng du lịch Yanolja, có SoftBank nằm trong số những nhà đầu tư, và Kim Jae-young của công ty phát triển trò chơi trực tuyến Lionheart Studio được Kakao hậu thuẫn tài chính.

Hai chị em Kim Jung-minJung-youn xuất hiện lần đầu với tư cách là những người trẻ nhất trong danh sách sau khi thừa kế cổ phần của công ty trò chơi trực tuyến khổng lồ Nexon từ cha họ, Kim Jung-ju, qua đời vào tháng 2.2022 ở tuổi 54. (Mẹ của họ, Yoo Jung-hyun, là thành viên ra mắt năm ngoái.)

Trong số bốn người trở lại danh sách có Lee Jay-hyun, xuất hiện ở vị trí thứ 31 với khối tài sản trị giá 1,1 tỉ đô la Mỹ. Cổ phiếu CJ Corp., công ty cổ phần thuộc tập đoàn giải trí CJ Group, tăng giá nhờ triển vọng IPO của chuỗi cửa hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp CJ Olive Young.

Mười người từ năm ngoái đã rời danh sách, bao gồm ba nhà sáng lập các công ty trò chơi trực tuyến sa sút sau đại dịch: Kim Dae-il của Pearl Abyss, Chang Byung-gyu sở hữu Krafton và Park Kwan-ho với công ty Wemade. Hạn mức tài sản để vào danh sách là 830 triệu đô la Mỹ, giảm từ 950 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái.


Jay Y. Lee: Bước ngoặt


Năm 2022 là bước ngoặt khi Jay Y. Lee nắm quyền điều hành Samsung Electronics sau nhiều năm trải qua các rắc rối pháp lý, ngồi tù và được tổng thống ân xá.

Bước ngoặt này diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất thế giới, khi nhu cầu về chất bán dẫn suy giảm do tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lạm phát gia tăng.

Lợi nhuận hoạt động năm ngoái đã giảm 16% xuống 43,4 ngàn tỉ won (32,9 tỉ đô la Mỹ) so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu về chất bán dẫn suy yếu nhanh hơn dự kiến, giảm gần 70% chỉ trong quý 4.2022, theo thông tin trong hồ sơ của công ty nộp lên cơ quan chức năng ngày 31.1.2023. Lee chứng kiến khối tài sản của mình giảm còn tám tỉ đô la Mỹ, nhưng vẫn ở vị trí thứ hai trong danh sách 50 người giàu nhất Hàn Quốc.

Lee ngồi tù hai lần trong những năm gần đây vì tội hối lộ tổng thống Hàn Quốc khi đó là Park Geun-hye. Năm 2021, ông được tạm tha sau khi chấp hành 18 tháng trong bản án 30 tháng liên quan đến tội hối lộ, bao gồm lệnh cấm làm việc năm năm. Sau đó vào tháng 8.2022, Lee được tổng thống ân xá xóa bản án năm 2017.

Vào tháng 10.2022, Lee trở thành chủ tịch điều hành của Samsung Electronics, hai năm sau khi cha ông, người đã điều hành Samsung, tập đoàn lớn nhất đất nước Hàn Quốc, qua đời. Lee vẫn đang bị xét xử trong một vụ án riêng biệt, với cáo buộc gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu liên quan đến vụ sáp nhập hai chi nhánh của Samsung vào năm 2015, nhằm củng cố quyền sở hữu của ông đối với tập đoàn. Ông phủ nhận cáo buộc này; Samsung không bình luận.

Dẫu nhu cầu chip suy yếu, công ty vẫn lên kế hoạch cho các khoản đầu tư mới với hi vọng về phục hồi trong nửa cuối năm. Hồi tháng 2.2023, doanh nghiệp điện tử khổng lồ đã vay 20 ngàn tỉ won (15,1 tỉ đô la Mỹ) từ công ty liên kết Samsung Display để làm vốn lưu động.

Vào tháng 5.2023, Samsung công bố kế hoạch năm năm, trong đó dự kiến chi 450 ngàn tỉ won đến năm 2026 để tăng tốc phát triển chất bán dẫn, dược phẩm sinh học và các công nghệ thế hệ tiếp theo khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Theo kế hoạch, tập đoàn sẽ tạo ra 80 ngàn việc làm mới.



Lee Su-jin: Làm giàu từ du lịch


Mồ côi cha mẹ từ bé và làm lao công tại khách sạn tình yêu từ năm 20 tuổi, nay Lee Su-jin (45 tuổi) lần đầu gia nhập danh sách 50 người giàu nhất Hàn Quốc năm 2023, đứng hạng 26 với khối tài sản ròng 1,2 tỉ đô la Mỹ. Khối tài sản của Lee Su-jin đến từ 32% cổ phần ông cùng vợ và hai cô con gái sở hữu trong Yanolja, siêu ứng dụng về du lịch do Lee sáng lập vào năm 2005.

Lee Su-jin nảy ra ý tưởng thành lập Yanolja, tiếng Hàn Quốc là “Này, cùng chơi nhé” (Hey, let’s play), doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đặt tour du lịch và phòng khách sạn, khi ông tạo trang web đánh giá chất lượng dịch vụ của các khách sạn tình yêu.

Năm 2021, Yanolja bán số ít cổ phần cho quỹ Vision Fund 2 thuộc tập đoàn SoftBank của tỉ phú Nhật Bản Masayoshi Son với giá 1,7 tỉ đô la Mỹ, định giá công ty có trụ sở tại Seoul 6,7 tỉ đô la Mỹ.

Tháng 2.2023, Booking Holdings, nhà đầu tư lớn khác của Yanoljia về đặt tour du lịch trực tuyến, thông báo trong hồ sơ chứng khoán rằng họ hạ mức định giá của Yanoljia xuống 60% trong năm 2022, thời điểm giá trị thị trường của ngành du lịch sụt giảm.

Dù vậy, Yanolja đón nhận kết quả kinh doanh tốt khi ngành du lịch toàn cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19. Theo thống kê mới nhất, Yanolja báo cáo doanh thu trong chín tháng đầu năm 2022 tăng 87% so với cùng kỳ năm 2021 lên 444,3 tỉ won (345 triệu đô la Mỹ), trong khi lợi nhuận ròng đạt 23,5 tỉ won (17,8 triệu đô la Mỹ), tăng trưởng 22%.

Công ty cũng mở rộng doanh nghiệp phần mềm dựa trên điện toán đám mây gần đây, giúp các khách sạn quản lý số lượng đặt phòng và dự đoán hành vi của khách hàng. Nhờ vậy, doanh số của phần mềm tăng gấp đôi từ năm 2021, đóng góp 16% tổng doanh thu của Yanolja.

“Xử lý quy trình thủ công và không có luồng dữ liệu khiến các khách sạn hoạt động thiếu hiệu quả. Vì vậy, sử dụng phần mềm của Yanolja có thể giúp khách sạn tiết kiệm tối đa nguồn lực,” Kim Jong-yoon, CEO của Yanolja, nói với Forbes Asia năm 2022.


Song Chi-hyung & Kim Hyoung-nyon: Dễ bị tổn thương


Trong năm 2022, “mùa đông” tiền mã hóa đã giáng đòn nặng nề lên tài sản của những người giàu nhất lĩnh vực này tại Hàn Quốc. Dunamu, công ty vận hành Upbit, sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu Hàn Quốc tính theo khối lượng giao dịch, giảm giá trị dẫn đến thổi bay 74% giá trị tài sản của đồng sáng lập kiêm chủ tịch Song Chi-hyung.

Trong nhóm 50 người giàu nhất Hàn Quốc năm 2023, ông Song rơi từ vị trí 32 xuống 41 với khối tài sản ròng 950 triệu đô la Mỹ, còn phó chủ tịch điều hành Kim Hyoung-nyon rời khỏi danh sách này.

Giá trị vốn hóa thị trường của công ty có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc hiện thấp hơn 25% so với mức đỉnh 17 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, sau khi Kakao Investment mua lại 10,7% cổ phần trong Dunamu với giá khoảng 437 triệu đô la Mỹ hồi tháng 12.2022.

Một cái tên khác rời khỏi danh sách tỉ phú Hàn Quốc là Park Kwan-ho, nhà sáng lập và chủ tịch của hãng phát triển game Wemade. Ông Park trở thành tỉ phú vào năm 2021 khi công ty có trụ sở tại Seongnam tận dụng lợi thế từ xu hướng phát triển game blockchain.

Tuy vậy, cổ phiếu của Wemade đến nay đã “bốc hơi” gần một nửa giá trị và công ty báo cáo khoản lỗ thuần 123,9 tỉ won (93,4 triệu đô la Mỹ) trong năm 2022 do tiền mã hóa lao dốc.

Giá trị tài sản giảm xuống cho thấy Hàn Quốc dễ bị tổn thương do biến động trên thị trường tiền mã hóa. Theo cục Giám sát tài chính (Financial Supervisory Service) Hàn Quốc, gần 1/4 người dân nước này tham gia các sàn giao dịch tiền mã hóa tính đến tháng 6.2022.

Theo dữ liệu mới nhất từ cơ quan quản lý của Hàn Quốc, giá trị tài sản mã hóa tại nước này giảm gần 60% xuống 23.000 tỉ won (17 tỉ đô la Mỹ) trong sáu tháng đầu năm 2022, khi sự sụp đổ của stablecoin Terra “thổi bay” 60 tỉ đô la Mỹ vốn hóa thị trường của tiền mã hóa.

Giá trị được dự báo tiếp tục hạ xuống theo sau sự kiện sàn giao dịch tiền mã hóa FTX phá sản vào tháng 11.2022. Theo trang cung cấp dữ liệu tiền mã hóa CoinGecko, Hàn Quốc là quốc gia có số người tham gia sàn giao dịch tiền mã hóa nhiều nhất thế giới dựa trên lượt người truy cập hằng tháng trước khi FTX đệ đơn phá sản. 


Cho young-sik: Kiểm tra thực tế


Khi nhu cầu với bộ xét nghiệm COVID-19 giảm xuống, Cho Young-sik, nhà sáng lập SD Biosensor có trụ sở tại Suwon (Hàn Quốc), đã chuyển hướng tập trung sang phát triển các loại công nghệ mới và xây dựng công ty chẩn đoán theo quy mô toàn cầu.

Khối tài sản ròng của Cho Young-sik giảm 58% so với thời điểm ông vào danh sách 50 người giàu nhất Hàn Quốc năm 2022, xuống còn 995 triệu đô la Mỹ, khi các nhà đầu tư thờ ơ với các cổ phiếu tăng giá nhờ đại dịch.

Tháng 2.2020, SD Biosensor trở thành nhà sản xuất bộ xét nghiệm COVID-19 được cấp phép đầu tiên tại Hàn Quốc.

Vào thời điểm Hàn Quốc đẩy mạnh các chính sách xét nghiệm COVID-19, công ty đã mở rộng quy mô sản phẩm sang Ấn Độ, Singapore và Slovakia.

Riêng Slovakia đã đặt mua bộ xét nghiệm COVID-19 từ SD Biosensor đủ để thực hiện những chương trình xét nghiệm cộng đồng.

Vào tháng 7.2021, SD Biosensor niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Kospi, thu về 680 triệu đô la Mỹ và nâng giá trị tài sản của ông Cho khi đó lên 2,35 tỉ đô la Mỹ.

Tuy vậy, sau khi chạm đỉnh vào đầu năm 2022, doanh số bán hàng của SD Biosensor trong quý 4.2022 giảm gần 90%, xuống còn 2.900 tỉ won (2,2 tỉ đô la Mỹ) so với năm 2021. Trong khi đó, lợi nhuận giảm 9% so với cùng kỳ.

Hiện tại, SD Biosensor đang tập trung phát triển những bộ xét nghiệm dành cho các loại bệnh khác, như cúm mùa, sốt xuất huyết Dengue và lao, bên cạnh máy đo đường huyết. Công ty cũng đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phân phối sản phẩm.

Trong 12 tháng qua, công ty đã chốt các thỏa thuận trị giá 1.400 tỉ won (1,06 tỉ đô la Mỹ) để mở rộng quy mô tại thị trường Mỹ, châu Âu và châu Á. Trong số đó có thỏa thuận hợp tác với công ty vốn sở hữu tư nhân SJL Partners có trụ sở tại Seoul chi 2.000 tỉ won (1,53 tỉ đô la Mỹ) mua lại công ty chẩn đoán Meridian Bioscience niêm yết trên sàn Nasdaq, mở đường sang thị trường Mỹ.

Còn Bionote, công ty con hoạt động độc lập của SD Biosensor chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm trong lĩnh vực thú y, đã phát hành cổ phiếu có tổng giá trị 94 tỉ won (71 triệu đô la Mỹ) hồi tháng 12.2022.

Cho Young-sik tốt nghiệp ngành thú y tại đại học Quốc gia Seoul vào năm 1984, sau đó hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ lĩnh vực hóa sinh động vật. Trước khi thành lập Standard Diagnostics, tiền thân của SD Biosensor vào năm 1999, ông Cho từng phát triển sản phẩm cho GC Biopharma (trước đây là Green Cross). 


Tạo dựng tài sản: Tình thế khó xử



GDP của Hàn Quốc đã phục hồi sau đại dịch và đạt mức tăng 2,6% vào năm 2022, tốt hơn nhiều so với hầu hết các nền kinh tế phát triển khác ở châu Á.

Nhưng triển vọng vẫn còn nhiều bất định: Tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay và năm tới do căng thẳng địa chính trị, nền kinh tế toàn cầu trì trệ và những thách thức trong lĩnh vực xuất khẩu.

Nền kinh tế lớn thứ mười thế giới nằm trong thế khó xử giữa mối quan hệ ngày càng xấu đi của Mỹ với cả Trung Quốc và Nga, khi các vụ thử tên lửa và mối đe dọa từ Triều Tiên gây ra căng thẳng leo thang cho hàng loạt quốc gia. Về lâu dài, chính phủ Hàn Quốc đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học: dân số già đi nhanh chóng của đất nước.

Tỉ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,78 vào năm ngoái – mức thấp nhất trong số 38 thành viên của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – khi những người trẻ tuổi suy nghĩ lại việc sinh con do phải đối mặt với tình trạng khan hiếm việc làm chất lượng, nhà ở đắt đỏ và hệ thống giáo dục yêu cầu cao.

Ngân hàng trung ương đã ngừng chính sách thắt chặt tiền tệ khi lạm phát đã có dấu hiệu chậm lại, mặc  dù vẫn ở mức cao. Trong khi đó, hồi tháng 2.2023, tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ làm những gì cần thiết để thúc đẩy xuất khẩu, nguồn động lực làm giàu cho quốc gia, để phục hồi nền kinh tế.

Đồng nội tệ suy yếu cũng là một yếu tố kích thích xuất khẩu. Tính đến ngày 4.4.2023, đồng won là đơn vị tiền tệ mất giá mạnh nhất so với đồng đô la Mỹ ở châu Á.    

————————————-

Biên dịch: Quỳnh Anh

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 118, tháng 6.2023