Các tỉ phú Indonesia đang hưởng lợi rất lớn từ việc đầu tư vào niken, nguyên liệu quan trọng để sản xuất pin lithium-ion cho xe điện.
Indonesia đang tận dụng lợi thế về trữ lượng niken dồi dào, nguyên liệu cần thiết để sản xuất pin lithium-ion, để hướng tới mục tiêu trở thành mắt xích lớn trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu. Nhu cầu dành cho kim loại này đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng.
Một trong những người hưởng lợi nhất là tỉ phú dầu cọ Lim Hariyanto Wijaya Sarwono, chủ sở hữu tập đoàn Harito Group đã mở rộng sang khai thác niken kể từ năm 2006 và được cấp giấy phép hoạt động.
Thành quả đến vào tháng 4.2023, khi công ty của Lim Hariyanto Trimegah Bangun Persada (Harita Nickel) phát hành công khai lần đầu (IPO) thành công, thu về 9.990 tỉ rupiah (644 triệu đô la Mỹ) với mức định giá 5,2 tỉ đô la Mỹ.
Mặc dù cổ phiếu Harita Nickel sau đó giảm 17% do giá niken toàn cầu hạ xuống, nhưng thương vụ IPO này, lớn thứ hai Indonesia tính đến hiện tại, đã giúp tài sản của Lim Hariyanto tăng hơn bốn lần lên 4,8 tỉ đô la Mỹ so với năm 2022. Ông tăng 27 bậc lên vị trí thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất Indonesia.
Harito Nickel hiện có bốn mỏ khai thác niken nằm trên đảo Obi ở tỉnh Maluku, phía Bắc Indonesia, hoạt động từ năm 2007. Sau khi chính phủ Indonesia ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu niken thô vào năm 2014 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa theo hướng tăng trưởng giá trị cho kim loại này, Harita Nickel đã xây dựng lò nung quay RKEF để sản xuất hợp kim sắt và niken dùng trong chế tạo thép không gỉ.
Harita Nikel cũng có nhà máy áp dụng công nghệ tách chiết acid áp suất cao (HPAL) tại Indonesia, hợp tác phát triển với công ty Lygend Resources & Technology từ Trung Quốc. Cơ sở này sản xuất các sản phẩm trung gian, gồm hỗn hợp kết tủa hydroxit và niken sunfat, cho pin xe điện. Harita Nickel có kế hoạch sử dụng một phần trong khoản tiền thu về từ IPO để xây dựng nhà máy HPAL thứ hai và cơ sở RKEF thứ ba.
Trong một báo cáo công bố vào tháng 9.2023, Andreas Yordan Tarigan, nhà phân tích làm việc tại Jakarta của công ty Sucor Sekuritas, dự báo lợi nhuận của Harita Nickel trong năm nay sẽ tăng 36% lên 6.300 tỉ rupiah (406 triệu đô la Mỹ) với doanh thu tăng gấp đôi lên 20.300 tỉ rupiah (1,3 tỉ đô la Mỹ).
Một cái tên đáng chú ý khác thực hiện IPO (cũng vào tháng 4.2023) là Merdeka Battery Materials (MBM), công ty con của Merdeka Copper Gold. Thương vụ IPO của MBM, công ty nhận hậu thuẫn tài chính từ hai doanh nhân lĩnh vực than đá Garibaldi Thohir và Edwin Soeryadjaya, là đợt phát hành công khai lần đầu lớn thứ ba tại Indonesia trong năm 2023. Tuy vậy, tương tự như Harita Nickel, cổ phiếu MBM cũng giảm xuống sau khi lên sàn chứng khoán.
Thêm vào đó, khối tài sản của Thohir và Soeryadjaya giảm khi giá trị đầu tư hạ xuống. Trong đó Thohir, người sở hữu gần 9% và 7% cổ phần lần lượt trong MBM và Merdeka Copper Gold, chứng kiến tài sản giảm còn 3,3 tỉ đô la Mỹ. Còn giá trị tài sản của Soeryadjaya giảm còn 1,24 tỉ đô la Mỹ. Công ty về đầu tư của Soeryadjaya, Saratoga Investama Sedaya nắm 19% cổ phần trong Merdeka Copper Gold.
Trong tin nhắn phản hồi, Thohir cho biết có dự định chuyển đổi mô hình hoạt động của MBM sang sản xuất pin xe điện tích hợp. Ông bổ sung thêm các công ty như MBM đang có vị thế tốt để hưởng lợi từ chiến lược phát triển thành “cứ điểm về sản xuất pin xe điện cho các doanh nghiệp nước ngoài từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan” của Indonesia.
Dennis Tay, nhà phân tích làm việc tại Jakarta của Buana Capital Sekuritas, lạc quan về triển vọng của MBM. Trong báo cáo công bố hồi tháng 8.2023, Dennis Tay dự báo lợi nhuận của MBM trong cả năm 2023 sẽ đạt 37 triệu đô la Mỹ, tăng trưởng 68% và doanh thu tăng ba lần lên 1,4 tỉ đô la Mỹ.
Nhà phân tích này nhận định, thương vụ mua lại 60% cổ phần trong công ty Huaneng Metal Industry đặt tại đảo Sulawesi với giá trị 75 triệu đô la Mỹ từ Eternal Tsingshan Group (Trung Quốc) vào tháng 5.2023 sẽ cho phép MBM sản xuất xi mạ niken chất lượng cao, một thành phần khác trong pin xe điện.
MBM đang vận hành một mỏ khai thác niken ở phía Tây Nam Sulawesi bên cạnh ba nhà máy RKEF và cơ sở xử lý đặt tại trung tâm của hòn đảo này. Công ty có kế hoạch sử dụng một phần số tiền từ đợt IPO để phát triển cơ sở HPAL tại Sulawesi.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cac-ti-phu-indonesia-hai-qua-tu-dau-tu-vao-niken)