multi-media / Megastory

“Liệu cơm gắp mắm”, Stapimex vươn lên thành á quân xuất khẩu của ngành tôm Việt

Stapimex, công ty chế biến tôm xuất khẩu được ví là hiện tượng của ngành tôm Việt Nam khi doanh thu xuất khẩu đạt hơn 300 triệu đô la Mỹ năm 2022, chiếm gần 8% tỉ trọng xuất khẩu toàn ngành.

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã ngồi trên chuyến “tàu lượn siêu tốc” đầy cảm xúc trong năm 2022. Giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 10 tỉ đô la Mỹ, gấp mười lần so với năm 2000.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng vừa tổ chức lễ mừng ngành thủy sản đạt kỷ lục mới trong năm 2022. Nhưng trớ trêu, giai đoạn này cũng là thời điểm đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong ngành liên tục suy giảm, đặc biệt với mặt hàng tôm.

Là một trong những đơn vị chế biến tôm xuất khẩu đầu tiên tại Việt Nam, ra đời năm 1978, ban lãnh đạo công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) qua các thời kỳ đều kiệm lời trước truyền thông. Thế hệ lãnh đạo hiện tại là những người có khoảng 30 năm làm việc tại công ty này, lại càng trở nên dè dặt khi nền kinh tế nói chung và ngành thủy sản nói riêng đang ở vào giai đoạn khó khăn.

Ông Tạ Văn Vững, tổng giám đốc Stapimex tiếp phóng viên Forbes Việt Nam tại trụ sở công ty nằm trên quốc lộ 1A qua thành phố Sóc Trăng. Cái nắng đầu giờ trưa rọi thẳng vào phòng họp càng khiến không khí trong phòng trở nên ngột ngạt. “Chúng tôi đang cố gắng hết sức nhưng không biết gồng được đến bao nhiêu tháng nữa và khi nào thì sức mua tăng trở lại,” ông Vững sốt ruột về những câu hỏi khó chưa tìm được lời giải.

Ông Tạ Văn Vững, tổng giám đốc Stapimex (Ảnh: Forbes Việt Nam).

Vị lãnh đạo này khiêm tốn miêu tả công ty giữ nhịp phát triển “đều đều, liệu cơm gắp mắm” suốt hơn 40 năm qua, dù đôi lúc cái tên Stapimex được nhắc đến như một hiện tượng trong ngành tôm. Chẳng hạn năm 2020, lãi ròng của công ty cao hơn “vua tôm” Minh Phú 12% trong khi kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng một nửa.

So sánh dữ liệu cho thấy, mỗi 100 đồng đầu tư của vốn chủ sở hữu Stapimex năm 2020 tạo ra gần 55 đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi với Minh Phú chỉ gần 13 đồng. Hoặc với 100 đồng đầu tư vào tài sản của Stapimex mang về 41 đồng lợi nhuận trước lãi vay và thuế, trong khi ở Minh Phú chỉ 7,5 đồng.

Số liệu theo tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu ngành năm 2022 đạt kỷ lục khoảng 11 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt 22% so với kế hoạch năm. Tôm và cá tra là hai ngành hàng chiếm gần 68% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành; trong đó tôm mang về 4,2 tỉ đô la Mỹ (tăng khoảng 13% so với năm 2021).

Theo số liệu VASEP cung cấp cho Forbes Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu của Stapimex đạt hơn 305 triệu đô la Mỹ, chiếm 7,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam và xếp thứ hai, chỉ sau “vua tôm” Minh Phú. Trong ba nhóm sản phẩm tôm tươi, tôm hấp và hàng giá trị gia tăng (tôm tẩm bột tươi và tôm tẩm bột chiên), mặt hàng chủ lực của Stapimex là tôm thẻ chân trắng tươi.

Công ty này chỉ có hai xí nghiệp chế biến đều nằm ở tỉnh Sóc Trăng, với công suất chế biến khoảng 45.000 tấn nguyên liệu mỗi năm. Sự khác biệt lớn nhất ở Stapimex với các công ty cùng ngành đó là chỉ tập trung vào thu mua nguyên liệu về chế biến. Họ không sở hữu những vùng nuôi hàng ngàn héc ta như Minh Phú, không có nhà máy thức ăn hay nơi sản xuất giống.

Chứng nhận từ các tổ chức quốc tế về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt như BAP (Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất), GlobalGAP hay ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản) được ví như giấy thông hành cho doanh nghiệp xuất khẩu đến các thị trường có hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật cao như Mỹ, châu Âu.

Nếu có kế hoạch mở trang trại lớn, đạt các chứng nhận này thì một doanh nghiệp có quy mô khiêm tốn với vốn điều lệ chỉ 77,5 tỉ đồng như Stapimex không chỉ gặp thách thức về vốn liếng, kỹ thuật và quản lý mà còn đối mặt vấn đề hạn điền. “Chúng tôi cũng muốn làm vùng nuôi, thức ăn, con giống nhưng nguồn lực không có. Thứ hai là vấn đề đất đai vì cần có diện tích lớn,” ông Vững nói về cách hoạt động chỉ tập trung vào chế biến của Stapimex.

Khoảng 40% nguồn nguyên liệu đầu vào cho hai xí nghiệp của Stapimex đến từ mối liên kết với sáu hợp tác xã trên diện tích hợp tác 500 héc ta và công ty sở hữu vùng nuôi khoảng 70 héc ta. Phần còn lại, họ thu mua từ các hộ nuôi bên ngoài với chủng loại và số lượng linh hoạt theo đơn đặt hàng của đối tác ở từng thời điểm. Thông thường, công ty tập trung mua tôm cỡ trung và lớn, “vì mua tôm cỡ nhỏ, nông dân sẽ không có lãi” (kích thước loại tôm lớn từ 25–30 con/kg, còn tôm trung bình từ 40–50 con/kg).


Từ một xưởng sơ chế nguyên liệu tôm tự nhiên, Stapimex đổi tên thành công ty Thủy sản xuất nhập khẩu tổng hợp Sóc Trăng vào năm 1993 sau khi tỉnh này tách ra từ tỉnh Hậu Giang. Với thị trường xuất khẩu ban đầu là Nhật Bản, công ty dần đưa sản phẩm vào Mỹ sau khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ kinh tế.

Đến năm 1998, kim ngạch xuất khẩu của Stapimex đạt gần 40 triệu đô la Mỹ, gấp mười lần năm 1992. Ba năm sau khi áp dụng hệ thống truy xuất nguyên liệu đến ao nuôi, Stapimex được cổ phần hóa từ năm 2006 và bước vào giai đoạn chuyển đổi khi phần vốn sở hữu nhà nước giảm dần.

Thời điểm năm 2007, nhà nước nắm hơn 43% vốn tại Stapimex trong khi Sacombank và quỹ VFM mỗi đơn vị nắm gần 11%. Khi đó, ông Trần Văn Phẩm là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc, ông Tạ Văn Vững là phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm kế toán trưởng.

Còn hiện nay, phần lớn vốn sở hữu thuộc về cán bộ nhân viên công ty. Trong đó, chủ tịch Trần Văn Phẩm và các thành viên gia đình nắm hơn 20%, tương đương tỉ lệ sở hữu của tổng giám đốc Tạ Văn Vững. Công ty thường chi trả mức cổ tức cao, trong ba năm gần nhất (2020–2022) đều ở mức 100% bằng tiền mặt, tương đương 10.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2022, các thành viên gia đình ông Phẩm liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu Stapimex theo hình thức thỏa thuận.

Cả hai vị lãnh đạo này đều là thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông Phẩm sinh năm 1967, làm việc tại Stapimex từ năm 1990, còn ông Vững sinh năm 1971, đầu quân vào Stapimex từ năm 1993. Ông Vững cho rằng Stapimex có tính tự chủ cao hơn sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ một doanh nghiệp nhà nước. Quá trình quản lý gắn chặt hơn với quyền lợi, trách nhiệm của người lao động đã giúp công ty hoạt động linh hoạt theo nhu cầu thị trường.

Nhưng sau 15 năm trở thành công ty đại chúng, Stapimex vẫn chưa niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Nếu niêm yết, công ty có thể huy động vốn cho dự tính đầu tư rộng hơn vào chuỗi giá trị như mở rộng vùng nuôi, xây nhà máy sản xuất thức ăn – yếu tố có thể chiếm hơn 50% giá tôm thương phẩm.

Mục tiêu niêm yết ở HoSE đã được nhắc đến trong hầu hết các báo cáo thường niên những năm gần đây của công ty, nhưng không cho thấy thời điểm cụ thể. “Vốn tích lũy của công ty vẫn còn, việc duy trì hoạt động có thể vay ngân hàng với lãi suất thời gian qua có thể chấp nhận được,” ông Vững lý giải.

Người lao động làm việc tại nhà máy chế biến tôm của Stapimex tại Sóc Trăng (Ảnh: Forbes Việt Nam).

Tính đến cuối năm 2021, Stapimex không có nợ dài hạn. 68% nợ ngắn hạn là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Hệ số nợ trên tổng tài sản hay trên vốn chủ của công ty này trong hai năm gần nhất đều dưới 1.

Vị tổng giám đốc gần 30 năm gắn bó với Stapimex nói, công ty phát triển đều đều qua các năm. Kế hoạch thu mua nguyên liệu về chế biến được thực hiện linh động. Khi có đơn đặt hàng, họ thu mua nguyên liệu từ các hợp tác xã, hộ nuôi rồi túc tắc sản xuất. Trong khoảng 3.000 nhân viên của công ty, phần lớn là lao động địa phương.

Những giai đoạn đơn hàng suy giảm như hiện nay, thay vì cho lao động nghỉ việc, họ chọn cách giảm giờ làm. Tận dụng khoảng thời gian này, Stapimex bố trí vài nhân viên tranh thủ tu sửa lại các góc xưởng trong xí nghiệp. Ông Vững hi vọng với các biện pháp cầm cự và bảo toàn lực lượng cả về sức khỏe tài chính lẫn giữ công nhân lành nghề, duy trì chuỗi cung ứng nguyên liệu như hiện nay, họ có thể sẵn sàng đáp ứng khi nhu cầu từ thị trường tăng trở lại.

Việt Nam là quốc gia ở vị trí thứ ba trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, chiếm trên 7% thị phần (đứng sau Trung Quốc và Na Uy). Trong sáu nước nuôi tôm có sản lượng cao trên thế giới, Việt Nam đang có hai đối thủ lớn là Ecuador và Ấn Độ. Cả hai quốc gia này đều có thế mạnh về sản lượng lớn và giá bán thấp. Riêng Ecuador còn có lợi thế về khoảng cách vận chuyển khi gần Mỹ, thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Với Stapimex, Mỹ cũng là thị trường quan trọng bậc nhất (chiếm khoảng 40%), theo sau là châu Âu và Canada.

Ông Vững nhìn lại năm 2022 với khó khăn kép, bởi không chỉ đơn hàng suy giảm mà ở thị trường nội địa, nguồn cung nguyên liệu cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt do sự bất thường của độ mặn và dịch bệnh phát sinh. Trong khi đó, Ecuador chỉ gặp khó về thị trường nhưng bù lại họ được mùa nuôi, kéo giá thành lên tốt hơn tôm Việt Nam.

“Kinh doanh mọi năm như đồ thị hình sin, có lên có xuống, còn năm 2022, sau khi lên cao chót vót quý đầu năm rồi lao dốc từ tháng tư mà chưa biết điểm dừng,” ông Vững ví von.

Điều này khiến kế hoạch kinh doanh năm 2022 được Stapimex đặt ra với kim ngạch 340 triệu đô la Mỹ và sản lượng 30.000 tấn có thể không đạt được, khi sau 11 tháng mới đạt khoảng 90%. Không chỉ tổng giám đốc Stapimex giữ góc nhìn không mấy tươi sáng về ngành trong năm 2023 do khó khăn kép vẫn tồn tại và chưa biết đà suy giảm kéo dài tới khi nào.

Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP cũng dự đoán tình hình khó khăn có thể kéo dài đến hết quý 2.2023. Dù vậy, ông kỳ vọng tình thế có thể thay đổi nhanh hơn, hi vọng hết quý 1.2023, thị trường dần hồi phục.

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) đưa ra nhiều điểm bất lợi trong ngành tôm với khó khăn đến ngay từ đầu năm 2023 và “chưa biết diễn tiến kéo dài bao lâu, đòi hỏi người trong cuộc hết sức bình tĩnh để từng bước tháo gỡ, vượt qua.”

Đầu tiên, giá các loại đầu vào nuôi tôm đều có xu hướng tăng, đẩy giá thành tăng. Nếu cung cầu bất lợi do lạm phát, suy thoái toàn cầu và Ecuador tiếp tục duy trì mức cung ứng tôm cao như năm vừa qua, giá tôm thương phẩm Việt Nam có thể giảm bất ngờ và ở mức không nhỏ. Đồng thời, nếu thắt chặt tín dụng, khả năng người nuôi sẽ không đủ vốn theo đuổi vụ mới.

Tuy nhiên, dự báo thời tiết cho thấy năm 2023 sẽ thuận lợi cho môi trường nuôi tôm tại Việt Nam và vụ chính có thể thả giống sớm. Ngoài ra, giá tôm thương phẩm đang duy trì mức khá cao, sẽ là động lực không nhỏ để người nuôi mạnh dạn thả giống nuôi.

“Ngành này kinh doanh phụ thuộc vào người nuôi. Người nuôi tốt thì chúng tôi có nguồn nguyên liệu đầy đủ và chất lượng,” ông Vững nói và kỳ vọng 2023 sẽ là năm “tiền hung hậu kiết” với ngành tôm của Việt Nam.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 113, tháng 1.2023