multi-media / Megastory

Jee Dong-seob tham vọng đưa SK On thành nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới

Đồng CEO của SK On, Jee Dong-seob có mục tiêu đơn giản nhưng táo bạo cho công ty của mình: trở thành nhà sản xuất pin xe điện (EV) lớn nhất thế giới tính theo sản lượng vào năm 2030.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ sánh ngang vị trí số một, hoặc hàng đầu thế giới,” Jee, 59 tuổi, tuyên bố trong cuộc phỏng vấn độc quyền từ Seoul. Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông kể từ khi đảm nhiệm chức vụ. “Chúng tôi tin mình sẽ có thể đạt được mục tiêu suôn sẻ, không gặp bất kỳ thách thức lớn nào.”

Theo báo cáo tháng 8.2022 của SNE Research có trụ sở tại Seoul, SK On hiện là nhà cung cấp pin EV lớn thứ năm trên thế giới với công suất 13,2GWh (đơn vị tính tiêu chuẩn cho pin EV). Doanh số bán pin hằng năm của công ty đạt 2,3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, tăng từ 1,2 tỉ đô la Mỹ một năm trước đó và 530 triệu đô la Mỹ vào năm 2019, khi công ty được xếp hạng là nhà sản xuất pin lớn thứ chín. Jee nói: “Điều thực sự đáng chú ý là chúng tôi là nhà sản xuất pin phát triển nhanh nhất thế giới.”

Đó là thành tích mạnh mẽ đối với một công ty chỉ mới xuất hiện cách đây ba năm. SK On được tách ra thành công ty riêng vào tháng 10 năm ngoái từ SK Innovation, công ty mẹ gồm các doanh nghiệp năng lượng truyền thống và năng lượng thay thế thuộc SK Group, một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Vẫn còn chặng đường dài phía trước. “Tất nhiên, các đối thủ của chúng tôi cũng đang làm việc rất chăm chỉ,” Jee nói.

Hiện tại, nhà sản xuất pin EV lớn nhất thế giới là Contemporary Amperex Technology của Trung Quốc (CATL), chiếm khoảng 35% tổng thị trường toàn cầu. Đứng đầu là tỉ phú Robin Zeng, người có giá trị tài sản ròng hơn 45 tỉ đô la Mỹ, CATL cung cấp pin cho BMW, Tesla và các nhà sản xuất ô tô lớn khác.

Xếp sau là đối thủ LG cùng quê của SK với khoảng 14%, BYD của Trung Quốc 12% và Panasonic của Nhật Bản với 10%. SK On có khoảng 6,5% thị phần, theo dữ liệu của SNE. Năm ngoái, SK On vượt qua đối thủ lớn khác là Samsung, trước đây đứng ở vị trí thứ năm nhưng đang dần mất vị thế.

Bối cảnh cạnh tranh của những nhà sản xuất hàng đầu này có thể thay đổi trong vòng một thập niên. SK On ước tính đến năm 2030, thị trường xe điện toàn cầu sẽ đạt 2,5TWh, trị giá ít nhất 263 tỉ đô la Mỹ, tương đương 31,3 triệu EV nếu mỗi xe được trang bị pin tiêu chuẩn 80kWh.

Để đạt được các mục tiêu của mình, SK On có kế hoạch lớn mở rộng ra quốc tế với nguyên tắc “bồi dưỡng và quản lý” mạng lưới đối tác và nhà máy toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu, thị trường EV lớn thứ hai thế giới. Vào tháng 3.2022, nhà sản xuất ô tô Ford của Mỹ và SK On hợp tác thành lập nhà máy sản xuất pin EV ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm 2025, cơ sở mới sẽ có công suất hằng năm từ 30GWh đến 45GWh/năm. Theo Jee, đó mới chỉ là sự khởi đầu.

Nhà sản xuất pin của Hàn Quốc hiện có bảy nhà máy trên khắp châu Âu, Trung Quốc và Mỹ. Các nhà máy đầu tiên của họ bên ngoài Hàn Quốc được mở vào năm 2020 tại Trung Quốc, đặt tại Thường Châu và Huệ Châu. SK On có thêm hai nhà máy dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2024, bao gồm một nhà máy ở Iváncsa, Hungary và một nhà máy khác ở Giang Tô, Trung Quốc. Công ty cũng đầu tư khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ cho hai nhà máy nữa ở Trung Quốc dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2025.

Đầu tư ra nước ngoài có thể là hướng chi tiêu tốt. Sam Abuelsamid, chuyên gia phân tích chính về các phương tiện chạy điện của Guidehouse Insights tại Hoa Kỳ, cho biết các nhà máy ở nước ngoài nằm gần các thị trường EV lớn giúp các nhà sản xuất pin cắt giảm chi phí vận chuyển sản phẩm của họ tới dây chuyền lắp ráp EV.

“Nội địa hóa sản xuất tại nơi các phương tiện sẽ được sản xuất và bán có thể làm giảm đáng kể chi phí logistics.” Ông nói thêm, hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn của phương Tây đang đầu tư trực tiếp vào sản xuất pin, bao gồm Ford, Stellantis và Volkswagen. SK On cung cấp cho cả ba hãng này.

SK On đang mở rộng tại thị trường Mỹ, nơi họ đã có nhà máy tại Commerce, Georgia. Theo cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Mỹ hiện là thị trường EV lớn thứ ba thế giới, chiếm 4,5% tổng doanh số toàn cầu, sau châu Âu là 16% và Trung Quốc là 14%.

Hồi tháng 7.2022, SK On chính thức khởi động BlueOval SK, liên doanh với Ford Motor, là siêu dự án đồng hành với BlueOval City của Ford để sản xuất xe điện. Các đối tác có kế hoạch đầu tư tổng cộng 8,9 tỉ đô la Mỹ để sản xuất hàng loạt pin tại ba nhà máy mới ở Kentucky và Tennessee.

Hoạt động vận hành sẽ bắt đầu vào năm 2025 với tổng công suất gấp bốn lần các cơ sở hiện có của SK On ở Georgia. Trang web của Ford gọi dự án BlueOval là “khoản đầu tư sản xuất lớn nhất từng có trong một giai đoạn của bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào ở Hoa Kỳ.”

Trong tuyên bố gần đây, CEO David Hahm của Ford cho biết: “Với mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai công ty, chúng tôi sẽ đảm bảo khả năng cạnh tranh vô song trên thị trường xe điện toàn cầu.” Mối quan hệ hợp tác của SK On với Ford khởi đầu từ năm 2018, khi SK Innovation sản xuất pin giàu niken cho xe bán tải chạy điện Ford Lightning.

Tuy nhiên, SK On, giống như các công ty cùng ngành, phải đối mặt với biến động trên thị trường toàn cầu đối với kim loại đất hiếm – chủ yếu là coban, lithium và niken – là những thành phần quan trọng của pin. Theo báo cáo hồi tháng 5.2022 của IEA, doanh số EV tăng nhanh trong thời kỳ đại dịch đã gây khó khăn cho khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng pin, vì nhu cầu về xe điện có nguy cơ vượt xa nguồn cung cấp nguyên liệu thô.

Giá đất hiếm tăng phần lớn do cuộc chiến Nga – Ukraine. Nga cung cấp 20% niken có độ tinh khiết cao trên toàn cầu, trong khi Ukraine cung cấp 30% lượng lithium của thế giới. Đến tháng 5.2022, giá lithium cao hơn bảy lần so với đầu năm 2021, khiến IEA dự báo rằng pin có thể đắt hơn 15% vào năm 2022.

Tuy nhiên, giá dầu cũng tăng, do đó giảm bớt cú sốc so sánh giá EV. Các chính phủ trên thế giới đang trợ cấp chi phí mua xe điện vì lợi ích môi trường, do đó thúc đẩy nhu cầu sử dụng pin EV.

Vị CEO này cho biết SK On có được lượng đơn hàng chờ đáng ghen tị, một chỉ số quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng. Lượng đơn hàng pin EV trong danh sách chờ đã được xác nhận của SK On ở mức 1.600GWh, tương đương với công suất lắp đặt của khoảng 20 triệu EV, hoặc trị giá khoảng 176 tỉ đô la Mỹ theo ước tính của SK On.

Nhưng các hãng khác cũng có lượng đơn hàng chờ khá lớn, chẳng hạn như LG Energy Solution, có lượng đơn hàng chờ trị giá 231 tỉ đô la Mỹ, theo thông tin trong báo cáo lợi nhuận vào tháng 3.2022 từ người phát ngôn của LG.

Jee chia sẻ, điều sẽ đưa SK On lên vị trí hàng đầu là công nghệ độc quyền của công ty, thành quả suốt một thập niên nghiên cứu pin của tập đoàn SK. SK On cho biết họ sẽ chi ít nhất một tỉ đô la Mỹ trong hai năm tới cho nghiên cứu và phát triển, đặc biệt tập trung vào pin EV giàu niken độc đáo của công ty. Thành phần của chúng giúp mang lại mật độ sạc cao hơn so với pin lithium, giúp pin hiệu quả hơn và cải thiện phạm vi hoạt động.

Jee nói: “SK On có thể phát triển nhanh chóng và đảm bảo lượng đơn hàng chờ vì thị trường đã công nhận năng lực và chất lượng công nghệ pin của chúng tôi.” Năm 2012, SK là công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất pin EV có hơn 60% niken.

Niken có một lợi thế khác là không chịu sự hạn chế nguồn cung nào mà đang ảnh hưởng đến sản xuất lithium và coban. Sản xuất niken đã được thúc đẩy mạnh mẽ trước khi có sự gia tăng của xe điện nhờ ứng dụng vào thép không gỉ, và các nhà sản xuất sản phẩm thép không gỉ vẫn là những người mua niken lớn nhất trên toàn thế giới.

Kể từ tháng 1.2022, SK On đã sản xuất hàng loạt loại pin EV độc đáo chứa 90% niken và những viên pin đó cung cấp năng lượng cho chiếc xe bán tải F-150 Lightning mới của Ford – phiên bản chạy điện của chiếc xe phổ biến nhất đã được ra mắt trong năm nay.

Jee đặc biệt tự hào về độ an toàn cháy nổ của pin EV của công ty, mà theo ông là độ an toàn độc nhất. SK On cho biết, trong số khoảng 350 triệu thanh pin được sản xuất, không có thanh pin nào bốc cháy. Vị CEO này cho biết, độ an toàn này được đảm bảo nhờ một công nghệ phân tách độc đáo, được gọi là “gấp chữ z” (z-folding), chạy ngoằn ngoèo qua các cực sạc của pin để giảm thiểu rủi ro cháy nổ. “Tôi có thể tuyên bố bạn sẽ không bao giờ thấy ngọn lửa bùng phát trong pin của chúng tôi,” Jee nói.

Cho đến nay, pin EV bị cháy nổ là cực kỳ hiếm. Công ty về an toàn pin EVFireSafe được chính phủ Úc hậu thuẫn, đã xác minh có 246 vụ cháy liên quan đến pin EV trên toàn cầu kể từ năm 2010 trong số hơn 16 triệu pin EV đang được sử dụng.

Danh mục đầu tư hiện tại của SK On bao gồm pin giàu niken, pin lithium-ion và thanh pin LFP, loại pin sản xuất từ hợp chất của lithium, sắt và phốt pho hóa học. Các loại pin thường được lắp trong các phương tiện rẻ hơn có mật độ năng lượng khoảng 60%, có nghĩa là chúng cần được sạc thường xuyên.

Để vượt qua thách thức về độ bền của pin, công ty đang phát triển các loại pin ở thể rắn thay vì dạng lỏng và pin nhỏ gọn hơn so với pin EV truyền thống. Pin lăng trụ mang lại sự ổn định cho các chuyến đi dài hơn, trong khi pin dạng túi cơ động hơn và có thể được sử dụng trong các EV nhỏ hơn.

Trong năm qua, tốc độ phát triển của SK On đã giúp mở rộng toàn bộ tập đoàn SK. Vào tháng 5.2022, ủy ban Thương mại công bằng của Hàn Quốc cho biết việc đầu tư vào “các công ty năng lượng bền vững” đã giúp SK trở thành tập đoàn lớn thứ hai ở Hàn Quốc về quy mô tài sản sau Samsung, vượt qua Hyundai Motors – sự thay đổi thứ hạng đầu tiên ở tốp năm đế chế kinh doanh hàng đầu của đất nước trong 12 năm.

Sự nổi lên của SK On cũng nhấn mạnh bước chuyển hướng của SK sang lĩnh vực năng lượng xanh – sự chuyển đổi về bản chất đối với một đế chế có hơn một nửa hoạt động kinh doanh từ dầu mỏ và hóa dầu. Công ty cũng rất quan trọng đối với tỉ phú Chey Tae-won. Ông là chủ tịch của SK, tập đoàn mà gia đình ông thành lập và vẫn kiểm soát. Ý nghĩa của việc này thể hiện rõ qua thực tế là em trai của Chey, Chey Jae-won, là đồng CEO của SK On.

Sự nghiệp của Jee gắn bó với SK từ lâu. Sinh ra ở Icheon, ông nhận bằng cử nhân vật lý năm 1987 và bằng thạc sĩ kinh tế năm 1990 tại đại học Quốc gia Seoul. Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu làm việc trong bộ phận kế hoạch kinh doanh của Yukong, trước đây được gọi là Korea Petroleum, nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước.

Qua một loạt vụ sáp nhập, Yukong trở thành một phần của tập đoàn SK. Năng lực quản lý của Jee được trui rèn thông qua các chi nhánh kinh doanh của SK về viễn thông, dầu mỏ, năng lượng và sản xuất pin.

Để thúc đẩy tăng trưởng, SK On đang tìm hướng niêm yết vào năm 2025. Vào tháng 3.2022, truyền thông địa phương đưa tin rằng SK đang đàm phán với các công ty cổ phần tư nhân, bao gồm Carlyle Group và BlackRock, để huy động 3,1 tỉ đô la Mỹ vốn trước IPO.

Hai tháng sau, SK On thông báo họ đã có được khoản vay ngân hàng trị giá hai tỉ đô la Mỹ để mở rộng kinh doanh ở châu Âu, hi vọng qua đó sẽ cải thiện triển vọng IPO của mình. Đợt IPO đó sẽ là thương vụ niêm yết trễ nhất trong số các công ty cùng ngành với SK On, vì LG Energy Solution đã tổ chức đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lớn nhất Hàn Quốc vào tháng 1.2022, huy động được 10,7 tỉ đô la Mỹ. Đơn vị phân tách pin SK IE Technology của SK Group đã thu về hai tỉ đô la Mỹ khi niêm yết vào tháng 5.2022.

Jee cho biết SK On đã lên kế hoạch cho tương lai, phát triển pin cho các loại xe cụ thể. Jee nói: “Sẽ có các loại xe thương mại – ví dụ như xe bán tải – chạy bằng pin EV cho mẫu xe cơ bản hoặc các loại EV chi phí thấp hơn.” Thị trường cũng sẽ phát triển khi cơ sở hạ tầng thu phí trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn. Jee muốn định vị SK On để có thể nắm bắt các cơ hội mới nổi. Ông nói, đó vẫn chỉ là “giai đoạn đầu của thị trường xe điện.”

Biên dịch: Quỳnh Anh
Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 112, tháng 12.2022