Tài chính

Nhà đầu tư Icahn thua lỗ cho thấy điều gì đang xảy ra ở phố Wall?

Huyền thoại phố Wall Carl Icahn đang trải qua chuỗi thua lỗ suốt bảy năm khiến ông mất hàng tỉ đô la Mỹ, nhưng thị trường vẫn yêu thích cổ phiếu của ông.

Share
this:

Tháng 10.2013, khi Carl Icahn bắt đầu bán phần sở hữu lớn của mình tại Netflix, nhiều người tin nhà đầu tư tỉ phú này lại thành công lần nữa. Netflix chuyển đổi thành công từ dịch vụ cho thuê DVD qua thư sang phát trực tuyến video và Icahn thu về lợi nhuận 457% chỉ trong 14 tháng.

Icahn tuyên bố “là người quá rành rẽ về bảy thị trường giá hạ,” đã đến lúc ông “nên bán một số cổ phiếu để thu tiền mặt.” Con trai của Icahn, Brett, nài nỉ cha mình đừng bán. Năm 2015, Icahn bán ra, thu được hai tỉ đô la Mỹ lợi nhuận từ cổ phiếu của Netflix. Nhưng kể từ khi ông bán ra, cổ phiếu đã tăng giá gấp 10 lần. Nếu Icahn còn nắm giữ số cổ phiếu đó, lợi nhuận của ông sẽ là 19 tỉ đô la Mỹ.

Câu chuyện bỏ lỡ Netflix của Icahn không phải là duy nhất. Năm ngoái, khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng trở lại 18% trong thời kỳ đại dịch tăng giá đầy biến động, thì quỹ đầu cơ của Icahn lại giảm 14%. Năm 2019, quỹ này đã giảm 15%. Trên thực tế, nhà giao dịch vĩ đại đã mất hơn năm tỉ đô la Mỹ giao dịch trong bảy năm qua. Quỹ đầu cơ của ông đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại đến mức lợi nhuận trung bình hằng năm của quỹ kể từ khi thành lập năm 2004 đã giảm xuống còn 3%, so với mức 10% của chỉ số S&P 500.

Các vấn đề khó khăn của Icahn cho thấy một sự thay đổi lớn đang xảy ra ở phố Wall. Trong kỷ nguyên của Amazon, Tesla, GameStop và Bitcoin, tăng trưởng, động lực và tâm lý nhà đầu tư là những điều quan trọng nhất dẫn đến thành công. Nhưng ở tuổi 85, Icahn vẫn gắn bó với các nguyên tắc cơ bản. Ông là một trong những nhà đầu tư thôn tính doanh nghiệp nguyên bản còn sót lại ở phố Wall, và vẫn thích các công ty có nhiều tài sản và tiền mặt đang tìm kiếm sự thay đổi.

“Tôi là nhà đầu tư giá trị, và mô hình đầu tư tích cực vẫn là mô hình tốt nhất nếu bạn có thể tìm được công ty có giá trị tiềm ẩn và hội đồng quản trị không biết tận dụng điều đó,” Icahn nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện từ văn phòng mới của mình ở Florida. “Đó vẫn là điều tốt nhất nếu xét trên cơ sở phần thưởng dựa trên rủi ro, nhưng bạn cần rất nhiều kiên nhẫn.”

Phố Wall vẫn tin tưởng điều đó. Cổ phiếu trong phần sở hữu quan trọng nhất của Icahn, công ty Icahn Enterprises niêm yết trên sàn Nasdaq, đầu tư vào quỹ đầu cơ của Icahn và nắm giữ các công ty như nhà máy lọc dầu CVR Energy và nhà bán lẻ phụ tùng ô tô Pep Boys, hiện giao dịch ở mức khoảng 60 đô la Mỹ, tăng khoảng 20% trong 12 tháng qua. Các tài sản gốc, được tính theo giá trị tài sản ròng, chỉ trị giá 14,70 đô la Mỹ một cổ phiếu. Giá trị tài sản ròng của Icahn Enterprises đã giảm từ 9,1 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2013 xuống còn 3,5 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, Icahn chủ yếu nhận cổ tức bằng cổ phiếu, tăng gấp đôi số cổ phiếu.

Tôi là nhà đầu tư giá trị, và mô hình đầu tư tích cực vẫn là mồ hình tốt nhất nếu bạn có thể tìm được công ty có giá trị tiềm ẩn và hội đồng quản trị không biết tận dụng điều đó.”

Carl Icahn

92% cổ phần của Icahn trong Icahn Enterprises chiếm phần lớn giá trị tài sản ròng ước tính 15,8 tỉ đô la Mỹ của ông. Nếu trước đây Forbes sử dụng giá trị tài sản ròng của IEP để tính giá trị tài sản ròng của ông thay vì tính theo giá thị trường, thì hiện nay Icahn có khối tài sản trị giá sáu tỉ đô la Mỹ. Phần còn lại là giá tăng trên vốn của Icahn. Và về lâu dài, điều đó hoàn toàn hợp lý: cổ phiếu của Icahn Enterprises mang lại lợi nhuận gấp sáu lần so với chỉ số S&P 500 trong 20 năm qua.

Các khó khăn gần đây của Icahn bắt nguồn từ việc dư thừa năng lượng và thị trường bán khống, bao gồm cả cổ phiếu tăng trưởng. Quyết định bán khống của ông đã gây thiệt hại bảy tỉ đô la Mỹ trong năm năm. “Tôi đã quá tập trung vào một số cổ phiếu năng lượng – chúng có giá quá rẻ và quản lý không tốt, và tôi cứ cắm đầu vào,” Icahn nói bằng chất giọng độc đáo của một người sinh ra ở Brooklyn và lớn lên giữa tầng lớp lao động ở khu lân cận Queens. “Thị trường năng lượng thủng đáy. Bạn phải cắn răng tìm cách chạy thoát.”

Icahn cũng khẳng định giá trị tài sản ròng của Icahn Enterprises không phản ánh đúng giá trị nội tại tài sản công ty của ông. Ví dụ như trường hợp của Icahn Automotive Group. Icahn nhanh chóng nhắc đến câu chuyện tiếp quản hiện tại của Mavis Tire Express Service, một doanh nghiệp tương tự và có số lượng cửa hàng tương tự. Mavis đang được định giá sáu tỉ đô la Mỹ, gần gấp bốn lần giá trị mà Icahn Automotive được liệt kê trên bảng cân đối kế toán của Icahn Enterprises.

Ngay cả những ván cược lớn vào năng lượng như Occidental Petroleum cũng đang bắt đầu có vẻ hứa hẹn hơn khi giá dầu thô của Mỹ đã tăng từ mức thấp hơn 0 (theo hợp đồng kỳ hạn) trong thời kỳ đại dịch lên 60 đô la Mỹ/ thùng trong thời gian gần đây. Hồi tháng 2.2021, Icahn nắm giữ cổ phần chính (và hai ghế trong hội đồng quản trị) tại First­Energy của Ohio, công ty trong ngành tiện ích có hiệu suất sụt giảm sau khi một trong những công ty con của họ có dính líu đến một vụ lừa đảo liên bang. Icahn muốn họ nhanh chóng dàn xếp vụ việc. Một thương vụ mua mới khác của Icahn là công ty dược phẩm và thiết bị y tế Bausch Health của Canada, sở hữu công ty chăm sóc mắt và kính áp tròng khổng lồ Bausch & Lomb.

Bausch đang trong giai đoạn chuyển đổi kể từ năm 2013, khi công ty này vẫn còn mang tên Valeant Pharmaceuticals. Icahn muốn tách công ty làm đôi. “Ở những công ty như Bausch Health và FirstEnergy, chúng tôi ở trong hội đồng quản trị và có thể giúp tạo ra sự khác biệt,” ông nói.

Icahn hoảng sợ trước khoản chi tiêu liên bang khổng lồ của Hoa Kỳ nhưng cho rằng vẫn còn cơ hội trong thị trường này. Ông nói: “Chúng ta đang ở bối cảnh rất khó đoán và sẽ phải trả giá vì thâm hụt khổng lồ và thua lỗ trong tương lai, nhưng thời điểm đó vẫn chưa đến – và mặc dù tôi hơi lo lắng, nhưng vẫn khá lạc quan.”

LỤC KHO: NHỮNG KẺ TÁO BẠO

Vào giữa những năm 1980, những nhà đầu tư tấn công doanh nghiệp như Carl Icahn, Ron Perelman và T. Boone Pickens đã xâm nhập phố Wall – đẩy mạnh hoạt động nhờ các trái phiếu rác được phát hành thông qua Michael Milken của ngân hàng đầu tư Drexel Burnham Lambert.

Forbes là nơi đầu tiên khám phá cỗ máy kiếm tiền của Milken và “những kẻ táo bạo”: “Có những điểm chung nào giữa những khách hàng đặc biệt của Drexel không?

Họ đều mang những đặc điểm như: tất cả đều hung hãn, là những người ngoài cộng đồng tài chính thông thường, thích giao dịch và có thể nhanh chóng đầu tư hàng triệu đô la Mỹ mà không cần thông qua bộ máy hành chính của công ty.

Một nhà quan sát thông thường sẽ nói rằng họ có xu hướng trở thành nhà đầu tư táo bạo, quan tâm đến tiền hơn nhiều so với việc điều hành doanh nghiệp. Một người ngưỡng mộ sẽ gọi họ là những doanh nhân tài chính, những người tái triển khai vốn.” —1.11.1984

Biên dịch: Quỳnh Anh
Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam tháng 6.2021 với tiêu đề “Đầu tư táo bạo.”