Mặc dù nền kinh tế đang suy thoái nhưng SoftBank kỳ vọng những startup tập đoàn đang đầu tư vào vẫn tăng trưởng mạnh.
Cơn bão kinh tế gần đây bắt đầu tác động đến chúng ta, nhưng điều đó không làm SoftBank thay đổi kỳ vọng về sự phát triển thịnh vượng của những công ty trong danh mục đầu tư, chỉ cần họ tập trung vào sản phẩm cũng như tốc độ tăng trưởng.
Đó là thông điệp tập đoàn Nhật Bản của Masayoshi Son chuyển đến các startup ngay cả khi SoftBank báo lỗ 27 tỉ USD trong năm tài chính vừa qua do lạm phát tăng cao, cuộc chiến tranh giành tài nguyên và lãi suất tăng vọt.
Forbes đã liên hệ với gần một nửa số công ty trong danh mục đầu tư của quỹ Vision Fund thuộc SoftBank để tìm hiểu cách nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ tư vấn cho những nhà sáng lập vượt qua giai đoạn thị trường sụt giảm làm các công ty công nghệ tư nhân lẫn nhà nước mất hàng tỉ đô la Mỹ.
“Bất kể chúng ta đang ở trong thị trường sụt giảm, nhưng công ty vẫn nên nghĩ điều cần quan tâm nhất là tăng trưởng và sản phẩm. Thật tuyệt khi người sáng lập có quan điểm này,” Juan Urdiales, CEO của nền tảng tuyển dụng Jobandtalent ở Tây Ban Nha, huy động được 120 triệu USD trong vòng gọi vốn do SoftBank dẫn đầu vào tháng 3.2021, cho biết.
Bên cạnh Urdiales, Forbes còn nói chuyện với 20 nhà sáng lập khác trong số 300 startup trên toàn thế giới được quỹ Vision Fund 1 and 2 của SoftBank đầu tư tổng cộng 140 tỉ USD.
Những nhà sáng lập như Kevin Gosschalk của công ty sản xuất captcha Arkose Labs, cho biết họ được khuyên nên ưu tiên thực hiện chiến lược tăng trưởng “tập trung” và “tinh gọn” trong nền kinh tế đang suy giảm do lãi suất tăng và lạm phát chưa được kiểm soát.
Khi các dấu hiệu cảnh báo thị trường sụt giảm xuất hiện trong năm nay, SoftBank nhanh chóng giảm tốc độ đầu tư sau khi thực hiện 183 khoản đầu tư kỷ lục trong năm ngoái.
Tập đoàn chỉ thực hiện 32 khoản đầu tư từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2, khi người sáng lập SoftBank Masayoshi Son nói với các nhà đầu tư ông dự định điều chỉnh 50% đến 75% các giao dịch như vậy.
Do nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới Vision Fund đã thay đổi chiến lược trước đó nên dẫn đến sự chuyển đổi trên. Thay vì đầu tư 1 tỉ USD vào các công ty đang thiếu vốn như Uber và WeWork thông qua Vision Fund 1, nhóm ở London chia ra thành nhiều khoản đầu tư nhỏ trị giá 10 triệu USD như kiểu đầu tư mạo hiểm truyền thống cho những công ty trong các ngành và nhiều nước khác nhau.
Yanni Pipilis, đối tác quản lý EMEA của SoftBank Vision Fund, cho biết: “Thực tế là nếu bạn muốn tiếp tục đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm, sẽ rất khó để tập trung vào một số vị trí và tìm những công ty rất lớn có thể sử dụng hết khoản đầu tư đó.”
Là nhà đầu tư thiểu số trong nhiều công ty thuộc danh mục đầu tư của Vision Fund 2, SoftBank không có đủ khả năng để áp đặt quan điểm của mình trong các cuộc đàm phán về tương lai của một startup, Pipilis cho biết.
“Vì vậy, trong những cuộc thảo luận trong hội đồng quản trị, những ý kiến chúng tôi đưa ra thường ở mức độ tư vấn hơn là yêu cầu những người sáng lập nên làm gì. Không có phương pháp tiếp cận chung cho tất cả nhưng tất nhiên trong một môi trường như thế này, chúng tôi sẽ tìm hiểu kế hoạch startup chi tiêu, tuyển dụng, cũng như tiếp thị và từ đó xem cách chúng tôi có thể điều chỉnh để giúp họ tăng trưởng.”
Giống như nhiều đối thủ ở thung lũng Silicon, SoftBank quay trở lại tập trung vào các startup ở châu Âu trong 18 tháng qua sau khi định giá và nhu cầu của các nhà sáng lập ở Mỹ tăng cao.
SoftBank tăng gần gấp đôi số vốn đầu tư cho các startup châu Âu lên 25% thông qua quỹ thứ hai. Vision Fund 1 đầu tư nhiều vào các công ty lớn ở Mỹ và châu Á.
Mặc dù vậy, tốc độ cùng với quy mô đầu tư SoftBank thực hiện ở nhiều mảng hoạt động kinh doanh nên có thể dẫn đến sự chồng chéo. Trong cuối tháng 3.2021, hai nhóm Vision Fund riêng biệt đã đầu tư hơn 3 tỉ USD vào hai startup ở Na Uy cung cấp công nghệ robot kho hàng cạnh tranh nhau.
Ngoài ra, nhiều startup được quỹ đầu tư có thể sớm đọ sức với nhau, chẳng hạn như cửa hàng tạp hóa trực tuyến Oda mở rộng sang Đức trong khi Autostore tìm cách tiếp sức cho những công ty bán lẻ khổng lồ ở Đức.
Một số đối thủ của SoftBank tỏ ra thận trọng hơn. Trong thông báo gửi đến những người sáng lập trong danh mục đầu tư của mình vào tháng trước, Sequoia Capital đưa ra một cảnh báo u ám về “nguồn vốn giá rẻ không phải đột nhiên xuất hiện để cứu giúp” các startup đang gặp khó khăn.
Tiger Global, đối thủ của SoftBank, chỉ trích những quỹ đầu tư “vô tội vạ” vào những startup ở giai đoạn tăng trưởng, cũng đang gặp phải những khó khăn lớn và xóa sổ 17 tỉ USD trong danh mục đầu tư.
Theo Pitchbook, hồi tháng 5, Tiger đã đầu tư vào 33 công ty, giảm so với con số 50 trong tháng 1. Nhưng mặc dù có dấu hiệu rõ ràng về sự suy giảm, những nhà đầu tư vào Tiger vẫn tỏ ra không nản lòng, huy động được 12,7 tỉ USD vào tháng 3 cho một quỹ tăng trưởng mới và được cho biết đang đàm phán để huy động vốn thêm cho một quỹ khác tập trung vào thị trường tư nhân.
Năm ngoái, SoftBank đạt kỷ lục mới về lợi nhuận sau khi niêm yết công ty thương mại điện tử Coupang của Hàn Quốc cùng với nhiều công ty trong danh mục đầu tư của Vision Fund được định giá rất cao. Những dấu mốc quan trọng đó lập được trước khi lãi suất tăng, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh và lo ngại về suy thoái đã tác động đến mức định giá của các công ty công lẫn tư nhân trong lĩnh vực công nghệ.
Trong khi đó, các khoản đầu tư của Softbank vào Alibaba và ứng dụng gọi xe Didi thua lỗ nặng do Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt các công ty công nghệ.
Giá cổ phiếu của SoftBank giảm 36% so với năm ngoái.
Công ty cũng đang gánh khoản nợ 140 tỉ USD, một trong những khoản nợ lớn nhất trên thế giới, cũng như chứng kiến sự ra đi của các giám đốc điều hành nổi tiếng.
Gần đây nhất, một vài vụ đầu tư lớn nhất SoftBank thực hiện thông qua Vision Fund 2 bắt đầu chao đảo.
Tháng trước, Klarna, startup giá trị nhất châu Âu, đã sa thải 1/10 nhân viên và cắt giảm kỳ vọng sau khi báo lỗ gần 500 triệu USD hồi năm ngoái. GoPuff, ứng dụng giao hàng nhanh trị giá 15 tỉ USD, đóng cửa hơn một chục nhà kho và sa thải 400 nhân viên trong tháng Năm.
Ngoài ra View, công ty sản xuất cửa sổ “kính thông minh”, huy động được 1 tỉ USD từ SoftBank trước khi niêm yết thông qua SPAC, cũng có nguy cơ bị Nasdaq hủy niêm yết do mức giao dịch giảm 81% so với mức đỉnh cao trong năm ngoái.
Amir Anvarzadeh, nhà phân tích của Asymmetric Advisors ở Singapore, cho biết giá cổ phiếu của công ty lớn Alibaba mà SoftBank đầu tư vào đang giảm 50% so với giá trong năm ngoái. “Trong vài năm qua, SoftBank tự chuốc lấy tai họa khi chuyển đổi trở thành công ty đầu tư mạo hiểm,” Anvarzadeh nhận định thêm.
Trước đây, SoftBank cũng từng trải qua nhiều biến động lớn trên thị trường. Son là một trong những người đạt được nhiều thành công nhất khi đầu tư vào những công ty công nghệ trong những năm 1990, ngay trước khi bong bóng dot-com bùng nổ (thời điểm các công ty công nghệ được định giá quá cao so với giá trị thực), như những thương vụ đầu tư lớn vào Yahoo và E-Trade.
Tuy nhiên, sau đó vị giám đốc điều hành đã chứng kiến SoftBank mất 99% vốn hóa thị trường, làm cho tài sản cá nhân của Son bị ảnh hưởng nặng nề.
Son đã hồi sinh SoftBank như một nhà khai thác viễn thông lớn nhưng gần đây phải trải qua thảm họa từ những thương vụ đầu tư hàng tỉ vào các công ty khởi nghiệp thất bại như WireCard, Greensill Capital và Katerra – khiến dấy lên nhiều nghi ngờ về quy trình thẩm định của SoftBank. Chỉ riêng công ty WeWork đã gây tổn thất tài chính lớn lẫn ảnh hưởng danh tiếng cho cả SoftBank cũng như Son.
Những nhà sáng lập được Forbes phỏng vấn cho biết họ cũng nhận được thông điệp từ SoftBank cho biết startup đang gặp khó khăn để đạt được thành công đừng kỳ vọng vào khoản đầu tư của tập đoàn.
SoftBank luôn dẫn đầu các vòng gọi vốn của những startup thua lỗ, tuy nhiên hiện giờ lại đẩy nhà đầu tư khác thay tập đoàn dẫn đầu các vòng gọi vốn đó.
Anthony Doeh, đối tác của SoftBank Investment Advisers, cho biết: “Vài năm trước, chúng tôi thận trọng thực hiện chiến lược để quỹ đầu tư khác dẫn đầu các vòng gọi vốn và sẵn sàng tham gia cũng như hỗ trợ trong những vòng đó.”
“Là người sáng lập, bạn đừng bao giờ mong chờ vào sự hỗ trợ tài chính liên tục của các nhà đầu tư,” Rob van den Heuvel, CEO của startup vận chuyển Sendcloud ở Hà Lan, huy động được 175 triệu USD hồi tháng 9 trong vòng gọi vốn do SoftBank dẫn đầu cho biết.
“Do chúng tôi kinh doanh tốt nên trong vài tuần trước nên họ tiếp tục muốn hỗ trợ … Tôi hoàn toàn hiểu nếu họ không hỗ trợ cho những công ty đang có vấn đề trong kinh doanh.”
Mặc dù hiện tại, những nhân tố như vậy đã không làm lung lay niềm tin của các công ty trong danh mục đầu tư, ít nhất là nhìn từ bề ngoài. Urdiales cho biết ông đã được những người sáng lập khác cảnh báo mức độ tác động của thị trường đại chúng đến SoftBank có thể quyết định liệu tập đoàn có phải là nhà đầu tư dài hạn hay không.
“Chúng tôi chứng kiến xu hướng thị trường đang tác động mạnh đến nhiều nhà đầu tư,” Uriadales nói. “Bạn không muốn nhà đầu tư thay đổi quyết định theo mỗi quý.”
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
General Motors mua cổ phần của SoftBank trong xe tự hành Cruise
SoftBank đầu tư 150 triệu USD cho nền tảng “vũ trụ ảo” metaverse
SoftBank rót 93 triệu USD vào game blockchain
1 năm trước
Tuyển dụng nhân tài