Công nghệ

Sàn giao dịch tiền mã hóa Vauld tạm dừng hoạt động rút tiền

Share
this:

Sàn giao dịch tiền mã hóa Vauld tạm dừng hoạt động rút tiền mã hóa đối với khách hàng trong bối cảnh khó khăn chung.

Vào ngày 4.7, Vauld có trụ sở tại Singapore trở thành nền tảng tiền mã hóa mới nhất tạm dừng tính năng rút tiền đối với khách hàng, hệ quả từ đợt giảm sâu của thị trường mới nổi trong một tháng qua.

Công ty cũng nói với khách hàng sẽ xem xét các phương án tái cơ cấu, khi những nhà phân tích cảnh báo xu hướng giảm của thị trường gần như sẽ tiếp tục cho đến khi những lo ngại lớn hơn về suy thoái lắng xuống.

Vauld bắt đầu ra những kế hoạch tái cơ cấu, trong bối cảnh thị trường tiền mã hóa thâm hụt gần 2.000 tỉ USD giá trị. Ảnh: Getty Images

Trong bài đăng trên trang web chính thức hôm 4.7, nền tảng vay vốn và giao dịch tiền mã hóa Vauld cho biết đã đưa ra quyết định khó khăn là tạm dừng mọi hoạt động rút tiền, giao dịch và ký gửi có hiệu lực ngay lập tức do những khó khăn về tài chính từ tình hình thị trường biến động.

Startup bốn năm tuổi, từng huy động khoảng 27 triệu USD từ các nhà đầu tư như Coinbase Ventures, đổ lỗi cho tâm lý ảm đạm – tác động bởi sự kiện đồng stablecoin UST của Terraform Lab sụp đổ, các nền tảng khác tạm dừng hoạt động rút tiền và Three Arrows Capital vỡ nợ – khiến nhiều khách hàng rút 197.7 triệu USD kể từ ngày 12.6.

Với sự sụp đổ bộc lộ nhiều nhược điểm, Vauld cũng có biết đã làm việc với công ty tư vấn tài chính và pháp lý để xem xét các phương án tái cơ cấu để “bảo vệ tốt nhất cho các cổ đông”, cũng như tuyên bố việc tạm dừng hoạt động rút tiền sẽ tạo thuận lợi cho kế hoạch này.

Ngay trong tháng 6.2022, CEO của Vauld Darshan Bathija thông báo sẽ sa thải 30% trong hơn 100 nhân sự, đồng thời cho biết đợt cắt giảm sẽ không ảnh hưởng đến dịch vụ, sản phẩm hoặc việc đầu tư của khách hàng.

Động thái của Vauld đến chỉ ba ngày, sau khi Voyager Digital – công ty môi giới tiền mã hóa đặt tại New Jersey – cũng thông báo sẽ tạm dừng hoạt động rút tiền sau khi quỹ phòng hộ Three Arrows Capital không thể thanh toán khoản vay Bitcoin và stablecoin trị giá 660 triệu USD và 3AC đệ đơn phá sản trong cùng ngày.

Trong email bình luận hôm 1.7, Marcus Sotiriou – nhà phân tích của GlobalBlock – nhận định, việc Three Arrows Capital sụp đổ đã gây ra “ảnh hưởng nghiêm trọng” lên thị trường tiền mã hóa và dẫn đến chiều hướng đi xuống của các công ty khác. Anh lưu ý một số công ty gặp khó khăn trong việc theo kịp với nhóm khách hàng đang rút tiền hàng loạt ra khỏi nguồn quỹ của họ.

Tuy đưa ra nhận định lo ngại và tình hình bất ổn đã đẩy giá của đồng Bitcoin xuống rất thấp theo nhiều chỉ số khác nhau, Sotiriou đưa ra cảnh báo là xu hướng giảm của thị trường tiền mã hóa gần như sẽ kéo dài đến khi nào tình hình lạm phát hạ nhiệt.

Trong nhiều tháng qua, giá tiêu dùng đã chạm ngưỡng cao kỷ lục trong 40 năm, thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất và tháo gỡ khó khăn cho kinh tế. Trong khi đó, các nhà đầu tư lo ngại những hành động cứng rắn có thể dẫn đến đợt suy thoái kinh tế.

Trong một tháng qua, thị trường tiền mã hóa đã thâm hụt khoảng 300 tỉ USD giá trị xuống còn 890 tỉ USD, mức thấp nhất trong 18 tháng và mất gần 2.000 tỉ USD giá trị kể từ tháng 11.2021.

Mức lãi suất thấp kỷ lục và các giải pháp kích thích kinh tế từ chính phủ Mỹ đã đẩy giá trị của tiền mã hóa lên “cao chót vót” trong thời điểm đại dịch COVID-19. Tuy vậy, việc Fed nâng lãi suất nhằm ứng phó với tình hình lạm phát đã tác động lên tâm lý thị trường trong toàn ngành.

Nổi bật trong tình hình khó khăn của lĩnh vực tiền mã hóa là công ty môi giới nổi tiếng Coinbase khi sa thải khoảng 18% nhân sự vào tháng 6.2022, còn tỉ phú và CEO Brian Armstrong cảnh báo các nhà đầu tư về một đợt suy thoái có thể đưa tiền mã hóa vào “thị trường ngủ đông” dài hạn.

Giá trị của đồng Bitcoin đã giảm hơn 70% từ mức đỉnh 69.000 USD vào tháng 11.2021 xuống còn xấp xỉ 19.500 USD.

Xem thêm: Bitcoin trở thành tiền mã hóa đầu tư định kỳ hàng đầu trên Robinhood

Biên dịch: Minh Tuấn