Kinh doanh

Nikola mua Romeo với giá 144 triệu USD, tăng cường nguồn pin điện tử

Share
this:

Nhà sản xuất xe tải vận hàng bằng pin và khí hydro Nikola mua lại Romeo với mức giá 144 triệu USD để tăng khả năng tiếp cận nguồn cung pin lithium ion cho các dòng xe bán tải điện.

Nikola, nhà sản xuất xe tải vận hành bằng pin và khí hydro, đang tiến hành thâu tóm hãng sản xuất pin điện tử Romeo Power theo thỏa thuận mua lại toàn bộ cổ phiếu với mức giá 144 triệu USD. Nikola cho biết, thương vụ này sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận pin lithium ion ổn định khi công ty đang đẩy mạnh việc sản xuất dòng xe bán tải điện.

Trao đổi với Forbes, CEO Mark Russell cho biết, ban lãnh đạo của Nikola có trụ sở tại Phoenix (Mỹ) và Romeo đã thông qua lời đề nghị mua lại với mức giá 0,74 USD/cổ phiếu, chênh lệch 34% so với giá cổ phiếu được Romeo chốt lại vào ngày 29.7.

Theo đó, Nikola cũng sẽ cấp cho Romeo nguồn vốn 35 triệu USD để ổn định hoạt động kinh doanh cho đến khi hoàn tất thỏa thuận, bao gồm số trái phiếu bảo đảm 15 triệu USD và khoản thưởng vận chuyển pin điện tử có giá trị đến 20 triệu USD. Thỏa thuận này vẫn đang chờ phê duyệt từ các cổ đông và sẽ hoàn tất vào cuối năm 2022.

Thương vụ thâu tóm Romeo giúp Nikola đảm bảo nguồn cung pin điện tử cho xe bán tải điện. Ảnh: Nikola Corp.

“Nikola là khách hàng chính của Romeo, nên một phần trong thỏa thuận này là giữ và đảm bảo không xảy ra bất kỳ sự cố đứt gãy nguồn cung nào. Nhưng động lực thực sự nằm ở tính chiến lược, khi chúng tôi làm chủ nguồn pin điện tử và tự sản xuất,” Russell cho biết.

Nguồn cung pin điện tử đang được ưu tiên cho xe tải và các hãng sản xuất xe chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang động cơ điện, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng. Chính quyền tổng thống Joe Biden đã thông báo chương trình hỗ trợ vay vốn và viện trợ tài chính để thúc đẩy việc sản xuất xe điện nội địa.

Trong khi đó, bộ luật năng lượng mới đang chờ được Thượng viện thông qua có thể cung cấp nhiều nguồn tài trợ của chính phủ cho việc sản xuất phương điện chạy bằng điện và khí hydro, cũng như thúc đẩy người tiêu dùng và các công ty vận hành đội ngũ xe thương mại mua các phương tiện này.

“Nếu bộ luật bao gồm thúc đẩy người tiêu dùng mua xe và miễn thuế sản xuất cho khí hydro, đây là hai điều rất quan trọng đối với chúng tôi và lĩnh vực này,” Russell cho biết.

Cơ sở sản xuất pin của Romeo tại Cypress, California

Theo Mark Russell, Nikola cũng có nguồn cung pin điện tử từ hãng sản xuất xe tải điện và xe buýt điện Proterra có trụ sở tại thung lũng Silicon, và sẽ duy trì điều đó sau khi mua lại Romeo. Nikola sẽ bổ sung thêm 400 nhân sự và biến cơ sở sản xuất của Romeo tại Cypress, California thành Trung tâm Xuất sắc (Centre of Excellence) về pin điện tử.

“Một phần trong thỏa thuận này là giữ và đảm bảo không xảy ra bất kỳ sự cố đứt gãy nguồn cung nào,”
CEO của Nikola, Mark Russell.

Được thành lập vào năm 2015 và sử dụng công nghệ pin điện tử do những cựu kỹ sư của SpaceX và Tesla phát triển, Romeo đã gặp khó khăn trong việc có thêm khách hàng cho dòng pin hiệu năng cao, mà công ty tuyên bố có mật độ năng lượng tốt hơn và độ bền nhiệt hơn các đối thủ cạnh tranh.

Sau khi niêm yết cổ phiếu thông qua thương vụ SPAC cuối năm 2020, giá cổ phiếu của Romeo đã giảm từ mức cao 22,49 USD/cổ phiếu vào ngày 1.12.2022 xuống còn 55 cent Mỹ khi chốt phiên giao dịch hôm 29.7.

Tình hình của Nikola cũng không khá khẩm hơn, khi ghi nhận giá trị vốn hóa thị trường lao dốc do những cáo buộc gian lận của nhà sáng lập Trevor Milton vào tháng 9.2020. Các công tố viên liên bang đã buộc tội Milton lừa dối các nhà đầu tư về công nghệ của Nikola và phiên xét xử được lên kế hoạch tiến hành vào ngày 12.9.2022.

Trevor Milton phủ nhận không thực hiện bất kỳ hành vi sai trái nào. Vào khoảng cuối năm 2021, Nikola đã đồng ý nộp phạt 125 triệu USD để dàn xếp với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC).

Nikola ước tính việc sáp nhập Romeo vào hoạt động kinh doanh có thể giúp công ty giảm đến 40% chi phí dành cho pin điện tử vào cuối năm 2023 và tiết kiệm 350 triệu USD vào năm 2026.

“Thỏa thuận trên mang lại vị thế tốt hơn cho Nikola trong việc điều chỉnh khi công nghệ pin điện tử thay đổi. Chúng tôi nhìn nhận thỏa thuận này như cơ hội và vị trí chiến lược hợp lý, khi Nikola là khách hàng lớn nhất của Romeo,” Jeffrey Osbourne, nhà phân tích vốn sở hữu của Cowen, cho biết trong báo cáo nghiên cứu.

Dưới quyền điều hành của Mark Russell, Nikola đang tiến lên phía trước khi bắt đầu sản xuất xe tải tại nhà máy ở Coolidge, Arizona vào tháng 4.2022. Trước khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2.2022 vào ngày 4.8, Nikola đang thúc đẩy các cổ đông chấp thuận cho kế hoạch phát hành cổ phiếu để giúp công ty huy động thêm vốn trong việc đẩy mạnh quá trình sản xuất và xây dựng trạm sạc khí hybro.

Russel không xét đến trường hợp giải pháp có được sự ủng hộ cần thiết từ nhà đầu tư, song lưu ý là thương vụ mua lại Romeo không phụ thuộc vào điều đó. “Chúng tôi đã thực hiện điều này trong một thời gian dài và có khoản dự phòng để có thể tiến hành giao dịch cũng như phát hành cổ phiếu, bất kể kết quả của cuộc bỏ phiếu như thế nào,” ông cho biết.

Trong phiên giao dịch trên sàn Nasdaq, cổ phiếu của Nikola tăng 7,9% lên 6,71 USD/cổ phiếu, còn giá cổ phiếu của Romeo tăng 27% lên 69,8 USD/cổ phiếu vào lúc 12 giờ 16 phút đêm theo giờ New York, Mỹ.

Biên dịch: Minh Tuấn