multi-media / Megastory

Ảo ảnh lợi nhuận ở công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới ByteDance

ByteDance, công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới, là nguồn động lực đưa nhiều nhà đầu tư mạo hiểm (VC) vào danh sách Midas hơn bất kỳ khoản đầu tư nào khác, bao gồm cả người giữ vị trí số một. Nhưng hàng chục tỉ đô la Mỹ lợi nhuận trên giấy tờ vẫn bị chặn lại trong tình hình bế tắc pháp lý mà chưa có giải pháp nào khả dĩ.

Đó là khoản lợi nhuận đầu tư mạo hiểm lớn nhất mà không ai muốn nhắc đến.

ByteDance – công ty mẹ của ứng dụng truyền thông xã hội TikTok tại Trung Quốc – là công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới. Ngay cả khi định giá chỉ còn 220 tỉ đô la Mỹ, giảm từ mức cao nhất 500 tỉ đô la Mỹ trên thị trường thứ cấp vào năm 2021, công ty này vẫn tiếp tục là lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư. (SpaceX, công ty tên lửa của Elon Musk, xếp thứ hai với định giá 140 tỉ đô la Mỹ.)

Đối với các nhà đầu tư, một số người trong đó đã ủng hộ ByteDance từ khi còn ở mức định giá hàng triệu đô la Mỹ, đợt chào bán công khai (IPO) của công ty này sẽ đồng nghĩa với hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đô la Mỹ lợi nhuận, ngay lập tức biến họ thành những nhà đầu tư sở hữu các khoản đặt cược hàng đầu của mọi thời đại.

Những gì công ty này đã làm được để đưa các nhà đầu tư vào Midas List (danh sách các nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Forbes) nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác, mặc dù danh sách này ưu tiên tính thanh khoản hơn lợi nhuận trên giấy tờ.

Và việc các nhà đầu tư đang giữ im lặng, tránh nhắc đến ByteDance cũng là chuyện hiếm có đối với bất kỳ khoản đầu tư mạo hiểm nào. Forbes đã liên hệ với mọi thành viên trong danh sách Midas 2023 có đầu tư vào ByteDance, bao gồm người xếp vị trí số một Neil Shen của quỹ Sequoia China, giám đốc hội đồng quản trị ByteDance và số 71 Anton Levy của General Atlantic, công ty cũng giữ một ghế trong hội đồng quản trị. Không ai đồng ý trao đổi công khai về khoản đầu tư hoặc triển vọng của công ty này.

Forbes đã nghe được lý do từ một số cuộc trò chuyện với các nhà đầu tư yêu cầu giấu tên, cũng như các chuyên gia và nhà phân tích thị trường thứ cấp. Nguyên nhân rất đơn giản: TikTok. Ứng dụng mạng xã hội này cực kỳ phổ biến ở Hoa Kỳ, với 150 triệu người dùng, trong đó có năm triệu doanh nghiệp, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi.

Vào tháng 3.2023, Forbes đăng tải thông tin FBI và bộ Tư pháp đang điều tra việc ByteDance sử dụng ứng dụng TikTok để giám sát các nhà báo Mỹ, bao gồm cả các phóng viên của Forbes.

Các tính năng khác, từ nút “heating” có thể khiến các bài đăng lan truyền rộng rãi, thư viện các “từ nhạy cảm” mà ByteDance theo dõi trên ứng dụng của mình, cho đến việc dữ liệu người dùng vẫn có thể truy cập được ở Trung Quốc dù đã bị xóa nhiều năm, đã biến TikTok trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi về mặt chính trị.

Vài năm sau khi các tòa án liên bang ngăn cản chính quyền Trump cấm TikTok, một số nhà lập pháp và chính quyền của tổng thống Biden đã tiếp tục đẩy mạnh lời kêu gọi đó, thể hiện qua việc chính phủ Mỹ cảnh báo rằng nếu ByteDance không bán TikTok, ứng dụng này sẽ bị cấm.

Tình trạng bất ổn định đó – cùng vai trò không rõ ràng của chính phủ Trung Quốc, vốn tuyên bố “kiên quyết phản đối” việc mua bán – khiến các nhà đầu tư mạo hiểm của TikTok cảm thấy tốt nhất không nên đụng đến vấn đề này.

Dù một số nhà đầu tư đã bán số cổ phần nhỏ hơn và tình trạng này có thể sẽ còn tiếp diễn, nhưng theo thông tin của Forbes, các thành viên kiếm được hàng tỉ đô la Mỹ của danh sách Midas vẫn đang bình tĩnh chờ đợi.

Và thị trường thứ cấp – nơi mức định giá 220 tỉ đô la Mỹ của ByteDance khá ổn định trong những tuần gần đây ngay cả khi CEO của TikTok, Shou Zi Chew, phải chịu áp lực nặng nề trong phiên điều trần trước Quốc hội – gần như đã không còn sôi sục.

Sequoia và General Atlantic, những doanh nghiệp đang giữ ghế trong hội đồng quản trị từ chối bình luận. ByteDance không phản hồi yêu cầu bình luận của Forbes.

“Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, cổ phiếu ByteDance có trở thành vấn đề rắc rối không?” một nhà đầu tư ByteDance yêu cầu giấu tên tỏ ra nghi ngại. “Đó là điều chúng tôi đang cố gắng xác định.”

Nếu không dính dáng đến chính trị, các nhà đầu tư sẽ rất hào hứng khi nói về một doanh nghiệp “to như quái vật” đã sẵn sàng tiến vào thị trường đại chúng – đây là điều một nhà đầu tư khác của ByteDance chia sẻ với Forbes gần đây.

Theo các thông tin của The Information The Economist và nguồn tin mà Forbes xác nhận, công ty đã thu về khoảng 80 tỉ đô la Mỹ doanh thu và 25 tỉ đô la Mỹ lợi nhuận hoạt động gộp, giúp ByteDance thu hẹp  khoảng cách đạt tới quy mô gần bằng với Tencent, công ty cổ phần công nghệ đại chúng của Trung Quốc với mức vốn hóa thị trường khoảng 470 tỉ đô la Mỹ.

Nếu ByteDance niêm yết thì thương vụ IPO này có thể sẽ soán ngôi đợt IPO của Alibaba, doanh nghiệp huy động được 25 tỉ đô la Mỹ với mức vốn hóa thị trường 231 tỉ đô la Mỹ vào năm 2014, trở thành đợt IPO công nghệ lớn nhất từ trước đến nay.

Khi Shen đầu tư lần đầu vào ByteDance năm 2014 qua vòng gọi vốn Series C, công ty Sequoia China có trụ sở tại Trung Quốc của ông, công ty quản lý quỹ cho thương hiệu Sequoia toàn cầu, đã sở hữu 10% cổ phần với mức định giá 465 triệu đô la Mỹ.

Lẽ ra Shen có thể mua với giá còn rẻ hơn thế vào một năm trước, ở mức 60 triệu đô la Mỹ, nhưng ông bỏ lỡ cơ hội. Sau thời điểm đầu tư năm 2014, ông rót nhiều tiền hơn vào ByteDance trong hầu hết các vòng gọi vốn tiếp theo, ngoại trừ vòng cấp vốn do SoftBank dẫn đầu vào năm 2018.

Các quỹ tăng trưởng toàn cầu của Sequoia sau đó cũng đầu tư vào ByteDance; công ty đã mua thêm cổ phần thông qua các đợt chào bán thứ cấp vào năm 2020. Theo một nguồn tin hiểu rõ tình hình, tổng cộng hiện nay Sequoia nắm giữ hơn 10% cổ phần của ByteDance, được định giá hơn 22 tỉ đô la Mỹ trên giấy tờ. Shen và Sequoia từ chối bình luận.

Một công ty khác, Susquehanna International Group (SIG), được cho là nắm giữ số cổ phần thậm chí còn lớn hơn. SIG lần đầu rót vốn vào ByteDance năm 2012 và đầu tư cùng với người xếp thứ 54 trong danh sách Midas, Yi Cao của Source Code Capital, trong hai vòng tiếp theo trước khi Shen tham gia.

Theo báo cáo, SIG nắm giữ khoảng 15% ByteDance. SIG không được xem xét cho danh sách Midas vì đây không hoàn toàn là một công ty đầu tư mạo hiểm. Công ty cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

Trong số các thành viên khác thuộc danh sách Midas sở hữu cổ phần của ByteDance có người xếp thứ 10 Hans Tung của GGV Capital, số 20 Scott Shleifer của Tiger Global, vị trí 37 Marc Stad của tập đoàn đầu tư Dragoneer và số 71 Anton Levy của General Atlantic.

Nhiều công ty đầu tư gián tiếp vào ByteDance thông qua Musical.ly, ứng dụng hát nhép được ByteDance mua lại vào năm 2017. Theo công ty theo dõi dữ liệu khởi nghiệp PitchBook, Qiming Venture Partners, công ty có giám đốc hợp danh cũ là JP Gan vào danh sách Midas năm 2022, đã bán cổ phần của mình vào năm 2019 với mức định giá 95 tỉ đô la Mỹ, bỏ túi 113 triệu đô la Mỹ.

Theo một nguồn tin, GGV, cũng đầu tư vào Musical.ly, đã bán phần lớn cổ phần của mình. Qiming và GGV không trả lời yêu cầu bình luận. (Chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu điều tra vụ mua bán vào năm 2019. Năm 2020, tổng thống Donald Trump tuyên bố vụ mua bán không hợp lệ theo sắc lệnh hành pháp, nhưng lệnh này đã bị tòa án Liên bang bác bỏ.)

“Mọi người đã bán khá nhiều và đang tranh luận về việc bán thêm,” một nhà đầu tư có hiểu biết về định hướng nội bộ của một số công ty nắm giữ cổ phiếu ByteDance cho biết. Theo ba nguồn tin, các công ty có cổ phần lớn nhất hoặc mới đầu tư gần đây, bao gồm SIG, Sequoia, General Atlantic và Coatue, đã đầu tư vào năm 2021, hầu hết đều không có dao động.

Đặc biệt, Sequoia chưa bao giờ bán một cổ phần ByteDance nào. “Khó có chuyện các cổ đông lớn sẽ bán cổ phần,” một nguồn tin cho biết thêm. Tất cả các công ty đều từ chối bình luận.

Các cổ đông của ByteDance muốn bán thì phải cạnh tranh với thị trường thứ cấp hiện cũng đang lo lắng vì lời đe dọa từ phía chính quyền Mỹ. Một số giao dịch đang được diễn ra – SIG và SoftBank được cho là đã bán số cổ phiếu trị giá hơn 100 triệu đô la Mỹ vào tháng 3.2023, theo PitchBook – nhưng không phải ở quy mô hàng tỉ đô la Mỹ để có thể trở thành yếu tố gây chuyển biến đối với các cổ đông lớn hơn của ByteDance.

Một điểm gây tranh cãi là mức giá hợp lý của ByteDance. Các quỹ tương hỗ AIG, Fidelity, BlackRock và T. Rowe Price vẫn đánh giá cổ phiếu công ty thuộc phạm vi định giá từ 260-320 tỉ đô la Mỹ. Notice, nhà cung cấp dữ liệu theo dõi giá mua và bán cho cổ phiếu thứ cấp, ước tính giá theo thời gian thực là khoảng 180 tỉ đô la Mỹ, tương đương mức định giá ở vòng cấp vốn vào tháng 12.2020 của ByteDance.

Notice dẫn chứng một số lệnh mua và bán để ngỏ cho ByteDance, với tổng trị giá hơn ba tỉ đô la Mỹ tiền lãi tiềm năng. Tuy nhiên, Chuck Taylor, phó chủ tịch của Notice cho biết, công ty không có hồ sơ về bất kỳ lệnh mua và bán để ngỏ nào chuyển thành giao dịch, một điều bất thường đối với công ty lớn được quan tâm như vậy. Ông nói thêm: “Có thể khẳng định rằng tình trạng săn đón trước đây không còn nữa.”

Glen Anderson, nhà môi giới – đại lý cổ phiếu ByteDance tại Rainmaker Securities, cho biết các nhà đầu tư tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến ByteDance ở mức vốn hóa thị trường từ 220-225 tỉ đô la Mỹ, trong khi người bán thể hiện họ sẵn sàng bán ở mức từ 235-240 tỉ đô la Mỹ.

Anderson cho biết: “gần như tất cả” các giao dịch mua và bán đó đều nằm trong khoảng từ 50-100 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, ông nói thêm những người bán thường gộp một loạt các cổ phần nhỏ hơn lại với nhau, chứ không chào bán cổ phần của một cổ đông trên bảng giá trị vốn hóa của ByteDance.

Anderson cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy thị trường đó vẫn không thay đổi nhiều về giá giữa những ồn ào đe dọa từ phía chính quyền Mỹ.” Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng những con số này mới bằng một nửa giá trị của các giao dịch năm 2021, đồng nghĩa với mức vốn hóa thị trường hơn 400 tỉ đô la Mỹ, nguyên nhân cũng gồm tình trạng bất ổn do quy định cấm TikTok có khả năng thành hiện thực.

Anderson lưu ý những người nắm giữ cổ phiếu ByteDance hi vọng sẽ tránh được số phận của các nhà đầu tư vào Juul, công ty thuốc lá điện tử bị các cơ quan quản lý đánh sập và bị công ty Altria mua lại với giá cổ phiếu giảm 98%.

Anderson nói thêm: “Nếu không có rủi ro pháp lý nào xảy ra thì sẽ có một đợt tăng giá. So với các công ty công nghệ khác, cổ phiếu của ByteDance có vẻ đang được giao dịch khá rẻ. Tuy nhiên, tình hình này không khả quan lắm.”

Đối với thành viên danh sách Midas có đầu tư vào ByteDance, thị trường thứ cấp sôi động giúp giảm bớt cạnh tranh từ các thành viên góp vốn tiềm năng đang chờ thu lợi nhuận từ các quỹ mà họ hậu thuẫn. Nguồn lợi lớn vẫn là IPO, dù TikTok có được bán hay không.

Một nhà đầu tư của ByteDance lập luận rằng kết quả lý tưởng là các chính trị gia Hoa Kỳ, sau khi gây ồn ào về vấn đề này và tạo được chủ đề gây tranh cãi, sẽ lặng lẽ bỏ qua ý tưởng thực thi lệnh cấm. Sau đó, ByteDance có thể xem xét niêm yết kép ở Hoa Kỳ và Hong Kong để mang lại lợi nhuận tối đa cho cổ đông.

Nếu không làm được điều đó, lựa chọn tốt nhất tiếp theo dành cho các nhà đầu tư sẽ là thương vụ bán hoạt động kinh doanh toàn cầu của TikTok, tạo cơ hội cho họ nắm giữ cổ phần trong ByteDance và TikTok khi là hai thực thể tách biệt – nghĩa là có các đợt IPO riêng biệt.

Jacob Helberg, tác giả viết về đầu tư, người được bổ nhiệm làm ủy viên ủy ban đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung của chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vào năm 2022, cho biết: “Khá nhiều thành phần” trong Quốc hội sẽ thông cảm nếu việc thoái vốn được thực hiện đúng cách để giải quyết các mối quan ngại về an ninh quốc gia. (Ông cũng nói thêm rằng mình hoài nghi về khả năng này.)

Helberg cho biết, việc ByteDance bán TikTok sẽ phải tuân thủ luật xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc. Một nhà đầu tư ByteDance cũng đồng tình rằng thương vụ như vậy dường như khó xảy ra vào thời điểm hiện tại vì lý do đó. “Tôi nghĩ tốt nhất là họ nên bán đi, nhưng chính phủ Trung Quốc không cho phép họ làm điều đó,” nguồn tin cho biết. “TikTok có quyền truy cập vào các mô hình và thuật toán mà họ không muốn chia sẻ.”

Nếu không có thỏa thuận, hoặc tình hình không có diễn biến mới, các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với kịch bản tệ hơn: TikTok bị cấm ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác, và hoạt động kinh doanh của ByteDance chỉ có thể quẩn quanh tại Trung Quốc.

Trong trường hợp đó, sự rõ ràng về quy định có thể mở đường cho đợt IPO ở Trung Quốc, một hướng khác giúp thoái vốn. Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush cho biết trong email: “Chúng tôi cho rằng lệnh cấm có thể sẽ trở thành yếu tố xúc tác thương vụ niêm yết ở Hong Kong.”

Kết quả thực sự tồi tệ nhất đối với các nhà đầu tư là không có “quả ngọt” nào cả. Chừng nào TikTok còn trong tình trạng lấp lửng về quy định, thì các kịch bản thoái vốn của các nhà đầu tư mạo hiểm cũng vậy. Hàng tỉ đô la Mỹ lợi nhuận trên giấy tờ của họ đủ để vào danh sách Midas. Nhưng họ vẫn chưa thể thu về tiền mặt.

Helberg cho biết: “Với các nhà đầu tư mà tôi quen, điều đáng lo lắng hơn không phải là tính thanh khoản của cổ phiếu mà là liệu họ có thể chuyển những khoản tiền đó về Mỹ hay không. Ví dụ, trong trường hợp xảy ra bế tắc địa chính trị với Đài Loan, ý tưởng rằng mình có thể thu hồi một lượng tiền lớn sẽ chỉ hoàn toàn là ảo tưởng. Dòng vốn sẽ bị chặn lại.”

Đó là lý do vì sao, mặc dù ByteDance hiện đã có vai trò quá lớn trong danh mục đầu tư của họ, nhưng có nhà đầu tư đã cười lớn khi được hỏi tại sao các đồng nghiệp của họ không nói về khoản đầu tư này trong hồ sơ. Theo họ: “Làm thế chẳng khác gì giơ tay kêu gọi sự chú ý từ chính phủ Trung Quốc, hoặc một nhà lập pháp nào đó của Hoa Kỳ. Nếu không phải vì lý do chính trị, chúng tôi sẽ khoe khoang về khoản đầu tư này khắp nơi.”

Cập nhật: TikTok đã đệ đơn kiện chính quyền Montana sau khi bang này ra lệnh cấm TikTok, và sẽ thành luật vào 1.1.2024. Lý do TikTok đưa ra là luật này “tước đi một trong những quyền tự do cơ bản một cách trái pháp luật.”

Biên dịch: Quỳnh Anh

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 118, tháng 6.2023